Gần 30.000 tỷ đồng rót vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 9
Tính riêng tháng 9/2021, nhóm bất động sản hút 8.394 tỷ đồng phát hành riêng lẻ bằng lãi suất cao. Chuyên gia cảnh báo đây là mầm mống "Evergrande phiên bản Việt"...
Số liệu mới nhất cập nhật từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, trong tháng 9/2021 có 42 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp, huy động 29.734 tỷ đồng và tất cả thực hiện theo hình thức riêng lẻ.
Nhóm ngân hàng tiếp tục dẫn đầu về khối lượng phát hành với tổng giá trị 13.860 tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 6.200 tỷ đồng trái phiếu phát hành tăng vốn cấp hai của BIDV, Vietinbank, VIB và MB. Lãi suất chủ yếu thả nổi tham chiếu bình quân lãi suất tiết kiệm 4 ngân hàng nhà nước, dao động từ 6,4% đến 7,9% một năm.
Nhóm bất động sản xếp thứ hai với giá trị phát hành riêng lẻ 8.394 tỷ đồng; trong đó, khoảng 11% trái phiếu có tài sản đảm bảo là cổ phiếu hoặc không có tài sản đảm bảo. Một số tổ chức có khối lượng phát hành lớn gồm Công ty cổ phần Ngôi sao Việt (1.900 tỷ đồng), Công ty cổ phần Thành phố Aqua (1.000 tỷ đồng). Kỳ hạn phát hành chủ yếu trong khoảng 1-5 năm. Lãi suất phát hành dao động trong khoảng 9,5-12%/năm.
Luỹ kế chín tháng đầu năm, thị trường ghi nhận gần 600 đợt phát hành. 582 đợt trong số này là phát hành riêng lẻ để huy động 350.000 tỷ đồng, 14 đợt phát hành ra công chúng huy động 12.000 tỷ đồng và 3 đợt phát hành ra thị trường quốc tế với tổng giá trị 1 tỷ USD.
Cũng theo VBMA, từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều doanh nghiệp dự kiến huy động vốn lớn bằng trái phiếu. Điển hình như Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC) đã phê duyệt phương án phát hành trái phiếu 2.500 tỷ đồng, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long huy động trái phiếu hai đợt tổng trị giá 950 tỷ đồng với lãi suất dự kiến 9,5% cho năm đầu tiên và thả nổi cho các năm tiếp theo...
Liên quan đến câu chuyện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia nhận xét, tại Việt Nam, nhiều tập đoàn bất động sản phát hành cả chục nghìn tỷ đồng nhưng không ai giám sát, đánh giá xếp hạng tín nhiệm.
"Bẫy lãi suất rất thịnh hành tại Việt Nam. Người dân bỏ qua nhiều lời cảnh tỉnh của giới chuyên môn, nhà điều hành và lách luật để bằng mọi giá sở hữu trái phiếu doanh nghiệp".
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Covid-19 khiến dòng tiền doanh nghiệp cạn kiệt, khi đó "quả bom nợ" nằm ở nơi phát hành trái phiếu doanh nghiệp lãi suất cao chứ không phải những tập đoàn đang dẫn đầu ngành.
Hiện nay, tác động trực tiếp rõ nét nhất của dịch bệnh tới thị trường bất động sản chính là việc cho thuê văn phòng, cửa hàng, khách sạn bị sụt giảm mạnh. Nhiều dự báo cho thấy, phân khúc này chỉ có thể trở lại bình thường sau 6 tháng hoặc khi du lịch quốc tế được mở cửa.
Do đó, ông Nghĩa nhận định, câu chuyện nợ của Tập đoàn Evergrande (Trung Quốc) như một lời cảnh báo đối với thị trường bất động sản trong nước để tránh việc hình thành những "bom nợ Evergrande" phiên bản Việt Nam. Đồng thời, nhà quản lý cần minh bạch để tránh được "bom nợ", nhất quyết không để tình trạng lái xe, tạp vụ, bảo vệ… thành lập công ty riêng rồi đi vay vốn hộ ông chủ.
"Các văn bản luật, quy định của Ngân hàng Nhà nước rất rõ như một doanh nghiệp được vay bao nhiêu phần trăm vốn điều lệ, một ngân hàng không được cho doanh nghiệp vay bao nhiêu phần trăm vốn tự có. Nhưng thực tế tất cả đều rối tung rối mù lên, bị lách qua dễ dàng bằng công ty con, công ty cháu, công ty liên kết. Nếu nhà quản lý không cẩn thận, câu chuyện Evergrande sẽ có phiên bản tại Việt Nam trong tương lai gần chứ không xa, chỉ 2 – 3 năm tới. Thậm chí hậu quả còn đi rất xa bởi liên quan đến doanh nghiệp "sân sau" của các ngân hàng thương mại", TS. Lê Xuân Nghĩa lưu ý.