Gần 60% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam dự kiến có lãi năm 2022
Tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản dự báo có lãi trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam là 59,5%, tăng 5,2 điểm phần trăm so với năm trước nhưng vẫn thấp hơn so với ASEAN và một số quốc gia thu hút FDI mạnh khu vực châu Á…
Kết quả khảo sát hơn 1.800 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài trong năm tài chính 2022 được Tổ chức Xúc tiên Thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố mới đây cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp dự báo có lãi trong hoạt động kinh doanh là 59,5%.
Dù tỷ lệ doanh nghiệp dự báo có lãi tăng so với năm 2021 (54,33%) song tỷ lệ này vẫn thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ trung bình khu vực ASEAN (63,5%) và một số quốc gia khác như Hàn Quốc (85,5%), Singapore (73,5%), Ấn Độ (71,9%) và Trung Quốc (64,9%)…
Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp có lãi của ngành chế tạo và phi chế tạo đều tăng so với năm trước, lần lượt tăng 3,6 điểm phần trăm và 6,1 điểm phần trăm lên 61,1% và 57,6%. Trong đó, các ngành máy móc vận chuyển (100% doanh nghiệp dự báo có lãi); cao su, gốm sứ, đất đá (84,6%); giấy, sản phẩm gỗ, in ấn (75%) thuộc Top 3 nhóm ngành chế tạo có số doanh nghiệp lạc quan về triển vọng thị trường.
Trong khi đó, tài chính – bảo hiểm, giáo dục – y tế, nông lâm thủy sản là 3 nhóm ngành có tỷ lệ doanh nghiệp dự báo lạc quan nhất về triển vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2022 (đều với tỷ lệ 100%).
Theo JETRO, lý do khiến tình hình sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản cải thiện là do nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch từ việc nới lỏng hạn chế đi lại, cải thiện năng suất ngành, mở rộng xuất khẩu, tăng tiêu thụ nội địa.
Tuy nhiên, tăng chi phí mua nguyên vật liệu, linh phụ kiện, chi phí logistics, biến động tỷ giá, chi phí nhân công và ảnh hưởng từ chiến sự Ukraine là những lý do khiến hoạt động của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam suy giảm.
Với bối cảnh như vậy, JETRO cho biết 60% doanh nghiệp được hỏi cho biết sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong 1-2 năm tới (tăng 4,7 điểm phần trăm so với năm trước), đứng đầu các quốc gia ASEAN, chỉ sau Ấn Độ và Bangladesh. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp thu hẹp sản xuất hoặc chuyển sang nước/khu vực thứ ba chỉ là 1,1% (giảm 1,1 điểm phần trăm so với năm trước), thấp nhất khu vực ASEAN.
“Điều này cho thấy các doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng gắn bó lâu dài với thị trường Việt Nam”, JETRO nhận định.