15:07 19/12/2022

Tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan FTA của doanh nghiệp Việt đang giảm

Hoàng Lan

“Tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có xu hướng giảm (từ mức kỷ lục 39,7% năm 2017 giảm dầnxuống mức 32,7% năm 2021) và diễn tiến không ổn định với từng hiệp định. Điều này cho thấy các doanh nghiệp dường như chưa có chiến lược ổn định cho việc tận dụng các ưu đãi”, TS. Nguyễn Thị Thu TrangGiám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc VCCI cho biết.

Xuất khẩu năm 2023 dự kiến nhiều khó khăn.
Xuất khẩu năm 2023 dự kiến nhiều khó khăn.

Khảo sát năm 2022 của VCCI cho thấy, trong số các doanh nghiệp từng ít nhất được hưởng ưu đãi thuế quan với 1 lô hàng, có tới trên 34% doanh nghiệp cho biết là nhờ hàng hóa, quy trình sản xuất của họ may mắn đã đáp ứng các quy tắc xuất xứ FTA mà không phải là do chủ động chuyển đổi để đáp ứng các điều kiện về xuất xứ này.

NHỮNG LỰC CẢN TRONG THỰC THI FTA

Theo kết qủa khảo sát của VCCI, “Không biết về các lợi ích của FTA” luôn nằm trong tốp đầu các lý do khiến doanh nghiệp chưa được hưởng lợi từ FTA (chỉ đứng sau lý do về thực tế “chưa có giao dịch với đối tác FTA”).

Về những lực cản khiến doanh nghiệp khó hiện thực hóa các cơ hội tiềm năng từ các FTA, doanh nghiệp lo ngại nhất là về các biến động và bất ổn của thị trường (46,8% doanh nghiệp), hạn chế trong năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (46,4%), thiếu thông tin về cam kết và cách thức áp dụng (40,1%). Mặc dù đã có sự cải thiện đáng kể so với các năm trước, bất cập trong công tác tổ chức thực thi các FTA của các cơ quan Nhà nước vẫn là lực cản với khoảng 28,2% doanh nghiệp.

Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trung bình đi các thị trường FTA luôn thấp hơn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung.  Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong hai năm 2020-2021 (giai đoạn mà các FTA với tất cả 53 đối tác đã có hiệu lực), tăng trưởng xuất khẩu trung bình đi các thị trường FTA là 10,3%/năm, thấp hơn so với mức 13%/năm tăng trưởng trung bình của xuất khẩu đi toàn thế giới. Nói cách khác, với động lực từ các FTA, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đi các thị trường FTA là khá cao nhưng vẫn chưa bằng tốc độ tăng trưởng trung bình ở các thị trường chưa có FTA (đặc biệt Hoa Kỳ).

Dự báo mới nhất (tháng 10/2022) của nhiều tổ chức quốc tế đều cho thấy viễn cảnh 2023 không sáng sủa đối với xuất khẩu của Việt Nam. 

 

Mặc dù năm 2022 hoạt động xuất nhập khẩu nói chung và với các thị trường FTA nói riêng của Việt Nam vẫn đạt được các kết quả ấn tượng như: tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong 11 tháng đầu năm 2022 đạt 673,8 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 342,2 tỷ USD tăng 13,4%) nhưng tình hình thị trường đã xuất hiện nhiều dấu hiệu bất lợi trong quý 4/2022 và thực tế này dự kiến khó khăn hơn trong năm 2023; thậm chí, có thể tiếp tục phức tạp trong thời gian dài hơn.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của hầu hết các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam năm 2023 đều giảm so với 2022 và giảm sâu so với 2021 (riêng khu vực đồng Euro dự kiến giảm sâu từ 3,1% năm 2022 xuống 0,5% năm 2023, thậm chí là tăng trưởng âm ở các thị trường bạn hàng lớn của Việt Nam ở EU như Đức, Ý...). 

Dự báo của WTO về tăng trưởng nhập khẩu của các thị trường lớn cũng theo chiều hướng tương tự (Bắc Mỹ năm 2023 dự kiến chỉ tăng 0,8% so với mức tăng 8,5% năm 2022 và 12,3% năm 2021; EU thậm chí là -0,7%, trong khi 2022 tăng 5,4% và 2021 8,3%).

Thu nhập giảm, cầu tiêu dùng yếu ở các thị trường xuất khẩu trọng điểm được dự báo trong năm 2023 chắc chắn sẽ khiến quy mô thị trường bị thu hẹp, cạnh tranh gia tăng giữa hàng hóa từ Việt Nam và từ các đối thủ cạnh tranh khác, thậm chí với các ngành sản xuất nội địa ở các thị trường này, đặc biệt là cạnh tranh về giá.

Trong những ngày gần đây, tình hình thị trường có một vài tín hiệu lạc quan hơn; chẳng hạn, Trung Quốc đã nới lỏng đáng kể chính sách ứng phó Covid-19 khiến các nguy cơ về chuỗi cung bớt căng thẳng hay EU dường như đã vượt qua giai đoạn căng thẳng nhất về năng lượng, lạm phát. Tuy nhiên, đó chỉ là vài chỉ dấu trong bối cảnh ảm đạm nói chung. 

TẬN DỤNG FTA ĐỂ GIỮ ĐÀ XUẤT KHẨU

Trong bối cảnh như vậy, ”, TS. Nguyễn Thị Thu Trang Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc VCCI, nhấn mạnh rằng các lợi thế từ FTA, đặc biệt là các ưu đãi thuế quan tiếp tục được mở rộng theo lộ trình trong thời gian tới, có thể là một công cụ hỗ trợ đặc biệt quan trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam, tạo ra lợi thế cạnh tranh để có thể tiếp tục giữ và mở rộng thị phần ở các thị trường này. 

TS Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, VCCI.
TS Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, VCCI.

Để thực hiện được điều này, VCCI đề xuất 3 nhóm giải pháp chính sách tức thời.

Bộ Công Thương, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai các chiến dịch quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt Nam thiết kế riêng cho từng thị trường (ưu tiên thị trường EU và châu Mỹ).

Theo đó, Thương vụ Việt Nam ở các thị trường FTA sẽ (i) xây dựng kênh kết nối đối tác với doanh nghiệp Việt Nam ở từng thị trường và phổ biến thông tin rộng rãi về các kênh kết nối này cho doanh nghiệp; (ii) thiết lập các đầu mối thông tin thị trường (bản tin thị trường, định kỳ cập nhật tình hình thị trường như cung, cầu, các điều chỉnh chính sách...) đối với các sản phẩm xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam.

Trong khi, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương thiết lập 01 Tổng đài hỗ trợ doanh nghiệp về quy tắc xuất xứ FTA, công bố rộng rãi về Tổng đài trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua đó doanh nghiệp biết đến và có thể xin hướng dẫn, tư vấn để hiểu, thực hiện và đáp ứng các quy tắc xuất xứ FTA.

Về các giải pháp chính sách trong dài hạn, VCCI kiến nghị Đảng và Nhà nước xem xét hai định hướng chính.

Thứ nhất, nghiên cứu khả thi và xúc tiến việc đàm phán các FTA mới, ở dạng thức thích hợp (song phương, đa phương/khu vực) với một số thị trường tiềm năng cho xuất khẩu của Việt Nam.

Ví dụ: Hoa Kỳ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam; Nam Mỹ (đặc biệt là Khối MERCOSUR) là khu vực kinh tế nhiều tiềm năng, không cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam; Châu Phi (thông qua Liên minh châu Phi hoặc lựa chọn các nền kinh tế lớn, đầu đàn trong khu vực) vì khu vực này có trình độ phát triển tương đối thấp, có nhu cầu cao đối với các sản phẩm ở tầm trung và thấp, yêu cầu không quá cao về chất lượng, mẫu mã, thương hiệu.

Thứ hai, thiết lập Chương trình đánh giá định kỳ hàng năm về hiệu quả thực thi các FTA một cách toàn diện qua đó nhận diện và xử lý kịp thời các vấn đề cản trở việc tận dụng hiệu quả các FTA.

Trong đó, tập trung đánh giá công tác thể chế, pháp luật, thủ tục hành chính liên quan tới các hoạt động thực thi FTA (đặc biệt là các thủ tục xuất nhập khẩu, kiểm tra chuyên ngành; cấp giấy chứng nhận xuất xứ FTA; và cấp phép và quản lý đầu tư).

Đánh giá tình hình thực thi FTA của doanh nghiệp (đặc biệt là về mức độ hiểu biết, khả năng tận dụng, ảnh hưởng của các FTA, các lực cản trong thực thi FTA của doanh nghiệp).