14:58 19/12/2022

Doanh nghiệp khó tiếp cận ưu đãi về thuế, tín dụng để cải tiến công nghệ

Tùng Thư

Mặc dù đã có một số chính sách hiện hành quy định về ưu đãi về thuế, tín dụngđối với doanh nghiệp công nghệ cao nhưng các chuyên gia đánh giá phần lớn doanh nghiệp hiện nay khó tiếp cận được những chính sách này...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5, cơ quan quản lý và các chuyên gia đã thảo luận nhiều nội dung liên quan đến việc tháo gỡ các rào cản, nút thắt cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, nổi bật lên vấn đề vốn.

LOAY HOAY BÀI TOÁN CON GÀ QUẢ TRỨNG

Luật công nghệ cao năm 2008, Luật đầu tư 2014 và Quyết định số 19/2015/QĐ-TTg, ngày 15 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao thì một trong những tiêu chí để xác doanh nghiệp công nghệ cao là doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao của doanh nghiệp phải đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần hàng năm.

Theo các chuyên gia, điều này là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp trong nước. Bởi hiện nay doanh nghiệp khó khăn trong đổi mới công nghệ do nguồn lực tài chính có hạn, dẫn đến không thể ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất mà có doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao để đạt được tỷ lệ doanh thu theo quy định.

Hiện nay còn tồn tại khoảng trống pháp lý do chưa thống nhất, thiếu đồng bộ giữa các văn bản luật dẫn đến doanh nghiệp và thậm chí cơ quan chức năng loay hoay trong việc thực hiện chính sách ưu đãi với doanh nghiệp công nghệ cao.

Ví dụ như: Thông tư 03 quy định doanh nghiệp công nghệ cao được miễn thuế trong vòng 04 năm đầu, nhưng Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi 2013 lại quy định doanh nghiệp công nghệ cao sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi hưởng mức thuế suất ưu đãi 10% khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 15 năm tính từ ngày được cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp công nghệ cao.

Về chính sách tín dụng: Phát triển công nghệ cao thuộc 1 trong 5 lĩnh vực ưu tiên ưu đãi lãi suất vay ngắn hạn 4,5% theo công bố của Thống đốc Ngân hàng nhà nước. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết thực tế khoa học công nghệ mới đương nhiên là lĩnh vực rủi ro mạo hiểm nên các ngân hàng sẽ không cho vay chưa nói đến ưu đãi. 

 

Chi phí cho nhập khẩu công nghệ thường rất cao, trong khi đó nguồn lực tài chính của phần lớn doanh nghiệp là có hạn, không đủ tiền và không đủ nguồn lực để nhập khẩu công nghệ.

Bên cạnh đó, cho đến nay chưa có văn bản hướng dẫn một cách hệ thống, chi tiết để doanh nghiệp đổi mới, ứng dụng công nghệ cao được hưởng các chính sách ưu đãi về tài chính, tín dụng và thuế.

Ví dụ trong dệt may: Thực tế là đa số các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm 85% tổng số doanh nghiệp, bình quân dưới 200 lao động và 86,3% doanh nghiệp có vốn dưới 50 tỷ vì thế tiềm năng về vốn, hạ tầng kỹ thuật để đầu tư đổi mới công nghệ là không cao.

Mặc dù các doanh nghiệp dệt may gặp nhiều khó khăn trong đổi mới công nghệ như trên nhưng hiện tại, Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp dệt may thông qua các cơ chế không vi phạm các quy định của WTO như: hỗ trợ thông qua việc giảm thuế hoặc hỗ trợ thông qua ưu đãi lãi vay khi đầu tư các công nghệ hiện đại, đặc biệt là các công nghệ 4.0

KHẢO SÁT KỸ THỰC TRẠNG ĐỂ CÓ GIẢI PHÁP PHÙ HỢP

Hiện nay, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào công nghệ cao đã và đang được nhiều ưu đãi đặc biệt là thuế.

Việc ưu đãi thuế và tín dụng cho doanh nghiệp Việt Nam sử dụng công nghệ sẽ tạo động lực nghiên cứu, phát triển và tái đầu tư. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh. 

Để mang lại hiệu quả, cần có những cuộc khảo sát, điều tra hiện trạng cũng như năng lực sản xuất của các doanh nghiệp nội địa đang ở mức nào. Những điểm yếu và thiếu của doanh nghiệp Việt Nam cần được xác định rõ, để qua đó nhà nước và các bên liên quan có thể đưa ra những giải pháp hành động cụ thể. 

 

Cần thí điểm chính sách ưu đãi về tài chính, tín dụng cho các dự án đầu tư, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh, công nghệ tiên tiến có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao vào sản xuất kinh doanh, phục vụ ngành hàng xuất khẩu chủ lực.

Doanh nghiệp Việt Nam đang cần được hỗ trợ gì? Vốn, công nghệ, năng lực sản xuất, vấn đề đầu ra luôn là những rào cản của phát triển. Để giải quyết bài toán hóc búa này, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của nhà nước (thông qua việc hình thành những chính sách hỗ trợ phù hợp trong xuất nhập khẩu, đào tạo lao động chất lượng cao); của các tổ chức tín dụng, ngân hàng (thông qua các khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho ngành chế biến chế tạo).

Để giải quyết các thách thức, tạo động lực cho doanh nghiệp đẩy mạnh đổi mới công nghệ trong hoạt động sản xuất- kinh doanh, kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới cho thấy nhà nước cần có những can thiệp chính sách một cách toàn diện, đủ mạnh, trong đó các chính sách tạo thuận lợi để doanh nghiệp được tiếp cận về tài chính, tín dụng và các ưu đãi về thuế được xem là đòn bẩy quan trọng khuyến khích doanh nghiệp đổi mới và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất của doanh nghiệp.