“Ngày 16/5/2023, Uỷ ban châu Âu (EC) đã thông qua Quy định không gây mất rừng (EUDR). Đây là quy định mới nhất của EU liên quan đến vấn đề phát triển xanh và bền vững.
Theo đó, EUDR cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020, bao gồm: chăn nuôi gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và gỗ, cũng như các mặt hàng được nuôi hoặc sản xuất bằng các sản phẩm đó như da, sôcôla, giấy in, đồ nội thất, than củi và một số dẫn xuất dầu cọ. Cà phê, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ là những ngành hàng chủ lực của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi quy định này.
Ngay từ giai đoạn EC dự thảo quy định trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều cuộc trao đổi chuyên sâu với EC ở cả cấp kỹ thuật và cấp lãnh đạo. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cuả Bộ chuẩn bị Khung kế hoạch hành động thích ứng với EUDR, trong đó đề xuất các nhiệm vụ/giải pháp cụ thể và phân công các cơ quan chuyên môn của Bộ triển khai thực hiện.
Trong bối cảnh EC đưa ra thời hạn hiệu lực để thực thi EUDR vào tháng 12/2024 (tháng 6/2025 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ), chúng ta cần thực hiện ngay các hoạt động để thích ứng với quy định này, tránh ảnh hưởng tới xuất khẩu các ngành hàng cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ, cao su sang thị trường EU nói riêng và thị trường toàn cầu nói chung.
Triển khai Khung kế hoạch hành động thích ứng với Quy định không gây mất rừng EU, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương cùng đồng hành, bổ sung kế hoạch hoạt động của địa phương thích ứng với EUDR.
Trong đó tập trung vào 3 nội dung.
Thứ nhất, giám sát chặt chẽ vùng nguy cơ rủi ro cao (các vùng trồng xen kẽ rừng) đối với các ngành hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR, đặc biệt là cà phê; tăng cường tuần tra/giám sát cộng đồng để bảo vệ rừng.
Thứ hai, xây dựng cơ chế và triển khai thực hiện việc chia sẻ và phản hồi thông tin với các doanh nghiệp nhập khẩu hàng vào EU, theo yêu cầu của EC.
Thứ ba, giao các cơ quan chuyên môn liên quan phối hợp với các đơn vị của Bộ, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế (trong đó có phái đoàn EU tại Việt Nam) xây dựng và công nhận cơ sở dữ liệu quốc gia về rừng tự nhiên và vùng trồng.
Dựa trên dữ liệu về rừng và vùng trồng, phân định các vùng có nguy cơ phá rừng cao, trung bình và thấp, từ đó xác định các giải pháp phù hợp trong việc giám sát, bảo vệ và khôi phục rừng, thiết lập hệ thống truy xuất, hỗ trợ sinh kế, sản xuất bền vững. Cần phải xây dựng và triển khai truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng đến vùng, có gắn với định vị của từng vườn đối với các ngành hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR.
Mặt khác, bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương hỗ trợ các chuỗi giá trị ngành hàng; hỗ trợ chuyển đổi, cải thiện sinh kế cho nông dân, đặc biệt người dân tộc ở khu xen kẽ rừng và tiếp giáp rừng để đáp ứng quy định EUDR”.
“Doanh nghiệp ngành gỗ ở Việt Nam buộc phải chuyển đổi xanh bởi đó là yêu cầu của nhà đầu tư, khách hàng và là xu thế của thời đại. Muốn vậy, doanh nghiệp buộc phải thay đổi cách quản lý, sử dụng công cụ, vật liệu thân thiện hơn với môi trường. Việt Nam là một quốc gia xuất khẩu gỗ, nên chắc chắn được hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi xanh.
Doanh nghiệp nào đi tiên phong trong chuyển đổi xanh sẽ có nhiều cơ hội hơn, tiếp cận sớm hơn với các nguồn vốn quốc tế. Từ đó, sẽ giúp các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam duy trì và gia tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm gỗ trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, khi chuyển đổi thành công, doanh nghiệp có cơ hội lớn để từng bước tham gia vào thị trường carbon thông qua việc cung cấp tín chỉ carbon, tạo thêm nguồn thu nhập cho doanh nghiệp, bởi nhu cầu tín chỉ carbon trên thế giới đang ngày càng lớn.
Các doanh nghiệp sở hữu nhiều tín chỉ carbon sẽ có nhiều cơ hội phát triển bền vững. Các doanh nghiệp có thể bán tín chỉ carbon ngay tại thị trường nội địa nếu phát thải thấp hơn mức quy định của Chính phủ Việt Nam. Ngược lại, nếu doanh nghiệp có mức phát thải carbon vượt mức quy định sẽ phải mua lại ở doanh nghiệp có mức phát thải thấp để đạt yêu cầu theo quy định.
Hiện nay, việc chuyển đổi xanh của doanh nghiệp ngành gỗ là việc cấp bách vì mốc thời gian khá gần. Năm 2027, hàng hóa xuất khẩu vào EU và Hoa Kỳ phải đáp ứng các tiêu chuẩn giảm phát thải nhà kính. Thời gian tới, hai thị trường lớn là EU và Hoa Kỳ sẽ kiểm soát đánh giá hàm lượng carbon trong sản phẩm nhập khẩu. Nếu hàm lượng carbon cao hơn quy định thì bắt buộc các nhà xuất khẩu phải nộp thêm thuế hoặc tín chỉ carbon.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản đã tổ chức 2 hội thảo hỗ trợ tư vấn chuyên sâu giảm phát thải cho một số doanh nghiệp lớn chế biến gỗ. Chúng tôi cũng đã vận động các tổ chức quốc tế về môi trường hỗ trợ một phần kinh phí để hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Hiệp hội đã tìm nguồn tài trợ cho 5 doanh nghiệp lớn đi đầu thực hiện chuyển đổi xanh, với mức hỗ trợ từ 200 - 300 triệu đồng/doanh nghiệp để chuyển đổi xanh”.
“Chưa khi nào cộng đồng doanh nghiệp phải gồng mình đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay. Sau 2 năm ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, các doanh nghiệp bắt đầu phục hồi nhưng lại vướng phải những tác động tiêu cực từ những diễn biến chính trị phức tạp trên thế giới, lạm phát tăng cao, giá nguyên liệu đầu vào khan hiếm, đơn hàng giảm do tổng cầu thế giới và trong nước suy giảm.
Bên cạnh đó là những vướng mắc từ bất cập chính sách như quy định về luật phòng cháy chữa cháy, những thách thức trong tuân thủ thực thi các khuôn khổ pháp luật… càng khiến doanh nghiệp khó khăn.
Tín dụng bị thắt chặt, lãi suất tăng cao, dòng vốn cho sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, như: gói hỗ trợ 2% hạ lãi suất cho vay, giãn nợ, khoanh nợ, lùi thời gian trả lãi... Nhưng thực tế, số doanh nghiệp được thụ hưởng và tiếp cận là rất ít, vì kèm theo quá nhiều điều kiện mà doanh nghiệp không đáp ứng được. Việc hoàn thuế và dòng tiền về chậm khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, sản xuất cầm chừng.
Những khó khăn dồn dập đã khiến một số doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, giảm giờ làm việc. Thậm chí, có doanh nghiệp lựa chọn phương án “án binh bất động”, không hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến người lao động mất việc làm, giảm nguồn thu ngân sách cho tỉnh.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tôi cho rằng các bộ, ngành trung ương, địa phương cần đẩy mạnh công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tôi kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, loại bỏ các quy định không phù hợp. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, rà soát, loại bỏ những quy định không còn phù hợp, đặc biệt là tháo gỡ những “điểm nghẽn”, hạn chế kiểm, thanh tra. Đồng thời có những giải pháp mang tính đột phá, ban hành những chính sách thực sự phù hợp, hiệu quả, khắc phục tình trạng chậm và kém trong triển khai thực hiện như hiện nay.
Đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách tín dụng ưu đãi cho những doanh nghiệp khẳng định được uy tín, thương hiệu. Tăng cường chỉ đạo giám sát hệ thống ngân hàng thương mại tại địa phương, thực hiện nghiêm việc giãn nợ, giãn thời gian trả lãi theo đúng tinh thần Nghị quyết 50 ban hành ngày 8/4/2023 và Nghị quyết 59 ngày 23/4/2023 của Chính phủ”.
“Theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, tới năm 2045 Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp phát triển. Khi đó tiêu thụ thép/đầu người/năm sẽ phải đạt 500 - 700 kg (hiện tại mới đạt 241,67 kg/người/năm). Vì vậy, ngành thép Việt Nam sẽ còn phải phát triển mạnh hơn nữa mới đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế quốc dân.
Tuy nhiên, ngành sắt thép và nhôm sẽ phải thực hiện Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của Liên minh châu Âu (Cơ chế CBAM) từ ngày 1/10/2023. Do vậy, nếu doanh nghiệp muốn duy trì thị trường xuất khẩu thì phải tuân thủ kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính theo Quyết định 01/2022/QĐ-TTg về Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và cơ chế CBAM.
Trong giai đoạn 2018-2020, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện dự án Chuẩn bị sẵn sàng tham gia thị trường carbon. Một trong các nội dung của dự án là tính toán phát thải CO2 của ngành thép Việt Nam trong năm 2018 thông qua 13 nhà máy thép tiêu biểu.
Kết quả khảo sát của dự án cho thấy khoảng cách giữa cường độ phát thải CO2 trên 1 tấn thép phôi của Việt Nam so với chuẩn thế giới khá lớn (thế giới là 1,9; của Việt Nam là 2,17). Điều này đặt ra thách thức rất lớn với ngành thép khi trong giai đoạn 2023-2024, ngành phải hoàn thành kiểm kê khí nhà kính theo chuẩn của thế giới, cùng với đó là cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam vào năm 2050.
Xu thế giảm phát thải khí nhà kính là chủ đạo trong tương lai, nên vấn đề cấp thiết của các doanh nghiệp ngành thép là xanh hóa các hoạt động của mình. Để thực hiện được điều này, các doanh nghiệp thép cần kiểm kê khí nhà kính theo yêu cầu của Bộ Công Thương và CBAM nếu muốn xuất khẩu sang EU”.
“Hiện nay Hội Cơ khí Bắc Giang có 40 doanh nghiệp hội viên cùng các đối tác như nhà máy Z183, Z129, Z131, Z113, Tập đoàn Thaco Trường Hải. Các thành viên cũng như đối tác đã chế tạo được các thiết bị chịu áp cho các nhà máy nhiệt điện, nhà máy phân đạm, các thiết bị cho thủy công, thủy điện, các kết cấu cho các nhà tiền chế, cầu vượt kết cấu thép, hàng phụ trợ cho Seo Jin, Samsung, Toyota, vỏ máy biến áp từ 250 MVA cung cấp cho HITACHI, Tổng công ty thiết bị điện Đông Anh, thiết bị lò đốt rác xuất khẩu cho Mitsubitsi sang thị trường Nhật Bản và các nước châu Á, các thiết bị cho nhà máy kính, xuất cho Tập đoàn NSG sang các nước như Nhật Bản, Malaysia, Brazil và Mỹ.
Hiện tại, sản xuất cơ khí của Việt Nam nói chung, Bắc Giang nói riêng đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Phần lớn các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam nhỏ và siêu nhỏ nhưng thiếu người định hướng, dẫn dắt, kết nối tạo sân chơi. Chính sách ưu tiên, ưu đãi giữa các doanh FDI với doanh nghiệp Việt Nam đang còn không bình đẳng, đặc biệt về ưu đãi thuế…
Chương trình hỗ trợ khuyến công nhà nước đề ra các tiêu chí không phù hợp với thực tiễn. Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, thiếu vốn và trình độ khoa học kỹ thuật, vận hành các máy móc có công nghệ cao, khoa học tiên tiến, giá cả rất đắt sử dụng phức tạp không tương xứng với đầu tư của các doanh nghiệp siêu nhỏ, gây lãng phí nguồn ngân sách nhà nước.
Để nâng cao năng lực cho doanh nghiệp cơ khí, chúng tôi đề nghị Bộ Công Thương tạo điều kiện cho Hội Cơ khí tỉnh Bắc Giang được tham gia các chương trình quốc gia, như chế tạo cột điện gió, các thiết bị cho dự án nhiệt điện, thủy điện, hóa chất…
Hiện nay, quỹ đất cho phát triển kinh tế - xã hội đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt cho thuê giao cho các doanh nghiệp, cá nhân, hợp tác xã nằm trong cụm công nghiệp và ngoài cụm công nghiệp chưa được khai thác, phát huy hết hiệu quả hoặc hiệu quả chưa cao.
Do đó, Hội Cơ khí Bắc Giang kiến nghị: khi đã giao đất, cho thuê đất đối với các cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã phải giao cho họ tự chủ sản xuất kinh doanh như giao đất cho khoản hộ nông nghiệp. Vì doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ rất cần đến tự chủ sử dụng đất chỉ cần họ đảm bảo các yếu tố như môi trường, phòng cháy, chữa cháy, an toàn…theo Luật Doanh nghiệp.
Ngoài ra, Nhà nước cần có những chính sách phù hợp các doanh nghiệp FDI. Hiện nay, Hội Cơ khí tỉnh Bắc Giang đã nhiều lần tiếp cận với các doanh nghiệp FDI với mục đích để chia sẻ trong công việc, tìm kiếm thị trường, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư nhưng đều bị từ chối khéo”.
VnEconomy 20/09/2023 11:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 38-2023 phát hành ngày 18-09-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam