Góc nhìn đa chiều về chuyển đổi số của Đà Nẵng - Ảnh 1
Góc nhìn đa chiều về chuyển đổi số của Đà Nẵng - Ảnh 2
Góc nhìn đa chiều về chuyển đổi số của Đà Nẵng - Ảnh 3

"Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 05 ngày 7/6/2021 và UBND Thành phố cũng đã ban hành Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025 định hướng đến 2030 tại quyết định 2870 ngày 28/8/2021, trong đó xác định chuyển đổi số là động lực mới và là cơ hội để giải quyết các “điểm nghẽn”, tạo đột phá trong phát triển Thành phố đồng thời huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia quá trình chuyển đổi số của Thành phố.

Thời gian qua, Ban chỉ đạo chuyển đổi số của Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan đơn vị ban hành và triển khai các kế hoạch chi tiết chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn, qua đó đã có nhiều mô hình mới cách làm hay đã được triển khai và đến nay đã đạt được một số kết quả bước đầu trong chuyển đổi số.

Đến thời điểm hiện tại, cơ sở viễn thông, công nghệ thông tin của Thành phố Đà Nẵng đã được đầu tư đồng bộ, hình thành các cơ sở dữ liệu nền, chuyên ngành, đã triển khai 100% dịch vụ công trực tuyến mức 4, triển khai các nền tảng ứng dụng thành phố thông minh, đặc biệt vừa qua đã triển khai nhiều ứng dụng công nghệ để phòng chống dịch Covid-19 một cách hiệu quả, thiết thực. Ngành công nghệ thông tin của Đà Nẵng có tốc độ tăng trưởng cao, năm 2021 đóng góp 8,2% GDP toàn Thành phố và là một trong những trụ đỡ chính trong tăng trưởng chung của thành phố.

Các kết quả đó đã giúp Thành phố dẫn đầu chỉ Chuyển đổi số các tỉnh năm 2020 theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông, đạt giải thưởng Thành phố thông minh Châu Á – Thái Bình Dương năm 2019, Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam năm 2020-2021, Giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam năm 2020-2021.

Tuy nhiên, so với nhu cầu của người dân và phát triển của Thành phố, công cuộc triển khai thành phố thông minh và chuyển đổi số mới chỉ bắt đầu, còn rất nhiều nhiệm vụ phải triển khai trong 5-10 năm tới, đồng thời vẫn còn một số vướng mắc, “điểm nghẽn” cần được giải quyết tháo gỡ. Để chuyển đổi số thành công Thành phố đã xác định quan điểm khai thác tối đa mọi nguồn lực của Thành phố và cộng đồng doanh nghiệp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và phát huy sức mạnh của toàn xã hội".

Góc nhìn đa chiều về chuyển đổi số của Đà Nẵng - Ảnh 4

"Trong quá trình xây dựng kế hoạch chuyển đổi số, Đà Nẵng lấy tổ chức và công dân làm chủ thể trung tâm để triển khai chuyển đổi số, trong đó làm sao công dân tiếp cận dịch vụ chính quyền được tốt hơn và tiếp cận các dịch vụ từ phía các doanh nghiệp, làm bệ đỡ cho phát triển kinh tế số, đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp công nghệ số phát triển. Các doanh nghiệp khác sử dụng môi trường số để phát triển các dịch vụ nhằm tăng doanh thu, tăng năng suất lao động.

Việc Thành phố Đà Nẵng lấy tổ chức và công dân làm trung tâm, theo đó sẽ tập trung vào 3 trụ cột chính: Thứ nhất, trụ cột liên quan đến vấn đề về hạ tầng. Cụ thể, hạ tầng của Thành phố hiện nay đối với môi trường truyền dẫn, trong đó có 600 km cáp quang để kết nối từ UBND Thành phố tới từng huyện, từng xã, và các tổ dịch vụ công nghệ số ở các địa phương.

Ngoài ra là việc xây dựng trung tâm dữ liệu để bảo đảm hạ tầng tính toán và lưu trữ để phục vụ kết nối của người dân và phục vụ cho các ứng dụng của chính quyền của Thành phố, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sử dụng trung tâm dữ liệu của Thành phố, trong đó đặc biệt các doanh nghiệp startup có thể sử dụng các hạ tầng trung tâm dữ liệu này.

Trụ cột thứ hai là vấn đề về dữ liệu. Đối với Thành phố Đà Nẵng, trong quá trình triển khai chính quyền điện tử cũng giống như trong quá trình triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, việc thu thập các dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu của người dân, trong đó cơ sở dữ liệu công dân của Thành phố Đà Nẵng thông qua việc xây dựng cơ sở dữ liệu về hộ khẩu, giúp cho người dân nộp hồ sơ dịch vụ công.

Đến nay đã có đề án 06 của Bộ Công an (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 – PV), tuy nhiên đối với Thành phố Đà Nẵng, trong quá trình triển khai chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành, đã xây dựng được một cơ sở dữ liệu công dân và đang tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu của công dân. Sau khi có đề án 06, cơ sở dữ liệu của công dân sẽ đầy đủ, độ chính xác cao hơn. Hiện chúng tôi cũng xây dựng hệ thống Cổng dịch vụ dữ liệu, theo đó bất kỳ người dân nào cũng có dữ liệu công dân của mình thông qua Cổng dịch vụ dữ liệu này. Các dữ liệu của người dân được đưa lên môi trường số và mỗi người dân có tài khoản của công dân điện tử.

Trụ cột thứ ba là các thiết bị thông minh. Các ứng dụng thông minh này để cung cấp dịch vụ cho người dân, trong đó, hiện nay, Đà Nẵng có gần 600 cơ sở dữ liệu, và thông qua gần 600 cơ sở dữ liệu này để giúp người dân và du khách có thể tra cứu. Ví dụ người dân muốn biết được giá đất trên đường Trần Phú thì gõ vào đó “giá đất” – thông qua Zalo, Viber, sau đó ghi tên đường Trần Phú thì hệ thống sẽ trả lại cho người tra cứu về giá đất ở trên tuyến đường Trần Phú. Và rất nhiều dịch vụ tương tự khác, như về an toàn thực phẩm, dịch vụ ăn uống, vận tải…".

Góc nhìn đa chiều về chuyển đổi số của Đà Nẵng - Ảnh 5

"Sau khi nghị quyết 05 ra đời và Quyết định 2870 của UBND Thành phố về thực hiện đề án chuyển đổi số, chúng tôi nhận thấy chuyển đổi số là nội dung, nhiệm vụ hết sức quan trọng mà ngành công thương cần phải tập trung. Ngay sau đó chúng tôi đã thành lập ban chỉ đạo chuyển đổi số của ngành công thương trong giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến 2030, và đã đánh giá thực trạng chuyển đổi số của ngành để xây dựng kế hoạch chuyển đổi số chi tiết cho việc triển khai các nhiệm vụ cụ thể mà UBND Thành phố đã giao cho ngành công thương trong quyết định 2870.

Trong giai đoạn từ 2021-2025, chúng tôi xác định 4 nhiệm vụ - giải pháp trọng tâm cần đẩy mạnh. Thứ nhất, đối với nhóm nhiệm vụ - giải pháp tạo nền tảng chuyển đổi số thì chú trọng tập trung vào tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với chuyển đổi số để các tổ chức thực hiện triển khai chuyển đổi số, cán bộ công chức người lao động Sở Công Thương, các doanh nghiệp và thậm chí triển khai tới các hộ tiểu thương và các hộ kinh doanh cá thể nhận thức về vấn đề chuyển đổi số này.

Đối với việc xây dựng nền tảng, chúng tôi tập trung xây dựng khung kiến trúc ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ chuyển đổi số cho ngành công thương. Đây là nhiệm vụ bước đầu cơ bản để tạo nền tảng, định hướng đối với nhiệm vụ chuyển đổi số, có tính hệ thống, có tính đồng bộ để thực hiện kế hoạch chuyển đổi số của ngành.

Nhiệm vụ - nhóm giải pháp thứ 2 đã gắn liền với các nhiệm vụ trước đây mà Sở đã làm và cần phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa là chính quyền số. Đối với nhiệm vụ này sẽ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thì chúng tôi đã xây dựng và sẽ phát triển hơn nữa, đặc biệt có Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) cũng chia sẻ dữ liệu để đảm bảo rằng, những dữ liệu của ngành công thương sẽ được chia sẻ và kết nối với các sơ sở dữ liệu của các cơ quan quản lý khác cũng như của Thành phố và được triển khải hiệu quả dịch vụ công trực tuyến.

Nhiệm vụ - giải pháp thứ 3, nhiệm vụ hết sức quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến đối tượng phục vụ của chúng tôi là doanh nghiệp, đó là phát triển kinh tế số. Thực sự, những chính sách cụ thể về chuyển đổi số, kinh tế số cũng chưa được phổ cập nhiều đối với ngành công thương nên chúng tôi còn phải đang loay hoay để tìm cách nên hỗ trợ như thế nào. Trong năm 2022 này, được sự hỗ trợ của UBND Thành phố, chúng tôi thực hiện xây dựng các đề án về chuyển đổi số để giúp cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh áp dụng chuyển đổi số, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất, áp dụng, ứng dụng các mô hình sản xuất thông minh, đẩy mạnh năng suất hiệu suất của hoạt động sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp.

Và nhiệm vụ - giải pháp thứ 4 là phát triển xã hội số. Hiện nay chúng tôi xây dựng kênh theo dõi phản hồi đánh giá người dân, doanh nghiệp trong quá trình trải nghiệm chuyển đổi số của ngành công thương và qua đánh giá đó sẽ biết được những hạn chế ở điểm nào để hoàn thiện và cải tiến hơn để đáp ứng tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp trải nghiệm dịch vụ chuyển đổi số của ngành mình".

Góc nhìn đa chiều về chuyển đổi số của Đà Nẵng - Ảnh 6

"Tôi đồng ý với quan điểm: cơ quan quản lý nhà nước nên tạo ra nhiều hơn nữa các sự kiện, các sân chơi cho doanh nghiệp chuyển đổi số, nó giống như ngày hội, từ đó thu hút các nhóm doanh nghiệp khác tới để tìm hiểu về các sản phẩm chuyển đổi số mà chúng tôi đang có, thậm chí đang cung cấp miễn phí cho các doanh nghiệp.

Ví dụ như hiện nay các doanh nghiệp đang tổ chức họp trực tuyến, làm việc trực tuyến rất nhiều, nhưng nhiều khi có tiếng ồn ở xung quanh gây gián đoạn cho việc trao đổi, nắm bắt thông tin giữa các đầu cầu với nhau. Ở công ty chúng tôi có phần mềm để lọc được những tạp âm này, cái này chắc hẳn nhiều doanh nghiệp cần, chúng tôi có thể chia sẻ được, tuy nhiên không phải ai cũng biết.

Bên cạnh đó, một chi tiết nữa tôi cũng muốn đề cập là trong quá trình chuyển đổi số, cần đặc biệt lưu tâm đến bảo mật an toàn thông tin cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Hiện nay, chúng ta đang ở thời kỳ đầu của chuyển đổi số nên việc lộ lọt thông tin thường xuyên xuất hiện, đôi khi xuất phát từ những hạn chế về hiểu biết của một bộ phận người dân. Để những vấn đề tiêu cực như vậy không phát sinh, thì chúng ta phải vừa chuyển đổi số, vừa tuyên truyền để người dân nắm được".

Góc nhìn đa chiều về chuyển đổi số của Đà Nẵng - Ảnh 7

"Chúng tôi cho rằng, chính quyền thành phố tiếp tục dành sự quan tâm hơn nữa tới các nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ, giúp họ tiếp cận được công nghệ từ những bước nhỏ nhất, như cải tiến, thay đổi dây chuyền sản xuất để nâng cao hiệu suất. Tôi đã có tiếp xúc với họ và thấy rằng, họ không có nhiều cơ hội để nắm được các thay đổi rất nhanh về mặt công nghệ, số hóa. Hơn nữa, nguồn kinh phí để chuyển đổi số cũng là một vấn đề lớn.

Vì vậy, nếu nói đến kinh tế số của một địa phương nào đó, nhìn rộng ra là cả nước, thì không thể bỏ qua nhóm doanh nghiệp này. Tuy nhiên, để xây dựng được một đề án hỗ trợ doanh nghiệp sẽ mất rất nhiều thời gian, tính toán cụ thể, xem hỗ trợ ra sao, hỗ trợ bằng kinh phí hay các ưu đãi về chính sách về thuế, về hóa đơn điện tử hay tiền thuê dất, thuê mặt bằng.

Từ sự vào cuộc của rất nhiều sở, ban, ngành của Đà Nẵng, tôi hy vọng và tin rằng, địa phương này sẽ làm được, vì Đà Nẵng đang làm rất tốt tiến trình chuyển đổi số".

Góc nhìn đa chiều về chuyển đổi số của Đà Nẵng - Ảnh 8

"Trong quá trình hoạt động chúng tôi cũng đã tham khảo mô hình chuyển đổi số của một số nước, ở những nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, họ đã làm rất thành công trên nhiều lĩnh vực, ví dụ như du lịch, cảnh báo thiên tai, quản lý xã hội. Tôi cho rằng, muốn chuyển đổi số thì quyết tâm, khát vọng của người lãnh đạo cơ quan, đơn vị, lãnh đạo địa phương rất quan trọng. Trong những năm qua, lãnh đạo Thành phố Đã Nẵng đã thể hiện được quyết tâm của mình bằng những chiến lược và hành động cụ thể, thành quả là Đà Nẵng đã nhiều lần đứng đầu cả nước trong lĩnh vực này.

Đà Nẵng đang hội tụ rất nhiều điều kiện để tiếp tục đạt được mục tiêu dẫn đầu, thậm chí có được những kết quả đột phá trong một lĩnh vực nào đó, ví dụ như thanh toán không dùng tiền mặt.

Hiện nay, có tới 95% người dân thành phố sử dụng điện thoại thông minh, hơn nữa, hạ tầng cáp quang của địa phương cũng rất tốt, nếu mạnh dạn đặt mục tiêu trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam không dùng tiền mặt cũng không phải là thách thức quá lớn. Khi đã đạt được mục tiêu này, thì chuyển sang làm những phần việc khác nặng hơn nữa, thách thức hơn nữa.

Thêm vào đó, Đà Nẵng nên tận dụng vị thế dẫn đầu để tiếp tục đặt mục tiêu sẽ trở thành số 1 trên cả nước về chuyển đổi số, như vậy chúng ta tự đặt ra mục tiêu lớn luôn chứ không phải là một trong 3 thành phố dẫn đầu nữa. Tất nhiên còn nhiều việc, nhiều thách thức, nhưng Đà Nẵng có thể làm được".

Góc nhìn đa chiều về chuyển đổi số của Đà Nẵng - Ảnh 9

"Chúng tôi là một công ty chuyên về phần mềm và các dịch vụ chuyển đổi số. Hiện, doanh nghiệp chúng tôi cũng đã tự chuyển đổi theo hướng số hóa rất mạnh. Nhân viên của chúng tôi từ khi chấm công để vào công ty cho đến thông số làm việc của họ hàng ngày đều có phần mềm để quản lý rất chặt chẽ, khoa học. Đối với khách hàng, chúng tôi có hệ thống để lắng nghe những phản hồi, đánh giá của họ một cách chi tiết về sản phẩm, dịch vụ để có thể điều chỉnh cho phù hợp.

Chúng tôi ở chừng mực nào đó cũng giống như thành phố Đà Nẵng trong chuyển đổi số để hướng tới đối tượng của mình. Đà Nẵng hướng tới mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp, còn chúng tôi hướng tới phục vụ khách hàng và nhân viên của mình.

Tôi hy vọng, trong thời gian tới đây, Đà Nẵng sẽ tạo ra thêm nhiều sự kiện, ngày hội liên quan đến chuyển đổi số để các doanh nghiệp công nghệ có thể kết nối với nhau, đồng thời cũng nắm rõ hơn về nhu cầu của thành phố. Thành phố đang cần thực hiện những dự án chuyển đổi số ra sao, cần doanh nghiệp thực hiện những phần việc gì, chúng tôi luôn sẵn lòng đóng góp xây dựng Đà Nẵng ngày càng giàu đẹp, tiện ích và thông minh hơn nữa.

Có một yếu tố quan trọng hiện nay mà tôi thấy băn khoăn, đó là nguồn lực cho các doanh nghiệp công nghệ trên địa bàn thành phố đang rất khan hiếm, khó tìm được nhân sự phù hợp, đáp ứng nhu cầu công việc. Chính quyền Đà Nẵng chắc hẳn cũng đã có chiến lược về nguồn nhân sự, nhưng tôi mong việc đào tạo sẽ được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới".

Góc nhìn đa chiều về chuyển đổi số của Đà Nẵng - Ảnh 10

VnEconomy 04/06/2022 17:00