Hai điểm sáng tạo động lực cho ngành Y tế năm 2025 - Ảnh 1
Hai điểm sáng tạo động lực cho ngành Y tế năm 2025 - Ảnh 2

Năm 2024, ngành Y tế đối mặt với nhiều thách thức: gánh nặng bệnh tật kép với sự gia tăng tỷ trọng các bệnh không lây nhiễm, xây dựng các văn bản pháp luật nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của ngành trong các hoạt động khám chữa bệnh, thanh toán bảo hiểm y tế, kinh doanh mua sắm thuốc...

Trong các phiên họp của Quốc hội mới đây, nhiều vấn đề như: nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, mua sắm, đấu thầu thuốc, vắc xin; bảo hiểm y tế, chế độ, chính sách đối với nhân viên y tế; thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng… đã được các đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn, đóng góp ý kiến. Qua trả lời của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho thấy ngành Y tế còn nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở, tham gia soạn thảo, sửa đổi thành công Luật Bảo hiểm y tế và Luật Dược rất đáng được ghi nhận.

Y tế cơ sở là tuyến đầu trong hệ thống chăm sóc sức khỏe, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người dân. Hệ thống y tế cơ sở là “hàng rào” đầu tiên giúp ngành Y tế chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân, điều này đã được Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định.

Để củng cố hệ thống y tế cơ sở sau dịch Covid-19, Ban cán sự Đảng Bộ Y tế đã báo cáo với Ban cán sự Đảng Chính phủ và đã trình Ban Bí thư Chỉ thị số 25-CT/TW về tăng cường y tế cơ sở tập trung vào các nội dung: đảm bảo người dân được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng ngay tại cộng đồng; phát hiện sớm, ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh; mọi người dân đều có cơ hội được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng, không phân biệt vùng miền, dân tộc; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế cơ sở và đầu tư xây dựng và nâng cấp các trạm y tế, trang bị thiết bị y tế hiện đại…

Hai điểm sáng tạo động lực cho ngành Y tế năm 2025 - Ảnh 3

Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện để củng cố hệ thống y tế cơ sở, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của dịch vụ y tế tại tuyến này, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

Thực tế, sau khi Chương trình mục tiêu quốc gia về dân số kết thúc, các địa phương gặp khó khăn trong việc đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở, trong bối cảnh giá dịch vụ y tế chưa tính đúng, tính đủ. Do đó Quốc hội đã quyết nghị dành 13.500 tỷ đồng trong Chương trình phục hồi kinh tế, phân bổ trực tiếp cho các địa phương để tiếp tục củng cố hệ thống y tế cơ sở.

Cùng với đó là hoàn thiện chính sách về tiền lương, chế độ ưu đãi để thu hút và giữ chân nhân viên y tế tại tuyến cơ sở. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo tuyến, hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho y tế cơ sở; mở rộng phạm vi và nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tại y tế cơ sở.

Những chính sách giải pháp đó đang từng bước nâng tầm y tế cơ sở nhưng vẫn đang còn nhiều thách thức khó khăn để hoàn thành những mục tiêu của Chỉ thị số 25-CT/TW.

Hai điểm sáng tạo động lực cho ngành Y tế năm 2025 - Ảnh 4

Việc ngành Y tế thực hiện thành công Dự án “Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở” là một điểm sáng của ngành khi kết thúc năm 2024. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định Dự án “Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở” là minh chứng cho nỗ lực hợp tác quốc tế cùng hướng tới tầm nhìn và mục tiêu chung là nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở.

Bà Caryn Bredenkamp, Giám đốc chương trình y tế khu vực Đông Á, Thái Bình Dương của Ngân hàng thế giới, nơi cấp nguồn vay của dự án, cho rằng thành công của Dự án đã mang lại sự khác biệt đặc biệt ấn tượng cho người dân vùng sâu, vùng xa trong công tác chăm sóc sức khỏe.

PGS.TS. Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, cho biết dự án đã thực hiện hoàn thành 478 công trình xây dựng đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, trong đó có 464 trạm y tế (141 xây mới, 323 sửa chữa) và 14 trung tâm y tế huyện. Ngoài ra, có 1.703 trạm y tế được cung cấp trang thiết bị và hơn 11.000 nhân viên, cán bộ y tế được đào tạo, tập huấn.

Dự án đã hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến cơ sở, tập trung vào các vấn đề sức khỏe ưu tiên của người dân tại 13 tỉnh tham gia dự án như: tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư cổ tử cung, chăm sóc bà mẹ trẻ em, lao và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, y học cổ truyền, phục hồi chức năng…

Điểm sáng trong năm 2024 của ngành Y tế không những có tác động mạnh mẽ đến hệ thống y tế cơ sở Việt Nam, mà còn là điểm sáng trong việc quản trị, thực hiện dự án, tạo nên  “tính cách quản trị dự án”, là yếu tố cực kỳ quan trọng giúp dự án thành công.

Hai điểm sáng tạo động lực cho ngành Y tế năm 2025 - Ảnh 5

Ngay những ngày đầu năm 2024 ngành Y tế Việt Nam đã có những thành tích đột phá về chuyên môn như việc phối hợp hiện can thiệp thông tim xuyên tử cung cứu sống bào thai dị tật tim nặng đầu tiên ở Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á. Sự kiện này đã chứng minh rằng tay nghề của các bác sĩ Việt Nam có thể đạt tầm những nước phát triển có nền y tế hiện đại.  Kỹ thuật y khoa thông tim xuyên tử cung này đã giúp  nhiều trẻ chào đời khỏe mạnh sau khi sửa dị tật tim từ trong bụng mẹ.

Trước đây, những ca mắc tim bẩm sinh tương tự đều phải chờ đến khi em bé ra đời, nuôi đến lúc nặng vài kg mới can thiệp được. Không ít trẻ do tình trạng quá nặng, đã tử vong trong bụng mẹ, hoặc khi chào đời thì tim đã hỏng nặng, dù can thiệp nhiều lần cũng khó trở lại bình thường.

Có một nỗ lực nữa rất đáng được ghi nhận trong năm 2024, đó là ngành Y tế đã tham gia soạn thảo, sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế và Luật Dược. Đây là hai luật có tác động lớn đến hoạt động khám chữa bệnh, giải quyết nhiều vướng mắc tồn tại từ lâu trong quy định thanh toán bảo hiểm y tế, kinh doanh mua sắm thuốc... Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã được Quốc hội thông qua trong năm 2024.

Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi đã mang đến nhiều thay đổi tích cực, mở rộng phạm vi khám chữa bệnh, tức người tham gia bảo hiểm y tế có thể khám chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cấp ban đầu, cấp cơ bản trong toàn quốc. Và trong một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, người bệnh được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.

Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi mở rộng, chi trả 100% mức hưởng bảo hiểm cho người bệnh tại các cơ sở y tế thay vì phân cấp như trước, cho phép điều chuyển thuốc bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện, thanh toán lại chi phí bệnh nhân mua thuốc ngoài bệnh viện khi thiếu thuốc...

Hai điểm sáng tạo động lực cho ngành Y tế năm 2025 - Ảnh 6

Luật mới cũng giải quyết tình trạng giấy chuyển viện, phân cấp bảo hiểm y tế theo hạng nhiều năm gây thiệt thòi và phiền phức cho bệnh nhân. Đối với một số đối tượng như người nghèo, người cận nghèo, mức chi trả của quỹ bảo hiểm y tế đã được tăng lên, giúp người dân giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh. Các cơ sở y tế được yêu cầu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm thời gian chờ đợi, tăng cường sự hài lòng của người bệnh.

Các thủ tục liên quan đến bảo hiểm y tế được đơn giản hóa, giúp người dân tiết kiệm thời gian và công sức. Việc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử giúp quản lý thông tin người bệnh hiệu quả hơn… Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, góp phần đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Luật Dược sửa đổi tháo gỡ những vướng mắc trong mua sắm thuốc, giúp người dân dễ tiếp cận thuốc mới góp phần đảm bảo an toàn, hiệu quả trong việc cung cấp thuốc cho người bệnh. Đồng thời, có nhiều quy định siết và minh bạch giá thuốc, hỗ trợ ngành dược nội địa phát triển, chống đầu cơ đội giá qua các tầng trung gian, cấm bán online thuốc kê đơn.

Luật Dược sửa đổi tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư vào sản xuất thuốc trong nước. Việc sửa đổi luật giúp giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Người dân sẽ có nhiều thông tin hơn về thuốc, từ đó đưa ra quyết định sử dụng thuốc hợp lý hơn.  Ngoài ra Luật Dược sửa đổi tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp dược phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất thuốc generic.

Luật Dược sửa đổi là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về dược của Việt Nam. Tuy nhiên, để luật phát huy hết hiệu quả, cần có sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân.

Hai điểm sáng tạo động lực cho ngành Y tế năm 2025 - Ảnh 7

VnEconomy 22/01/2025 06:00

 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 3-20245 phát hành ngày 20/1/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Hai điểm sáng tạo động lực cho ngành Y tế năm 2025 - Ảnh 8