“Hàng nóng” nguội bớt, thanh khoản cao nhất 21 phiên
Đà tăng giá ở nhóm cổ phiếu đầu cơ vốn hóa nhỏ đã chậm lại trong phiên sáng nay. HoSE vẫn có 10 mã kịch trần và 19 mã khác tăng từ 2% trở lên. Tuy nhiên tín hiệu chốt lời rõ hơn, nhiều cổ phiếu bị kiềm chế chiều tăng và tụt giá trở lại...
Đà tăng giá ở nhóm cổ phiếu đầu cơ vốn hóa nhỏ đã chậm lại trong phiên sáng nay. HoSE vẫn có 10 mã kịch trần và 19 mã khác tăng từ 2% trở lên. Tuy nhiên tín hiệu chốt lời rõ hơn, nhiều cổ phiếu bị kiềm chế chiều tăng và tụt giá trở lại.
VN-Index tăng không đáng kể 0,29 điểm tương đương 0,03%. Chỉ số này không còn được chú ý nhiều vì các trụ vẫn đang o ép điểm số. VN30-Index tăng 0,11% với 9 mã tăng/12 mã giảm và số tăng cũng chỉ có NVL tăng 4,14%, PDR tăng 1,09%, VPB tăng 1,02% là đáng kể.
Tâm điểm vẫn đang tập trung vào nhóm cổ phiếu nhỏ, hàng đầu cơ. Phiên tăng bùng nổ hôm qua nhờ thu hút được lượng khá lớn tiền mới đổ vào nhóm này. Sáng nay giao dịch tiếp tục sôi động khi HoSE tăng hơn 16% thanh khoản và tính cả HNX thì tăng gần 17%. Dù vậy “sức căng giá” đã không còn như trước.
Nhóm kịch trần đang có HQC, QCG, HAR, VPH, thanh khoản kém. Duy nhất HQC giao dịch trên 55 tỷ đồng là chắc chắn và có dư mua giá trần 9,77 triệu. Các cổ phiếu còn lại hoặc đã “bung” giá trần, hoặc dư mua quá nhỏ tính theo giá trị tiền, vì phần lớn nhóm này có thị giá cũng rất thấp. Nói đơn giản, khả năng chặn đỡ giá cao nhất không hẳn thu hút được các nhà đầu tư “tay to” mà chủ yếu là nhỏ lẻ, khi chi phí chỉ vài tỷ đồng đã có thể “thổi” giá lên hết biên độ.
Nhóm tăng mạnh còn lại có nhiều cổ phiếu xuất hiện giao dịch lớn. Tiêu biểu có thể kể tới DIG thanh khoản 459,5 tỷ đồng, giá hiện còn tăng 6,01%, đã tụt 0,73% so với mức cao nhất. NVL đang tăng 4,14% với gần 153 tỷ đồng, giá cũng trả lại khoảng 0,72% so với đỉnh. SCR tăng 3,85% với 60,2 tỷ, giá đã tụt xuống 1,22%. FIT hôm qua kịch trần, sáng nay vẫn tăng 2,81% nhưng so với mức tăng cao nhất 6,32% đầu phiên thì quá kém. Cả loạt cổ phiếu xuất hiện nhịp trượt giá và thanh khoản khá cao so với các phiên trước như DLG, QBS, TDC, ITC, DXG, SAM… cũng có nhịp trượt tương tự.
Hiện tượng thanh khoản tăng và giá suy yếu dần trong phiên cho thấy có khả năng áp lực chốt lời bắt đầu tăng lên nhiều hơn. Cổ phiếu đầu cơ đang rất hấp dẫn vì có thể đem lại tỷ suất lợi nhuận ngắn hạn gấp đôi gấp ba so với biên độ của chỉ số. Một số như ITC, FIT vừa rồi được đẩy giá cực mạnh cũng bắt đầu bị bán rõ rệt. Xu hướng đầu cơ thuần túy dựa trên dòng tiền là điều thường thấy ở nhóm vốn hóa nhỏ. Dĩ nhiên lợi thế thanh khoản thấp chiều tăng giá cũng chính là bất lợi ở chiều giảm giá, vì nhà đầu tư muốn thoát được khối lượng lớn sẽ phải chấp nhận mức chiết khấu cao.
Nhóm blue-chips vẫn èo uột không có gì mới, nhưng đủ để giữ nhịp chỉ số. Độ rộng nhóm VN30 kém, nhưng số giảm giá mạnh cũng không nhiều. TPB giảm 1,05%, VCB giảm 0,98% là đáng kể nhất. Riêng VCB đã lấy đi hơn 1 điểm khỏi VN-Index và gần 0,5 điểm với VN30-Index. GAS, VNM, VIC, GVR cũng nằm trong nhóm giảm giá, nhưng biên độ nhỏ. BID, VHM, TCB, HPG, SAB tham chiếu.
Xét về độ rộng, nhóm vốn hóa nhỏ vẫn còn giao dịch vượt trội ở phía tăng. VN-Index đang có 198 mã tăng/128 mã giảm. Tuy vậy tỷ lệ này đã suy yếu nhiều so với thời điểm đầu phiên. Lúc 9h30 HoSE có 225 mã tăng/53 mã giảm. VN-Index, VNSmall-Index cũng đạt đỉnh ngay đầu phiên sau đó yếu dần, thể hiện sự phù hợp với độ rộng co lại. Mặc dù số lượng mã tăng nhiều hơn, nhưng tỷ lệ trượt giá ở cổ phiếu lại áp đảo. Tới 82% số cổ phiếu có phát sinh giao dịch tại HoSE sáng nay đã không thể chốt ở giá cao nhất cho tới cuối phiên, khoảng 38% số cổ phiếu (133 mã) trượt giảm hơn 1% so với đỉnh, trong đó 57 mã tụt hẳn qua tham chiếu, tức là là đảo chiều từ tăng thành giảm.
Khối ngoại sáng nay tăng mua 18% so với sáng hôm qua, giải ngân 326,9 tỷ đồng trên HoSE và bán ra 239,4 tỷ đồng, tương ứng mua ròng 87,5 tỷ. VND được mua tốt nhất với 69,2 tỷ, SSI +24,7 tỷ, VRE +18 tỷ. Phía bán không có mã nào đặc biệt, lớn nhất là DPM cũng chỉ bị xả ròng hơn 7 tỷ đồng.