07:37 11/05/2023

Chứng khoán Mỹ tăng điểm nhờ dữ liệu lạm phát yếu hơn dự báo, giá dầu giảm 1%

Bình Minh

Số liệu thống kê cho thấy lạm phát của Mỹ tiếp tục giảm, nhưng tốc độ giảm không đủ lớn để Fed có thể sớm chuyển sang nới lỏng chính sách tiền tệ...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Hai chỉ số Nasdaq và S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (10/5), khi giới đầu tư mua mạnh cổ phiếu công nghệ sau báo cáo cho thấy lạm phát yếu hơn dự báo. Tuy nhiên, giá dầu thô giảm 1% vì thị trường cho rằng lạm phát chưa giảm tới mức đủ để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm chuyển sang cắt giảm lãi suất.

Lúc đóng cửa, Nasdaq tăng 1,04%, chốt ở 12.306,44 điểm. S&P 500 tăng 0,45%, đạt 4.137,64 điểm. Riêng chỉ số Dow Jones giảm 30,48 điểm, tương đương giảm 0,09%, còn 33.531,33 điểm.

Theo báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn một chút so với mức tăng 5% mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. So với tháng trước, CPI tăng 0,4%, bằng với mức dự báo.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm mạnh sau khi báo cáo được công bố, hỗ trợ thêm cho thị trường chứng khoán vốn gần đây bị đè nặng bởi nỗi lo lãi suất cao kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm giảm 11 điểm cơ bản, còn 3,91%; lợi suất của kỳ hạn 10 năm giảm 8 điểm cơ bản, còn 3,44%.

“Nhà đầu tư tin rằng quá trình giảm lạm phát vẫn đang tiếp tục, vì báo cáo này cho thấy lạm phát ở nhóm nhà ở vẫn đang cao, đồng nghĩa nhóm này sẽ bắt đầu giảm mạnh trong những tháng tới đây. Vì thế, lạm phát sẽ tiếp tục đi xuống trong mấy tháng tới, nhưng giảm về ngưỡng mục tiêu 2% sẽ là một việc khó khăn, xét tới thị trường lao động vẫn đang mạnh”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda nhận định.

Việc khó đạt mục tiêu lạm phát 2% đặt ra khả năng cao Fed sẽ giữ lãi suất ở mức đỉnh trong thời gian lâu hơn, trước khi nới lỏng chính sách tiền tệ.

Mối lo này khiến phiên tăng điểm này của chứng khoán Mỹ tập trung vào một số nhóm cổ phiếu nhất định như nhóm công nghệ. Trong khi đó, những cổ phiếu chu kỳ, có độ liên hệ cao với nền kinh tế, như Nike và Caterpillar, bị bán mạnh vì nhà đầu tư lo ngại suy thoái sắp xảy đến hoặc thậm chí đang diễn ra rồi.

Một vấn đề khác khiến nhà đầu tư lo lắng là lạm phát lõi giảm chậm. CPI lõi tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,5% so với tháng trước, những con số không nằm ngoài dự báo.

“Với mỗi tháng qua đi mà lạm phát lõi còn giảm chậm, cơ hội để đạt mục tiêu lạm phát trong năm nay lại giảm xuống. Đối với tôi, tất cả những điều này không báo hiệu về một sự dịch chuyển sang mềm mỏng của Fed”, chuyên gia kinh tế trưởng Stephen Stanley của Amherst Pierpont nhận xét.

Phố Wall tiếp tục dõi theo cuộc đàm phán trần nợ của Mỹ, trong bối cảnh Bộ Tài chính cảnh báo nước này có thể vỡ nợ ngay vào ngày 1/6 nếu trần nợ không được nâng. Hôm thứ Ba, Tổng thống Joe Biden đã có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ, nhưng có vẻ như cuộc gặp chưa tạo ra được bước tiến nào. Các bên dự kiến sẽ gặp lại vào ngày thứ Sáu tuần này.

Mối lo lãi suất khiến giá dầu giảm sau 3 phiên tăng liên tiếp. Giá dầu Brent giao sau tại London giảm 1,03 USD/thùng, tương đương giảm 1,3%, còn 76,41 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giả 1,15 USD/thùng, tương đương giảm 1,6%, còn 72,56 USD/thùng.

Gây áp lực giảm lên giá dầu phiên này còn là số liệu hàng tuần từ Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy lượng dầu thô tồn kho của nước này tăng khoảng 3 triệu thùng trong tuần trước, thay vì giảm 0,9 triệu thùng như dự báo mà các nhà phân tích đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.

Tuy nhiên, mức giảm của giá dầu được hạn chế khi cũng báo cáo này cho thấy lượng xăng tồn kho giảm 3,2 triệu thùng, mức giảm lớn hơn nhiều so với dự báo giảm 1,2 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra.

Lượng xăng tồn kho giảm được xem là một dấu hiệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ gia tăng khi mùa hè đến gần.

“Giá dầu gần đây chịu áp lực giảm do triển vọng kinh tế xấu đi vì cuộc khủng hoảng ngân hàng và do sự suy yếu thường thấy của nhu cầu năng lượng trong mùa xuân”, CEO Jay Hatfield của Infrastructure Capital Management nhận định.

Số liệu của Trung Quốc công bố trong tuần này cho thấy thương mại của nước này suy yếu - một dấu hiệu cảnh báo về tăng trưởng kinh tế và nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu.

“Chúng tôi dự báo giá dầu sẽ dao động trong khoảng 75-95 USD/thùng trong năm 2023, dựa trên các yếu tố cung - cầu căn bản và sự gia tăng thường thấy của nhu cầu nhiên liệu trong mùa hè”, ông Hatfield nói.