16:03 10/05/2023

Những cổ phiếu nào hưởng lợi từ Quy hoạch điện VIII?

Thu Minh

Chứng khoán KBSV vừa có báo cáo cập nhật triển vọng ngành Điện với điểm nhấn những cổ phiếu trong nhóm điện gió và điện khí hưởng lợi lớn... 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo đó, một số nội dung đáng lưu ý của Dự thảo Quy hoạch điện VIII gồm:  Ưu tiên phát triển khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Năng lượng tái tạo (tính cả thủy điện) sẽ chiếm khoảng 30,9%-39,2% điện năng sản xuất vào năm 2030 và khoảng 67,5%-71,5% vào năm 2050.

Cụ thể, Điện than: Chỉ thực hiện các dự án đã có trong Quy hoạch điện VII và bắt đầu từ năm 2030 sẽ không xây dựng nhà máy điện than mới. Các nhà máy nhiệt điện than định hướng sau tuổi thọ kỹ thuật (khoảng 40 năm) sẽ dừng vận hành và sẽ được xem xét chuyển sang nhiên liệu sinh khối và amoniac trước năm 2050.

Cơ cấu sử dụng nguồn điện than sẽ giảm xuống. Theo đó, tới năm 2050 sẽ không còn sử dụng điện than để cung cấp cho lưới điện quốc gia. Đề xuất các phương án thay thế điện than bằng các nguồn điện khác như điện gió và điện sinh khối.

Với Điện khí: Nhiệt điện khí nguồn từ mỏ khí trong nước, ưu tiên phát triển các dự án điện khí sử dụng tối đa nguồn khí trong nước. Từ nay đến năm 2030, tập trung phát triển 2 chuỗi dự án khí – điện tổng công suất mới 6,900 MW, tại Cụm nhà máy Lô B và Cụm nhà máy Cá Voi Xanh. Ngoài 2 chuỗi dự án trên, dự kiến sẽ phát triển thêm các dự án nhà máy điện hạ nguồn nếu điều kiện cho phép.

Các nhà máy điện khí tự nhiên sẽ chuyển dần sang sử dụng Hydro sau 10 năm vận hành. Để đến năm 2050, phần lớn các nhà mát điện khí tự nhiên sẽ sử dụng Hydro.

Với Nhiệt điện khí LNG nhập khẩu: Hạn chế phát triển các nguồn điện sử dụng LNG nếu có phương án thay thế để tránh phụ thược vào nhập khẩu. Giãn tiến độ LNG Long Sơn (1,500MW) sang giai đoạn 2031-2035. Tiếp tục thực hiện dự án kho, cảng nhập khẩu LNG tại Thị Vải, Sơn Mỹ và phát triển hệ thống kho, cảng nhập khẩu LNG đồng bộ với các nhà máy điện trong quy hoạch. Năm 2030, tổng công suất các nguồn điện LNG tối đa đạt 22,400 MW, sản xuất 84.5 tỷ kWh (14.7% tổng điện năng sản xuất).

Định hướng 2050, chuyển dầng sang dùng hydro, sản xuất tương đương 9.4%-11.25% tổng sản lượng điện năng.

Với Điện mặt trời, điện gió: Xác định ưu tiên phát triển mạnh điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi. Theo đó, công suất điện gió trên bờ dự kiến lên tới 21,880 MW và điện gió ngoài khơi là 6,000 MW vào năm 2030, định hướng đạt 70,000-91,500 MW vào 2050. Ước tính công suất nguồn điện gió ngoài khơi để sản xuất năng lượng mới vào khoảng 15,000 MW vào năm 2035. Ưu tiên phát triển không giới hạn công suất điện mặt trời mái nhà và điện mặt trời tự sản, tự tiêu. Điện mặt trời thực hiện theo cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA thí điểm khoảng 1,000 MW.

Những cổ phiếu nào hưởng lợi từ Quy hoạch điện VIII?  - Ảnh 1

Theo đánh giá của KBSV, Dự thảo Quy hoạch điện VIII đưa ra lộ trình cắt giảm mạnh mẽ điện than hướng tới mục tiêu giảm phát thải. Vì vậy, mặc dù trong ngắn hạn, điện than vẫn sẽ chiếm tỷ trọng chính trong cơ cấu nguồn phát nhưng trong dài hạn triển vọng sẽ bị ảnh hưởng do không còn được phát triển và vấp phải sự cạnh tranh của nhiều nhóm nguồn phát khác.

Các nguồn điện khí sẽ là mũi nhọn phát triển trong giai đoạn 2022-2035. Khi Quy hoạch điện 8 được thông qua, giai đoạn sắp tới sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của hàng loạt dự án điện khí. POW sẽ hưởng lợi với dự án điện khí LNG Nhơn Trạch 3&4 đi tiên phong và dự án LNG Quảng Ninh. Ngoài ra, PVGas sẽ là bên phân phối khí đầu vào cho các nhà máy nhiệt điện trong nước.

Điện gió là điểm nhấn chính trong nhóm năng lượng tái tạo, sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong giai đoạn 2023-2050, đặc biệt là sau năm 2030. Dự kiến điện gió sẽ chiếm khoảng 18% tổng công suất hệ thống trong năm 2030 và tăng lên tỷ trọng cao nhất 29.4% vào 2050. Điện gió sẽ là lĩnh vực hấp dẫn trong đầu tư ngành điện khi có định hướng rõ từ Chính phủ và chi phí đầu tư giảm.

Những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm trong việc phát triển và vận hành các dự án năng lượng tái tạo sẽ có lợi thế trong việc đầu thầu nhờ quản lý hiệu quả, tiết kiếm chi phí nhờ huy động được các nguồn vốn lớn với chi phí rẻ. Một số doanh nghiệp hàng đầu trong ngành với nhiều tiềm năng có thể kể đến là PC1, REE, GEG, HDG,...

Ngoài ra, khi các vướng mắc về chính sách được giải quyết, PC1 có thể là doanh nghiệp hưởng lợi trước khi các gói thầu xây lắp điện, xây lắp đường dây và trạm biến áp tăng cao nhờ đầu tư vào các dự án điện được thúc đẩy.