Hành trang bước vào Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc  - Ảnh 1
Hành trang bước vào Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc  - Ảnh 2

Dưới góc độ tích cực, hành trang tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt được một số điểm quan trọng.

Dễ thấy nhất là thời gian tăng trưởng liên tục tính đến năm 2024 đã đạt 43 năm, dài hàng đầu thế giới, có chăng chỉ thấp thua kỷ lục 46 năm hiện do CHND Trung Hoa nắm giữ.

Tốc độ tăng bình quân trong 43 năm qua đạt khoảng trên 6%, là tốc độ tăng khá, trong đó đã có một số năm đạt trên/dưới 9%. Sau đại dịch Covid-19, tốc độ tăng có xu hướng cao lên và quý I năm 2025  tăng cao nhất so với cùng kỳ 5 năm trước.

Nhờ tăng trưởng trong thời gian dài với tốc độ khá, nên tổng quy mô GDP của Việt Nam năm 2024 đã đạt khoảng 476 tỷ USD, đứng thứ 4/11 Đông Nam Á, thứ 14/40 châu Á, thứ 33 trên thế giới trong các nước và vùng lãnh thổ có số liệu so sánh. GDP bình quân đầu người năm 2025 đạt gần 4.700 USD, được coi là ra khỏi nhóm có thu nhập trung bình thấp, chuyển sang nhóm nước có thu nhập trung bình cao.

Nếu năm 1988, GDP bình quân đầu người chỉ đạt 86 USD, nằm trong mấy nước có thu nhập thấp nhất thế giới, thì 20 năm sau (năm 2008) đã vượt qua mốc 1.000 USD để ra khỏi nhóm nước thu nhập thấp, chuyển sang nhóm thu nhập trung bình (thấp) và 16 năm sau đã vượt qua mốc 4.700 USD, chuyển sang nhóm thu nhập trung bình cao.

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã vượt qua Philippines, lên đứng thứ 5 Đông Nam Á và đứng thứ 124 thế giới. Nếu tính theo tỷ giá sức mua tương đương (PPP), GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã đạt khoảng 13.000 USD và thứ bậc có thể cao hơn.

Cơ cấu kinh tế của Việt Nam có sự chuyển dịch theo hướng tích cực: cơ cấu ngành kinh tế có xu hướng tỷ trọng của nông, lâm nghiệp - thủy sản giảm (hiện chỉ còn dưới 12%), của công nghiệp - xây dựng tăng (hiện đạt gần 38%), của dịch vụ tăng (hiện đạt trên 42%). Cơ cấu thành phần kinh tế của khu vực nhà nước giảm, của khu vực ngoài nhà nước tăng, của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng khi so với tổng GDP, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, tổng số lao động đang làm việc,… góp phần gia tăng tính thị trường của nền kinh tế Việt Nam.

Chất lượng tăng trưởng có sự cải thiện bước đầu, khi năng suất lao động có tốc độ tăng khá, mức năng suất lao động năm 2024 đã vượt qua mốc 9 nghìn USD nhờ chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng, tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) tăng (hiện ở mức cao nhất so với yếu tố tăng vốn và yếu tố tăng số lượng lao động đang làm việc.

Tỷ trọng tích lũy và vốn đầu tư phát triển/GDP đạt khá cao (đứng thứ 13 thế giới); tỷ trọng tiêu dùng cuối cùng/GDP của Việt Nam thấp (đứng thứ 89 thế giới, góp phần làm cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam liên tục, trong thời gian dài và đạt khá.

Hành trang bước vào Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc  - Ảnh 3

Dưới góc độ hạn chế, thách thức, hành trang tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng cần nhận ra một số điểm đáng lưu ý.

Việt Nam tuy có thời gian tăng trưởng dài, nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân năm không cao do điểm xuất phát thấp. Do thứ bậc về tổng GDP thấp xa so với thứ bậc về dân số (năm 2009 là 51 so với 14, năm 2024 là 34 so với 14), nên thứ bậc về GDP bình quân đầu người (so với các nước có số liệu so sánh) thấp xa hơn so với thứ bậc về tổng GDP và dân số (năm 2009 là 140 so với 51 và so với 14; năm 2024 là 120 so với 34 và so với 14).

Nếu xét về thu nhập quốc gia (GNI) còn thấp hơn nữa, bởi GNI/GDP thấp hơn 100% (năm 2022 của Việt Nam đạt 95,2%, thấp thứ 7/10 Đông Nam Á, thứ 32/39 châu Á, thứ 94/105 thế giới - các nước và vùng lãnh thổ có số liệu so sánh). Theo đó, GNI bình quân đầu người thấp hơn GDP bình quân đầu người.

Chênh lệch giữa tổng GDP và tổng GNI nếu năm 2010 mới là 4,4 tỷ USD, thì năm 2015 lên tới 12,1 tỷ USD và ước năm 2024 lên tới 24,7 tỷ USD. Theo đó, thu nhập sở hữu của tổ chức, cá nhân người nước ngoài thu được từ Việt Nam lớn hơn thu nhập sở hữu của tổ chức, cá nhân trong nước từ nước ngoài có quy mô không nhỏ và có xu hướng lớn hơn về quy mô. Mặc dù thu nhập quốc gia từ nước ngoài về du lịch, kiều hối,… cũng không nhỏ, nhưng nếu so với thu nhập của nước ngoài từ Việt Nam còn lớn hơn và có xu hướng gia tăng.

Hành trang bước vào Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc  - Ảnh 4

Cơ cấu kinh tế tuy có sự chuyển dịch, nhưng còn chậm và có những hạn chế, thách thức. Tỷ trọng nông, lâm nghiệp - thủy sản về GDP giảm (còn dưới 12%), nhưng tỷ trọng về lao động đang làm việc còn khá lớn (26,5%), chứng tỏ năng suất lao động của nhóm ngành này còn rất thấp (chỉ bằng 44% của cả nước), trong khi tỷ trọng vốn đầu tư vào nông, lâm nghiệp - thủy sản lại thấp hơn nhiều (chỉ trên dưới 5%). Tỷ trọng dịch vụ đã tăng lên theo xu hướng quốc tế, nhưng tỷ trọng về lao động, vốn đầu tư lớn nhất trong 3 nhóm ngành.

Cơ cấu loại hình kinh tế có sự chuyển dịch, nhưng còn chậm và còn những hạn chế, thách thức. Rõ nhất là tỷ trọng của kinh tế tư nhân vẫn còn ở mức thấp, trong nhiều năm hiện vẫn ở mức khoảng 10%. Về cơ cấu trình độ kỹ thuật ở khu vực doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo, trình độ thấp vẫn chiếm tỷ trọng cao (gần 55% số doanh nghiệp, trên 63% số lao động, trên 35% vốn, trên 34% giá trị tài sản cố định và đầu tư dài hạn, gần 35% doanh thu thuần, gần 34% lợi nhuận trước thuế); còn trình độ cao chỉ chiếm tỷ trọng thấp (tương ứng là trên 12%, dưới 22%, 36%, dưới 33%, dưới 42% và dưới 56%).

Cơ cấu kinh tế khu vực trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có một số bất hợp lý: tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước còn thấp trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp (khoảng 50%), trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa (dưới 25%)…, trong khi của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài rất cao (tương ứng khoảng 50% và trên 75%); sự lan tỏa, nhất là công nghệ, giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế trong nước còn rất ít,…

Chất lượng tăng trưởng tuy được cải thiện, nhưng tốc độ chậm và với mức hiện còn thấp. Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển/GDP thuộc loại cao, nhưng có một phần bị “chôn” vào những kênh đầu tư không trực tiếp sản xuất kinh doanh (như vàng, tiền ảo, bất động sản…). Hiệu quả đầu tư còn thấp, khi hệ số ICOR ở mức khá cao (trên 5 lần, tức là để tăng 1 đồng GDP phải đầu tư trên 5 đồng vốn, trong khi mức hiệu quả chỉ ở mức trên dưới 3 lần.

Tình trạng thất thoát, lãng phí vốn đầu tư còn lớn. Trong khi tốc độ tăng số lao động đang làm việc chậm lại (từ 2-3% còn dưới 1%), thì năng suất lao động còn thấp, hiệu quả chỉ đạt hơn 9 nghìn USD/người, với nguyên nhân tỷ trọng lao động qua đào tạo còn ở mức dưới 30%; ở nhiều vùng nông, lâm nghiệp - thủy sản còn tình trạng “lấy công làm lãi”. Ở nhiều ngành công nghiệp còn tình trạng gia công lắp ráp, làm cho thực thu thấp và phụ thuộc vào nhập khẩu. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế ở khu vực doanh nghiệp còn thấp, nhiều doanh nghiệp còn thấp hơn mức lãi suất vay ngân hàng, thậm chí còn thấp hơn cả lãi suất gửi ngân hàng, đặc biệt ở một số ngành còn bị lỗ.

Hành trang bước vào Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc  - Ảnh 5

Lạm phát ở Việt Nam có kết quả tích cực về nhiều mặt. Đã 11 năm lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu. Mức lạm phát đã nhiều năm thấp hơn mức lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng (kỳ hạn năm). Trong một số năm gần đây, mức lạm phát của Việt Nam thấp hơn mức lạm phát của nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới…

Nhờ lạm phát được kiểm soát nên đã tác động về nhiều mặt. Một, mức sống thực tế được giữ vững và cải thiện một bước khi mức và tốc độ tăng của chi tiêu cho đời sống thấp hơn của thu nhập. Hai, do mức và tốc độ tăng của thu nhập cao hơn của chi tiêu cho đời sống, tích lũy (tiền đề của đầu tư tăng trưởng) tăng và đạt tỷ lệ cao so với GDP, góp phần giúp cho tăng trưởng GDP liên tục trong thời gian dài, với tốc độ khá. Ba, nhờ lạm phát được kiểm soát, nên đã góp phần hấp dẫn khách quốc tế đến Việt Nam, thu hút vốn đầu tư nước ngoài,… đạt quy mô khá và tăng lên.

Lạm phát được kiểm soát do nhiều yếu tố. (i) Yếu tố tổng quát là sản xuất (GDP) có mức và tốc độ tăng cao hơn của sử dụng GDP ở trong nước (tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối cùng). (ii) Yếu tố về tiền tệ - tín dụng, khi lãi suất gửi tiết kiệm đạt thực dương, có sức hấp dẫn tiền từ lưu thông vào ngân hàng. Trong một số năm, giá cả thế giới tăng cao, gây ra nguy cơ nhập khẩu lạm phát, nhưng Việt Nam đã 9 năm liên tục xuất siêu, vừa hạn chế việc nhập khẩu lạm phát, vừa góp phần tăng trưởng GDP ở trong nước. Lãi suất cho vay của ngân hàng trong một số năm giảm nhẹ. Tỷ giá VND/USD cơ bản ổn định… (iii) Yếu tố về tâm lý, khi chênh lệch giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới giảm, tỷ giá VND/USD cơ bản ổn định…

Tuy nhiên, lạm phát hiện đứng trước một số thách thức. Rõ nhất là thuế suất thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Việt Nam vào Mỹ nếu tăng cao như dự kiến của Mỹ (46%), nếu không khắc phục được điều này thì sẽ có nguy cơ về nhiều mặt. Một là, xuất siêu vào Mỹ sẽ giảm mạnh (hiện ở mức 104 tỷ USD, cao gấp 5 lần tổng xuất siêu của cả nước); nhập siêu từ các thị trường khác (nhất là từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc…) sẽ tăng mạnh, sẽ làm cho Việt Nam có thể trở lại nhập siêu. Theo đó, không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, mà còn ảnh hưởng đến cán cân thanh toán tổng thể, đến thất nghiệp…

Hai là, Việt Nam sẽ có nguy cơ bị “nhập khẩu lạm phát”, gây sức ép đến lạm phát ở trong nước.

Ba là, nếu để khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu mà tăng tỷ giá VND/USD, thì vừa dễ bị nghi ngờ với hậu quả nặng nề là “thao túng tiền tệ”, vừa làm cho thị trường ngoại hối bất ổn…

Nếu lạm phát tăng cao trở lại thì mức và tốc độ tăng của chi tiêu cho đời sống sẽ cao hơn của thu nhập, làm cho mức sống thực tế giảm, tích lũy và đầu tư sẽ thiếu nguồn ảnh hưởng đến tăng trưởng.

Trong nhiều năm, Việt Nam có tỷ lệ so với GDP của đầu tư cao hơn của tích lũy, trong khi ngân sách bị bội chi, sẽ gặp nguy hiểm về kinh tế vĩ mô.

Hành trang bước vào Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc  - Ảnh 6

Nhờ cán cân thương mại nhiều năm được thặng dư, nhờ những kết quả tích cực từ kiều hối, từ xuất siêu về dịch vụ du lịch,… nên cán cân thanh toán tổng hợp được thặng dư, góp phần tăng dự trữ ngoại hối và đã có thời điểm vượt qua 100 tỷ USD, góp phần ổn định thị trường ngoại hối, hạn chế việc tăng lên của mức tuyệt đối và tỷ lệ nợ quốc gia/GDP, bảo đảm việc trả nợ đúng hạn…

Tuy nhiên, cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn có một số hạn chế, thách thức. Cán cân thanh toán phụ thuộc vào cán cân thương mại (hàng hóa), cán cân thanh toán dịch vụ và chi tiêu dự trữ ngoại hối. Cán cân thương mại trong gần một thập kỷ qua đạt thặng dư, nhưng khả năng có thể trở lại bị thâm hụt, nếu không xử lý được mức thuế suất thuế nhập khẩu của Việt Nam vào Mỹ về hai mặt: một mặt, xuất siêu vào Mỹ giảm; mặt khác, nhập siêu từ các thị trường có mức thuế suất nhập khẩu vào Mỹ cao hơn của Việt Nam sẽ lạm dụng Việt Nam để lách thuế nhập khẩu vào Mỹ.

Cán cân dịch vụ của Việt Nam liên tục bị thâm hụt (nhập siêu), trong đó nhập siêu lớn là dịch vụ vận tải và dịch vụ khác, do các lĩnh vực này của Việt Nam còn yếu. Việt Nam đã từng hai lần do kích cầu (sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu từ cuối năm 2008 và sau đại dịch Covid-19 năm 2020, 2021).

Vấn đề đặt ra là cần phải duy trì xuất siêu hàng hóa trên cơ sở quan hệ xuất nhập khẩu hàng hóa với Mỹ, tranh thủ chuyển hướng thị trường, nhất là với các đối tác đã ký các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, nhất là với các đối tác đã nâng cấp lên đối tác chiến lược và toàn diện. Cần thận trọng trong việc điều hành tỷ giá VND/USD và quan tâm tới các thị trường xuất, nhập khẩu trên cơ sở so sánh chênh lệch tỷ giá PPP với tỷ giá hối đoái thực tế của Việt Nam với các thị trường này. Đây là vấn đề không đơn giản.

Chênh lệch tỷ giá thực tế và tỷ giá PPP của Việt Nam năm 2022 là 3,24 lần, có nghĩa là 1 USD tại Việt Nam có sức mua tương đương với 3,24 USD tại Mỹ. Điều đó chứng tỏ các nước, nhất là các nước có chênh lệch tỷ giá thấp hơn chênh lệch của Việt Nam, khi đầu tư vào Việt Nam, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, đi du lịch tại Việt Nam sẽ có lợi hơn (chủ yếu do giá nhân công của Việt Nam rẻ hơn); ngược lại, đầu tư ra nước ngoài, xuất khẩu hàng hóa, du lịch của Việt Nam ra nước ngoài bị thiệt hơn chính đối tác đó.

Chênh lệch tỷ giá của Việt Nam năm 2020, trong 11 nước Đông Nam Á cao thứ hai (sau Lào, Myanmar); trong 40 nước và vùng lãnh thổ châu Á có số liệu so sánh, của Việt Nam cao thứ 10; trong 115 nước và vùng lãnh thổ có số liệu so sánh, của Việt Nam đứng thứ 12.

Điều đó dẫn đến Việt Nam đã xuất siêu hàng hóa chủ yếu tới các nước có chênh lệch thấp hơn, trong đó có 21 thị trường có mức xuất siêu trên 1 tỷ USD (lớn nhất là Mỹ, tiếp đến là Hà Lan, Hồng Kông, Anh, Canada, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Mehico, Đức, Philippines, Bỉ, Tây Ban Nha…).

Trong khi đó, Việt Nam nhập siêu ở một số thị trường lên tới trên 1 tỷ USD, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Kawait, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Argentina, Brazil, Australia.

Hành trang bước vào Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc  - Ảnh 7

Việt Nam đạt kết quả tích cực trong việc giải quyết việc làm và giảm nghèo.

Tỷ lệ thất nghiệp vào năm cuối thập kỷ của thế kỷ trước lên đến 13%, nhưng nay đã giảm xuống còn dưới 2,5%. Tỷ lệ thiếu việc làm giảm xuống còn dưới 2%. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức đã giảm trong mấy năm nay (năm 2018 là 72,1%, 2019 là 71%, 2020 là 70,3%, 2021 là 66,6%, 2022 là 65,8%, 2023 là 65,1%, ước 2024 còn 64,6%)…

Đạt được kết quả trên do có chủ trương đáng lưu ý là “không để ai bị ở lại phía sau”, với nhiều chính sách trong giải quyết việc làm, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xóa nhà tạm, nhà dột nát, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn, quay lại hoạt động…

Tuy nhiên, Việt Nam đang đứng trước trạng thái: cơ cấu dân số vàng qua nhanh, cơ cấu dân số già xen kẽ và đến nhanh, với tỷ lệ sinh chậm lại nhanh, tốc độ tăng dân số tự nhiên chậm lại từ trên 2,5-3% xuống còn dưới 1%. Tổng tỷ suất sinh từ vài năm nay giảm còn dưới 2 con/phụ nữ trong tuổi sinh đẻ, tức là ở dưới mức sinh thay thế. Trong khi đó, người cao tuổi không có lương hưu, không có bảo hiểm y tế còn không ít, nhiều người còn bị nhiều bệnh nền… Do vậy, ngoài nguy cơ “tụt hậu xa hơn”, “sập bẫy thu nhập trung bình”,… lại xuất hiện nguy cơ “chưa giàu đã già”.

Do vậy, trong Kỷ nguyên mới cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết: tăng trưởng kinh tế hai chữ số; học sinh phổ thông không phải đóng học phí; đến năm 2030 miễn chi phí khám chữa bệnh; xóa nhà tạm, nhà dột nát; trợ cấp tuổi già cho những người cao tuổi không có chế độ hưu trí…

Hành trang bước vào Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc  - Ảnh 8

VnEconomy 30/04/2025 06:00

 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 17+18-2025 phát hành ngày 28/4 - 11/5/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Hành trang bước vào Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc  - Ảnh 9