“Chủ trương phát triển kinh tế tuần hoàn là định hướng xuyên suốt đã được lồng ghép vào nhiều chính sách, văn bản pháp quy. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu để trình Thủ tướng ban hành nhiều quy định liên quan đến kinh tế tuần hoàn.
Với vai trò là cơ quan đầu mối về chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì xây dựng trình Chính phủ dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm một số giải pháp (sandbox) cho hoạt động kinh tế tuần hoàn và những tiêu chí liên quan đến phân ngành kinh tế xanh và phân loại xanh với các dự án xanh.
Đối với hoạt động công nghiệp, có tổng lượng phát thải là rất lớn. Vì vậy, những giải pháp về kinh tế tuần hoàn nếu được thông qua sẽ giảm được lượng lớn phát thải cũng như dấu chân carbon trong hoạt động công nghiệp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có các giải pháp thiết thực liên quan đến phát triển bền vững cho hoạt động công nghiệp, trong đó có sáng kiến về mô hình Khu công nghiệp sinh thái. Hiện mô hình này đã được triển khai tại 10 địa phương. Bộ cũng hỗ trợ chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống sang Khu công nghệ sinh thái, xây dựng các Khu công nghiệp sinh thái mới.
Ngoài ra, chúng tôi có những quy định liên quan đến cộng sinh công nghiệp. Đây cũng được coi là một trong những giải pháp kinh tế tuần hoàn và được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận. Quy trình chứng nhận hoạt động cộng sinh công nghiệp đã được quy định tại Nghị định của Chính phủ và có một nhóm tiêu chí để chứng nhận thế nào là cộng sinh công nghiệp hay khu công nghiệp sinh thái. Quy trình chứng nhận do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh ban hành. Ban quản lý các khu công nghiệp cấp tỉnh sẽ ban hành giấy chứng nhận khu công nghiệp sinh thái đối với những doanh nghiệp đạt được tiêu chí liên quan đến sinh thái.
Như vậy, các quy định và chứng chỉ đều đã được ban hành. Các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ở Việt Nam đang chuyển mình theo các quy định đó. Thực tế cũng chỉ ra, nhiều khu công nghiệp mới được thành lập đều bám sát những tiêu chí của Chính phủ đưa ra ngay từ đầu để định hướng phát triển theo mô hình khu công nghiệp bền vững, khu công nghiệp sinh thái và thực hiện kinh tế tuần hoàn tại khu công nghiệp.
Đồng thời, chúng tôi cũng đã xây dựng bộ tiêu chí để giúp doanh nghiệp đánh giá mức độ cải thiện kể từ thời điểm nhận chứng nhận cũng như tiếp tục cải thiện cho quá trình chứng nhận lại.
Song song đó, chúng tôi đã phối hợp với một số tổ chức quốc tế xây dựng bộ tiêu chí về khu công nghiệp sinh thái và doanh nghiệp sinh thái ở quy mô quốc tế. Điều đó đồng nghĩa với những chỉ tiêu cấp độ quốc gia và cấp độ quốc tế đã được tích hợp vào trong khung tiêu chí giám sát đánh giá. Khi doanh nghiệp đạt được ở tầm quốc gia, tương đương với tầm quốc tế thì khả năng cạnh tranh khi tham gia những thị trường tiên tiến là rất lớn.
Đặc biệt, trong Luật sửa 4 luật mới được ban hành có hiệu lực từ ngày 15/1/2025 có một số quy định, thủ tục đặc biệt dành cho các dự án giải pháp về khoa học và công nghệ, về công nghệ cao hoặc đổi mới sáng tạo. Theo đó, các doanh nghiệp thuộc nhóm dự án trên chỉ cần đăng ký và cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiến hành hậu kiểm thay vì tiền kiểm như trước đây”.
“Kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững hiện nay đã dần trở thành yêu cầu bắt buộc ở nhiều thị trường. Nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như EU đã vừa ban hành quy định về phát triển bền vững, cụ thể trong lĩnh vực dệt may yêu cầu đặt ra phải thiết kế sinh thái, sản phẩm phải dễ tái chế, tiết kiệm năng lượng, tối ưu hóa tuổi thọ…
Để đẩy mạnh thực hiện kinh tế tuần hoàn, cần bắt đầu từ những vấn đề cụ thể, vì vậy, vai trò của chính sách với vận hành kinh tế tuần hoàn vô cùng quan trọng. Cần có những quy định về thiết kế sản phẩm trong từng mặt hàng nhất định, như: dễ phân loại, dễ tháo rời, đồng bộ để quy trình tái chế dễ dàng nhất, vật liệu tái chế có khả năng phân huỷ sinh học, sản phẩm tách rời kim loại - thủy tinh… để tiết kiệm thời gian và chi phí nhất.
Mặt khác, cần có công cụ để đánh giá hiệu quả kinh tế tuần hoàn thông qua các chỉ tiêu. Trước hết từ doanh nghiệp, cần tính được hiệu quả về tài chính trong ngắn hạn và dài hạn. Với Nhà nước, một số chỉ số cần tính đến đó là tỷ lệ tái chế ở từng ngành nghề, hiệu quả sử dụng tài nguyên (tiêu thụ nước, năng lượng, nguyên liệu đầu vào) và lượng phát thải.
Chúng ta đã bắt đầu có quy định về hạn ngạch phát thải nhưng giới hạn ở một số ngành hàng. Dần theo lộ trình sẽ có hạn ngạch, nhưng cái khó là mỗi ngành hàng khác nhau lại có quy định riêng. Khi Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các bộ ngành phối hợp xây dựng định mức của ngành mình, các bộ, ngành chuyên môn rất lúng túng. Đây là những khó khăn về mặt chính sách trong thời gian tới. Do đó cần có sự liên thông giữa các bộ, ngành, một chương trình chung của Chính phủ và có sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế.
Hệ thống tiêu chí cần đi kèm với hệ thống kê khai và hệ thống kiểm toán. Doanh nghiệp phải có đủ nhân lực để kê khai. Hiện nay, một số Nghị định về phát thải khí nhà kính trao trách nhiệm này cho chính quyền địa phương. Tuy nhiên, sự hiểu biết của các sở, ngành, địa phương về lĩnh vực mới này còn rất khó khăn. Do đó, điều ưu tiên cấp bách trong thời gian tới là phải làm sao để chính quyền các địa phương hiểu rõ và có kỹ năng cũng như trình độ về vấn đề này.
Ngoài ra, cần coi việc doanh nghiệp áp dụng kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh là động lực kinh tế chứ không chỉ hô hào. Do đó, rất cần sự đồng bộ của chính sách, phải có chính sách là trợ lực cho doanh nghiệp phát triển theo hướng tuần hoàn, như giảm thuế, ưu đãi về phí…”.
“Chúng tôi coi kinh tế tuần hoàn là một phần của phát triển bền vững. Có 4 nguyên nhân khiến chúng tôi tích cực tham gia vào xu hướng này. (i) đây là xu hướng toàn cầu và là xu hướng cần phải nắm bắt; (ii) kinh tế tuần hoàn bao gồm nhiều hệ thống quy định và tiêu chuẩn mới cần tuân thủ để giúp các doanh nghiệp quản trị rủi ro; (iii) đây là thước đo để đánh giá cam kết và trách nhiệm xã hội của các tổ chức; (iv) quan trọng nhất, kinh tế tuần hoàn chính là động lực giúp các doanh nghiệp tạo ra những giá trị đóng góp cho kinh tế - xã hội và cộng đồng.
Từ nhận thức đó, VietinBank đã triển khai tích cực các sản phẩm dịch vụ, không chỉ ở mặt tài chính mà còn những hỗ trợ kỹ thuật để đồng hành cùng khách hàng chuyển đổi kinh tế tuần hoàn và tham gia vào mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, chúng tôi nghiên cứu, triển khai những nhân tố theo thông lệ về tài chính bền vững từ chiến lược, mô hình quản trị, văn bản chính sách, đội ngũ nhân sự lẫn hệ sinh thái,… giúp ngân hàng triển khai đa dạng, đồng bộ các sản phẩm tài chính bền vững cho các khách hàng.
Nhận thức sớm vai trò, tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, chúng tôi đã đặt vấn đề này làm trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh doanh. Từ đó góp phần vào sự phát triển bền vững của các khách hàng của ngân hàng nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung.
Hiện nay, dư nợ của lĩnh vực này đã lên tới 43.000 tỷ đồng. Tuy nhiên so với tổng dư nợ của một ngân hàng lớn trong nhóm Big 4 thì đây vẫn là con số rất khiêm tốn. Do đó, trong thời gian tới, chúng tôi rất mong có thể thúc đẩy được dư nợ này lên.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đang triển khai sáng kiến về tiền gửi xanh. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp có thiện ý và trách nhiệm xã hội khi muốn gửi tiền tới trung gian cung ứng nguồn vốn đến những khách hàng có nhu cầu vay. Như vậy các ngân hàng đã cùng với cộng đồng thúc đẩy mạnh mẽ triển khai mô hình này. Với ý thức, trách nhiệm của mình, chúng tôi cam kết sẽ dành tối đa các nguồn lực nội tại kết hợp với những chính sách hỗ trợ bổ sung từ các cơ quan chức năng, chúng ta sẽ thúc đẩy mạnh mẽ mô hình này”.
“Hiện nay, các công ty khởi nghiệp (startup) và các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam đều có thể sản xuất các sản phẩm bền vững và tuần hoàn, nhưng hầu hết họ lại không tham gia vào các cuộc thảo luận về quy định liên quan đến nhãn mác sản phẩm và chứng nhận kinh tế tuần hoàn. Khi cố gắng mở rộng hợp tác trong khu vực, họ phải đối mặt với thách thức lớn về chi phí tuân thủ, do phải áp dụng các tiêu chuẩn về nhãn mác và chứng nhận khác nhau ở từng quốc gia.
Vì vậy, Việt Nam cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các nhà hoạch định chính sách và khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa và các công ty khởi nghiệp vì họ không có đủ nguồn lực để đáp ứng các quy định này.
Một điểm quan trọng khác cần lưu ý đó là việc nhân rộng các mô hình kinh doanh tuần hoàn, điều mà các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam và ASEAN vẫn gặp phải khó khăn. Họ thiếu khả năng tiếp cận nguồn lực và mạng lưới để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Hiện nay, vẫn chưa có các nền tảng kết nối được thiết lập để họ có thể giao lưu và học hỏi. Do đó, việc hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ tư vấn kỹ thuật, lập kế hoạch kinh doanh, hỗ trợ pháp lý, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thuế và chứng nhận là rất cần thiết đối với công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn.
Cùng với đó, việc thiết lập các nền tảng quốc gia và khu vực để giải quyết những nhu cầu này có thể thúc đẩy hợp tác và nhân rộng các mô hình kinh doanh tuần hoàn. Tại Việt Nam, các tổ chức như VCCI có thể đóng vai trò quan trọng trong tạo ra và điều phối các nền tảng như vậy, cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho các startup và doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển. Bằng cách giải quyết những thách thức này, chúng ta có thể khai thác tiềm năng để thúc đẩy hợp tác và đổi mới trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn trên toàn khu vực ASEAN.
Việt Nam cũng cần chuyển các kế hoạch về kinh tế tuần hoàn sang hành động cụ thể, thay vì tiếp tục dành thêm thời gian để xác định các ngành ưu tiên mới và bắt đầu một chu trình kéo dài 2-3 năm để xây dựng kế hoạch và hướng dẫn cho từng ngành về phát triển kinh tế tuần hoàn. Đây chính là thời điểm để hành động thực sự.
Dù là ngành phát thải cao hay thấp, bất kỳ ngành nào đạt được tiến bộ trong thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và triển khai hành động cụ thể đều sẽ tạo ra tác động lan tỏa mạnh mẽ đến các lĩnh vực khác.
Ngoài ra, khi hợp tác với Hội đồng Doanh nghiệp thế giới về phát triển bền vững (WBCSD), chúng tôi đã được giới thiệu về Quy trình tuần hoàn toàn cầu cho doanh nghiệp (GCP) - một công cụ hữu ích giúp doanh nghiệp đánh giá mức độ tuần hoàn trong hoạt động của mình. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham khảo công cụ này trong quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn. Công cụ này không chỉ hỗ trợ thiết lập sự minh bạch và tạo ra một sân chơi công bằng trong đánh giá mức độ tuần hoàn, mà còn là phương tiện để doanh nghiệp khẳng định cam kết của mình với các nhà đầu tư và tổ chức tài chính”.
“Hà Lan hiện đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU) và là nhà đầu tư EU lớn nhất tại Việt Nam. Vì vậy, Hà Lan coi việc hợp tác với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam là một phần không thể thiếu trong chiến lược thúc đẩy kinh tế tuần hoàn toàn cầu.
Để phát triển kinh tế tuần hoàn một cách hiệu quả, có những lĩnh vực mà Việt Nam nên chú trọng phát triển.
Thứ nhất, phát triển khu vực tư nhân, vì khu vực này đóng vai trò quyết định trong thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Sự tham gia tích cực của doanh nghiệp tư nhân sẽ là yếu tố then chốt để triển khai các mô hình kinh doanh tuần hoàn và bảo vệ môi trường. Tại Hà Lan, chúng tôi đã thực hiện nhiều chính sách để đảm bảo khu vực tư nhân tham gia vào chương trình nghị sự về kinh tế tuần hoàn.
Thứ hai, tăng cường hợp tác công tư (PPP). Ví dụ, trong ngành nhựa, Việt Nam có thể thiết lập các mô hình PPP để giải quyết vấn đề rác thải nhựa, một thách thức lớn hiện nay. Những quan hệ đối tác này sẽ không chỉ tạo điều kiện để hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà còn giúp lắng nghe và giải quyết những khó khăn họ đang gặp phải trong áp dụng các giải pháp kinh tế tuần hoàn.
Thứ ba, cải thiện các vấn đề tài chính, được xem là yếu tố cốt lõi để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tuần hoàn. Tại Hà Lan, chúng tôi đã hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua triển khai Quỹ Đổi mới kinh tế tuần hoàn nhằm cung cấp nguồn vốn cho các dự án đổi mới trong các lĩnh vực liên quan đến kinh tế tuần hoàn. Quỹ này giúp lấp đầy khoảng trống tài chính và hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các giải pháp tuần hoàn hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Ngoài ra, để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, Việt Nam có thể ưu tiên tập trung vào các ngành có tác động môi trường lớn như ngành tiêu dùng, điện tử, dệt may, nhựa và xây dựng (xây dựng cầu đường, văn phòng, nhà ở,...). Các lĩnh vực sản xuất liên quan đến sinh khối và thực phẩm cũng cần được chú trọng, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn bền vững và hiệu quả.
Tại Hà Lan, chúng tôi triển khai chính sách liên quan tới nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất, yêu cầu các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm cho toàn bộ vòng đời của sản phẩm, bao gồm cả việc xử lý và tái chế khi sản phẩm hết vòng đời. Chính sách này giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của nhà sản xuất và khuyến khích các phương thức sản xuất bền vững hơn.
Một điểm đặc biệt quan trọng là các doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng các yêu cầu quốc tế về kinh tế tuần hoàn khi đưa sản phẩm ra thị trường toàn cầu. Chẳng hạn, khi xuất khẩu sang thị trường EU, các doanh nghiệp phải tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe như Quy định về Thiết kế sinh thái cho sản phẩm bền vững (ESPR) hoặc Chỉ thị Thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp (CSDDD) của EU. Những tiêu chí này không chỉ đảm bảo sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp”.
“Mục tiêu then chốt của Sabeco là đảm bảo chất lượng tới tay người tiêu dùng. Thực hiện kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp tập trung vào ba mục tiêu bao trùm trong ngành sản xuất bia. Đó là quản lý bao bì bền vững; quản lý nguồn nước; sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng, các chất thải và chất ảnh hưởng tới môi trường. Những hành động này giúp lan tỏa trong ngành bia, giảm khí thải ra môi trường, duy trì nguồn năng lượng cho cộng đồng và xã hội.
Để thực hiện phát triển bền vững, chiến lược kinh tế tuần hoàn là xuyên suốt trong quá trình hoạt động của Sabeco. Theo đó, Sabeco phân ra làm hai đơn vị: các đơn vị bên trong và bên ngoài (trong chuỗi cung ứng). Cả hai đơn vị đều phải tuân thủ kinh tế tuần hoàn.
Trong nội khối của Sabeco, chúng tôi xây dựng các mô hình đảm bảo chiến lược phát triển bền vững như có kế hoạch siết chặt về nguồn nước sử dụng, nguồn năng lượng. Trong 5 năm qua, Sabeco đã tiết giảm được 60% lượng nước sử dụng trong sản xuất, tiết giảm 43% lượng điện tiêu thụ tương đương 60 ngàn tấn CO2 phát thải ra bên ngoài.
Với bên ngoài, Sabeco đưa vào các cam kết trong hợp đồng để đánh giá nhà cung cấp. Nguyên liệu Sabeco là gạo và men, nên yêu cầu các đơn vị cung cấp gạo phải sử dụng các loại bao bì không phát thải, như vận chuyển bằng các container để thu hồi chứ không sử dụng các loại bao 50kg. Đó cũng là yếu tố để ưu tiên lựa chọn nhà cung cấp.
Ngoài ra, chúng tôi muốn sử dụng các nhà vận chuyển sử dụng nguồn khí sạch. Tuy nhiên, vấn đề kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam còn mới, nên hiện nay các nhà vận tải chưa đáp ứng được điều này. Do đó, giai đoạn hiện nay chúng tôi hạn chế tối đa những nhà cung cấp không đảm bảo được vấn đề xả thải.
Điểm nghẽn với doanh nghiệp trong phát triển nền kinh tế tuần hoàn đó là xử lý các văn bản hành chính. Ví dụ, doanh nghiệp đang sử dụng lò đốt dầu là nguồn năng lượng hóa thạch, doanh nghiệp đó muốn chuyển qua đốt trấu, năng lượng biomass, thì rất khó khăn về giấy phép. Hay bùn thải bia, doanh nghiệp mang đi nghiên cứu ở nhiều nơi và có giấy chứng nhận là vô hại, an toàn và hữu dụng cho cây trồng, nhưng vẫn áp đặt đây là chất thải công nghiệp độc hại…
Vì vậy, để phát triển bền vững, phát triển nền kinh tế tuần hoàn, chúng ta cần điều chỉnh thống nhất từ Trung ương tới địa phương, có chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Năm 2015, TP.Hồ Chí Minh có chính sách nghiên cứu khoa học, tức là lợi nhuận trước thuế doanh nghiệp được giữ lại và sử dụng để nghiên cứu đầu tư thiết bị giúp thực hiện chiến lược kinh tế tuần hoàn, Sabeco đã sử dụng nguồn này để đầu tư vào công nghệ. Kinh tế tuần hoàn phải đi đôi với ứng dụng khoa học, kỹ thuật, phải đầu tư chi phí. Do đó, Nhà nước nên có chính sách như thế, đó là Quỹ khoa học phát triển, để giúp phát triển kinh tế tuần hoàn tốt hơn”.
VnEconomy 17/12/2024 06:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 51-2024 phát hành ngày 16/12/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam