16:49 10/04/2022

Hợp nhất hai công ty vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn, chấm dứt tình trạng triền miên thua lỗ?

Ánh Tuyết

Thua lỗ thê thảm sau 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn ghi nhận mức lỗ gần 674 tỷ đồng. Hai đơn vị này sắp hợp nhất thành 1 công ty cổ phần vận tải đường sắt, kỳ vọng cải thiện hiệu quả kinh doanh...

Phó Thủ tướng vừa đồng ý về chủ trương phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Phó Thủ tướng vừa đồng ý về chủ trương phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa có ý kiến về phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tại văn bản số 303/TTg-ĐMDN.

Theo đó, Phó Thủ tướng đồng ý về chủ trương phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Cụ thể, thực hiện thu gọn đầu mối Chi nhánh Xí nghiệp Đầu máy từ 5 Chi nhánh Xí nghiệp Đầu máy thành 3 Chi nhánh Xí nghiệp Đầu máy.

Bên cạnh đó, chuyển nguyên trạng toàn bộ hoạt động, tài sản, con người đang có tại 3 Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 1, 2, 3 về 1 Ban Quản lý dự án đường sắt có các điều kiện tốt nhất về quy mô, kinh nghiệm, thực tế... để thực hiện chức năng đại diện chủ đầu tư quản lý các dự án đường sắt do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư. Đồng thời, chấm dứt hoạt động của 2 Ban Quản lý dự án đường sắt còn lại.

 

"Hợp nhất Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn thành 1 Công ty cổ phần vận tải đường sắt", công văn số 303 nêu rõ.

Phó Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương thực hiện việc cơ cấu lại các doanh nghiệp, đơn vị nêu trên bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật, phát huy hiệu quả, tuyệt đối không để thất thoát vốn và tài sản của nhà nước; hoàn thiện Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2021-2025 bảo đảm phù hợp với Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 liên tục bùng phát với sự xuất hiện của những biến thể nguy hiểm, nhiều tỉnh, thành phố như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Nhà Trang… áp dụng giãn cách xã hội kéo dài, từ ngày 31/5/2021 đến ngày 31/10/2021.

Trong thời gian này, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời, để tiết giảm chi phí, doanh nghiệp đường sắt phải cắt giảm nhiều đoàn tàu.

Từ ngày 8/7/2021, hai công ty, gồm Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn chỉ còn chạy 1 đoàn tàu SE7/8 trên tuyến đường sắt Hà Nội – TP.HCM. Từ ngày 23/8/2021 cắt giảm toàn bộ tàu khách đến ngày 13/10/2021 mới chạy lại đôi tàu đầu tiên sau giãn cách xã hội.

Các doanh nghiệp vận tải đường sắt đánh giá, việc dừng chạy tàu ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là lý do khiến các chỉ tiêu về sản lượng, doanh thu về hành khách, hàng hoá năm 2021 đều không đạt so với kế hoạch và giảm so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, phát sinh hàng loạt chi phí phòng chống dịch, vệ sinh toa xe, nhà ga.

Theo báo cáo tài chính vừa được các doanh nghiệp công bố, năm 2021, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn đạt doanh thu thuần đạt 893,58 tỷ đồng, giảm 28,7% so với năm trước. Do kinh doanh dưới giá vốn, công ty tiếp tục lỗ thêm 139 tỷ đồng, trước đó, năm 2020 ghi nhận lỗ tới 217 tỷ đồng.

Về phía Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội năm 2021, doanh thu bán hàng đạt 1.547 tỷ đồng, giảm 20% so với năm 2020. Công ty lỗ 121,6 tỷ đồng, cải thiện hơn so với năm 2020 lỗ tới 196 tỷ đồng.

 

Quyết định số 360 đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, làm tốt vai trò dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác nhằm huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội; quản lý chặt chẽ, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, giải quyết dứt điểm tình trạng đầu tư dàn trải, ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính thông qua việc thoái vốn, bảo đảm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính. 

Quyết định số 360 cũng đặt mục tiêu nộp ngân sách nhà nước tối thiểu 248.000 tỷ đồng từ cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025.