16:06 25/12/2021

“Ông lớn” đường sắt thua lỗ trên 2.000 tỷ, Phó Thủ tướng đề nghị phải đổi mới quyết liệt

Anh Tú

Sau 2 năm bị tàn phá bởi đại dịch, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thua lỗ lên tới 2.017,7 tỷ đồng. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị lãnh đạo ngành đường sắt phải đổi mới tư duy, quyết liệt, chủ động hơn nữa...

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp (Ảnh: VGP).
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp (Ảnh: VGP).

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa chủ trì cuộc làm việc với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về tình hình vận tải đường sắt năm 2021, kế hoạch vận tải đường sắt năm 2022.

Báo cáo của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho thấy, trong năm 2021, vận chuyển hàng hoá đạt 5,6 triệu tấn, tăng 10,4% so với cùng kỳ, nhưng chỉ vận chuyển được 1,4 triệu lượt hành khách lên tàu, giảm sâu 63,3% so với cùng kỳ.

Doanh thu trực tiếp từ vận tải đạt 2.600 tỷ đồng, bằng 85% cùng kỳ. Doanh thu Tổng Công ty hợp nhất đạt 6.290 tỷ đồng, bằng 94,6% so với cùng kỳ và đạt 95,3% kế hoạch năm. Do thực hiện các biện pháp thắt chặt chi tiêu nên dù doanh thu chỉ đạt hơn 90% chỉ tiêu kế hoạch nhưng chỉ tiêu lợi nhuận đảm bảo hoàn thành kế hoạch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp giao là 101,3% tương đương âm 690,7 tỷ đồng (kế hoạch được giao là âm 700 tỷ).

Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh nhìn nhận, năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực đến quá trình phục hồi và hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, hoạt động vận tải bằng các phương thức khác bị đình trệ, ngành đường sắt chủ động đẩy mạnh vận tải hàng hóa bù đắp cho phần doanh thu vận tải hành khách sụt giảm.

Trong đó, tập trung vào việc vận chuyển hàng hóa bằng tàu chuyên tuyến, tăng tỷ trọng vận tải hóa bằng container và đẩy mạnh vận chuyển hàng liên vận quốc tế giữa Việt Nam-Trung Quốc và quá cảnh đi châu Âu, Nga, Mông Cổ, các nước Trung Á.

Cũng trong năm 2021, Tổng công ty đưa vào khai thác sản phẩm dịch vụ mới là đoàn tàu container liên vận quốc tế chạy thẳng châu Âu.

Năm 2022, Tổng Công ty đường sắt xác định tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường công tác vận tải hàng hóa, xác định mục tiêu chuyển hướng vận tải hàng hóa là chủ đạo, từng bước hỗ trợ cho vận tải hành khách đảm bảo doanh thu và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

 

"Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc nghiên cứu có một phương án hoàn chỉnh để phát huy tối đa vận tải hàng hóa trong năm 2022, để bù cho các phương tiện vận tải khác có thể bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Chúng ta chưa lường hết được diễn biến dịch bệnh vì vậy, hết sức chú trọng tính toán xây dựng kế hoạch, các biện pháp giải pháp chủ động”.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành.

Thực hiện vận chuyển hàng hóa theo chuyên môn hóa, container là chủ đạo. Phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ tàu chuyên tuyến, tàu container Bắc Nam, container lạnh chở hoa quả, thực phẩm….

Tại buổi làm việc, các ý kiến đều cho rằng, ngành đường sắt cần đổi mới tư duy trong sản xuất kinh doanh, tập trung vào vận tải hàng hóa trong bối cảnh còn nhiều cơ hội.

Chia sẻ với những khó khăn ngành đường sắt đang gặp phải, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, hiện nay, hạ tầng đường sắt còn nhiều hạn chế. Cụ thể, lao động đông, mức độ cơ giới hóa chưa cao, ứng dụng khoa học công nghệ còn thấp, tư duy chuyển biến chậm dẫn đến hiệu quả công tác vận tải chưa cao. Cùng với đó, hạ tầng đường sắt và các giao cắt chưa được đầu tư thỏa đáng.

Phó Thủ tướng cho hay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hiện đại hoá ngành đường sắt.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, cán bộ, lãnh đạo ngành đường sắt phải đổi mới tư duy, quyết liệt, chủ động hơn nữa, có các giải pháp, cách làm mới để đưa ngành đường sắt phát triển hơn trong thời gian tới. “Ngành đường sắt không thể như thế này mãi được, dứt khoát phải hiện đại hóa”. Lãnh đạo ngành đường sắt phải mạnh dạn, chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp đột phá.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo tinh thần tại văn bản số 636/TTg-CN, tuyệt đối không để lặp lại những vướng mắc như trong vài năm qua, đảm bảo an toàn khai thác trên toàn hệ thống.

 

Kết thúc năm tài chính 2020, Công ty mẹ đạt doanh thu 1.729 tỷ đồng, nộp ngân sách được 160 tỷ đồng. Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế là âm 1.327 tỷ đồng, cao gấp 9 lần “định mức” thua lỗ được Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giao (168,4 tỷ đồng). Như vậy, sau 2 năm bị tàn phá bởi đại dịch, Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lỗ 2.017,7 tỷ đồng.