Nhanh chóng tạo cơ chế khai thác, kinh doanh hạ tầng đường sắt, "hút" vốn đầu tư tư nhân
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông đề nghị Cục Đường sắt Việt Nam nhanh chóng xây dựng cơ chế triển khai quy hoạch mạng lưới đường sắt, xã hội hóa đầu tư hạ tầng và đẩy nhanh tiến độ đề án quản lý, cho thuê kết cấu hạ tầng đường sắt...
Ngày 5/1, Cục Đường sắt Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2022.
Nhận định năm 2022 sẽ tiếp tục là năm khó khăn đối với lĩnh vực đường sắt, đặc biệt trong vận tải, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông đề nghị Cục Đường sắt Việt Nam phải xác định đúng vai trò của chủ thể quản lý Nhà nước trong quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt.
“Vận tải hành khách vẫn bị ảnh hưởng, vận tải hàng hóa tuy có tăng trưởng tốt nhưng cũng bị hạn chế bởi thiếu phương tiện, bãi hàng, kho ga chưa đạt tiêu chuẩn, thiếu kết nối”.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông.
Đồng thời, giải quyết triệt để các tồn tại, vướng mắc, qua đó tác động thay đổi nhận thức của xã hội đối với lĩnh vực đường sắt, để có được nguồn lực đầu tư tương xứng.
Đáng lưu ý, Thứ trưởng yêu cầu Cục chủ động, tích cực làm việc với các cơ quan có thẩm quyền để Đề án “Quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư” sớm được phê duyệt, làm cơ sở pháp lý, tạo thuận lợi cho thực hiện các công tác liên quan, trong đó có triển khai vốn bảo trì hàng năm và cho thuê kết cấu hạ tầng đường sắt.
Bên cạnh đó, "xây dựng cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó đề xuất nguồn lực thực hiện, cơ chế xã hội hóa đầu tư hạ tầng", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Ngoài ra, tập trung cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, số hóa về kết cấu hạ tầng đường sắt. Công tác quản lý vốn bảo trì phải dần chuẩn hóa, bài bản…
Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Vũ Quang Khôi cho biết, trong năm 2021, ngành giao thông vận tải gặp nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt do dịch bệnh Covid-19 bùng phát nghiêm trọng ở nhiều địa phương. Thêm vào đó, một số nhiệm vụ lớn, phức tạp tăng thêm trong năm do Bộ Giao thông vận tải giao cho Cục.
Trong năm vừa qua, Cục hoàn thành Quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đối với báo cáo cuối kỳ Quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Cục chủ trì, phối hợp với Tư vấn viện 5 (Trung Quốc) tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các cơ quan đơn vị và trình Bộ Giao thông vận tải xem xét chấp thuận để làm thủ tục bàn giao, tiếp nhận kết quả dự án.
Về công tác chuẩn bị đầu tư và đề xuất chủ trương đầu tư, Cục cũng hoàn thành và trình Bộ Giao thông vận tải 4 báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án nhóm B thuộc Kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 theo đúng tiến độ.
Về lĩnh vực vận tải, Cục chủ trì, phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt nam tham mưu Bộ Giao thông vận tải ban hành 4 quyết định hướng dẫn tạm thời và tổ chức giao thông kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải đường sắt trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19, qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tổ chức, khai thác vận tải hành khách, hàng hóa.
Kết quả, vận tải hàng hóa đường sắt tăng trưởng hơn 10%, bù đắp phần nào vận tải hành khách bị sụt giảm do ảnh hưởng dịch.
Đặc biệt, trong năm 2021, Cục Đường sắt Việt Nam thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm đối với dự án tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông đảm bảo đúng quy định của pháp luật và đáp ứng yêu cầu tiến độ công tác bàn giao của dự án.
Năm 2021 cũng là năm đầu tiên Cục Đường sắt Việt Nam được giao nhiệm vụ ký và quản lý Hợp đồng đặt hàng bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, đây là nhiệm vụ lớn và phức tạp nhưng Cục Đường sắt Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ này…
Tính sơ bộ, vận chuyển hàng hoá năm 2021 của ngành đường sắt đạt khoảng 5,7 triệu tấn, tăng 10,4% so với năm 2020. Tuy nhiên, vận chuyển hành khách 1,4 triệu lượt hành khách, chỉ bằng 36,7% so với năm 2020. Doanh thu trực tiếp từ vận tải đạt 2.600 tỷ đồng, bằng 85% so với năm 2020.