16:44 29/11/2023

Ngân hàng đầu tiên mở rộng cửa đón các nền tảng phục vụ người dùng

Hoàng Lan

Tại lễ ra mắt hệ thống BIDV Open API, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh Toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan quản lý đang tích cực xây dựng hành lang pháp lý cho Open API và Open Banking (ngân hàng mở). Dự kiến, thông tư về open API có thể ban hành vào năm 2024...

Lãnh đạo Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước chia sẻ về hành lang pháp lý cho ngân hàng mở.
Lãnh đạo Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước chia sẻ về hành lang pháp lý cho ngân hàng mở.

Theo McKinsey, kể từ khi internet ra đời, ngành ngân hàng trên thế giới đã trải qua 4 giai đoạn phát triển: (1) internet banking; (2) kỷ nguyên mobile banking bắt đầu từ năm 2007 khi chiếc iphone đầu tiên xuất hiện trên thế giới; (3) kỷ nguyên omni chanel – khi mà các kênh giao dịch với khách hàng, các điểm chạm với khách hàng được đồng nhất, xuyên suốt, tạo ra trải nghiệm liền mạch; (4) open banking (ngân hàng mở) – xu hướng mới nhất trong lĩnh vực tài chính ngân hàng hiện nay.

Có thâm niên hàng chục năm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc trung tâm phát triển ngân hàng số BIDV không khỏi thán phục trước tốc độ phát triển công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng những năm gần đây.

Theo ông Thắng, linh hồn của chuyển đổi số chính là API (Application Programming Interface - phương thức trung gian kết nối các ứng dụng và thư viện khác nhau – PV). Trong những năm vừa qua, API không chỉ tồn tại ở dạng khái niệm mà  đã trở thành cái lõi để phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Khi công nghệ API được nâng cấp mạnh mẽ, được chia sẻ một cách rộng rãi, có tính liên thông cao thì nó trở thành Open API. Khi Open API được ứng dụng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và đã được đưa lên thành mô hình kinh doanh chứ không còn là mô hình công nghệ nữa, thì gọi là Open Banking.

Theo ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV, nắm bắt được xu thế này, BIDV và Công ty IBM Việt Nam đã nghiên cứu, xây dựng và phát triển hệ thống BIDV Open API – hệ sinh thái dẫn đầu xu thế ngân hàng mở của tương lai. Ông Lâm nói: “Xác định chuyển đổi số là một hành trình không ngừng nghỉ để sáng tạo nên những giá trị mới, trải nghiệm mới cho khách hàng, ngày hôm nay BIDV ra mắt hệ thống BIDV Open API với mong muốn sẽ tiếp tục mở rộng và lan tỏa hệ sinh thái số trên các nền tảng mới, đón đầu xu thế thị trường và định hình dịch vụ tài chính trong tương lai”.

Ngân hàng đầu tiên mở rộng cửa đón các nền tảng phục vụ người dùng - Ảnh 1

Trước đây, khi Open API chưa được phát triển mạnh mẽ thì dịch vụ ngân hàng chỉ được thực hiện tại các nền tảng/ứng dụng thuộc sở hữu của ngân hàng.

Tuy nhiên, với sự ra đời của Open API, tất cả các dịch vụ của ngân hàng sẽ được chia sẻ rộng rãi trên nền tảng của bất kỳ đối tác nào kết nối với ngân hàng; tại bất kỳ điểm chạm hay bối cảnh nào phát sinh nhu cầu tài chính của người dùng.

“Chúng tôi là ngân hàng, chúng tôi tiêu thụ tất cả API của bất kỳ đối tác nào như tôi vừa nói. Trên smart banking của BIDV, mọi người có thể sử dụng toàn bộ các loại hình dịch vụ từ đăng ký vé máy bay, gọi taxi, đến đặt hoa, mua bảo hiểm, đăng ký trường học… rất nhiều dịch vụ. Đó là cho khách hàng cá nhân. Còn đối với các khách hàng là doanh nghiệp, chúng tôi tích hợp nhiều loại hình dịch vụ công như thuế, hải quan, logistics…”, Giám đốc trung tâm phát triển ngân hàng số BIDV chia sẻ.

Ở chiều ngược lại, ngân hàng biến các sản phẩm/dịch vụ của mình thành API và chia sẻ cho các đối tác để đối tác đưa API của ngân hàng vào hệ sinh thái của chính mình.

“Khi dịch vụ ngân hàng được “nhúng” vào hành trình của tất cả các cái hệ sinh thái khác nhau. Ví dụ như BIDV nhúng vào Momo hay Misa thì các giao dịch ngân hàng sẽ được ẩn trong trải nghiệm mua hàng/sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp đối tác”, ông Nguyễn Chiến Thắng nói.

“Năm 2024, chủ đề chính của chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng chính là xây dựng hệ sinh thái số. Tôi rất vui mừng khi đã có ngân hàng đầu tiên chính thức khai trương và ra mắt nền tảng Open API, nhằm phát triển một hệ sinh thái số toàn diện”, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, phát biểu tại sự kiện.

Ông Tuấn nhấn mạnh, đã có nền tảng rồi thì bây giờ phải làm sao thu hút được người dùng tham gia nền tảng này. Đây chính là lúc các bộ phận như khách hàng cá nhân hay khách hàng doanh nghiệp của ngân hàng chính thức vào cuộc.

Trong vai trò của cơ quan quản lý, ông Phạm Anh Tuấn chia sẻ khó khăn với các tổ chức tín dụng khi triển khai Open API, Open Banking trong bối cảnh hành lang pháp lý cho lĩnh vực này còn thiếu.

Vụ trưởng Vụ Thanh toán khẳng định trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước là sớm ban hành dự thảo về Open API và lấy ý kiến rộng rãi của các bên liên quan. Quá trình này đang được thúc đẩy.

“Chúng tôi hy vọng rằng năm 2024 thì thông tư về Open API có thể ban hành, tạo hành lang pháp lý bước đầu để các tổ chức tín dụng cũng như các đơn vị khác có thể cung cấp nền tảng Open API.  Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ nghị định về sanbox dành cho fintech.  Còn hiện nay, pháp luật không cấm tổ chức tín dụng và các fintech kết nối với nhau cung cấp các dịch vụ liên quan Open API”, ông Phạm Anh Tuấn cho biết.

 

Liên quan đến Open Banking, vào hồi 13h30 ngày 7/12/2023, tại Hà Nội, lần đầu tiên Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy cùng các đối tác quan trọng tổ chức một hội thảo chuyên ngành với chủ đề: "Ngân hàng mở/Open Banking: Chuyển dịch mô hình kinh doanh từ đóng sang mở". 

Hội thảo quy tụ hầu hết các định chế ngân hàng và trung gian thanh toán lớn, tập trung thảo luận 6 nhóm vấn đề:

- Xu hướng thị trường đối với Open banking;

- Sự cần thiết phải có chuẩn chung Open banking;

- Tính cấp thiết của việc phải có đơn vị quản lý chung (Hub) trong việc xây dựng, vận hành tiêu chuẩn chung Open banking;

- Vai trò của cơ quan quản lý;

- Nhận diện rủi ro và cách phòng chống;

- Lợi ích và chia sẻ lợi ích các chủ thể tham gia.