Hút vốn đầu tư vào NIC, tạo cơ hội cho công nghiệp bán dẫn    - Ảnh 1
Hút vốn đầu tư vào NIC, tạo cơ hội cho công nghiệp bán dẫn    - Ảnh 2

Mới đây, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định số 94/2020/NĐ-CP quy định cơ chế chính sách ưu đãi đối với NIC nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Theo ông, các chính sách này phải như thế nào để thu hút nhiều hơn doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao?

NIC được đưa vào hoạt động với kỳ vọng sẽ phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và đưa tinh thần đổi mới sáng tạo lan tỏa trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng mạnh mẽ, NIC sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút các doanh nghiệp, chuyên gia và nguồn lực có trình độ cao. Do đó, việc sửa đổi Nghị định số 94/2020/NĐ-CP sẽ tạo ra khung khổ pháp lý nhằm tạo lập sự cạnh tranh đặc biệt của NIC so với các nơi khác.

Vì vậy, việc sửa Nghị định theo hướng vừa phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, vừa phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư thay vì cách tiếp cận truyền thống trước kia là đưa ra những gì chúng ta có. Đây là giải pháp hiệu quả nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào NIC trong 8 lĩnh vực được định hướng, trong đó có công nghiệp bán dẫn – một trong lĩnh vực được nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm hiện nay.

Hút vốn đầu tư vào NIC, tạo cơ hội cho công nghiệp bán dẫn    - Ảnh 3

Như ông vừa chia sẻ, công nghiệp bán dẫn hiện đang là một trong những ngành rất hút vốn đầu tư nước ngoài. Ông đánh giá như thế nào về những dự án trong lĩnh vực này tại Việt Nam trong thời gian gần đây?

Đã có những tín hiệu tích cực cho thấy Việt Nam được chọn là điểm đến của các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực công nghệ cao nói chung và công nghiệp bán dẫn nói riêng. Đây là điểm khởi đầu rất quan trọng nhằm góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược của Chính phủ đưa công nghiệp bán dẫn trở thành một trong những ngành công nghiệp tạo nên đột phá cho tăng trưởng nhanh và bền vững kinh tế đất nước trong thời gian tới.

Khi nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam và thực hiện những dự án trong lĩnh vực bán dẫn sẽ là động lực cho các doanh nghiệp tham gia kết nối, đồng thời thực hiện chuyển giao công nghệ, góp phần đưa các doanh nghiệp Việt Nam tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn, vốn là một trong những ngành đầu tàu của nền kinh tế khu vực và thế giới.

Hút vốn đầu tư vào NIC, tạo cơ hội cho công nghiệp bán dẫn    - Ảnh 4

Với việc nâng cấp quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – Hoa Kỳ với trọng tâm là đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn và sự quan tâm đầu tư của nhiều nhà đầu tư lớn, ông nhìn nhận thế nào về triển vọng thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia trong lĩnh vực này?

Mới đây, Việt Nam và Hoa Kỳ đã nâng cấp quan hệ hợp tác lên tầm cao mới (Đối tác Chiến lược toàn diện). Điều này cho thấy Việt Nam tiếp tục khẳng định là quốc gia có nền kinh tế ổn định và phát triển; đồng thời, khẳng định là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư Hoa Kỳ.

Việc hai quốc gia nâng cấp quan hệ hợp tác, trong đó có lĩnh vực bán dẫn là một trong những động lực thúc đẩy mối quan hệ này ngày càng đi vào thực chất, mang lại lợi ích cho cả hai nước. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam trở thành một trong những mắt xích quan trọng của chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn trên thế giới trong thời gian tới.

Tôi cho rằng các nhà đầu tư Hoa Kỳ lựa chọn Việt Nam trở thành nơi đầu tư ngành công nghiệp công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn là quá trình được nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng, cẩn trọng. Trong quá trình này, ngoài các nhà đầu tư Hoa Kỳ, Việt Nam cũng đã tạo sự tin tưởng cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư từ các nền kinh tế phát triển như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Đây là tín hiệu tốt cho triển vọng hợp tác trong lĩnh vực này trong thời gian tới.

Hút vốn đầu tư vào NIC, tạo cơ hội cho công nghiệp bán dẫn    - Ảnh 5

Gần đây, nhiều nhà đầu tư lớn đã bày tỏ sự quan tâm đến lĩnh vực bán dẫn của Việt Nam. Để nắm bắt “cơ hội vàng” này, theo ông, Việt Nam nên có chính sách thu hút FDI lĩnh vực này như thế nào?

Đúng là hiện có nhiều nhà đầu tư lựa chọn Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn. Điều này khẳng định môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta ngày càng thuận lợi, thông thoáng và hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Sự hấp dẫn này trước hết đến từ sự đồng hành và hỗ trợ của Chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn với nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi nhà đầu tư. Cùng với đó, Việt Nam cũng là nền kinh tế năng động với tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực.

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều nghiên cứu để đưa ra những chính sách ưu đãi nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo. Điển hình như Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ưu đãi đầu tư đặc biệt. Theo đó, các dự án đầu tư công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, có sự kết nối với doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị được hưởng cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt.

Tuy nhiên, theo tôi, tất cả những điều này là chưa đủ, bởi bên cạnh thu hút đầu tư, cần phải tạo dựng môi trường thuận lợi để duy trì đầu tư lâu dài. Từ đó, nhà đầu tư đồng hành cùng Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng, một cứ điểm sản xuất chất bán dẫn trong khu vực và thế giới.

Để làm được điều này, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo sự thông thoáng tối đa, giúp các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư tại Việt Nam; đồng thời nghiên cứu chính sách hỗ trợ phù hợp, nhất là trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Hút vốn đầu tư vào NIC, tạo cơ hội cho công nghiệp bán dẫn    - Ảnh 6

Với vai trò là cơ quan xúc tiến đầu tư nước ngoài, Cục Đầu tư nước ngoài đang và sẽ có những giải pháp nào kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực bán dẫn?

Là cơ quan được phân công quản lý nhà nước trong thu hút đầu tư nước ngoài cũng như quản lý đầu tư ra nước ngoài của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chúng tôi nhận thức rõ đây là một cơ hội, đồng thời cũng là áp lực lớn để làm sao chuyển tải cơ chế, chính sách cũng như định hướng của Chính phủ trong phát triển lĩnh vực này, để từ đó tạo sự đột phá cho tăng trưởng kinh tế. Qua đó, giúp Việt Nam thúc đẩy chuyển dịch kinh tế theo chiều hướng tích cực và thực hiện thành công các mục tiêu 2030 và 2045 đã đặt ra của Chính phủ.

Với sự chỉ đạo sát sao và sự ủng hộ từ phía lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, Cục Đầu tư nước ngoài đã phối hợp với NIC thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện nhiều hoạt động kết nối, tiếp xúc với các tập đoàn lớn cũng như các đoàn doanh nghiệp nước ngoài liên quan lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có lĩnh vực bán dẫn để giới thiệu môi trường đầu tư cũng như tạo sự kết nối với chính quyền địa phương để tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh. Trên thực tế, các hoạt động này đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.

Trong thời gian tới, tôi tin rằng việc khánh thành và đưa vào hoạt động NIC Hòa Lạc sẽ là “bệ phóng” tạo ra một môi trường kết nối thực sự thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài lĩnh vực bán dẫn tăng cường hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn.

Hút vốn đầu tư vào NIC, tạo cơ hội cho công nghiệp bán dẫn    - Ảnh 7

VnEconomy 16/10/2023 14:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 42-2023 phát hành ngày 16-10-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Hút vốn đầu tư vào NIC, tạo cơ hội cho công nghiệp bán dẫn    - Ảnh 8