Khả năng đạt cận trên của mục tiêu tăng trưởng là khả thi - Ảnh 1
Khả năng đạt cận trên của mục tiêu tăng trưởng là khả thi - Ảnh 2

Thưa bà, ngành nông, lâm, thủy sản là ngành chịu tổn thất nặng nề nhất bởi siêu bão Yagi. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, đến thời điểm này, ngành nông, lâm, thủy sản đã chịu tác động như thế nào?

Bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ vào miền Bắc đầu tháng 9/2024 được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua. Bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và tình hình sản xuất kinh doanh của 26 tỉnh, thành phố miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng với mức độ thiệt hại khác nhau. Nhiều ngành kinh tế đã chịu thiệt hại do gió lốc, ngập lụt, sạt lở đất… nhưng nặng nề nhất là hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Theo ước tính sơ bộ ban đầu, bão Yagi gây thiệt hại khoảng hơn 80 nghìn tỷ đồng cho các địa phương miền Bắc.

Riêng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, quý 3/2024, giá trị tăng thêm của ngành tăng 2,58%, chỉ cao hơn cùng kỳ năm 2021 nhưng thấp hơn các năm còn lại của giai đoạn 2020-2023; trong đó, hoạt động nông nghiệp tăng thấp nhất trong giai đoạn 2020-2023 và các quý đầu năm 2024 (giá trị tăng thêm chỉ đạt 2,03%) do nhiều diện tích trồng lúa mùa sắp cho thu hoạch, đàn gia súc, gia cầm ở một số tỉnh miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng bị mất trắng hoặc thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3.

Đặc biệt, tăng trưởng quý 3/2024 của khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản của một số tỉnh có sự sụt giảm đáng kể, như: Bắc Giang (-12,94%), Thái Nguyên (-10,81%), Quảng Ninh (-6,97%), Hải Phòng (-5,64%); Lào Cài (-1,13%); Cao Bằng (-1%), Hà Nam (-0,94%), Thái Bình 0,08%, Phú Thọ 2,13%, Hải Dương 2,37%.

Khả năng đạt cận trên của mục tiêu tăng trưởng là khả thi - Ảnh 3

Hoạt động lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản của các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại do bão lũ chiếm tỷ trọng thấp trong tổng giá trị tăng thêm nên không ảnh hưởng nhiều tới kết quả chung của hai nhóm ngành này. Do đó, hoạt động lâm nghiệp vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định, giá trị tăng thêm đạt 4,32% nhờ hoạt động trồng rừng tăng, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào các thị trường chính như Hoa Kỳ, Trung Quốc và châu Âu tăng trưởng tốt; giá gỗ nguyên liệu ở mức cao.

Hoạt động nuôi trồng thủy sản ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phục hồi mạnh mẽ nhờ tận dụng các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường xuất khẩu, giá trị tăng thêm ngành thủy sản tăng 3,89%.

Do sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý 3/2024 bị ảnh hưởng do bão và hoàn lưu sau bão nên tính chung 9 tháng năm 2024, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng không đạt mức tăng trưởng như dự kiến, chỉ cao hơn cùng kỳ năm 2020 và thấp hơn mức tăng của các năm từ 2021-2023 với 3,2%; trong đó hoạt động nông nghiệp tăng chậm lại, hoạt động lâm nghiệp và thủy sản đạt mức cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp tăng 2,92%; ngành lâm nghiệp tăng 4,96%; ngành thủy sản tăng 3,73%.

Riêng đối với 26 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi bão số 3, thiệt hại chủ yếu ở ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. Trong hoạt động nông nghiệp, nhiều diện tích lúa và hoa màu bị ngập úng, diện tích nuôi trồng thủy sản bị thu hẹp, nhiều lồng bè bị cuốn trôi, tàu thuyền bị hư hỏng, hệ thống thủy lợi và cơ sở hạ tầng nông nghiệp bị phá hủy… tập trung ở các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Cao Bằng, Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Giang, Sơn La. Các địa phương còn lại mức độ thiệt hại về nông nghiệp không quá nặng nề.

Hoạt động thủy sản ở một số địa phương bị tác động trực tiếp bởi bão như Quảng Ninh, Hải Phòng, Yên Bái, Lào Cai cũng giảm mạnh, nhưng nhờ kết quả sản xuất thủy sản tại các địa phương trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên hoạt động nuôi trồng thủy sản cả nước 9 tháng năm 2024 vẫn phát triển ổn định. Dù bị ảnh hưởng bởi bão nhưng do tỷ trọng giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản của các tỉnh này chiếm khoảng hơn 20% cả nước nên không tác động quá lớn đến tăng trưởng chung của ngành này trên cả nước.

Khả năng đạt cận trên của mục tiêu tăng trưởng là khả thi - Ảnh 4

Tăng trưởng của các ngành khác thì sao, thưa bà?

Trái ngược với đà sụt giảm của khu vực nông, lâm, thủy sản, khu vực công nghiệp quý 3/2024 đạt 9,59% là mức tăng cao nhất trong 3 quý kể từ đầu năm. Trong đó, đóng góp lớn nhất về tăng trưởng của khu vực này phải kể đến ngành chế biến, chế tạo với tốc độ tăng 11,41%, đây là mức tăng quý 3 cao nhất kể từ năm 2020. Có được mức tăng này một phần do thị trường xuất khẩu trên đà khởi sắc, nhà sản xuất nhận thêm nhiều đơn hàng mới cho những tháng cuối năm, mặt khác đây là con số được tính trên nền tăng trưởng khá thấp của năm 2023.

Đáng chú ý, một số yếu tố ngoài dự kiến đã hỗ trợ tăng trưởng của các ngành công nghiệp như ngành lọc hóa dầu có tăng trưởng tốt sau thời kỳ nghỉ bảo dưỡng; ngành điện tử có thêm đơn hàng mới; ngành dệt may tận dụng được những đơn hàng từ nước ngoài do thị trường quốc tế có những khó khăn, bất ổn; đường dây 500kV mạch 3 thông toàn tuyến góp phần giảm các nguồn năng lượng không tái tạo, tận dụng các nguồn năng lương tái tạo như thủy điện… nhằm duy trì nguồn điện cho sản xuất và tiêu dùng trên toàn quốc, đã giúp tăng trưởng của khu vực công nghiệp không bị giảm so với kịch bản dự kiến và đủ bù đắp những thiệt hại của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Đối với 26 tỉnh, thành phố bị tác động trực tiếp bởi cơn bão số 3, hoạt động công nghiệp cũng bị ảnh hưởng do nhà xưởng bị lật mái, hàng hóa, nguyên vật liệu, máy móc thiết bị bị hư hại; mất điện, mất nước, mất thông tin liên lạc diện rộng; sản xuất một số nơi bị ngưng trệ tạm thời do mưa lụt, nhưng mức độ thiệt hại không lớn do phần lớn khối doanh nghiệp đã có kế hoạch chủ động ứng phó với bão lũ.

Các tỉnh, thành phố có hoạt động công nghiệp phát triển mạnh, như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Ninh, đều ít bị tác động do bão Yagi, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) vẫn tăng khá tốt: Hà Nội tăng trên 5%, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng tăng từ 7-12%.

Ngoài ra, khu vực dịch vụ tiếp tục có đóng góp lớn cho tăng trưởng. Nguyên nhân là bởi ngoài một số ngành dịch vụ chịu tác động trực tiếp của cơn bão số 3 như dịch vụ du lịch, dịch vụ lưu trú ăn uống, vui chơi giải trí, thì các ngành dịch vụ khác còn lại vẫn hoạt động ổn định. Tuy nhiên, tháng 9 không phải thời kỳ cao điểm du lịch (cao điểm diễn ra các hoạt động vào kỳ nghỉ lễ đầu tháng 9/2024, khi bão số 3 chưa xảy ra), do đó khu vực dịch vụ không bị ảnh hưởng quá tiêu cực từ cơn bão.

Khả năng đạt cận trên của mục tiêu tăng trưởng là khả thi - Ảnh 5

Như bà vừa chia sẻ thì những tác động từ siêu bão Yagi tới khu vực nông, lâm, thủy sản có thể được bù đắp bởi những khu vực khác. Vậy chúng ta có thể lạc quan với mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm, thưa bà?

Bất chấp những ảnh hưởng từ siêu bão Yagi, GDP quý 3/2024 vẫn vượt mốc 7%, đạt mức 7,4%. Với tốc độ tăng trưởng đạt được trong quý 3/2024, tính chung 9 tháng năm 2024, GDP tăng 6,81%, mức tăng khá cao so với cùng kỳ năm năm 2023 (4,4%).

Những số liệu này cho thấy trong quý 3 và 9 tháng năm 2024, nền kinh tế vẫn đạt được mức tăng trưởng tích cực trong bối cảnh khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản bị sụt giảm do ảnh hưởng của yếu tố thời tiết bất thường nhưng được bù đắp bởi mức tăng ấn tượng của ngành công nghiệp, khu vực dịch vụ tiếp tục duy trì mức tăng khá nhờ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng ổn định, tạo đà phát triển cho quý 4/2024 và cả năm.

Trên cơ sở kết quả hoạt động kinh tế quý 3 và 9 tháng năm 2024, Tổng cục Thống kê nhận định khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 theo Nghị quyết Chính phủ từ 6,5-7% là khả thi. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% thì quý 4/2024 sẽ cần tăng 5,7%, mục tiêu 6,8% thì cần tăng 6,76%, mục tiêu 7% thì cần tăng 7,5%.

Với kết quả tăng trưởng đạt được, cùng với nhận định về xu hướng tăng trưởng các tháng cuối năm, tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 khả năng cao đạt được mục tiêu cận trên của kịch bản tăng trưởng.

Khả năng đạt cận trên của mục tiêu tăng trưởng là khả thi - Ảnh 6

Không tính tới những tác động từ bão Yagi, theo bà, những rủi ro mà nền kinh tế phải đối mặt trong thời gian tới là gì?

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi như chính sách kích cầu tiêu dùng, ổn định kinh tế vĩ mô và thu hút vốn FDI tăng mạnh,… thì nền kinh tế tiếp tục đối mặt với những yếu tố rủi ro cần được nhận diện.

Thứ nhất, hoạt động du lịch đã chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa xứng với tiềm năng, chưa thực sự đáp ứng được như kỳ vọng, cần được nghiêm túc khai thác bài bản các sản phẩm du lịch, hiệu quả để tạo cú hích cho tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, doanh nghiệp vẫn đối mặt với ba vấn đề lớn về thị trường, vốn và pháp lý; một số quy định, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh còn rườm rà, chưa được cắt giảm triệt để.

Thứ ba, doanh nghiệp phải đáp ứng tốt các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững, tiêu chuẩn môi trường - xã hội - quản trị (ESG)… đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, trong khi thời gian để chuyển đổi không còn nhiều (nhiều nước dự kiến áp dụng từ năm 2026).

Thứ tư, thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… đã ổn định hơn, nhưng còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ, như: tăng trưởng tín dụng; xử lý nợ xấu, ngân hàng yếu kém, ngân hàng “0 đồng”; tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản, nhất là các dự án lớn; áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp; nâng hạng thị trường chứng khoán…

Thứ năm, biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đến con người, hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế.

Khả năng đạt cận trên của mục tiêu tăng trưởng là khả thi - Ảnh 7

Vậy theo bà, đâu là giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng này?

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2024, tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát và ổn định tỷ giá hối đoái. Mặc dù thúc đẩy tăng trưởng, nhưng Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các chính sách nhằm kiểm soát lạm phát và duy trì mức giá ổn định để đảm bảo sức mua của người dân không bị suy giảm. Đảm bảo nguồn cung ngoại tệ ổn định để tránh biến động tỷ giá ảnh hưởng đến nhập khẩu nguyên liệu và xuất khẩu hàng hóa.

Thứ hai, đẩy mạnh tiêu dùng cuối cùng trong nước bằng cách thực hiện có hiệu quả các chương trình kích cầu như giảm giá, khuyến mãi, khuyến khích tiêu dùng, đặc biệt là các mặt hàng sản xuất trong nước, vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử.

Thứ ba, thúc đẩy xuất khẩu và hội nhập quốc tế bằng cách tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ quốc tế, tìm kiếm đối tác mới và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thứ tư, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tăng cường tốc độ giải ngân các dự án đầu tư công, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông để tạo động lực cho các ngành liên quan như xây dựng, sản xuất vật liệu, dịch vụ logistics, cũng như tạo thuận lợi trong lưu thông hàng hóa.

Thứ năm, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo, giảm chi phí sản xuất. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh, công nghệ sạch nhằm đáp ứng tiêu chuẩn môi trường của các thị trường xuất khẩu lớn như EU và Mỹ. Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trong quá trình sản xuất, kinh doanh và quản lý nhằm tăng năng suất, giảm chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất thông qua các chính sách về thuế, phí, lãi suất.

Thứ sáu, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thiểu các rào cản, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng với nguồn vốn, thị trường và các chương trình hỗ trợ của Chính phủ.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức, có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam, việc thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp nêu trên tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, ổn định chính trị, xã hội là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2024.

Khả năng đạt cận trên của mục tiêu tăng trưởng là khả thi - Ảnh 8

VnEconomy 16/10/2024 11:00

 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 42-2024 phát hành ngày 14/10/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Khả năng đạt cận trên của mục tiêu tăng trưởng là khả thi - Ảnh 9