Khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư, bên cho vay về dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú gần 8.400 tỷ đồng
Ban Quản lý dự án Thăng Long vừa phát thông báo về việc khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư và bên cho vay đối với dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức PPP. Thời điểm hết hạn đăng ký đến hết 11 giờ ngày 31/12...
Ban Quản lý dự án Thăng Long được Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ tổ chức khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư, bên cho vay đăng ký quan tâm thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú (giai đoạn 1). Dự án có tổng chiều dài 60,1 km đầu tư theo phương thức PPP. Thời gian chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án từ năm 2021-2025.
Khi hoàn chỉnh Dầu Giây - Tân Phú có quy mô 4 làn xe và vận tốc thiết kế 100km/h, đạt tiêu chuẩn đường bộ cao tốc loại A.
Dự kiến tổng mức đầu tư dự án là hơn 8.365 tỷ đồng, trong đó, phần vốn nhà đầu tư huy động khoảng 7.065 tỷ đồng (bao gồm vốn chủ sở hữu và vốn vay, trong đó, yêu cầu vốn chủ sở hữu tối thiểu 1.413 tỷ đồng); phần vốn nhà nước tham gia trong dự án sơ bộ khoảng 1.300 tỷ đồng.
Dự kiến khung giá, phí sản phẩm, dịch vụ sử dụng đường bộ dự kiến khoảng 1.700 đồng/xe nhóm 1/km.
Mức giá dịch vụ giữa các nhóm xe còn lại so với xe nhóm 1 được xác định theo hệ số tương quan giữa các nhóm xe theo hình thức thu phí lượt được quy định tại Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải. Trong đó, hệ số xe nhóm 2 là 1,3 lần; xe nhóm 3 là 1,7 lần; xe nhóm 4 là 2,7 lần; xe nhóm 5 là 3,8 lần.
Tỷ suất lợi nhuận với vốn chủ sở hữu sơ bộ khoảng 11,77%/năm. Thời gian thu phí hoàn vốn sơ bộ là 20 năm 3 tháng.
Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được hưởng ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế, đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Mục tiêu dự án nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải và đảm bảo an toàn giao thông trên Quốc lộ 20; hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ các tuyến đường bộ cao tốc có năng lực lớn, an toàn giao thông và tốc độ cao trên hành lang vận tải TP. Hồ Chí Minh - Dầu Giây - Liên Khương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai nói riêng và phát triển vùng Đông Nam Bộ nói chung.
Từ đó, tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng Đông Nam Bộ với đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ theo quy hoạch; góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Tại văn bản này, Ban Quản lý dự án Thăng Long cũng đề nghị các nhà đầu tư, bên cho vay có ý kiến về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án theo chủ trương đầu tư được phê duyệt tại Quyết định số 1045/QĐ-TTg ngày 6/9/2022. Đồng thời, ghi nhận đánh giá của nhà đầu tư, bên cho vay về tính hấp dẫn, khả thi của dự án, mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu kỳ vọng của nhà đầu tư.
Ngoài ra, các nhà đầu tư, bên cho vay có ý kiến đánh giá về các nội dung khác có liên quan như tiến độ triển khai thực hiện dự án, những khó khăn, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, nguồn cung cấp vật liệu để triển khai dự án…
Nhà đầu tư quan tâm cung cấp các thông tin đến Ban Quản lý dự án Thăng Long, bao gồm hồ sơ về tư cách pháp lý; năng lực, kinh nghiệm tương ứng với thông tin dự án; phản hồi của nhà đầu tư đối với các nội dung khảo sát ý kiến của cơ quan có thẩm quyền; thông tin liên lạc của nhà đầu tư.
Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) là đoạn đầu nằm trong dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương. Dự án cao tốc Dầu Giây – Liên Khương có tổng chiều dài 200,3km, đi qua 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng, chia thành ba đoạn đầu tư.
Chính phủ giao UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện 2 đoạn huyện Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương dài 140km. Đoạn Dầu Giây - Tân Phú do Bộ Giao thông vận tải phụ trách.