Mới có 27% mặt bằng "chờ" cao tốc Bắc-Nam, Bộ Giao thông vận tải thúc bàn giao 70% trước ngày 20/11
Tiến độ bồi thường, tái định cư cho cao tốc Bắc-Nam hiện đang rất chậm khi mới có hơn 1.600/5.900 ha, tương ứng 27% mặt bằng chờ dự án. Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu 12 địa phương có dự án đi qua đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, đáp ứng tiến độ bàn giao 70% mặt bằng trước ngày 20/11...
Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn năm 2022 đối với các dự án thành phần thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Văn bản nêu rõ dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đã được Bộ trưởng phê duyệt dự án đầu tư 12/12 dự án thành phần.
Trong đó, tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành tiểu dự án do UBND các tỉnh tổ chức thực hiện.
Để tổ chức triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, UBND các tỉnh đã giao các huyện, thị xã, thành phố làm chủ đầu tư dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đang triển khai đồng thời các công việc.
Theo số liệu báo cáo, tính đến nay, cơ quan có thẩm quyền đã duyệt phương án đền bù mặt bằng cho cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đạt hơn 1.601 ha/hơn 5.900 ha, đạt 27%. Khối lượng giải ngân cho công tác giải phóng mặt bằng đạt hơn 2.216/7.195 tỷ đồng, tương đương 30% số tiền được bố trí trong năm 2022.
Tuy nhiên, "theo báo cáo của các Ban Quản lý dự án (chủ đầu tư) dự án thành phần, hiện nay tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chậm, giá trị giải ngân tương đối thấp, có nguy cơ ảnh hưởng tiến độ bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20/11/2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý 2/2023 như yêu cầu tại Nghị quyết số 18 của Chính phủ”, Bộ Giao thông vận tải lo ngại.
Hiện nay Bộ đang chỉ đạo chủ đầu tư và các đơn vị liên quan tích cực triển khai hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán và tổ chức thẩm định, phê duyệt các dự án thành phần để khởi công vào cuối năm 2022 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Để công tác giải phóng mặt bằng được triển khai đảm bảo tiến độ khởi công công trình, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND các tỉnh có dự án đi qua chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan tập trung đẩy nhanh công tác lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tổ chức xây dựng khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật...
Đồng thời, khẩn trương phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo từng đoạn, từng khu vực, ưu tiên các khu vực thuận lợi như đất công, đất nông nghiệp, khu vực dự kiến khởi công..., để đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng cho dự án.
“Trước ngày 15/11, các sở, ngành địa phương cũng cần phối hợp với các Ban Quản lý dự án: 2, 6, 7, 85, Đường Hồ Chí Minh; Mỹ Thuận; Thăng Long kiểm tra, rà soát đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đã bố trí cho công tác giải phóng mặt bằng năm 2022, tổng hợp gửi Bộ Giao thông vận tải để bổ sung vốn (nếu có)”, Bộ Giao thông vận tải đề nghị.
Ngày 4/11 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam với 25 gói thầu.
Đáng chú ý, tại phương án phân chia gói thầu được phê duyệt, 3 dự án thành phần có tổng giá trị các gói thầu từ 12.000 tỷ đồng trở lên được chia thành 3 gói thầu/dự án, gồm Quảng Ngãi-Hoài Nhơn dài 88km; Quy Nhơn-Chí Thạnh gần 62km; Hậu Giang-Cà Mau 73km.
Những dự án thành phần có chiều dài dưới 40km như Bãi Vọt-Hàm Nghi; Cần Thơ-Hậu Giang chỉ có duy nhất một gói thầu, với gói thầu lớn nhất trị giá gần 8.000 tỷ đồng.
7 dự án thành phần còn lại đều được chia thành 2 gói thầu/dự án.
Dự kiến, hồ sơ yêu cầu các gói thầu xây lắp và tư vấn giám sát ưu tiên khởi công trước sẽ phát hành cho nhà thầu trước ngày 20/11, đảm bảo trước ngày 20/12 ký hợp đồng với nhà thầu để khởi công trước ngày 31/12/2022.