Khát vọng xanh từ “Đời sống thứ hai” của cà phê - Ảnh 1
Khát vọng xanh từ “Đời sống thứ hai” của cà phê - Ảnh 2

Sau thành công của giày cà phê ShoeX, Công ty Veritas tiếp tục tung ra thị trường khẩu trang cà phê AirX, rồi sau đó là những sản phẩm gia dụng như chai lọ, ly, nĩa, bàn chải đánh răng... Trong nhiều loại nguyên liệu dùng để sản xuất nhựa sinh học, tại sao anh lại chọn cà phê?

Trước tiên, cần phải nói qua rằng tôi học chuyên ngành hóa tại Đại học Bách khoa TP.HCM, sau đó có một khoảng thời gian sinh sống ở Canada và đi qua những nước đã phát triển rất mạnh về vật liệu sinh học, được thấy tận mắt những ứng dụng của vật liệu sinh học vào đời sống. Khi nghĩ đến việc khởi nghiệp bằng việc sản xuất giày tại Việt Nam, tôi muốn đi tìm một vật liệu mới cho phần đế giày để giảm thiểu carbon có hại cho môi trường.

Trong quá trình phát triển các loại nhựa sinh học đó, bản thân tôi và các cộng sự cũng đã thử sử dụng gạo, bã mía, bột gỗ, trấu, tre… Nhưng cuối cùng, khi phải chọn một loại vật liệu để khởi đầu thì chúng tôi đã chọn cà phê. Lý do là bởi cà phê mang “DNA” của Việt Nam. Khi nhắc đến cà phê thì ai cũng biết đến văn hóa cà phê tại Việt Nam cũng như những vùng trồng cà phê nổi tiếng. Veritas muốn đem được nét độc đáo này của Việt Nam ra thế giới.

Khát vọng xanh từ “Đời sống thứ hai” của cà phê - Ảnh 3

Điều đó có đồng nghĩa với việc Việt Nam là nơi lý tưởng nhất để Veritas sản xuất loại hạt nhựa sinh học cà phê?

Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê, ưu thế này giúp việc tổng hợp hạt nhựa sinh học cà phê (Coffee Bio-composite) rẻ hơn so với các quốc gia khác và tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn về sản xuất. Lượng bã cà phê thải ra môi trường của Việt Nam cũng rất lớn, nếu không qua xử lý, bã cà phê phân hủy sẽ thải ra metal, loại khí thải làm Trái đất nóng lên hơn 86 lần so với CO2. Tuy nhiên, nguồn bã cà phê phục vụ cho sản xuất nhựa sinh học phải đạt được tiêu chuẩn đầu vào về sự ổn định cũng như là thành phần. Veritas đã phải thử nghiệm rất nhiều lần để tìm ra được nguồn nguyên liệu đáp ứng đủ yêu cầu.

Khát vọng xanh từ “Đời sống thứ hai” của cà phê - Ảnh 4

Giày cà phê và sau đó là khẩu trang cà phê đã đem lại danh tiếng cho anh và doanh nghiệp của anh, vậy tại sao anh không giữ thế độc quyền về nguyên vật liệu?

Đúng là giày cà phê và khẩu trang được các nước châu Âu ưa chuộng vì yếu tố nguồn gốc và tính thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, đại dịch đã khiến chúng tôi nhận ra mình cần tìm một chiến lược dài hơi và phù hợp hơn. Tôi không muốn ôm đồm nữa mà nên chuyên môn hóa vào lĩnh vực mình có lợi thế lâu dài, định hình lại hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.

Thay vì độc quyền sản phẩm nào đó, chúng tôi định hướng sẽ trở thành nhà cung ứng nguyên liệu cho bất kỳ doanh nghiệp nào có nhu cầu hoặc sản xuất theo đơn đặt hàng. Nhờ thế, chúng tôi có thể dồn lực tối đa vào việc nghiên cứu về nguyên liệu cà phê để cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp đa ngành. Hạt nhựa sinh học cà phê từ đó sẽ trở thành nguyên liệu tạo ra vô số sản phẩm.

Tạo ra “đời sống thứ hai cho cà phê”, việc làm này có ý nghĩa như thế nào đối với anh?

Thực ra chúng tôi chỉ xuất phát từ nhu cầu thực tế: nhiều đơn vị sản xuất tại Việt Nam đang dần hao hụt đơn hàng đi châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… do lệnh cấm nhựa, vì thế hạt nhựa sinh học cà phê này sẽ trở thành lựa chọn thay thế khả thi. Khi sản xuất ở quy mô đủ lớn, giá thành hạt nhựa sinh học cà phê thậm chí sẽ cạnh tranh được với nhựa nguyên sinh. Hạt nhựa sinh học cà phê có thể tái chế, nhẹ, có mùi cà phê và trông giống như gỗ sẫm màu, hoàn toàn có thể giúp ngành nhựa Việt Nam có sức cạnh tranh tốt hơn trên thị trường toàn cầu, đồng thời giúp Việt Nam giảm đi sự phụ thuộc vào nguyên liệu hóa thạch… Tất cả những điều này đem đến cảm hứng lớn cho tôi.

Khát vọng xanh từ “Đời sống thứ hai” của cà phê - Ảnh 5

Tiến ra thị trường thế giới, đối tác nào gây ấn tượng nhất đối với anh?

Trong giai đoạn vẫn còn đang hoàn thiện công thức và khởi sự kinh doanh này, tôi thấy là các đối tác Nhật rất nghiêm túc với các sản phẩm của Veritas và vật liệu sinh học nói chung. Chẳng hạn như chiếc móc áo từ bã cà phê này là do một bên chuyên gia công cho Uniqlo sản xuất. Cách đây không lâu, Uniqlo đã tung ra chương trình tặng ly cà phê "Sống xanh" được sản xuất từ bã cà phê tái chế cho khách hàng với mong muốn giảm thiểu lượng nhựa tiêu thụ cũng như tác động xấu lên môi trường. Veritas cũng chính là đơn vị tạo ra những chiếc ly "Sống xanh" đó.

Anh có lo lắng về cạnh tranh từ đối thủ nội địa không, khi hiện tại cũng đã xuất hiện những cái tên mới tiến vào thị trường vật liệu từ bã cà phê?

Tại Mỹ năm 2019, McCafe hợp tác với Ford để sản xuất một số chi tiết bằng nhựa trong xe hơi từ bã cà phê. Xét về quy mô toàn cầu, chúng tôi chỉ là người trong nhóm đầu thôi. Các thị trường và đối thủ toàn cầu có hướng kinh doanh tương tự đã tạo cho tôi niềm tin rằng lĩnh vực này có triển vọng. Vì thế, tôi không lo lắng về cạnh tranh từ đối thủ nội địa. Thứ nhất, công ty đã đăng ký sở hữu trí tuệ, thứ hai, thị trường nhắm tới là thế giới, vô cùng rộng lớn. Nếu có thêm những doanh nghiệp cũng nghiên cứu ứng dụng nguyên liệu này thì đó là điều đáng mừng, vì sẽ giúp giải bài toán về môi trường cũng như tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào sẵn có của Việt Nam.

Ngay từ bây giờ, chúng tôi cũng đã nghiên cứu xem ngoài bã cà phê, nguyên liệu sinh học nào là lợi thế để phát triển tiếp theo.

Khát vọng xanh từ “Đời sống thứ hai” của cà phê - Ảnh 6

Nếu nói về các công ty khởi nghiệp trong ngành vật liệu sinh học, theo anh đâu là thách thức lớn nhất?

Nhìn ở quy mô toàn cầu, tôi không cho rằng thị trường Việt Nam hay là các công ty Việt Nam hiện đang đủ lớn hay là sẽ là đối thủ của các doanh nghiệp trên thế giới. Vì thế, ngay ở thời điểm này thì quy mô thị trường thế giới là thách thức lớn nhất đối với một công ty chuyên về vật liệu sinh học của Việt Nam. Nghĩa là sau khi tìm được nguồn vật liệu sinh học tuyệt vời rồi, thì đầu ra cho những vật liệu sinh học này là gì, liệu có những công ty nào chấp nhận vật liệu này và sử dụng một cách quy mô hay không? Làm ra được sản phẩm rồi mới chỉ là khởi đầu, nếu không có một thị trường chấp nhận sản phẩm thì cũng coi như là thất bại.

Khát vọng xanh từ “Đời sống thứ hai” của cà phê - Ảnh 7

Nghe nói trong thời kỳ đại dịch, doanh nghiệp của anh cũng đã đi đến bước “còn thở là còn gỡ”. Kinh nghiệm xoay xở để vượt qua của anh là gì?

Thực ra trong thời kỳ đại dịch thì rất nhiều doanh nghiệp đã gần như là “ngủ đông”, nên chỉ riêng việc doanh nghiệp của mình còn “thức” thì với chúng tôi đã đủ rồi. Để thích nghi và sống sót, chúng tôi sản xuất khẩu trang từ bã cà phê và bình oxy mini. Một bộ phận khách hàng hiện nay của chúng tôi là những đơn vị từng mua khẩu trang của chúng tôi trong thời kỳ đại dịch. Nhờ hoạt động kinh doanh này, tôi biết được nhu cầu của họ về thiết kế cũng như việc mỗi sản phẩm cần có một câu chuyện; hay là việc tái chế và bắt đầu vòng đời mới cho một sản phẩm mới đã đi vào thực chất chứ không còn là cái mác để “đánh bóng” cho doanh nghiệp nữa. Người tiêu dùng ngày nay sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để có sản phẩm sạch, xanh hơn.

Trong đời thường, cuộc sống hàng ngày của anh có “xanh” không?

Với tôi, tương lai của các sản phẩm xanh là một điều đáng kỳ vọng trên toàn cầu. Tại Việt Nam, chúng ta cũng đang hình thành một thế hệ sống xanh. Mỗi ngày, việc tôi và những người xung quanh tôi tự cầm chiếc cốc cá nhân để mua cà phê, đi chợ bằng túi vải, hay là dùng bớt đi vài ống hút nhựa… cũng đều khiến tôi thật sự cảm thấy vui vẻ. Do đó, tôi và các cộng sự sẽ không ngừng nghiên cứu để đưa ra những giải pháp hữu ích nhằm góp phần vào xu hướng sống xanh này. Phương châm kinh doanh của tôi hình như cũng “xanh” như vậy: chỉ cần làm tốt việc của mình, tiếng lành sẽ đồn xa…

Khát vọng xanh từ “Đời sống thứ hai” của cà phê - Ảnh 8

VnEconomy 28/01/2023 12:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số đặc biệt Xuân Quý Mão phát hành ngày 23-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Khát vọng xanh từ “Đời sống thứ hai” của cà phê - Ảnh 9