12:17 25/12/2023

Khi doanh nghiệp nợ bảo hiểm, người lao động được xác định thời gian đóng thế nào ?

Phúc Minh

Nếu doanh nghiệp chưa đóng đủ bảo hiểm xã hội cho người lao động, thì cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ xác nhận sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động đến thời điểm đã đóng, làm cơ sở để giải quyết các chế độ. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn chậm đóng thì xác nhận bổ sung trên sổ…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tình trạng doanh nghiệp chậm đóng, nợ bảo hiểm xã hội đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động. Trong đó, một trong những vấn đề được người lao động quan tâm là xác định thời gian đóng như thế nào trong trường hợp doanh nghiệp bị nợ bảo hiểm để giải quyết các chế độ.

Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, theo quy định tại Khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người sử dụng lao động có trách nhiệm: Phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, theo quy định tại Điểm 1.2 Khoản 1 Điều 46 Văn bản hợp nhất số 2525/VBHN-BHXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì "Đối với đơn vị chậm đóng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp”, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội, hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp.

Số này bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, quan Bảo hiểm xã hội xác nhận sổ bảo hiểm xã hội để kịp thời giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ bảo hiểm xã hội đến thời điểm đã đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn chậm đóng thì xác nhận bổ sung trên sổ bảo hiểm xã hội.

Vì vậy, để được bảo đảm quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động cần liên hệ với công ty để đề nghị công ty làm thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật. Trường hợp công ty chưa đóng đủ thì cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ xác nhận sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động đến thời điểm đã đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, người lao động làm việc tại doanh nghiệp từ 1 tháng trở lên thì chủ doanh nghiệp phải tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động. Nếu phát hiện chủ doanh nghiệp không tham gia bảo hiểm xã hội cho mình, người lao động cần phối hợp với tổ chức Công đoàn kiến nghị cơ quan chức năng để đảm bảo quyền lợi.

Ông Chu Quang Dũng, Phó Trưởng phòng Thanh tra – Kiểm tra, Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội, cho biết chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp là hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cũng quy định, người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định về chậm đóng bảo hiểm từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.

Nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan Bảo hiểm xã hội.