16:20 01/12/2023

Khó xử lý việc nợ lương, bảo hiểm ở doanh nghiệp có chủ người nước ngoài

Phúc Minh

Tại các doanh nghiệp có chủ là người nước ngoài, việc xử lý vấn đề nợ lương, bảo hiểm xã hội gặp rất nhiều khó khăn và khó thu hồi. Bởi đất đai, nhà xưởng đều đi thuê, chủ về nước không quay trở lại...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Vấn đề lao động bị nợ đóng bảo hiểm đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền thụ hưởng các chế độ. Vì vậy, tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), cơ quan soạn thảo tiếp tục đề xuất các chế tài mạnh để "ngăn" tình trạng này. 

LAO ĐỘNG BỊ NỢ BẢO HIỂM, NGUY CƠ MẤT LƯƠNG HƯU

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ở thời điểm hiện nay, vấn đề quan trọng, căng thẳng nhất với công nhân lao động chính là tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm đang có chiều hướng tăng. Cùng với đó tình trạng lao động bị nợ đóng bảo hiểm xã hội đã làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của nhóm này.

Thời gian qua, công đoàn đã tham gia kiến nghị giải quyết quyền lợi cho hơn 200.000 lao động bị nợ bảo hiểm xã hội gần như không có khả năng thu hồi. Đây là những trường hợp mà chủ doanh nghiệp phá sản, bỏ trốn.

Theo ông Hiểu, với số lượng hơn 200.000 người bị nợ bảo hiểm xã hội đồng nghĩa hơn 200.000 gia đình gặp khó khăn, không được hưởng lương hưu, chế độ thai sản khi sinh con, cũng như không được hưởng chế độ ốm đau, tai nạn lao động khi làm việc.

“Đây là vấn đề an sinh xã hội rất lớn khi hàng trăm nghìn người về hưu không biết sẽ sống bằng gì”, ông Hiểu nói và cho hay công đoàn tiếp tục kiến nghị về nội dung này trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Theo đó, cần đề xuất chính sách nhằm tạo khung pháp lý cần thiết để giải quyết tình trạng lao động bị nợ bảo hiểm xã hội không có khả năng thu hồi, cũng như các tình huống có thể phát sinh trong tương lai.

Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cũng nêu thực tế, qua tổng kết 7 năm thi hành Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã xuất hiện những vấn đề hạn chế và cần điều chỉnh, đơn cử như các quy định về việc người sử dụng lao động phải định kỳ cung cấp thông tin cho người lao động trong việc tham gia đóng bảo hiểm xã hội.

Mục đích là để người lao động có được thông tin về việc thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động.

"Nếu như có xảy ra chậm đóng, trốn đóng thì bản thân người lao động cần được biết, có tiếng nói để bảo vệ quyền lợi của mình. Trước đây, chúng ta chưa làm được”, ông Nam trăn trở.

Tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có quy định giao trách nhiệm cho người sử dụng lao dộng định kỳ cung cấp thông tin cho người lao động, thay vì trước đó người lao động phải đề nghị để được biết thông tin, và doanh nghiệp phải chủ động cung cấp.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, ông Nam cho rằng, quy định đó không còn phù hợp. Hiện nay, Bảo hiểm xã hội đã thực hiện phổ cập thông tin thông qua việc từng người lao động có thể truy cập ứng dụng VssID – Bảo hiểm xã hội số để theo dõi quá trình tham gia đóng – hưởng bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, về cơ bản việc tham gia bảo hiểm xã hội hiện nay là theo tháng, chỉ loại trừ các nhóm hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp…

Việc đóng theo tháng hiện đang được quy định thời điểm đóng vào ngày cuối cùng của tháng sẽ hoàn thành trách nhiệm đóng, quá ngày này được tính là chậm đóng. Song thực tế, nhiều doanh nghiệp luôn đóng vào tháng sau.

Phó Vụ trưởng Trần Hải Nam cho rằng, quy định là thế song thực tiễn doanh nghiệp thực hiện chưa đầy đủ, vì vậy Luật sửa đổi lần này sẽ điều chỉnh giữa thời gian cuối cùng phải đóng, sau đó là chậm đóng và tính lãi chậm đóng để có sự thống nhất, tránh việc doanh nghiệp vô tình vướng vào các quy định về xử phạt.

“Chúng tôi biết doanh nghiệp cũng rất cẩn trọng do liên quan đến các đối tác có yêu cầu nghiêm ngặt trong việc tuân thủ các quy định pháp luật. Nếu chỉ cần nhận một quyết định xử phạt vi phạm hành chính có thể ảnh hưởng đến mức độ tín nhiệm”, ông Nam cho hay.

PHÂN BIỆT HÀNH VI CHẬM ĐÓNG, TRỐN ĐÓNG ĐỂ CÓ CHẾ TÀI XỬ LÝ PHÙ HỢP

Một trong những điểm mới liên quan đến vấn đề này trong dự thảo Luật theo ông Trần Hải Nam là đưa ra khái niệm chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội rất rõ ràng, để các doanh nghiệp thuận lợi trong đối chiếu thực hiện.

Cơ quan chức năng phân loại nhóm chậm đóng, trốn đóng để có biện pháp xử phạt phù hợp. Ảnh minh họa - Thu Hiền.
Cơ quan chức năng phân loại nhóm chậm đóng, trốn đóng để có biện pháp xử phạt phù hợp. Ảnh minh họa - Thu Hiền.

Theo đó, chậm đóng là khi tuyển dụng lao động đã có quy định về thời hạn báo tăng phát sinh lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm, hiện là 30 ngày. Dự luật cho phép lên 90 ngày tức có độ trễ về thời gian, tức thêm 30 ngày nữa mà doanh nghiệp vẫn không thực hiện thì là chậm đóng.

Bên cạnh đó, với các đối tượng đã báo tăng nhưng doanh nghiệp vẫn không đóng đúng hạn thì cũng là chậm đóng.

“Như vậy, có hai nhóm đối tượng, một là không chủ động báo tăng lao động, hai là báo rồi nhưng đến hạn không đóng, tức biết rõ trách nhiệm nhưng vẫn không đóng sẽ là chậm đóng”, ông Nam lý giải.

Hiện dự luật cũng cho phép hạn đóng là đến ngày cuối cùng của tháng tiếp theo, sau thời gian này mới tính là chậm đóng, song ông Nam lo ngại, liệu rằng doanh nghiệp có đặt lệnh chuyển tiền ngân hàng hay không, hay đơn cử cứ đến cuối tháng 11 mới chuyển tiền đóng của tháng 10, hoặc đến thời điểm đó lại không có khả năng đóng của cả 2 tháng này. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Về các chế tài xử lý, hiện đang áp dụng lãi suất chậm đóng theo tháng, với mức lãi suất bình quân đầu tư quỹ của năm liền kề trước đó để áp dụng cho các doanh nghiệp nếu chậm đóng. Tuy nhiên tới đây sẽ áp dụng lãi theo ngày, như vậy, doanh nghiệp đóng càng sớm sẽ giảm thiểu lãi phát sinh theo ngày.

Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn, hoãn xuất cảnh với chủ sử dụng lao động tùy theo từng mức độ.

Tuy nhiên, ông Nam băn khoăn nhất là việc xử lý nhất vấn đề nợ lương, bảo hiểm ở các doanh nghiệp có chủ là người nước ngoài, bởi lúc khó khăn rất khó thu hồi nợ.

“Khi cơ quan chức năng vào rất khó xử lý, đất đai, nhà xưởng đi thuê hết, nhân công thì bị nợ lương, tài khoản thì phong tỏa, chủ về nước với lí do là không bỏ trốn song ở khía cạnh nào đó sẽ không tìm được họ, dẫn đến doanh nghiệp không làm thủ tục phá sản được…”, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội Trần Hải Nam nói thêm.