16:00 13/12/2023

Cần chính sách đặc thù cho lao động bị nợ bảo hiểm không thể thu hồi

Nhật Dương

Tình trạng lao động bị nợ đóng bảo hiểm xã hội không có khả năng thu hồi là vấn đề đã kéo dài, tồn tại nhiều năm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của nhiều người lao động. Vì vậy, công đoàn kiến nghị cần có chính sách đặc thù để đảm bảo lợi ích cho nhóm này…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam hồi tháng 6 đã có hướng dẫn giải quyết chế độ lương hưu, bảo hiểm xã hội một lần, thai sản, tử tuất cho người lao động bị nợ đóng bảo hiểm xã hội tại các doanh nghiệp đang làm thủ tục phá sản; đã có Quyết định phá sản của Tòa án; không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký; và không có người đại diện theo pháp luật.

Theo đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã giải quyết theo hướng ghi nhận thời gian người lao động được đóng đến đâu hưởng đến đó và không tính thời gian bị nợ. Nếu sau này doanh nghiệp đóng bù số nợ hoặc có nguồn tài chính khác bổ sung thì người lao động tiếp tục được ghi nhận thêm.

Theo số liệu của cơ quan Bảo hiểm xã hội, số lao động bị nợ đóng bảo hiểm tại các doanh nghiệp này vào khoảng hơn 200.000 người và gần như không có khả năng thu hồi.

Tính đến tháng 6 vừa qua, đã có 30.241 người lao động được hưởng các chế độ gồm hưu trí, tử tuất, bảo hiểm xã hội một lần; hơn 34.500 người lao động đã được xác nhận quá trình đóng đang bảo lưu; 77.627 người lao động đã được xác nhận quá trình đóng, đang tiếp tục tham gia tại đơn vị mới.

Số còn lại nếu đủ điều kiện hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội thì cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ tiếp tục giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động theo quy định.

Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, phía Công đoàn cho biết tiếp tục theo đuổi vấn đề này.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho hay hiện nay, theo luật cơ quan Bảo hiểm xã hội chỉ còn cách giải quyết như trên. Tuy nhiên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vẫn luôn tìm chính sách đặc thù để hỗ trợ cho người lao động. Bởi đây là một vấn đề đã kéo dài, tồn tại nhiều năm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của rất đông người lao động.

Theo ông Hiểu, đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam rộng hơn và cần sự vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền. Do vấn đề đã kéo dài nhiều năm nên cần có sự nghiên cứu, đề xuất, cho ý kiến của các cơ quan chức năng.

“Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi vấn đề này và xác định đây cũng là một trong những nhiệm vụ của mình trong nhiệm kỳ 2023-2028", ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Người lao động làm thủ tục liên quan đến bảo hiểm. Ảnh - N.Dương. 
Người lao động làm thủ tục liên quan đến bảo hiểm. Ảnh - N.Dương. 

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tổng số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội của các cơ quan, đơn vị bình quân giai đoạn 2016 – 2022 là khoảng trên 10.000 tỷ đồng/năm.

Xét theo thời gian chậm đóng bảo hiểm xã hội của các cơ quan, đơn vị thì số chậm đóng kéo dài trên 3 năm hiện chiếm tỷ trọng cao, bình quân giai đoạn 2016 -2020 khoảng trên 30%. Đặc biệt, trong tổng số chậm đóng bảo hiểm xã hội thì số tiền chậm đóng khó có khả năng thu hồi có xu hướng tăng nhanh, từ 1.562 tỷ đồng năm 2016 (chiếm 16,3%) tăng lên đến khoảng 2.600 tỷ đồng năm 2020 (chiếm 22%). Đây là thực trạng đáng báo động đối với công tác thu bảo hiểm xã hội.

Mặc dù, Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản, Luật Hợp tác xã, Luật Các tổ chức tín dụng cũng đã có quy định về ưu tiên giải quyết các khoản tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, nhưng không phải là khoản ưu tiên thanh toán đầu tiên (sau chi phí phá sản, nợ lương, trợ cấp thôi việc,…) khi thanh lý tài sản.

Mặt khác, phần lớn các doanh nghiệp phá sản, chấm dứt hoạt động thời gian qua khi thanh lý tài sản không thu hồi được hoặc thu hồi được rất ít so với các khoản tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nên người lao động không được ghi nhận đối với khoảng thời gian doanh nghiệp chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó nguyên nhân quan trọng là các giải pháp, biện pháp hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.  

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến hết tháng 10/2023, tổng số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp khoảng 14.650 tỷ đồng.

Trong đó, số tiền chậm đóng tại các đơn vị không có khả năng thu hồi là 4.164 tỷ đồng.

Nguyên nhân được lý giải là do những năm gần đây nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh dẫn tới khó khăn trong việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Bên cạnh đó còn có tình trạng nhiều doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm các quy định pháp luật, thiếu quan tâm đến quyền lợi của người lao động. Các quy định về chế tài xử lý hành vi nợ bảo hiểm xã hội chưa đủ sức răn đe...