Làm thế nào để ngành y lấy lại niềm tin của người dân, khơi dậy nhiệt huyết, tinh thần của cán bộ nhân viên trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe người dân trước tình hình này? Đây không những là câu hỏi của những cán bộ y tế mà còn là của người dân đối với tân “tư lệnh ngành y” ngay khi bắt đầu nhận nhiệm vụ từ tháng 7/2022. Sau hơn 5 tháng qua, mọi người đã có thể tạm yên lòng với những vấn đề “nóng” của Bộ Y tế đang dần được hạ nhiệt.
Trong giai đoạn chống đại dịch Covid-19, cán bộ nhân viên ngành y đã thể hiện tinh thần quả cảm để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Nhiều tấm gương các bác sĩ, điều dưỡng viên, sinh viên ngành y khiến cả xã hội khâm phục, ngợi ca. Hình ảnh của một số vị lãnh đạo trong tâm dịch, lo lắng vào Nam ra Bắc, bám sát diễn biến dịch bệnh vẫn còn đọng trong tâm trí mọi người. Cả nước gian nan chung tay chống dịch, nhưng những người trong ngành y luôn ở trên tuyến đầu, gánh vác những khó khăn gian khổ nhất. Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn ghi nhận điều đó.
Tuy nhiên, trong cuộc chống dịch chưa có tiền lệ này, ngành y cũng đã bộc lộ nhiều bất cập về chính sách, pháp luật để tập hợp các nguồn lực chống dịch. Đó là các chính sách đãi ngộ đối với cán bộ nhân viên trong ngành; là cơ chế cấp phép thuốc và các thiết bị y tế; là cơ chế sản xuất và đưa vaccine vào chống dịch Covid-19; là cơ chế mua sắm, đấu thầu thuốc, thiết bị y tế, cơ chế tự chủ bệnh viện… Cần phải nhận thấy rằng, trước đó những dấu hiệu “lùng nhùng” về chính sách cấp phép lưu hành thuốc, cơ chế quản lý trong ngành y đã xuất hiện những tiêu cực như: vụ mua bán thuốc giả của VN Pharma liên quan đến nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, hay vụ mua nguyên liệu sản xuất thuốc Tamiflu và thuốc chống dịch cúm A/H5N1 từ năm 2005 cũng liên quan đến cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang. Đây là 2 vụ án nghiêm trọng đã xảy ra trước đó, đển nay mới được đưa ra tòa xét xử.
Đặc biệt nghiêm trọng là vụ án mua kít test Covid-19 của Công ty Việt Á, xảy ra từ cuối năm 2021 khi đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát, đến nay vẫn đang tiếp tục điều tra. Vụ án này đã khiến cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và hàng chục cán bộ cấp vụ, phòng, người đứng đầu các cơ quan kiểm soát bệnh tật (CDC), giám đốc các cơ sở khám chữa bệnh, một số sở y tế tại nhiều địa phương vướng vào vòng lao lý. Có người từng ví "cơn bão Việt Á" đã “ tàn phá, lay chuyển” niềm tin của nhân dân, “sói mòn” nhiệt huyết của cán bộ. nhân viên ngành y tế.
Đây cũng chính là một trong nhiều tác động khiến rất nhiều nhân viên y tế rời bỏ ngành. Tính sơ bộ năm 2021 và nửa năm 2022, cả nước có 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc… Tất nhiên, có cả những bác sĩ, điều dưỡng giỏi muốn rời đi vì mức lương không đảm bảo.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu - một giáo sư, bác sĩ ngành y, nhận định qua những sự việc tiêu cực đó khiến việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị, thuốc chữa trở thành nỗi lo lớn nhất của đa số bệnh viện công lẫn tư hiện nay. Hơn thế, các bệnh viện công không đủ phương tiện, cơ sở vật chất để triển khai những kỹ thuật mới, hiện đại khiến các bác sĩ giỏi đành phải bó tay, nản lòng.
Trong thời gian vừa qua, dù dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nhưng với tình trạng nhiều biến thể mới xuất hiện, đang tiềm ẩn nguy cơ làm dịch bùng phát bất cứ khi nào. Thêm vào đó, các loại dịch cúm A, B, sốt xuất huyết trong năm 2022 có những dấu hiệu bất thường, làm ngành y càng thêm khó khăn trong việc đảm bảo sức khỏe cho người dân. Phân tích những thách thức, khó khăn của ngành y cho thấy, ngoài phần chuyên môn, khó khăn lớn nhất nằm ở phần quản lý nhà nước, thể hiện ở chính sách, pháp luật đang được áp dụng. Ngoài ra, khó khăn còn bắt nguồn từ vấn đề cơ chế thực thi quản lý ngành y cũng như cách thức tổ chức quản trị trên cơ sở pháp luật đã ban hành để vận dụng vào ngành.
Từ tháng 7 năm 2022, Chính phủ đã giao quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho bà Đào Hồng Lan, một người không xuất thân từ ngành y. Đến tháng 10/2022, Quốc hội chấp thuận việc bổ nhiệm này.
Trong bối cảnh khó khăn của ngành y, dù là người trong ngành cũng khó có thể giải quyết ngay những vấn đề nổi cộm của ngành trong ngày một, ngày hai. Vì thế, đúng như tân Bộ trưởng Đào Hồng Lan phát biểu trong ngày nhận chức rằng, để phục hồi và phát triển ngành y rất cần tinh thần đoàn kết, tập hợp được trí tuệ của mọi người trong ngành.
Vấn đề nóng nhất của ngành y hiện nay là thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, mà nguyên nhân chủ yếu được xác định là do liên quan tới cơ chế chính sách mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế. Thời gian qua, Bộ Y tế đã tập trung xử lý vấn đề này trên cơ sở rà soát những văn bản pháp luật hiện hành, và những quy định chưa có tiền lệ trong các Nghị quyết của Quốc hội giao quyền cho Chính phủ, Bộ Y tế trong giai đoạn chống dịch. Hiện các vướng mắc, rườm rà về thủ tục hành chính đã được Bộ Y tế cơ bản sửa đổi hoặc loại bỏ. Nhờ đó, tính đến hết tháng 10/2022 Bộ Y tế đã gia hạn được hơn 10.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc có hiệu lực đến hết năm 2022. Đến nay, đã có hơn 21.800 thuốc có giấy đăng ký lưu hành đang còn hiệu lực với khoảng trên 700 hoạt chất các loại. Hiện cơ bản, ngành y đã đảm bảo được nguồn cung thuốc trên thị trường.
Giải quyết nguồn nhân lực y tế là một vấn đề khó khăn, lâu dài rất đáng quan tâm, vì hiện nay ở Việt Nam tỷ lệ y, bác sĩ trên 10.000 dân là rất thấp (khoảng 10 bác sĩ và 13 điều dưỡng trên 10.000 dân). Nhận rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng viên chức ngành y rời y tế công thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã khẩn trương trình Chính phủ: Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 56/2011/CP về hỗ trợ mức phụ cấp đối với nhân viên y tế, cơ sở y tế dự phòng…, Nghị định này sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2023. Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ có những đề xuất cơ chế tiền lương phù hợp theo tinh thần Nghị quyết 27 năm 2019 của Trung ương về cải cách tiền lương.
Để giải quyết căn cơ việc thiếu thuốc, kinh doanh thuốc… Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi Luật Dược theo hướng gia hạn tự động Giấy đăng ký lưu hành thuốc nhằm cải cách tối đa thủ tục hành chính. Ngoài ra, Bộ cũng đã kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ đối với một số loại thuốc hiếm, thuốc cần thiết cho điều trị các bệnh hiếm gặp; Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp dược trong nước triển khai sản xuất mặt hàng thuốc hiếm, để chủ động nguồn cung trong nước… Đồng thời, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để sửa đổi Nghị định 146, Nghị định 98, Nghị định 54 và các thông tư liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, thiết bị vật tư y tế.
Trong thời gian qua, Bộ đã thống nhất phân công cụ thể cá nhân chịu trách nhiệm, để tập trung giữ thành quả kiểm soát đại dịch Covid-19, cốt lõi là đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine Covid-19, tăng cường công tác giám sát dịch bệnh Covid-19. Các cơ sở y tế tổ chức phòng, chống các dịch bệnh khác như cúm A, cúm B, sốt xuất huyết giảm thiểu tình trạng bệnh năng, gây tử vong. Đặc biệt, trong những tháng gần đây, Bộ đã dồn nhiều công sức để Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đây là một luật rất quan trọng với ngành y tế, quy định những nội dung, khung nguyên tắc chung liên quan đến công tác khám, chữa bệnh - là hoạt động xương sống của ngành.
Hy vọng, những năm tới ngành y sẽ lấy lại được niềm tin của nhân dân, bằng các thành quả nâng cao dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân.
VnEconomy 23/01/2023 07:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số Xuân Quý Mão phát hành ngày 23-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam