Khối ngoại gom ròng 6.000 tỷ đồng có phải là dấu hiệu thị trường sắp tạo đáy?
Có nhiều dấu hiệu để cho thấy thị trường liệu đã tạo đáy hay chưa và dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài mua ròng có thể là một chỉ báo quan trọng...
Áp lực giải chấp diện rộng trong bối cảnh thanh khoản cạn kiệt, tâm lý nhỏ lẻ quá mệt mỏi đã khiến lực bán tháo tiếp tục ồ ạt ngay mở đầu phiên giao dịch đầu tuần. Chỉ số lúc thảm hại nhất rớt 31 điểm nhưng sau đó được đỡ bởi hàng loạt trụ lớn nên kết phiên chỉ còn giảm 13,49 điểm về 941 điểm.
Điểm tích cực vẫn là dòng tiền từ khối ngoại liên tục đổ vào thị trường hơn một tuần trở lại. Riêng phiên hôm nay gom ròng 1.694 tỷ đồng tập trung chủ yếu STB 336 tỷ đồng, HPG 168 tỷ đồng, SSI 155 tỷ đồng.
Trong tuần giao dịch liền kề trước đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng đã gom ròng hơn 4.000 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong 6 phiên giao dịch gần nhất, nhóm này đã mua ròng gần 6.000 tỷ đồng chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh nhà đầu tư cá nhân trong nước hoảng loạn, bán tháo trong suốt thời gian qua.
Theo BSC, dòng vốn của khối ngoại là một số chỉ tiêu cho thấy quá trình hình thành đáy của Vn-Index. Thống kê trong 5 đợt thị trường giảm giá cho thấy, sau 1 tháng kể từ khi đáy hình thành thì dòng tiền có xu hướng rút ròng và sau 3 tháng trở đi dòng tiền quay trở lại mua ròng.
Cụ thể, đợt 2 19/10/2009 - 2/01/2012 nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 102,2 tỷ đồng nhưng sau đó 3 tháng quay lại mua ròng 11,73 tỷ đồng. Đợt gần đây nhất là 20/1/2020 - 30/3/2020, nhóm này bán ròng 311 tỷ đồng trong một tháng sau đó 3 tháng sau mua ròng trở lại 123 tỷ đồng.
Dữ liệu hiện tại cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 2.067 tỷ đồng trong suốt tháng 10 vừa qua và từ đầu tháng 11 quay lại mua ròng 4.000 tỷ đồng trong vòng nửa đầu tháng 11/2022. Nếu chiểu theo diễn biễn trong quá khứ thì nhiều khả năng đây đã là vùng đáy của VN-Index.
Tuy nhiên, theo BSC, ngoài dòng tiền từ khối ngoại thì còn có đến 4 chỉ tiêu khác cần theo dõi trong quá trình hình thành vùng đáy của Vn-Index.
Thứ nhất, về dấu hiệu về chỉ số và số lượng cổ phiếu tăng - giảm, đợt giảm giá hồi năm 2007-2009, VN-Index trải qua gần 17 tháng thị trường giá giảm, chỉ số mất gần 78% giá trị so với đỉnh, trong đó hơn 38% lượng cổ phiếu giữ được mức tăng giá trong khi tới 52% lượng cổ phiếu giảm giá. Đợt giảm giá thứ 2 kéo dài trong gần 27 tháng, từ tháng 10/2009 đến tháng 1/2012, VN-Index mất hơn 45% giá trị so với đỉnh trong bối cảnh hơn 43% số cổ phiếu lao dốc.
Ba đợt giảm sau đó, lần lượt vào năm 2015, 2018 và 2020 kéo dài trong thời gian ngắn hơn, lần lượt là 6 tháng, 9 tháng hơn 2 tháng. VN-Index mất hơn 17% vào giai đoạn 2015 và rơi gần 27% trong 9 tháng năm 2018. Đáng chú ý, chỉ trong hơn 2 tháng năm 2020 (từ cuối tháng 1 đến hết tháng 3) song chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam mất hơn 33% giá trị so với đỉnh, gần 45% số lượng cổ phiếu giảm giá.
Còn hiện tại, trong đợt giảm từ đầu tháng 4/2022 tới hiện tại, VN-Index đã bay gần 38% sau hơn 7 tháng, hơn 47% lượng cổ phiếu giảm điểm - tương đương đợt 1.
Ở khía cạnh khác, khi thị trường thiết lập được vùng đáy, VN-Index cần 0,8 tháng để đạt được mức tăng trung bình khoảng 6% trong 5 đợt giảm gần đây nhất. Tuy nhiên BSC đánh giá trong đợt giảm hiện tại, vẫn chưa có xu hướng rõ ràng của sự phục hồi.
Thứ hai, về mặt định giá , hiện P/E và P/B của chỉ số Vn-Index đang trong vùng định giá ở ngoài vùng -2 độ lệch chuẩn mức bình quân 5 năm. Đồng thời, mức định giá tại ngày 10/11/2022 kết thúc ở mức 9,87 lần - thấp hơn đợt giảm điểm khi đại dịch Covid-19 xảy ra vào năm 2020. BSC đánh giá mức định giá hiện nay vẫn cao hơn so với đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và giai đoạn 2009-2012.
Thứ ba, về thanh khoản, ngoại trừ đợt sụt giảm do đại dịch Covid-19 năm 2020 ghi nhận thanh khoản sau 1 tháng kể từ mức đáy cải thiện hơn 9%, còn lại các đợt giảm khác đều có xu hướng tiếp tục suy giảm trên 40%, sau 3 tháng thì thanh khoản dần cải thiện tuy nhiên vẫn giảm trung bình khoảng 2%, đặc biệt đợt 2 và đợt 4 thanh khoản tiếp tục suy giảm lần lượt là 32% và 17% so với giai đoạn hình thành đáy.
Thứ tư, về dấu hiệu về lãi suất, lạm phát, BSC thống kê cho biết trong 5 đợt điều chỉnh giảm trước đây, tỷ lệ lạm phát, lãi suất điều hành có dấu hiệu tăng và tạo đỉnh trong quá trình VN-Index hình thành vùng đáy. Sau đó, mặt bằng lãi suất điều hành cũng như lãi suất huy động có xu hướng giảm, từ đó tạo điều kiện để thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào 1 chu kỳ tăng trưởng mới.
Hiện tại, VN-Index đang ở vùng định giá thấp (P/E dưới 10 lần) với mức chiết khấu sâu (giảm 37,87% kể từ T04/2022), diễn biến về thanh khoản cũng như một số chỉ tiêu vĩ mô khá tương đồng với các giai đoạn trước đó tuy nhiên thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi tâm lý tiêu cực vẫn đang hiện hữu, những sự kiện liên quan đến nguy cơ vỡ nợ trái phiếu Doanh nghiệp bên cạnh bối cảnh vĩmô thế giới tiếp tục diễn biến khó lường sẽ có thể ảnh hưởng đến VN-Index trong giai đoạn sắp tới.
Quan điểm điều hành và định hướng chính sách ở các lĩnh vực trọng yếu trong thời gian tới kết hợp cùng bối cảnh thế giới thuận lợi hơn sẽ là yếu tố quan trọng để VN-Index sớm định hình được vùng đáy và bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới trong tương lai.