Khối ngoại ngày càng “khôn”, không mua dài hạn nữa mà thích lướt sóng chứng khoán Việt Nam
Nhà đầu tư nước ngoài gần đây biến động mạnh, họ mua không phải giữ dài hạn mà giao dịch hàng ngày, hàng tuần, tuỳ theo sóng. Các quỹ lớn bây giờ giao dịch lướt sóng nhiều làm cho thị trường khó đoán hơn so với giai đoạn 10-15 năm trước...
Cập nhật mới nhất của VnEconomy cho thấy, từ đầu tháng 12 đến nay, khối ngoại tiếp tục bán ròng 655,9 triệu cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cơ cấu giao dịch giảm xuống chỉ còn 3-4% toàn thị trường. Tính theo giá trị, khối ngoại bán ròng nửa đầu tháng 12 là 1.927 tỷ đồng.
Luỹ kế từ đầu năm đến nay, khối ngoại bán ròng 57.000 tỷ đồng cổ phiếu Việt Nam. Tính riêng cổ phiếu, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 61.000 tỷ đồng. Với lượng bán ròng này, Việt Nam trở thành thị trường bị bán ròng lớn nhất Đông Nam Á, bằng tổng lượng vốn rút ròng trên 2 thị trường Thái Lan và Malaysia cộng lại, dù quy mô thị trường Việt Nam vẫn còn khiêm tốn.
Theo thống kê của VNDirect đến ngày 6/12, tâm điểm rút ròng của khối ngoại tập trung vào HPG của Tập đoàn Hoà Phát với giá trị 770 triệu USD, tương đương hơn 17.700 tỷ đồng . Chỉ đứng sau HPG, một đại diện ngân hàng là VPB cũng bị các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng với giá trị giao dịch hơn 8.060 tỷ đồng. Khối ngoại đồng thời xả mạnh VIC và VNM với giá trị lần lượt 6.978 tỷ đồng và 6.877 tỷ đồng.
Ngoài ra, hàng loạt "ông lớn" cũng có tên trong danh sách bị khối ngoại bán mạnh trong năm 2021 là CTG (5.800 tỷ đồng), SSI (3.979 tỷ đồng), NLG (2.829 tỷ đồng), MML (2.418 tỷ đồng), PAN (2.000 tỷ đồng) và MSN (1.842 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại, STB là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trong năm 2021. Khối ngoại cũng mua ròng các mã vốn hóa lớn khác như VHM, MWG, TPB, PLX, PDR và một số mã vốn hóa trung bình như OCB, DHC và DGC.
Bộ phận phân tích của VNDirect nhận định, nguyên nhân khiến nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh trong năm 2021 liên quan trực tiếp đến việc họ lo ngại rằng các thị trường cận biên sẽ phản ứng tiêu cực hơn với diễn biến của đại dịch Covid-19 so với các thị trường phát triển như Mỹ và Châu Âu. Do đó, khi rủi ro gia tăng do đại dịch Covid-19, các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng rút tiền khỏi các thị trường cận biên (rủi ro cao) và đầu tư vào các thị trường phát triển (rủi ro thấp), đặc biệt là Mỹ, trong bối cảnh lãi suất điều hành của FED tiệm cận mức 0%.
Ông Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc Trung tâm kinh doanh, Công ty Chứng khoán KB cho rằng, không khó lý giải về hiện tượng bán ròng của khối ngoại. Các quỹ hay dòng vốn đầu tư nước ngoài họ cơ cấu danh mục trên bản đồ thế giới thôi, giả sử họ định giá thị trường Việt Nam ở vùng 1.400 - 1.500 điểm thì họ bán để chuyển sang các thị trường khác.
Với tâm điểm là bán ròng, song khẩu vị lướt sóng của khối ngoại ngày càng mạnh mẽ dù trước đó khối ngoại tập trung mua trung và dài hạn. Đơn cử như trường hợp của Dragon Capital. Nhóm quỹ Dragon Capital đã lướt sóng thành công nhờ việc liên tục mua vào bán ra cổ phiếu KBC.
Cụ thể, ngày 09/11, quỹ này mua vào trở thành cổ đông lớn của KBC. Tuy nhiên, đến ngày 11/11, Dragon Capital đã bán ra 500.000 cổ phiếu KBC, không còn là cổ đông lớn. Tạm tính theo thị giá KBC vào ngày 11/11, ước tính nhóm này thu về 26,5 tỷ đồng sau thương vụ bán cổ phiếu này.
Mới đây nhất, ngày 25/11, Dragon lại tiếp tục mua vào 1.000.000 cổ phiếu KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP vào ngày 25/11, nâng tỷ lệ sở hữu từ 5,9% lên 6,17%. Giả sử, Dragon Capital tiếp tục bán ra 1 triệu cổ phiếu KBC mua ngày 25/11, quỹ này đã có thể thu lãi 7,3 tỷ chỉ trong vòng vài ngày mua cổ phiếu KBC.
Bình luận về khẩu vị mua bán của quỹ ngoại trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho rằng, dù nhà đầu tư nước ngoài giờ đây không còn đóng vai trò quan trọng nữa song việc các quỹ lớn họ lướt sóng liên tục cũng khiến thị trường ngày càng khó đoán hơn so với giai đoạn của 10-15 năm trước.
"Thứ nhất, nhà đầu tư nước ngoài gần đây biến động mạnh, họ mua không phải giữ dài hạn như họ nói mà giao dịch hàng ngày, hàng tuần, tuỳ theo sóng. Rất nhiều. Một số quỹ nước ngoài tập trung cổ phiếu nhỏ thì họ có thể giao dịch như vậy. Các quỹ lớn bây giờ cũng giao dịch lướt sóng nhiều làm cho thị trường khó đoán hơn so với giai đoạn 10-15 năm trước.
Thứ hai, nhìn vào cơ cấu mua bán của nhà đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài khi thị trường xuống chưa chắc họ bán, ngược lại, khi mà nhà đầu tư trong nước hoảng loạn họ không bán mà mua vào. Ví dụ phiên hôm 9/12, phiên trước đó thị trường thủng rất mạnh nhà đầu tư trong nước bán thục mạng, nhà đầu tư nước ngoài họ khôn, họ mua vào. Tức là họ mua vào bán ra một mã cổ phiếu chứ không mua dài hạn nữa. Thị trường bây giờ thú vị, tôi thấy dòng tiền sẽ phân hoá, nhà đầu tư cá nhân lướt sóng, và nhà đầu tư nước ngoài cũng lướt sóng, rất thú vị", ông Thuân nhấn mạnh.
Cùng bình luận về xu hướng bán ròng trong một toạ đàm mới đây, bà Trần Khánh Hiền - Giám đốc Phân tích VNDirect cho biết, trong những năm gần đây, dòng vốn ngoại ngày càng thắt chặt ở nhóm ASEAN và tập trung đầu tư nhiều vào Ấn Độ và Trung Quốc. Nhận diện nguyên nhân dẫn đến việc bán ròng, bà Hiền cho biết, những năm gần đây Công nghệ, Y tế, Bán lẻ là những ngành thu hút dòng tiền đầu tư mạnh nhất, đặc biệt là những tập đoàn công nghệ lớn như Tesla, Apple. Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam thuộc các lĩnh vực tài chính, bất động sản nên khó thu hút dòng tiền vốn nước ngoài.
Tuy nhiên, bà Hiền cũng nhận định, khẩu vị đầu tư của khối ngoại hoàn toàn có thể thay đổi, Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút dòng vốn nước ngoài khi "trend" đầu tư quay về những dòng cổ phiếu truyền thống như là năng lượng, F&B. Dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài được dự đoán sẽ quay trở lại Việt Nam nhờ tỷ lệ bao phủ vắc-xin Covid-19 tăng nhanh tạo điều kiện để mở cửa và thúc đẩy phục hồi nền kinh tế cũng như cơ hội thị trường Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong 2-3 năm tới.