18:15 13/12/2021

"Thị trường này càng tuýt còi cảnh báo nhà đầu tư càng hung hãn, họ sẽ tự đi khỏi khi nào không chịu được thua lỗ nữa"

Kiều Linh

Thị trường này cũng như giai đoạn 2009, càng tuýt còi nhà đầu tư càng hung hãn. Người ta sẽ đi ra khỏi thị trường khi họ cảm thấy không thể thua lỗ, không chịu được thua lỗ nữa thì đi ra thôi...

Dù gói kích thích kinh tế mới đang trong giai đoạn trình lên Quốc hội tại phiên họp bất thường cuối năm nay, song sự kỳ vọng của nhà đầu tư đã khiến cho chỉ số VN-Index tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Tháng 11, VN-Index có lúc vượt vùng đỉnh 1.500 điểm, kết thúc tháng ứng ở mức 1.478,44 điểm, tương ứng tăng 34,17 điểm (2,4%) so với cuối tháng trước. 

Đáng nói, ngay cả kinh tăng trưởng kinh tế quý 3/2021 âm 6,17% thì vẫn không đủ gây sốc với thị trường chứng khoán. Dòng tiền sôi sục chủ yếu ở cổ phiếu đầu cơ, ngay cả những doanh nghiệp thua lỗ nặng nhưng cổ phiếu cũng dựng ngược gấp 5-10 lần, nhiều cổ phiếu đã vượt xa 100 lần so với giá trị thực của doanh nghiệp nhưng cơn điên ở nhóm này vẫn chưa dứt. Do đó, một khi nhắc tới gói hỗ trợ tăng trưởng 800.000 tỷ đồng là nỗi sợ về bong bóng chứng khoán hiện hữu do tâm lý tưởng tượng theo chiều hướng tiền sẽ tràn ngập thị trường.

VnEconomy đã có trao đổi với ông Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc Trung tâm kinh doanh, Công ty Chứng khoán KB xung quanh câu chuyện làn sóng nhà đầu tư mới tại Đối thoại chuyên đề: “Thị trường chứng khoán với gói kích thích kinh tế: Cú hích tăng trưởng và rủi ro bong bóng” được tổ chức theo hình thức trực tuyến trên nền tảng VnEconomy và FanPage VnEconomy sáng ngày 13/12.

"CHÚNG TÔI MẤT RẤT NHIỀU KHÁCH VÌ KHÔNG THỂ TƯ VẤN HỌ MUA CỔ PHIẾU DOANH NGHIỆP KHÔNG CÓ GÌ GIÁ TĂNG ẦM ẦM"

Là người cảm nhận rõ nhất về sức nóng của làn sóng nhà đầu tư mới này, xin ông chia sẻ về cảm nhận ở chính giữa trào lưu này? Những nhà đầu tư mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam liệu có phải chỉ là những người cảm thấy nhàn rỗi vì cách ly trong đại dịch Covid hay thực sự là những người muốn tham gia vào kênh đầu tư này một cách chuyên nghiệp?

Tôi là người tiếp cận gần nhất với khách hàng giao dịch chứng khoán. Trong suốt 2 năm vừa qua nhà đầu tư mới tham gia tăng mạnh và xu hướng này ngày càng mạnh hơn do các kênh đầu tư khác bế tắc, họ tìm đến kênh chứng khoán với thanh khoản tốt, đủ cỡ tài chính từ khoảng 5-10 triệu đến 5-10 tỷ... Sức nóng nhà đầu tư cá nhân tham gia ngày càng lớn hơn chứ không đạt đỉnh trong ngắn hạn, không những trong thị trường chứng khoán Việt Nam mà thế giới nói chung đều như vậy.

Gần đây, theo quan sát của tôi thị trường có thêm lớp nhà đầu tư gọi là F0+n, họ là những người từng thất bại ở đỉnh chứng khoán giai đoạn 2006-2007, những ký ức xấu trong quá khứ về thị trường chứng khoán khiến suốt mười mấy năm qua họ không tham gia nhưng thời gian gần đây họ mon men trở lại. Tôi cũng là F0 thời kỳ đó.

Về mặt định giá, những người đưa ra cảnh báo đa phần là những người đã trải qua ký ức xấu rồi. Còn với đa phần người mới tham gia - F0, tuy rằng định giá có cao nhưng họ không sợ vì họ không có ký ức về thị trường thời điểm trước. F0 đa phần trẻ, họ sinh năm 9x trở lại, chưa bao giờ đầu tư, ký ức xấu không có và người ta dám chấp nhận thử thách, họ mong có kênh đầu tư lãi nhanh, tăng giá mạnh, đa phần đến với thị trường với mong muốn lúc đầu là cao hơn tiết kiệm nhưng sau 2-3 tháng tâm lý thay đổi và chấp nhận phiêu lưu.

Dù vậy thì kiến thức nhà đầu tư ngày nay cũng được nâng cao lên rất nhiều. Thị trường bây giờ phát triển lên tầm cao mới. Nhiều nhà đầu tư có tư duy phân bổ tài sản, ngoài bất động sản thì họ còn đầu tư vào chứng khoán, họ hiểu đầu tư chứng khoán như là làm chủ doanh nghiệp, tư duy tiến bộ rõ rệt, tôi thấy rất mừng. Chưa kể, thị trường có thêm nhiều sản phẩm phái sinh, chứng quyền. Nhà đầu tư có nhiều công cụ tham gia thị trường hơn. Họ được tiếp cận thông tư bên ngoài nhiều hơn thì kiến thức nhiều hơn mười mấy năm trước rất nhiều. Với những người làm nghề như chúng tôi bây giờ cảm thấy rất vui so với hơn 10 năm trước, vì giờ có nhiều sản phẩm làm nghề hơn, chứ trước kia thì hết sóng tăng chỉ có sóng giảm.

Môi giới chứng khoán và các công ty có chịu áp lực từ việc phải giúp nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận nhanh?

Có một số liệu thống kê đáng buồn, 3 tháng trở lại đây khối kinh doanh của tôi mất khách tương đối nhiều. 6 tháng đầu năm 2021 nhóm VN30 tăng rất tốt, tôi thường tư vấn khách đầu tư vào đó. 3 tháng vừa rồi nhóm cổ phiếu vốn hoá nhỏ, trung bình, cổ phiếu penny tăng mạnh không có điểm dừng, nhiều mã âm vốn chủ sở hữu nhưng thị giá tăng 10-20 lần kích thích lòng tham lớn của nhà đầu tư. Câu chuyện rõ ràng có rủi ro nên tôi không thể tư vấn cho khách mua những mã như thế.

Với khách hàng mới đầu tư, bản chất những người trẻ tham gia đầu tư muốn làm giàu nhanh, và còn nhiều thời gian phía trước để họ có thể làm lại từ đầu, ước mơ cháy bỏng, khát khao làm giàu. Và tôi đã mất khách bởi áp lực tư vấn khó, không thể nào tư vấn khách đầu tư những mã mà nội tại doanh nghiệp không có gì cả nhưng vẫn giá cổ phiếu tăng ầm ầm. Suốt 2-3 tháng vừa rồi những chuyên gia như tôi đều đầu tư lợi nhuận không hiệu quả bằng những nhà đầu tư mới trong giai đoạn thị trường tăng trưởng như vừa rồi.

Trái ngược với sự sục sôi của nhà đầu tư cá nhân trong nước, khối ngoại bán ròng suốt 11 tháng năm 2021 và giá trị bán kỷ lục, ông lý giải thế nào về tình trạng này?

Các quỹ hay dòng vốn đầu tư nước ngoài cơ cấu họ danh mục trên bản đồ thế giới thôi, giả sử họ định giá thị trường Việt Nam ở vùng 1.400 - 1.500 điểm thì họ bán để sang thị trường khác.

Các diễn giả tham gia toạ đàm sáng 13/12.
Các diễn giả tham gia toạ đàm sáng 13/12.

CÀNG CẢNH BÁO NHÀ ĐẦU TƯ CÀNG HUNG HÃN

Bất kỳ một chu kỳ tăng trưởng nào của thị trường chứng khoán cũng có hai phần. Phần đầu luôn là một bữa tiệc thịnh soạn chiêu đãi tất cả các nhà đầu tư. Tuy nhiên lịch sử cũng cho thấy hệ lụy của gói kích cầu 2009 là một chu kỳ suy giảm kéo dài trong 2010 tới 2013. Nếu phải làm người “thổi còi” cảnh báo rủi ro bong bóng trên thị trường chứng khoán, đâu sẽ là những tín hiệu đầu tiên nên nhìn vào?

Về cảnh báo rủi ro chia thành hai phần là tuýt còi và dấu hiệu. Tôi kể câu chuyện thế này, chúng ta đều là người Việt, ít nhiều đã từng đi qua làng quê đều nhìn thấy cảnh đàn bò bố mẹ và đám bò con. Trong các buổi nói chuyện tôi hay đưa tượng hình để mọi người dễ hiểu, tức là mấy con bò bố mẹ leo túc tắc lên đỉnh núi, còn đám bò con mải chơi lưng chừng núi nhưng khi bố mẹ khuất núi thì đám bò con lúc này không thấy bố mẹ đâu mới chạy hùng hục lên đỉnh. Sau khi thấy bố mẹ rồi lại chạy vù qua mặt bố mẹ để xuống trước.

Và có thể thấy nhóm bố mẹ là nhóm cổ phiếu tốt nhất trên thị trường VN30 túc tắc đi lên tạo đỉnh rồi thủng thẳng đi xuống thì lúc đó đám cổ phiếu rơm rác trà đá chạy lên đỉnh rồi lao xuống dốc tốc độ cao dẫn đến mất thanh khoản. Đó là dấu hiệu cảnh báo trường hợp rủi ro. Những người thiệt hại không phải là mua đúng đỉnh, nhà đầu tư mua đúng đỉnh biết lỗ mà đi ra ngay thì không sao. Nhưng những người thua lỗ nặng nhất chính là những người khi giá cổ phiếu trên đường đi xuống mà liên tục mua bán trading mới là những người thua lỗ nặng.

Với dấu hiệu tuýt còi, tôi từng đi qua đỉnh thị trường năm 2007 rồi cũng được nhiều chuyên gia cảnh báo, tôi thấy thị trường nào cũng có tuýt còi hết nhưng đa phần càng tuýt còi nhà đầu tư càng hung hãn. Giống như chúng ta đi lễ hội chen lấn xô đẩy càng tít còi anh em càng chen mạnh, cũng như xem bóng đá hết vé thì xé rào lao vào, cái này bình thường thôi xuất phất từ lòng tham và nhu cầu kiếm tiền của mọi người. Cảnh báo là việc của các chuyên gia, công ty chứng khoán còn nghe hay không của nhà đầu tư. Người ta sẽ đi ra khỏi thị trường khi họ cảm thấy không thể thua lỗ, không chịu được thua lỗ nữa thì đi ra thôi.

Cuối cùng, ông đánh giá nhóm doanh nghiệp nào sẽ có tốc độ tăng trưởng tốt nhất? Đâu là những lĩnh vực sẽ hưởng lợi nhất nếu có gói kích thích mới?

Để đánh giá cơ hội đối với các nhóm ngành hưởng lợi trong thời gian tới, tôi chia làm hai phần, một là với những gì đang diễn ra và sẽ diễn ra. Với cái gì đang diễn ra thì hợp cho nhà đầu tư cá nhân đầu tư ngắn hạn như nhóm đầu tư công.

Còn nhóm mà tôi ưa thích nhất để đầu tư trong vòng 3-6 tháng tới thì lại là nhóm không bám víu vào gói kích thích kinh tế. Kỳ vọng sau dịch Covid-19 được khống chế thì nhu cầu về năng lượng thế giới tăng mạnh, trong khi đó tôi thiên về kỹ thuật thì nhóm cổ phiếu dầu khí đang hấp dẫn hơn nhiều so với chỉ số Vn-index và hấp dẫn hơn so với các ngành khác. Nếu nhìn triển vọng 3-6 tháng tôi rất thích nhóm dầu khí, đầu tư trung hạn thì đây là nhóm tuyệt vời nhất.