11:10 13/12/2021

Đừng kỳ vọng gói tỷ USD “kích” thị trường chứng khoán bùng nổ

Kiều Linh

Hiện tại hầu hết mọi người đều kỳ vọng gói hỗ trợ sẽ mang lại tâm lý tích cực cho thị trường, kéo theo sự tăng trưởng của thị trường nhưng nếu do tâm lý thì sẽ không kéo dài, còn chúng ta đừng kỳ vọng sau khi gói hỗ trợ đưa ra thị trường sẽ tăng trưởng như năm 2009...

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam. Sản xuất kinh doanh đình trệ, dịch vụ tê liệt, lần đầu tiên trong lịch sử kể từ ngày công bố GDP vào năm 2000, tăng trưởng GDP Việt Nam âm sâu 6,17% trong quý 3/2021. Làn sóng doanh nghiệp giải thể tăng tháng này qua tháng khác, luỹ kế 11 tháng có 106,5 nghìn doanh nghiệp chính thức rút khỏi thị trường. Hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực đều bị ảnh hưởng trầm trọng.

Trái ngược với không khí ảm đạm của khối sản xuất kinh doanh dịch vụ, thị trường chứng khoán lại bùng nổ với những pha phá đỉnh liên tiếp đi vào lịch sử. Tháng 11 vừa qua, VN-Index chính thức cán mốc 1.500 điểm - ngưỡng mà thị trường mong chờ bấy lâu nay. Tính từ thời điểm tháng 9, chỉ số Vn-Index tăng 10,5%. Chứng khoán Việt Nam nhờ đó trở thành thị trường mang lại tỷ suất sinh lời cao nhất thế giới.

BA ĐỘNG LỰC CHÍNH GIÚP VN-INDEX THĂNG HOA

Động lực chính cho đà tăng trưởng bứt phá của VN-Index đầu tiên phải nhắc đến làn sóng nhà đầu tư cá nhân trong nước. Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp với trung bình lãi suất huy động giảm xuống còn 4,7% - 5,5% tính đến thời điểm cuối tháng 10, nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư đã chuyển hướng sang kênh đầu tư chứng khoán để tìm kiếm cơ hội sinh lợi nhuận với số lượng tài khoản mở mới của cá nhân trong nước duy trì trên mức 100 nghìn tài khoản mỗi tháng kể từ tháng 3.

Tháng 11 vừa qua tiếp tục là tháng ghi nhận kỷ lục lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam với số nhà đầu tư cá nhân mở mới 221.314 tài khoản, nhiều hơn những gì đạt được của cả năm 2019 khoảng 192.000 tài khoản. Đồng thời đây cũng là tháng thứ 9 liên tiếp số tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước duy trì ở mức trên 100.000 mỗi tháng và là tháng đầu tiên có trên 200.000 tài khoản được mở mới. Lũy kế 11 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 1,3 triệu tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm 2017; 2018; 2019 và 2020 cộng lại (tổng 4 năm đạt 1,04 triệu tài khoản).

Đừng kỳ vọng gói tỷ USD “kích” thị trường chứng khoán bùng nổ - Ảnh 1

Đi cùng với số tài khoản mở mới kỷ lục là một lượng tiền mới khổng lồ được bơm ròng vào thị trường. Trong khi khối ngoại ngày càng thờ ơ với thị trường chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã trỗi dậy, giá trị giao dịch chiếm gần như tuyệt đối. Tính riêng tháng 11, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mua ròng kỷ lục 15.213 tỷ đồng, gấp 6,7 lần so với tháng 10. Luỹ kế 11 tháng trong năm 2021, nhà đầu tư cá nhân “cân” cả khối ngoại với giá trị mua ròng 84.000 tỷ đồng. Thanh khoản thị trường tháng 11 tăng mạnh so với tháng 10. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 40.117 tỷ đồng/phiên, tăng 46,6%, trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân đạt 37.760 tỷ đồng/phiên, tăng 50%.

Động lực thứ hai kích thích đà tăng của thị trường bởi sự kỳ vọng lớn của nhà đầu tư vào gói kích thích kinh tế 35 tỷ USD. Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ về Chương trình phục hồi kinh tế với quy mô lên đến 800.000 tỷ đồng, gần 35 tỷ USD. Gói hỗ trợ tập trung chủ yếu vào an sinh xã hội việc làm; Phục hồi doanh nghiệp hợp tác xã hộ kinh doanh trong đó cắt giảm lãi suất cho vay, giảm thuế phí, cấp bù lãi suất cho các đối tượng ưu tiên; Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội...

Tại diễn đàn kinh tế gần đây, nhóm nghiên cứu của Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội và chuyên gia đề xuất các gói hỗ trợ kinh tế trong thời gian tới với giá trị công bố 843.845 tỷ đồng. Dù gói hỗ trợ chưa được triển khai, dự kiến sẽ trình lên Quốc hội tại phiên họp bất thường vào cuối năm nay, song sự kỳ vọng của nhà đầu tư đã kích thích chỉ số Vn-Index tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian gần đây.

Thứ ba, dù không có con số thống kê chi tiết song làn sóng nhà đầu tư cá nhân rút tiền từ bất động sản chuyển qua đầu tư cổ phiếu cũng góp phần không nhỏ cho đà tăng của Vn-Index trong thời gian gần đây. Nguyên nhân do từ đầu năm thị trường bất động sản đã nổi sóng ở hầu hết các phân khúc, giá đất nền lên đỉnh điểm bất chấp dịch bệnh, ngay sau đó, những nhà đầu tư lướt sóng sinh lời đã rút tiền về và tiếp tục đổ bộ lên sàn chứng khoán kéo theo dòng tiền đổ dồn dập vào nhóm cổ phiếu bất động sản bởi nhà đầu tư tin rằng khi giá đất tăng, các doanh nghiệp bất động sản trên sản cũng được hưởng lợi, doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh.

ĐỪNG KỲ VỌNG CÓ GÓI TỶ USD THỊ TRƯỜNG TĂNG NHƯ NĂM 2009

Như đề cập ở trên, đà tăng trưởng gần đây của thị trường chứng khoán được hỗ trợ từ việc triển khai gói kích thích kinh tế có thể đạt quy mô 5% GDP. Đây là lần thứ hai Việt Nam có gói kích thích kinh tế lớn và quy mô lần này lớn hơn đáng kể so với thời kỳ 2008-2009.

Còn nhớ, năm 2008-2009 thị trường chứng khoán đã phản ứng tích cực với gói kích thích kinh tế, đặc biệt là chính sách hỗ trợ lãi suất 4%. Tuy nhiên, sau đó là cú sụp đổ đi vào lịch sử. Năm 2021, thị trường thay vì “thoát đáy” khủng hoảng như giai đoạn 2009, lại tăng trưởng mạnh và ở đỉnh cao lịch sử mới. Điều này đặt ra vấn đề gói kích thích kinh tế khổng lồ nếu được triển khai, có thể gia tăng rủi ro bong bóng trên thị trường chứng khoán. Một khi nhắc tới gói hỗ trợ tăng trưởng 800.000 tỷ đồng là nỗi sợ về thị trường sẽ “đi theo vết xe đổ lần thứ hai” vì thực tế, bất kỳ chính sách hỗ trợ nào cũng có những hệ lụy về dòng tiền rẻ, chạy sai chỗ, không đi vào sản suất kinh doanh mà thực hiện đầu cơ tài sản.

Để đánh giá liệu có xảy ra rủi ro bong bóng hay không đầu tiên phải xét đến đà tăng của thị trường trong thời gian qua đã xa rời hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết hay chưa?

Số liệu thống kê từ Fiin Group cho thấy, nền tảng cơ bản của doanh nghiệp vẫn được duy trì. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp niêm yết duy trì tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ bất chấp giãn cách xã hội trong phần lớn quý 3/2021. Điều tích cực chủ yếu đến từ hoạt động lợi nhuận cốt lõi/ kinh doanh chính thể hiện qua sự duy trì mở rộng Biên lợi nhuận cốt lõi (EBIT). Trong khi đó, lợi nhuận từ hoạt động tài chính gồm đầu tư tài chính/bán cổ phần/M&A cũng có nhưng không lớn như nhiều quý trước, nhất là quý 4/2020 ở nhiều doanh nghiệp bất động sản và chủ yếu từ các doanh nghiệp nhỏ.

Đừng kỳ vọng gói tỷ USD “kích” thị trường chứng khoán bùng nổ - Ảnh 3

Dữ liệu chỉ báo tăng trưởng 2021 cho thấy, các ngân hàng vẫn được dự báo với mức tăng trưởng ấn tượng ở mức 19% về lợi nhuận sau thuế trong khi đó các doanh nghiệp phi tài chính ở mức 29%. “So với sóng 2008 thì định giá Vn-Index đang rẻ hơn nhiều, định giá P/E 20-22x giai đoạn 2008 nhưng hiện tại đang ở mức 16x và tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng. Nền tảng cơ bản doanh nghiệp vẫn ổn trong bối cảnh GDP tăng trưởng âm, dòng tiền tốt, tăng trưởng tín dụng cao, đòn bẩy doanh nghiệp giảm”, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo TS. Quách Mạnh Hào, Giảng viên Đại học Lincoln, Vương quốc Anh, bối cảnh của gói kích thích hỗ trợ kinh tế lần này khác với những gì đã diễn ra của năm 2009. Năm 2009, thời điểm đó chuyển từ trạng thái thiếu tiền sang thừa tiền, thanh khoản quá mức dẫn tới sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán ngay lập tức. Còn thời điểm lần này, TS. Quách Mạnh Hào cũng đồng ý rằng tiền trên thị trường cũng nhiều mà tiền nhiều, tiền dư thừa, nhàn rỗi đã chảy vào thị trường và đẩy thị trường đi lên. Vấn đề ở chỗ, nền kinh tế giống như cỗ máy, nếu cỗ máy đó chưa khôi phục để chạy được, tiền vẫn nằm lại thị trường và sẽ nằm lại, nó cho thấy khó có dấu hiệu giảm trong giai đoạn trước mắt. Nhưng một khi các hoạt động kinh tế trở lại, có thể nguồn tiền vào thị trường sẽ giảm dần đi, gói hỗ trợ lần này tức là sẽ đưa tiền trở lại hoạt động kinh tế chứ không phải bơm mới ra.

“Với gói hỗ trợ kinh tế lần này, bản chất không hẳn bơm thêm tiền mà sẽ tìm cách đưa tiền quay trở lại tập trung hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện tại hầu hết mọi người đều kỳ vọng gói hỗ trợ sẽ mang lại tâm lý tích cực cho thị trường, kéo theo sự tăng trưởng của thị trường nhưng nếu do tâm lý thì sẽ không kéo dài, còn chúng ta đừng kỳ vọng sau khi gói hỗ trợ đưa ra thị trường sẽ tăng trưởng như năm 2009”, TS. Quách Mạnh Hào nhấn mạnh.

Đừng kỳ vọng gói tỷ USD “kích” thị trường chứng khoán bùng nổ - Ảnh 4

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Quang Thuân cho rằng, việc kỳ vọng vào sự bứt phá mạnh mẽ của VN-Index chỉ dựa vào gói hồi phục kinh tế này là điều khó có thể xảy ra.

Giai đoạn trước đó thị trường còn nhỏ bé với hơn 200 mã, vốn hoá 400.000 tỷ đồng bằng 1/20 bây giờ nên nhiều cổ phiếu dễ tăng bằng lần, có đến 72 cổ phiếu tăng 2 lần từ xây dựng, sắt thép, bất động sản, ngân hàng, chứng khoán khi đón nhận thông tin rò rỉ cho đến khi kích cầu. Hiện tại quy mô thị trường đã lớn hơn rất nhiều với 1.700 cổ phiếu niêm yết, vốn hoá vượt GDP, khả năng tiền thật bơm ra ngoài ít nên cũng không quá kỳ vọng vào việc cổ phiếu sẽ tăng bằng lần trong thời gian tới.

Tuy vậy, theo Chủ tịch Fiin Group, vẫn sẽ có những ngành được hưởng lợi nhờ gói kích cầu như xây dựng, vật liệu xây dựng, ngân hàng. Trong khi đó, thời gian gần đây, sóng cổ phiếu nhỏ cổ phiếu đầu cơ tăng bằng lần nhưng VN30 chưa tăng quá nhiều, nên khi có gói kích thích ra vẫn có sóng chứng khoán nhưng sóng lớn hay nhỏ còn tuỳ thuộc vào nhìn nhận của thị trường.