Khơi thông các thị trường mới để cải thiện xuất khẩu  - Ảnh 1
Khơi thông các thị trường mới để cải thiện xuất khẩu  - Ảnh 2

Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 136,17 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản tiếp tục là điểm sáng của hoạt động xuất khẩu trong tháng 5 với kim ngạch đạt 2,9 tỷ USD, tăng 9,5% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ.

Đáng lưu ý, một số mặt hàng có mức tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng rất tốt như gạo, rau quả, hạt điều. Mặt hàng gạo đã thâm nhập được vào nhiều thị trường khu vực EU có yêu cầu cao về tiêu chuẩn, chất lượng, tận dụng khá tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như EVFTA, UKVFTA.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong tháng 5 tiếp tục giảm (ước đạt 115,9 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ) do chịu ảnh hưởng từ sự suy giảm kinh tế toàn cầu, tổng cầu giảm sút, nhu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn giảm mạnh.

Tuy nhiên, dù xuất khẩu tháng 5 đã có tốc độ tăng cao hơn tháng 4, song tính chung, kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm vẫn trong đà giảm 2 con số so với cùng kỳ năm trước. Đây thực sự vẫn là giai đoạn khó khăn của doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu.

Nhìn chung, các ngành hàng đều gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, nhất là đối với hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu, do vậy kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2023 của nước ta sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm, tuy nhiên mức độ tác động đến xuất khẩu từng ngành hàng có sự khác nhau.

Trong đó, những ngành hàng như dệt may, da giày, gỗ, thuỷ sản với thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU... có mức sụt giảm nhiều nhất; trong khi các ngành hàng như cao su, gạo, rau quả, hạt điều... với thị trường xuất khẩu chính là châu Á ít chịu tác động hơn.

Đồng thời, một số ngành hàng xuất khẩu như thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, sản phẩm nhựa đang đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại. Vấn đề chi phí nguyên liệu vật tư đầu vào tăng đã ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu... cũng tạo ra những khó khăn về thị trường xuất khẩu.

Khơi thông các thị trường mới để cải thiện xuất khẩu  - Ảnh 3

Sự sụt giảm xuất khẩu hiện nay chủ yếu do thị trường. Còn trong nước, năng lực sản xuất của doanh nghiệp hiện đang rất tốt, không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hay đứt gãy nguồn cung nguyên liệu. Đây là thuận lợi giúp doanh nghiệp sẵn sàng phục hồi xuất khẩu khi thị trường được cải thiện.

Song cũng cần thấy, sự chuẩn bị của doanh nghiệp cho một giai đoạn mới cho xuất khẩu rất quan trọng. Hiện nay yêu cầu của xuất khẩu giai đoạn mới rất cao, đó là yêu cầu về môi trường, tiêu chuẩn phát thải khí nhà kính… trở nên cấp bách. Điều này thấy ngay trong lĩnh vực dệt may, da giày trong khi đơn hàng khan hiếm nhưng lại dồn về các quốc gia đáp ứng được yêu cầu về xanh hóa chuỗi cung ứng.

Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần nhìn nhận được vấn đề này để nhanh chóng thay đổi trong thời gian ngắn nhất, nhằm bắt kịp được xu hướng thì mới giành lại được đơn hàng khi khủng hoảng kinh tế thế giới qua đi.

Đây là thời điểm rất quan trọng để doanh nghiệp thay đổi nhận thức, cũng như sự chuẩn bị cho thị trường cung ứng xanh.

Khơi thông các thị trường mới để cải thiện xuất khẩu  - Ảnh 4

Xuất khẩu chính ngạch sẽ trở thành xu hướng chính và bền vững cho xuất khẩu nông sản trong tương lai. Có thêm nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đã được cấp chứng nhận xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc như khoai lang, sầu riêng… Điều này giúp nông sản Việt Nam gia tăng sự hiện diện trên thị trường quốc tế.

Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương, cửa khẩu thúc đẩy tuyên truyền cho các doanh nghiệp, vùng trồng nhằm nhận thức rõ vai trò của sự chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch. Dù có khó khăn, bỡ ngỡ nhưng việc này không thể không làm. Nhiều doanh nghiệp đã làm tốt, nên khi đã thực hiện thì thấy sẽ không còn là khó khăn nữa.

Song, vẫn còn những địa phương, doanh nghiệp chưa nắm bắt được thông tin xuất khẩu chính ngạch nên trong thời gian tới, các bộ ngành liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền để người nông dân sản xuất theo tín hiệu thị trường, đáp ứng yêu cầu về chất lượng cũng như an toàn thực phẩm…

Khơi thông các thị trường mới để cải thiện xuất khẩu  - Ảnh 5

Năm nay vấn đề ùn tắc ở biên giới đã có sự cải thiện nhiều so với những năm trước. Tại thời điểm hiện nay, số lượng xe chở nông sản, nhất là mặt hàng sầu riêng chở lên cửa khẩu với số lượng rất lớn. Bộ Công Thương đã phối hợp trao đổi với các địa phương có cửa khẩu, địa phương vùng trồng điều tiết xe chở nông sản lên cửa khẩu. Trong dài hạn, chúng ta sẽ cố gắng đưa các trạm trung chuyển vào hoạt động để giãn bớt lượng sầu riêng tập trung ở cửa khẩu trong thời gian ngắn. Nhanh chóng phê duyệt mở rộng các dự án kho bãi gần cửa khẩu nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc xảy ra trong tương lai.

Khơi thông các thị trường mới để cải thiện xuất khẩu  - Ảnh 6

Về các giải pháp trước mắt và lâu dài, tôi cho rằng cần tập trung đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ Latinh, Đông Âu..., các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN).

Quyết liệt đột phá vào các thị trường mới, nơi có tầng lớp trung lưu gia tăng như các thị trường mới nổi E7 (Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mexico, Indonesia; thị trường Halal (Trung Đông, Malaysia, Bruney).

Đẩy mạnh khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Tạo thuận lợi hoá, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA.

Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, qua đó giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, nâng cao tốc độ thông quan hàng hóa.

Tiếp tục tổ chức các Hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng giữa các cơ quan của Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các bộ, ngành liên quan để kịp thời cập nhật cho doanh nghiệp, hiệp hội về thông tin, nhu cầu, cũng như các quy định mới của thị trường.

Qua đó, doanh nghiệp kịp thời nắm bắt được các thông tin thị trường, sản phẩm cũng như những quy định ngày càng có nhiều thay đổi, thường xuyên và khắt khe hơn, để hoạt động xuất khẩu hàng hóa được thuận lợi hơn trong thời gian tới.

Đẩy mạnh phát triển xuất nhập khẩu thông qua hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; có giải pháp chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.

Ngoài ra, đối với các mặt hàng nông sản, các bộ, ngành chức năng ở các địa phương, các hiệp hội và doanh nghiệp quản lý thật chặt chẽ quy trình sản xuất, từ trồng trọt, chăm bón, thu hoạch để các sản phẩm nông sản thực phẩm phải đảm bảo được các yêu cầu về chất lượng xuất khẩu.

Khi đã xuất khẩu được, các doanh nghiệp vẫn cần duy trì tốt về chất lượng, đảm bảo sản phẩm đồng đều và đáp ứng được yêu cầu chất lượng của nước sở tại, nếu không sẽ lập tức bị đào thải và sẽ rất khó để lấy lại uy tín.

Khơi thông các thị trường mới để cải thiện xuất khẩu  - Ảnh 7

VnEconomy 14/06/2023 10:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 24-2023 phát hành ngày 12-06-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Khơi thông các thị trường mới để cải thiện xuất khẩu  - Ảnh 8