11:49 03/04/2015

Không buồn ở Cổ Thạch

PV

Không buồn ở Cổ Thạch - Ảnh 1
Do nằm ở vị trí không mấy thuận lợi về giao thông lại ở vùng khí hậu khắc nghiệt nên ngoài khách hành hương, Cổ Thạch chưa được nhiều du khách biết đến. Cũng nhờ vậy mà vùng biển này còn giữ được những nét hoang sơ. Như các bãi biển khác của "vùng đất Lửa" Bình Thuận, biển Cổ Thạch trong veo, xanh biếc, với lượng sóng vừa phải nhưng nhanh và mạnh. Biển Cổ thạch thoai thoải, không sâu, sóng trung bình nhưng cát khá nhuyễn.  Chốn tâm linh – chùa Hang Buổi sáng tắm biển thỏa thích nô đùa, buổi chiều tịnh tâm thong dong vãn cảnh chùa Cổ Thạch. Ngôi chùa cổ này đã có hơn 100 năm tuổi. Đây một trong những danh thắng nổi tiếng lọt thỏm giữa những hang động trên một ngọn đồi đá cao 64 mét so với mặt nước biển. Lúc đầu, đó chỉ là một am nhỏ do thiền sư Bảo Tạng dựng nên vào khoảng giữa thế kỷ XIX, đặt tên là chùa Hang. Sau nhiều lần trùng tu, sửa chữa, chùa Hang ngày càng trở nên khang trang và thu hút nhiều sự thăm viếng của du khách thập phương.

Không buồn ở Cổ Thạch - Ảnh 2

Khu vực chùa Hang được hình thành nên từ những tảng đá khổng lồ, hình thù kỳ lạ, gác tựa, chồng chất lên nhau tạo ra những hang động. Mỗi động thờ  một vị Phật, hoặc Bồ tát... Hang thờ Tổ khai sơn Cổ Thạch tự là nhà sư Bảo Tạng, có tượng nhà sư và nhiều bài vị của các nhà sư khác có công lao xây dựng chùa đã viên tịch. Nơi thờ Phật Chuẩn Đề là một hang động bên trong có tượng Phật 8 tay và nhiều tượng cổ. Hang Tam Bảo thờ 23 pho tượng Phật cổ với nhiều kích thước và niên đại khác nhau… Đường lên chùa Hang thông thoáng nhưng quanh co, khúc khuỷu theo những bậc, thềm đá; dọc đường có nhiều tranh, tượng miêu tả cuộc đời Đức Phật và chư vị bồ tát. Trên mỏm núi đá nhỏ sát bờ biển có tượng Quan Thế Âm Bồ Tát uy nghi, tự tại đứng nhìn ra biển khơi. Cạnh chùa là bãi đá Cà Dược nhiều màu sắc chạy dọc bờ biển. Cảnh quan thiên nhiên chung quanh chùa Hang rất đẹp. Nhiều ngôi nhà xinh xắn, gọn nhẹ xây theo kiểu mới để phục vụ khách từ các nơi về hành hương và tham quan thắng tích.

Không buồn ở Cổ Thạch - Ảnh 3

Không buồn ở Cổ Thạch - Ảnh 4
Du khách đứng trên đỉnh đồi đá có thể ngắm nhìn bao quát cảnh quan cả một vùng biển bao la với hàng ngàn tảng đá lớn nhỏ xếp chồng ngổn ngang lên nhau thành thiên hình vạn trạng. Do sự xâm thực của nước mưa và gió, đồi đá Cổ Thạch có nhiều hang động với vẻ độc đáo, lạ lùng. Sau khi vãn cảnh chùa, bạn có thể vòng xuống bãi Cà Dược nhìn, ngắm hàng triệu viên đá, với bảy màu: đen, trắng, vàng, xám, nâu, hồng, tím sẫm. Bãi đá nầy chạy dài hơn 1 cây số dưới chân đồi Cổ Thạch. Bãi đá cổ bên bờ biển Hướng Đông, đứng trên đỉnh chùa Hang, phóng tầm mắt xuống dưới đã thấy bờ bãi Cổ Thạch tồn lưu vẻ đẹp và những điều kỳ lạ vẫn chưa được giải mã trọn vẹn. Ven bờ bãi ở các tỉnh miền Trung như Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định… đều có những bãi đá nguyên sinh nhưng được tiền nhân phong là "Cổ Thạch" chỉ có một. Dài 1,5km, lớp dày nhất trên 2m, theo ước tính của các nhà khoa học, trữ lượng của bãi đá Cổ Thạch lên đến 245.000 tấn. Điều kỳ lạ là bãi đá qui tụ hàng trăm ngàn viên sỏi có hình dáng, sắc màu quái lạ.

Không buồn ở Cổ Thạch - Ảnh 5

Không như những viên sỏi dẹp, tròn, có màu xám, xanh như thường thấy, sỏi Cổ Thạch phong phú cấu hình như vuông, tam giác, lục giác, đa giác, hình thoi. Kỳ lạ hơn, mỗi viên sỏi đều có sắc màu khác nhau như trắng, đen, vàng, nâu, tím, xanh, lam…, lại có viên đỏ như máu, vàng như ánh mặt trời, xanh như màu xanh ngọc bích của nước biển. Không những thế, mỗi viên đều có đường vân, hoa văn do dòng chảy của ngàn năm bào thành.Ánh nắng chiếu thẳng vào bãi đá bảy màu làm hắt lên những gam màu kỳ lạ, huyền ảo như sắc cầu vồng. Lúc này đây, những viên sỏi tầm thường lột xác thành kho trân châu, ngọc quý. Hòa thượng Thích Minh Đức kể chuyện, nhân lúc vãn cảnh chùa, qua đàm đạo, nhiều nhà khoa học nghiên cứu về bãi đá suy định, những viên sỏi này được hình thành do dòng chảy nham thạch, qua hàng triệu năm được sóng biển, dòng chảy bào mòn và được thủy triều đẩy từ lòng biển lên bờ.

Không buồn ở Cổ Thạch - Ảnh 6
Không chỉ hấp dẫn du khách bằng bãi thạch ngọc, bãi đá Cổ Thạch còn mê hoặc những đôi chân ưa khám phá bằng hình ảnh những khối đá to được bà mẹ thiên nhiên kiến tạo với muôn hình vạn trạng – như thể một mê trận thạch đồ nhô lên từ lòng biển. Lúc này đây, bao quanh bạn là những khối đá to như trái núi được xếp chồng lên nhau như có bàn tay người sắp đặt. Xen kẽ là những phiến đá được thời gian bào mòn, gọt đẽo có dáng hình như bàn thạch, đài sen, mẹ bồng con và các loài chim thú. Tiếp tục dấn bước, sẽ thấy có bãi đá nhấp nhô như thắng tích Hòn Chồng - Nha Trang, có bãi đá trông như đoàn thủy quái khổng lồ đang ngoi lên từ lòng biển, có bãi đá vươn cao, nhô về phía biển như những con sóng chuẩn bị vỗ bờ… Tuy nhiên, cảnh tượng kỳ thú nhất trong năm khi giữa trung tuần tháng 3 là khi toàn bộ đá được bao phủ một lớp rêu xanh thật đẹp và độc nhất vô nhị. Khi đó, bãi đá Cổ Thạch thực sự giống như tiên cảnh.

Không buồn ở Cổ Thạch - Ảnh 7

Hướng Tây Nam của bãi đá có dãy thạch đồ nhấp nhô, đen bóng trông từ xa như thành quách, cung điện của ngàn năm trước. Bao quanh khối thạch cung này là bãi cát vàng hoang sơ có tên Bãi Tiên. Theo truyền truyết, nơi này đã từng có nhiều nàng tiên sa thiên tắm múa, hát ca. Dưới chân thạch cung có một hang động ăn sâu vào núi, thông lên phía sau Lầu Trống của chùa Hang. Đặc sản biển ngon – bổ - rẻ Đặc sản biển nơi này độc đáo nhất là sò điệp bán ngay đường xuống biển hay khu chợ phía trên. Sau khi người bán làm sạch thì nướng chín bằng lửa than, quết mỡ hành, chấm muối tiêu chanh. Chợ biển ở đây thì khỏi chê luôn. Bạn chắc chắn sẽ say mê những món đặc sản ở đây, món nào cũng ngon hết, nhắc tới còn thèm. Món cháo mực nóng, đã làm sao! Mực ở biển Cổ thạch có vị ngọt đậm đà, tươi, ngon và thơm đặc trưng so với những vùng biển khác. Ở đây chỉ với 5.000 đồng, bạn có thể thưởng thức chiếc bánh xèo nóng hổi vừa thổi vừa ăn với đủ tôm, thịt, mực trong đó… cắn miếng bánh xèo mà nghe đủ hương vị lan toả trong miệng. Hay với 5.000 đồng bạn vừa đi vừa ăn bánh tráng nướng thơm thơm mùi mắm cay cay, béo béo dòn tan trong miệng. Khi bạn đã thưởng thức những món ăn và cần giải khát thì cũng với… 5.000 đồng đồng thôi bạn sẽ có ly rong biển mát lạnh với những cọng rong biển còn tươi nguyên... Chơi gì, ở đâu?    . Tắm bùn Vĩnh Hảo. Từ thành phố Phan Thiết đi dọc theo quốc lộ 1 độ chừng 100km, du khách sẽ đến Khu du lịch Tắm khoáng- Tắm bùn Vĩnh Hảo. Khu du lịch này nằm giữa núi rừng thiên nhiên hoang dã, du khách sẽ có được những cảm giác thoải mái hít thở không khí trong lành.Vĩnh Hảo là suối nước khoáng nổi tiếng ở xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Từ Tuy Phong theo quốc lộ 1 đi về phía bắc khoảng chừng 7km, vượt qua đèo Yên Ngựa rồi qua núi Tào và rẽ trái đi độ chừng 1,5km thì đến ngay suối nước khoáng Vĩnh Hảo nằm trong khuông viên của nhà máy nước suối Vĩnh Hảo.    . Lăng Ông Nam Hải. Lăng Cá Ông còn được gọi là lăng Ông Nam Hải, nằm bên phải đình thần Thắng Tam, thuộc phường Thắng Tam. Theo truyền thuyết, ba phần đầu, thân, đuôi của Cá Ông trôi dạt về ba vùng: Vũng Tàu, Cần Giờ, Long Hải ở thế kỷ 19. Cá Ông được ngư dân trong vùng tin là tướng quân của Long Vương được giao nhiệm vụ bảo vệ tàu thuyền. Ngày nay, mỗi khi có cá Ông trôi dạt vào bờ, ngư dân đều lấy xương đem thờ trong lăng. Du khách tham quan lăng sẽ nhìn thấy những tủ kính đựng xương cá và bàn thờ chạm Long, Lân, Quy, Phụng công phu. Hàng năm, từ ngày 16 đến 18/8 âm lịch, lăng Ông Nam Hải tổ chức lễ hội Nghinh Ông rất sôi động, thu hút nhiều du khách tham dự.    . Đồi Cát Nam Cương. Đồi cát Nam Cương là một điểm du lịch mới được khai thác ở Bình Thuận. Nơi này có những cồn cát hoang sơ bên những xóm làng của đồng bào dân tộc Chăm. Đi chơi đồi cát du khách được hòa mình vào thiên nhiên trên vùng cát vàng, còn thích thú khi được ngắm nhìn những đàn cừu, bò, dê gặm cỏ, uống nước dọc theo những con suối mát, yên bình... Đến Cổ Thạch    . Nếu bạn đi bằng xe máy: Từ TP.HCM chạy theo QL1, tới ngã ba Liên Hương (Tuy Phong) thì quẹo phải chạy vào là tới (chú ý bảng chỉ dẫn hoặc có thể hỏi người dân địa phương). Hoặc bạn chạy theo QL1, tới ngã ba Duồm, xóm 7, Hội Tâm, Hòa Minh, Tuy Phong thì quẹo phải - đường này có đoạn đường chạy sát biển rất đẹp.    . Nếu bạn chọn đường sắt: Tàu Thống nhất không có trạm dừng tại Tuy Phong vì vậy nếu muốn đi tàu bạn có thể đi tàu ra Phan Thiết rồi bắt xe đi tiếp ra Cổ Thạch. Hoặc bạn đi tàu ra Phan Rang rồi lại bắt xe đi ngược vô lại Cổ Thạch. Nói chung là đi tàu tới Cổ Thạch không phải là sự lựa chọn tốt nhất.    . Nếu bạn đi xe khách: Xe chạy tuyến TP.HCM - Cổ Thạch (xe đi Tuy Phong) khởi hành hàng ngày tại bến xe miền Đông. Lưu trú Ngay khu vực chợ Cổ Thạch có nhiều nhà nghỉ bình dân, tuy nhiên hơi ồn ào và xô bồ. Sát bãi biển có Làng Cổ Thạch (tên cũ là Khách sạn Hải Sơn) là nơi tương đối tốt nhất ở khu vực này, giá cho phòng bungalow khoảng từ 400.000 – 700.000 đồng/đêm tùy theo ngày có lễ hay ngày thường. Điện thoại liên hệ: 062 385 6015.

Duyệt Thành