Không vì áp lực giải ngân nguồn vốn, chạy đua tiến độ mà "trồi sụt" chất lượng công trình giao thông - Ảnh 1
Không vì áp lực giải ngân nguồn vốn, chạy đua tiến độ mà "trồi sụt" chất lượng công trình giao thông - Ảnh 2
Một năm nhiều gian khó đã đi qua, xin Bộ trưởng chia sẻ những thành tựu nổi bật của ngành giao thông vận tải đạt được trong năm qua?

Năm 2021 hết sức khó khăn với mọi lĩnh vực trong nền kinh tế. Trong đó, ngành giao thông vận tải xoay vần trong khó khăn muôn trùng. 

Thứ nhất, chúng tôi phải đảm bảo giao thông thông suốt để nền kinh tế phát triển, đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân khi đại dịch Covid bùng phát khiến hơn 20 tỉnh, thành phải đóng cửa dập dịch. Nhiệm vụ vô cùng thử thách khi mỗi tỉnh có khoảng 10 huyện, lên tới 700 – 800 xã. Mỗi xã, mỗi huyện đều có chính sách cách ly, chống lây lan dịch bệnh riêng. Không vận chuyển được hàng hóa, nông thôn sẽ thừa hàng, thành phố thiếu hàng, bà con vô cùng khó khăn, hàng hoá ứ đọng không thể xuất khẩu. 

Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải cùng các bộ, ngành, địa phương hoá giải khó khăn. Nhìn tổng thể, giao thông vận tải thông suốt từ nông thôn đến thành thị, sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua cảng biển cũng giữ vững đà tăng 4%. Đây là thành tựu nổi bật nhất trong ngành giao thông vận tải trong năm 2021. 

Thứ hai, ý thức được giao thông đi trước mở đường. Muốn đi trước mở đường, phải đi trước về quy hoạch. Vì vậy, chúng tôi hoàn thành 5 quy hoạch ngành nhanh nhất, dẫn dắt đầu tư phát triển.

Thứ ba, năm nay trùng điệp khó khăn, nhiều công trường bị ách tắc, thiếu đất, thiếu nguyên vật liệu nhưng dưới sự điều hành quyết liệt, Bộ Giao thông vận tải cố gắng giữ vững top đầu giải ngân khoảng 40.000 tỷ đồng, đạt khoảng 96% kế hoạch được giao, cao hơn bình quân cả nước. 

Thứ tư, nhiều dự án trọng điểm đảm bảo tiến độ, công tác chuẩn bị đầu tư giai đoạn tới tích cực triển khai. Giai đoạn 2021 – 2025, Bộ Giao thông vận tải dự kiến khởi công mới 67 dự án, trong đó, trong 51 dự án nhóm B, C, đến thời điểm này, chúng tôi phê duyệt chủ trương đầu tư 42 dự án, cố gắng khởi công trong tháng 7, 8 để giải ngân những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, khi kết thúc kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ nhất, sẽ rõ danh mục dự án đầu tư công được phân bổ vốn trong chương trình phục hồi, gồm 729km cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 và một loạt cao tốc khác.

Một số dự án tồn đọng kéo dài được giải quyết như vận hành thương mại tuyến đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam, tuyến 2A Cát Linh – Hà Đông sau 10 năm triển khai; hoàn thành nâng cấp đường băng và đường lăn hai sân bay chủ lực của cả nước là Tân Sơn Nhất và Nội Bài, đảm bảo công suất 50 triệu hành khách/năm. Nhiệm vụ này vô cùng khó khăn do dự án phải dừng thời gian dài để khoanh vùng, dập dịch khi nhiều cán bộ, công nhân bị nhiễm Covid – 19…

Đặc biệt, dự án trọng điểm quốc gia cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 1 dù trải dài nhiều địa bàn nhưng đảm bảo tương đối về tiến độ. Đến thời điểm này, 8 dự án đầu tư công đáp ứng tiến độ, trong đó, đoạn Cao Bồ – Mai Sơn thông xe sớm nhất, dự án Cam Lộ – La Sơn trong mùa mưa bão, còn phải thảm lớp mặt. Trong 5 dự án chuyển sang đầu tư công, có 3 dự án sẽ hoàn thành năm 2022 và 2 dự án cuối cùng hoàn thành trong năm 2023.

Còn lại 3 dự án PPP, hiện chỉ có dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo hoàn thành việc huy động vốn, đoạn Nha Trang – Cam Lâm gia hạn đến ngày 10/1 nhưng chưa biết ký được hợp đồng tín dụng hay không; còn lại đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt cũng đang cố gắng huy động đủ vốn trong tháng 1. Đầu tư theo phương thức PPP đang rất bấp bênh, nếu “tắc” vốn tín dụng sẽ dễ dẫn đến vỡ tiến độ.

Một điểm đáng lưu ý, trước đây, toàn dự án thiếu khoảng 65 triệu m3 đất, đến thời điểm này giải quyết khoảng 55 triệu m3 chỉ còn thiếu khoảng 10 triệu m3. Chúng tôi đang tập trung cùng địa phương mở mỏ, để đầu năm 2022 có đầy đủ cơ sở tập trung thực hiện dự án.

Không vì áp lực giải ngân nguồn vốn, chạy đua tiến độ mà "trồi sụt" chất lượng công trình giao thông - Ảnh 3
Từ những kinh nghiệm rút ra từ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1, xin Bộ trưởng chia sẻ những thách thức lớn nhất trong công tác triển khai giai đoạn 2 sắp tới, sớm hoàn thành trục huyết mạch, tạo sức lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội? 

Thứ nhất, thách thức về vốn. Tuy nhiên, tại kỳ họp đột xuất vừa qua, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ thống nhất trình  Quốc hội đầu tư công 100%, khó khăn này cơ bản được giải quyết. 

Thứ hai, khan hiếm nguồn vật liệu xây dựng trầm trọng khiến vật liệu có thể bị đẩy giá cao gấp nhiều lần. Rút kinh nghiệm của giai đoạn 1, hiện nay Bộ đang chỉ đạo tư vấn các Ban tổng điều tra mỏ đất, mỏ cát toàn bộ khu vực dự án đi qua, đồng thời, đề xuất cơ chế đặc thù gỡ vướng vật liệu làm cao tốc.

Thứ ba, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Sau hơn hai năm triển khai 654 km cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1, giải phóng mặt bằng đạt khoảng 99,97%. Chúng tôi quyết tâm dành khoảng 1,5 năm, cuối năm 2023 phải cơ bản giải quyết được mặt bằng giai đoạn 2. Sau cuộc họp Quốc hội lần này, chúng tôi sẽ làm việc với từng địa phương để củng cố, xem xét các thủ tục, quyết định, đơn giá... Sắp tới, Thủ tướng, Phó Thủ tướng họp trực tiếp thường xuyên với Bí thư, Chủ tịch tỉnh, điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng cơ bản được giải quyết. 

Thứ tư, nền đất yếu. Ở miền Nam tập trung gia cố nền đất yếu từ Cần Thơ xuống Cà Mau 109 km chủ yếu bằng cọc cát và gia cố xi măng. Ngoài ra, kéo dài nhịp để hạ mố cầu… Nhiều giải pháp kỹ thuật khó nhưng đều nằm trong khả năng của Bộ. 

Thứ năm, hiện cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 đang triển khai 654km, bây giờ triển khai thêm 729km, số lượng nhà thầu mạnh hiện nay không còn nhiều, đây là bài toán Bộ phải xem xét.

Không vì áp lực giải ngân nguồn vốn, chạy đua tiến độ mà "trồi sụt" chất lượng công trình giao thông - Ảnh 4
Tại kỳ họp bất thường đầu năm mới, Quốc hội xem xét Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, trong đó, dành nguồn lực lớn cho đầu tư công và ưu tiên một số dự án trọng điểm của ngành. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về áp lực giải ngân vốn đầu tư công trong những năm tới?

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội vừa thông qua bổ sung tối đa 113.550 tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó, phần lớn ưu tiên cho lĩnh vực giao thông.

Trước đó, ngành giao thông vận tải nhận được sự ưu tiên cao trong bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, lên đến 304.000 tỷ đồng. Trong nhiệm kỳ này, chúng tôi được bố trí khoảng 420.000 tỷ đồng, trừ khoản dự phòng và 5% bảo hành không sử dụng tới. Như vậy, 4 năm còn lại, mỗi năm, Bộ sẽ phải giải ngân khoảng 80.000 tỷ đồng với áp lực rất lớn. 

Để thực hiện nhiệm vụ này, trong Nghị quyết của Quốc hội cũng cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đường bộ cao tốc. Trong đó, chúng tôi đề xuất cơ chế cho phép chỉ định thầu tư vấn. Từ đó, rút ngắn thời gian so với đấu thầu rộng rãi 6 – 9 tháng, dành thời gian tập trung cho công tác xây lắp. Chúng tôi cố gắng đầu năm 2023 hoặc cuối năm 2022 khởi công toàn bộ 12 dự án, dành thời gian khoảng ba năm 2023 – 2025 để hình thành mạng lưới 3.000km đường cao tốc. 

Với cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2, Bộ cũng đề xuất đầu tư công toàn bộ 12 dự án thành phần.

Đây là giai đoạn cần thiết tăng cường kết cấu hạ tầng, tạo sức bật phục hồi kinh tế. Khi Chính phủ xác định dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông là trục xương sống cả nước, dồn vốn đầu tư công sẽ đảm bảo tiến độ hoàn thành trong năm 2025, có được con đường đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng. Sau đó sẽ đấu thầu, bán quyền thu phí.

Đặc biệt, gói hỗ trợ đầu tư công sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa, kích thích các ngành, lĩnh vực liên quan như sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng, đá, thép… phục hồi, tạo đà phát triển kinh tế. 

Không vì áp lực giải ngân nguồn vốn, chạy đua tiến độ mà "trồi sụt" chất lượng công trình giao thông - Ảnh 5
Dự án trọng điểm quốc gia cao tốc Bắc – Nam phía Đông đang đứng trước áp lực về thời gian, liệu có những lo ngại trong việc thi công gấp rút để kịp tiến độ nhưng sẽ dẫn đến những “lỗ hổng” trong chất lượng công trình không, thưa Bộ trưởng?

Lần nào họp với các Ban, các đơn vị, tôi đều “bêu tên” cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi như một bài học xương máu. Cả đời phấn đấu nhưng vì một, hai sự cố lại mất hết tất cả, nhà cửa, vợ con, không ai dám đánh đổi.

Tôi khẳng định hiện nay không một đơn vị nào dám làm ẩu, thời gian có thể rút ngắn, nhưng chất lượng thì không. Từng lớp, chiều dày, tiêu chuẩn chỉ cần kiểm tra, là biết độ chặt hay chất lượng bê tông. 

Với khâu thực hiện đầu tư, chúng tôi dành tới 3 năm chuẩn bị, khó khăn nhất hiện nay là xử lý đất yếu, chúng tôi sẽ sớm bàn giao mặt bằng cho địa phương để có thời gian thực hiện các giải pháp gia cố 8 – 10 tháng, thực hiện đúng quy trình dưới sự giám sát chặt chẽ. Đất dù thiếu nhưng không có nghĩa đất nào cũng đắp, tất cả đều phải đảm bảo tiêu chí. Thậm chí, mở rất nhiều mỏ, chọn những mỏ tốt nhất đưa vào dự án, chất lượng là hàng đầu.

Ngoài ra, trong quá trình thi công, ba đơn vị thuộc Bộ Công an gồm C01, C03 và A04 bám sát từ khâu lập dự án, đấu thầu cho đến triển khai thi công. Hiện nay Quốc hội cũng chỉ đạo Kiểm toán Nhà nước tham gia từ khâu chuẩn bị dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2. 

Nếu tiến độ chậm, chúng tôi sẽ báo cáo kỹ. Dù năm 2025 không hoàn thành cao tốc, phải chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước, chúng tôi cũng chấp nhận nhưng nhất quyết không đánh đổi bằng chất lượng.

Tham gia dự án này, chúng tôi biết rằng làm xong rất vinh quang nhưng trách nhiệm nặng nề, vô cùng căng thẳng và cận kề nhiều rủi ro, nhưng anh em cố gắng quyết tâm, dứt khoát chất lượng hàng đầu, không đốt cháy giai đoạn.

Không vì áp lực giải ngân nguồn vốn, chạy đua tiến độ mà "trồi sụt" chất lượng công trình giao thông - Ảnh 6

VnEconomy 03/02/2022 07:00