Kích hoạt tính tự chủ và tự lực của cộng đồng trong phát triển kinh tế nông thôn
Tiếp cận từ cộng đồng là một trong những hướng đi trong quá trình thay đổi tư duy quản trị xã hội, giúp cân bằng hạn chế của Nhà nước và thị trường trong tam giác phát triển Nhà nước - thị trường - xã hội. Cần kích hoạt tính tự chủ và tự lực của cộng đồng trong phát triển kinh tế nông thôn, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa…
Chiều 16/8/2023 tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng Chủ tịch Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) Cao Đức Phát đồng chủ trì Tọa đàm trực tiếp và trực tuyến "Phát huy vai trò cộng đồng trong thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn". Tham dự tọa đàm, có nhiều tổ chức quốc tế liên quan đến nông nghiệp, nông thôn như JICA, UNDP, Ngân hàng Thế giới, FAO, ACIAR, IFAD, ADB, CIAT, IRRI, Helvetas, Quỹ Saemaul, ICRAF...
NHIỀU MÔ HÌNH CỘNG ĐỒNG HAY, THIẾT THỰC
TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết tại Việt Nam, cộng đồng nông thôn sống và làm việc gắn với địa bàn làng, thôn, bản, ấp..., những đơn vị dân cư đủ nhỏ để mọi người biết rõ và quan hệ chặt với nhau và đủ lớn để nhận diện khác biệt xã hội.
Cộng đồng thường sống chung nhiều thế hệ, ràng buộc bởi các mối quan hệ thân tộc, tập quán, tôn giáo; cùng chia sẻ công trình công cộng như đường xá, đình chùa, nghĩa trang, bến nước; dùng chung tài nguyên như khu rừng, đoạn sông, hồ nước... “Cộng đồng nông thôn thực sự là đơn vị tổ chức căn bản để tích lũy kinh tế và chuyển đổi xã hội đưa đất nước lên các bước phát triển cao hơn”, ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Huỳnh Quang Huy, Chủ tịch Hội nghề cá Bình Thuận cho biết với sự hỗ trợ của UNDP, Bình Thuận triển khai được 3 mô hình cộng đồng giao cho ngư dân tự quản lý, phục hồi nguồn lợi thủy sản. Quá trình lo thủ tục để thành lập cộng đồng này, phải thông qua 37 văn bản với 4 lần phản biện và thời gian đầu triển khai rất khó khăn vì không có nguồn lực, ngư dân nhiều người còn không tin tưởng.
"Đến nay, tình trạng khai thác bằng giã cào, khai thác tận diệt đã giảm 90%. Những năm trước đây, nguồn lợi hải sản suy kiệt, nhưng nay tôm, cá dưới biển đã đông đúc trở lại. Năm 2015, có những ngư dân ở Bình Thuận làm cả năm không kiếm nổi 500.000 đồng nhưng bây giờ, có đêm kiếm được đến 10 triệu đồng từ khai thác thủy sản”, ông Huy chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hải đến từ tỉnh Thái Nguyên chia sẻ về quá trình hình thành và phát triển Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải ở xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên. Cách đây chục năm, người Tày ở địa phương vẫn còn đó những trang phục, nhưng không còn giữ được hồn cốt như xưa, rất khó để tìm thấy một quần thể bản làng nào còn vẹn nguyên những ngôi nhà sàn.
Trăn trở trước nguy cơ mai một văn hóa cổ truyền, bà Hải đã âm thầm chắt chiu tài sản cá nhân mình mua lại những ngôi nhà sàn, sưu tầm hiện vật, sưu tầm vốn văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ thất truyền. Ban đầu có một vài người tham gia, rồi cả làng tham gia để tạo thành Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải.
Hiện Khu Bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải đã trở thành ngôi nhà chung của hàng chục gia đình với hơn 150 người thuộc các dân tộc khác nhau như Tày, Nùng, Sán Chay, Kinh,... Từ năm 2018 - 2023, Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải đã 4 lần được vinh dự đón nhận giải thưởng Du lịch ASEAN.
TƯ DUY NỘI LỰC TỪ DƯỚI LÊN MỚI BỀN VỮNG
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, đại diện UNDP, cho hay cộng đồng luôn là trung tâm, chủ đạo của Chương trình tài trợ nhỏ (SGP) của UNDP. Tại Việt Nam, SGP đã tài trợ cho các tổ chức xã hội thực hiện 183 dự án cộng đồng tại 45 tỉnh, thành phố.
Điển hình như hỗ trợ hàng trăm cộng đồng trong bảo tồn và phát triển sinh kế dưới tán rừng (các loại cây thuốc), bảo tồn các giống, loài quý hiếm (rùa biển, voọc..), bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, san hô, sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu, quản lý rác thải, rác thải nhựa và du lịch cộng đồng....
"Các dự án cộng đồng có sức lan toả lớn, trong đó có nhiều dự án được nhân rộng với nguồn lực của các nhà tài trợ khác, các chương trình mục tiêu quốc gia. Qua đó, đã khẳng định rõ vị thế, vai trò của tổ chức cộng đồng, các tổ chức xã hội trong các vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển sinh kế bền vững", bà Huyền khẳng định.
Bà Huyền cho rằng thúc đẩy việc trao quyền cho cộng đồng thật sự đang là một trong những chìa khóa để gắn kết, hun đúc tinh thần trách nhiệm với xã hội, môi trường và với thế hệ mai sau.
Sau khi lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, các đại diện cộng đồng, ông Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) nêu ra một số yếu tố để có thể phát triển được các mô hình cộng đồng hoạt động hiệu quả.
Thứ nhất: Cần có nhận thức rõ ràng và đúng đắn trong các cộng động về mục tiêu muốn hướng đến.
Thứ hai: Cần có sự quan tâm, ủng hộ từ các lãnh đạo địa phương, điều này là yếu tố quan trọng, tạo thuận lợi cho các cộng đồng phát triển.
Thứ ba: Cần có định hướng rõ ràng, từ cấp Trung ương đến cơ sở, đến từng thôn, từng xóm để có thể phát triển đúng hướng.
Thứ tư: Cần có cán bộ, có nhân lực nòng cốt để thực hiện, những nhân tố này phải có tâm huyết và tốt nhất là đã được đào tạo, có kiến thức từ trong nước và quốc tế để làm việc hiệu quả hơn.
Theo ông Cao Đức Phát, để phát triển các mô hình cộng đồng, cần phải có môi trường chính sách, pháp lý thuận lợi, trong đó quan tâm đến việc trao quyền cho các cộng đồng để bà con có thể phát huy khả năng của mình.
"Nếu không tận dụng nguồn lực từ các cộng đồng có thể tạo ra một sự trông chờ, ỷ lại, làm tê liệt sáng kiến, sáng tạo và năng lượng trong cộng đồng. Như vậy, cần kích hoạt sự tham gia của các cộng đồng, như thành lập các hội quán để kích hoạt tính tự chủ và tự lực của cộng đồng".
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết rất nhiều chương trình nâng cao năng lực cộng đồng được các tổ chức phi chính phủ tập trung triển khai tại Việt Nam. Lấy ví dụ về nâng cao năng lực cộng đồng ứng phó bão lũ, Bộ trưởng đặt ra câu hỏi, mỗi năm mùa lũ đến đều có chỉ đạo từ Trung ương, huyện, xã xuống nông dân nhưng câu hỏi đặt ra là sao chúng ta chưa làm ngược lại?
“Vì sao chúng ta không để cho cộng đồng người dân tự lập kế hoạch phòng chống thiên tai, tập cho bà con lập kế hoạch. Khi cộng đồng người dân đã làm hết sức thì mới tính đến lập kế hoạch vận động sự tham gia của xã hội. Tư duy nội lực từ dưới lên mới là tư duy bền vững”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, tiếp cận từ cộng đồng là một trong những hướng đi trong quá trình thay đổi tư duy, cách quản trị xã hội. Cộng đồng xã hội cân bằng hạn chế của Nhà nước và thị trường và là cốt lõi trong tam giác phát triển Nhà nước - thị trường - xã hội.
Bộ trưởng cũng cho rằng cần có thiết chế, thiết lập bài bản các chuyên đề, giáo trình để phát triển cộng đồng. Tuy nhiên, những giáo trình này cũng cần dễ hiểu, dễ tiếp xúc đối với người dân để mô hình cộng đồng có thể được thẩm thấu và lan tỏa hiệu quả tại các địa phương. Từ đó, huy động nguồn lực của doanh nghiệp, giúp giải bài toán thị trường,