Du lịch nông thôn nhiều tiềm năng phát triển
Trước tình trạng du lịch quá tải vào mùa cao điểm hiện nay, ngành du lịch đòi hỏi phải hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững nhằm hỗ trợ kinh tế địa phương cũng như bảo tồn văn hóa truyền thống. Du lịch nông thôn được đánh giá sẽ là xu hướng trong thời gian tới...
Tổ chức Du lịch thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO) mới đây đưa ra ấn phẩm mới có chủ đề: "Du lịch và Phát triển Nông thôn: Quan điểm Chính sách". Theo đó, du lịch nông thôn được định nghĩa là một loại hình du lịch, trong đó trải nghiệm của du khách có liên quan đến sản phẩm nông nghiệp, cuộc sống và văn hóa nông thôn.
Các hoạt động du lịch nông thôn sẽ tập trung ở những khu vực có mật độ dân số thấp; tận dụng lợi thế cảnh quan nông thôn hoặc quy hoạch đất nông nghiệp và lâm nghiệp làm du lịch; nhấn mạnh văn hóa truyền thống phong phú.
NHIỀU ĐỊA PHƯƠNG SẴN CÓ TIỀM NĂNG
Tại Việt Nam, tỉnh Tuyên Quang sở hữu địa hình đặc biệt kiến tạo nên bức tranh núi non hùng vĩ với những cảnh đẹp ngoạn mục. Ông Hoàng Việt Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, địa phương này đặt mục tiêu đến năm mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương và trên 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Nhờ phát triển du lịch nông thôn, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, thu nhập của bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang tăng đáng kể. Ông Đặng Trung Dũng, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái, huyện Na Hang cho biết, hiện tại sau khi phát triển du lịch, thu nhập bình quân của bà con là 37 triệu đồng/người/năm. Thời gian tới, xã Hồng Thái phấn đấu nâng cao thu nhập bình quân đầu người của bà con lên khoảng 50 triệu đồng/người/năm.
Bà Đặng Thị Hà, chủ homestay Hoàng Hà cho biết, du khách đến với Hồng Thái ngắm cảnh quan thiên nhiên còn rất thích các đặc sản địa phương, rau củ quả trái vụ. Tuy nhiên, khi kết hợp với du lịch, các sản phẩm nông nghiệp phải đạt tiêu chuẩn chất lượng thì mới tiêu thụ được.
Ông Vi Ngọc Quý, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang, cho biết: “Chúng tôi đang đẩy mạnh các sản phẩm đặc trưng của huyện là sản phẩm OCOP, hoàn thiện mẫu mã sản phẩm để nâng cao giá trị nông sản. Trong đó, cây chè và rượu ngô men lá Na Hang đã có chỉ dẫn địa lý”.
Ở phía Nam, Ninh Thuận được đánh giá là tỉnh có nhiều loại hình phát triển du lịch đang phát triển, tập trung 4 loại hình: Du lịch biển, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái. Trong đó, du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái là hai loại hình du lịch gắn với phát triển nông thôn mới. Ví như huyện Bác Ái có làng du lịch sinh thái dân tộc Bố Lang, Làng sinh thái dân tộc Raglai. Huyện Ninh Phước có Làng nghề gốm cổ Bầu Trúc và Làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp. Huyện Ninh Hải có Làng du lịch thôn Vĩnh Hy, du lịch thôn Cầu Gãy và du lịch vườn nho Thái An xã Vĩnh Hải…
Ninh Thuận cũng được ghi nhận là vùng đất nổi tiếng về các di tích của dân tộc Kinh, Chăm và Raglai... cùng nhiều lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa. Khí hậu ở Ninh Thuận có đặc thù ít mưa, nhiều nắng, là một lợi thế tự nhiên để có được những loại cây trồng vật nuôi đặc sản của địa phương như nho, táo, tỏi, dê, cừu, măng tây xanh, nha đam... Ngành chức năng Ninh Thuận đặt mục tiêu khai thác hết tiềm năng nói trên để phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của tỉnh.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã gặp nhiều vướng mắc trong phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận, đầu tiên là số lượng lao động tham gia du lịch nông thôn ở Ninh Thuận không nhiều, chỉ với quy mô nhỏ lẻ. Mô hình tổ chức du lịch nông thôn thì chủ yếu mang tính chất tự phát, chưa được tổ chức bài bản.
Đặc biệt, khó khăn nhất vẫn là việc chuyển quy hoạch sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang loại hình khác. Ngoài ra, một số vùng nông thôn tuy đã có quan tâm đến cảnh quan môi trường, song vấn đề vệ sinh môi trường, ô nhiễm nguồn nước, không khí vẫn tồn tại, chưa được khắc phục triệt để, trong khi đây là yếu tố tiên quyết thu hút khách du lịch.
MÔ HÌNH MANG LẠI LỢI ÍCH KÉP
Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với Chương trình nông thôn mới đã và đang mang lại lợi ích kép, vừa góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng tích cực; vừa nâng cao vai trò, vị trí chủ thể của người nông dân trong chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đây cũng được xác định là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế nông thôn, gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết tháng 6/2023 đã có 45/63 tỉnh, thành ban hành Đề án hoặc Kế hoạch triển khai phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Nhiều tỉnh đặt mục tiêu sớm chuẩn hóa sản phẩm du lịch nông thôn và phấn đấu có ít nhất 1 điểm du lịch được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái.
Đầu tháng 7 vừa qua, Sở Du lịch Hà Nội cũng đã tổ chức "Hội thảo khoa học đánh giá thực trạng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố". Với vùng ngoại thành rộng lớn, Hà Nội có tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Hiện thành phố có hai sản phẩm OCOP du lịch nông thôn là: Điểm du lịch dịch vụ làng quê Hồng Vân, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín và Khu sinh thái Phù Đổng Green Park, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm.
Ngoài ra, Ủy ban nhân dân thành phố cũng đã công nhận 7 điểm du lịch ở khu vực ngoại thành, gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn, làng nghề, sinh thái, đó là: Điểm du lịch xã Dương Xá, điểm du lịch Phù Đổng, huyện Gia Lâm; điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng, điểm du lịch làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm, huyện Thường Tín; điểm du lịch Đại Áng, điểm du lịch Yên Mỹ, huyện Thanh Trì; điểm du lịch thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây.
Đánh giá tiềm năng của du lịch nông nghiệp, nông thôn, Ths.Nguyễn Thị Phượng (Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam), cho rằng nhiều địa phương chưa nhìn thấy tiềm năng từ loại hình du lịch này. Không ít mô hình còn mang tính tự phát, sao chép lẫn nhau, nhiều điểm du lịch chưa có sự hợp tác với nhau. Trong khi đó, GS.TS Phạm Thị Mỹ Dung, Viện trưởng Viện Khoa học Phát triển nông thôn, cho rằng nhiều điểm du lịch chưa kết nối được sự tham gia của cộng đồng. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý đất đai cho nông nghiệp, nông thôn vẫn còn chưa thỏa đáng.
Từ đó, các chuyên gia đã đề xuất những giải pháp để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trở thành lĩnh vực mũi nhọn để thu hút du khách lưu trú lâu hơn, trải nghiệm nhiều hơn. Ví dụ, cần phải gắn kết du lịch trải nghiệm nông nghiệp với các hoạt động làng nghề; có chính sách nguồn nhân lực nông thôn, tập trung định hướng chuyển đổi nghề cho thế hệ trẻ tại các địa phương cùng tham gia làm kinh tế; kết nối giữa ngành du lịch và giáo dục để đẩy mạnh du lịch trải nghiệm, tạo nguồn khách ổn định cho các điểm du lịch nông nghiệp.