08:32 26/11/2022

Mô hình cộng đồng quản lý rác thải đã được nhân rộng

Chu Khôi

Dự án "Nhân rộng mô hình cộng đồng quản lý chất thải sinh hoạt và nhựa tại 5 thành phố” được triển khai từ năm 2019 đến năm 2022 nhằm xây dựng các mô hình tích hợp quản lý rác thải sinh hoạt và nhựa cấp địa phương tại một số khu vực trên địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Định, Bình Thuận và Bình Dương...

Người dân đã có ý thức phân loại rác thải.
Người dân đã có ý thức phân loại rác thải.

Tại hội thảo tổng kết dự án “Nhân rộng mô hình cộng đồng quản lý chất thải sinh hoạt và nhựa tại 5 thành phố” do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và sứ quán Na Uy tại Hà Nội phối hợp tổ chức ngày 25/11, các đại biểu cùng nhận định, sự thiếu đồng bộ giữa phân loại rác thải tại nguồn và xử lý chất thải xảy ra khá phổ biến trên toàn quốc.

NÂNG CAO NHẬN THỨC, NĂNG LỰC CỘNG ĐỒNG VỀ RÁC THẢI

Ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, nhận định quản lý chất thải đã trở thành một mối quan tâm lớn ở Việt Nam, khi lượng chất thải phát sinh đang gia tăng với tốc độ rất lớn. Việt Nam cũng đã trở thành nước sản xuất và tiêu thụ nhựa lớn, với những hậu quả tiêu cực tức thì về ô nhiễm biển, phúc lợi của người dân, và đối với ngành du lịch và ngư nghiệp.

Ông Patrick Haverman phát biểu.
Ông Patrick Haverman phát biểu.

Tuy nhiên, hiện 70% lượng rác thải tại Việt Nam được xử lý tại các bãi chôn lấp, nơi việc thực hiện các tiêu chuẩn môi trường còn hạn chế; trong khi phần còn lại bị đốt cháy hoặc thải bỏ trong tự nhiên, phần lớn cuối cùng đổ ra biển.

Dự án "Nhân rộng mô hình cộng đồng quản lý chất thải sinh hoạt và nhựa tại 5 thành phố” nhằm xây dựng các mô hình tích hợp quản lý rác thải sinh hoạt và nhựa cấp địa phương tại một số khu vực trên địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Định, Bình Thuận, và Bình Dương.

Dự án do Chính phủ Na Uy tài trợ và được UNDP triển khai phối hợp với các địa phương nêu trên và các cơ quan liên quan trong 3 năm từ 2019 và kết thúc vào năm 2022.

Dự án được triển khai bởi các tổ chức địa phương như Hội nông dân và Hội phụ nữ để xây dựng và triển khai mô hình cộng đồng phân loại, thu gom, tái chế rác và làm phân compost.

“Công nhân xử lý chất thải, đặc biệt là lao động khu vực phi chính thức, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống quản lý chất thải và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Họ dễ bị tổn thương và chịu một số rủi ro, chẳng hạn như khi thu gom rác thải sẽ có khả năng tiếp xúc với vật liệu độc hại và chất thải y tế. Do đó, điều cần thiết là công nhân xử lý chất thải cần phải được bảo vệ, hỗ trợ các trang thiết bị cơ bản, được đào tạo nâng cao nhận thức, đồng thời cũng cần được nhận diện rõ ràng trong hệ thống quản lý chất thải”, ông Patrick Haverman nhấn mạnh.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên quốc gia Chương trình UNDP/GEF SGP (Chương trình tài trợ nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu), cho hay tại mỗi tỉnh, Dự án đã triển khai những mô hình hiệu quả. Tại Quảng Ninh, đã xây dựng mô hình cộng đồng quản lý phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven biển vịnh Hạ Long.

 

"Dự án cũng hướng tới lao động phi chính thức (phụ nữ làm nghề ve chai), với 1.786 người được tập huấn theo 42 lớp. Cùng với đó, Dự án đã hỗ trợ 147 chiếc xe đạp, xe đẩy và 890 triệu đồng đồng vốn xoay vòng cho những người làm nghề thu mua, thu gom phế liệu".

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên quốc gia Chương trình UNDP/GEF SGP.

Ở Đà Nẵng, xây dựng mô hình quản lý rác thải tổng hợp nhằm giảm lượng rác thải phát sinh và tối ưu hoạt động phân loại, tái chế tại nguồn trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang. Ở Bình Định, xây dựng mô hình cộng đồng thu gom, phân loại, xử lý nhằm giảm thiểu rác thải nhựa tại các xã, phường ven biển thuộc Vịnh Quy Nhơn.

Với Bình Thuận, đã kết nối các nguồn lực trong việc giảm thiểu rác thải đại dương, với mô hình Tàu cá tại cảng Phan Thiết của thành phố Phan Thiết, cảng Liên Hương bến cá Hà Phong và tàu du lịch Hòn Cau… Tại Bình Dương, đã tổng hợp nguồn lực xã hội nhằm giảm thiểu rác thải thành phố Dĩ An.

Dự án đã tổ chức 183 lớp đào tạo, nâng cao nhận thức, năng lực cộng đồng về rác thải, với 10.434 người tham gia, đồng thời cung cấp 5.424 thùng rác các loại cho các tổ nhóm thu gom rác thải.

THIẾT LẬP ĐƯỢC MẠNG LƯỚI KINH TẾ TUẦN HOÀN

Đại diện dự án tại Quảng Ninh cho biết Dự án đã tổ chức 35 buổi tập huấn tại TP Hạ Long về phân loại rác thải và nhựa, với 6.000 người dân tham gia, bao gồm: thành viên các tàu cá, đại diện hộ dân, thanh thiếu niên, học sinh, thanh viên Chi hội thu mua ve chai, hộ kinh doanh cá thể, nhân viên một số doanh nghiệp.

Hơn 100 tàu du lịch tại Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh đã cam kết không sử dụng đồ nhựa sử dụng một lần. Dự án đã tặng 30 xe đạp, 140 bộ quần áo bảo hộ, 100 đôi giày cho các lao động ve chai tại TP Hạ Long. Hỗ trợ về tài chính, Dự án đã thành lập một quỹ xoay vòng với số tiền 350 triệu đồng cho những người làm nghề ve chai có vốn để hoạt động.

“Hiện tại, quy trình phân loại chất thải tại TP Hạ Long chưa thật sự hiệu quả. Trên thực tế, sau quá trình phân loại rác thải tại nguồn tại các hộ gia đình, xe thu gom lại gộp tất cả các loại rác thải đã phân loại vào và đem đi xử lý. Chính vì vậy, việc phân loại rác thải cần được thực hiện song song với khâu quản lý, phân loại, thu gom và xử lý”, vị đại diện này cho hay.

 

"Hơn 100 thực hành về sản suất và tiêu dùng bền vững được ghi nhận và triển khai qua các khóa tập huấn; 20 doanh nghiệp được đào tạo về kinh tế tuần hoàn, tại doanh nghiệp của mình. Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam được thành lập với hơn 20 thành viên và tiếp tục được mở rộng từ UNDP, Viện Chiến lược và Chính sách Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE), VCCI, các tổ chức, viện nghiên cứu, trường đại học…"

Ông Hoàng Thành Vĩnh, cán bộ chương trình của UNDP Việt Nam.

Nhiều đại biểu khác cũng chung nhận định, sự thiếu đồng bộ giữa phân loại rác thải tại nguồn và xử lý chất thải không chỉ là chuyện ở Hạ Long mà xảy ra khá phổ biến trên toàn quốc.

Ở nhiều nơi, người dân đã có ý thức phân loại rác thải tại nhà, và khi đưa rác ra các nơi tập trung đã để rác nhựa riêng, rác hữu cơ riêng. Thế nhưng sau đó, công nhân của các công ty vệ sinh môi trường lại chất toàn bộ lên xe rác để vận chuyển đi.

Trình bày về kết quả của hợp phần “Chính sách và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn về nhựa và chất thải”, ông Hoàng Thành Vĩnh, cán bộ chương trình của UNDP Việt Nam, cho biết Dự án đã nâng cao nhận thức của cộng đồng về rác thải nhựa. Cụ thể, 32,1 triệu lượt người tiếp cận được qua các kênh Facebook Fanpage, websites, thông tin đại chúng, hội thảo và các diễn đàn.

Dự án đã tổ chức 2 cuộc thi ảnh về rác thải nhựa: 1 cuộc thi cấp quốc gia và 1 cuộc thi khu vực ASEAN; Ứng dụng “Săn rác” được tải về 15.300 lần từ nhiều nước; tổ chức 2 giải báo chí về giảm thiểu rác thải nhựa đại Dương (phối hợp với WWF) trong năm 2021 và 2022. Cùng với đó là Chiến dịch truyền thông về rác thải nhựa được triển khai ở trung ương và địa phương trong suốt vòng đời dự án.

Đề cập đóng góp về chính sách ở cấp trung ương, ông Hoàng Thành Vĩnh cho hay Dự án đã thúc đẩy đưa Kinh tế tuần hoàn vào Luật Bảo vệ môi trường 2020, hỗ trợ các nội dung về kinh tế tuần hoàn, quản lý chất thải, mua sắm công xanh… Dự án cũng đã hỗ trợ xây dựng kế hoạch giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành thủy sản; hỗ trợ kế hoạch giảm thiểu rác thải nhựa trong trồng trọt và chăn nuôi; kết nối doanh nghiệp, tổ chức cá nhân về kinh tế tuần hoàn.