“Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là điều kiện quan trọng để doanh nghiệp lớn mạnh, hoạt động hiệu quả trong bối cảnh tình hình vĩ mô còn nhiều khó khăn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ cùng các bộ, ngành, địa phương rà soát các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính để đề xuất kiến nghị đơn giản, cắt giảm những thủ tục không cần thiết, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, cả kể chi phí khởi sự hay chi phí trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm càng nhiều càng tốt. Hiện, Bộ đang tổng hợp rà soát, báo cáo cụ thể với Chính phủ.
Chúng ta có Nghị quyết số 43/2022/QH15 do Quốc hội ban hành đầu năm 2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP để triển khai Nghị quyết 43. Sau 2 năm thực hiện, Nghị quyết 43 phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP cao trong năm 2022.
Nghị quyết 43 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tập trung vào bốn nhóm đối tượng chính sách. Trong bốn nhóm chính sách này, có chính sách thực thi nhanh, hiệu quả, nhưng cũng có chính sách còn nhiều khó khăn, thách thức khi đưa vào triển khai thực hiện.
Ví dụ, về chính sách tiền tệ điều chỉnh khoanh nợ, giãn thời gian trả nợ giúp doanh nghiệp có dòng tiền. Về tài khóa thì có miễn giảm các loại thuế phí, giãn thời gian nộp thuế phí, tác động trực tiếp lên doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các chính sách khác có tác động gián tiếp dài hạn hơn như chính sách giúp đỡ người lao động, an sinh xã hội, nhà ở xã hội, giúp ổn định lao động, tránh đứt gãy nguồn cung lao động. Chính sách về đầu tư kết cấu hạ tầng, tác động công trình hạ tầng quy mô lớn như về giao thông đồng bộ kết cấu hạ tầng tạo ra không gian phát triển mới thu hút đầu tư tư nhân, thúc đẩy sản xuất kinh doanh”.
“Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tới. Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) có 8 nhóm chính sách, trong đó có chính sách về phát triển nhà ở xã hội.
Chính phủ đã chỉ đạo để bảo đảm nguyên tắc về tính thống nhất với các pháp luật khác về đất đai, đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản, cũng như cải cách thủ tục hành chính, khơi thông nguồn lực, trong đó có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tích cực tham gia đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Riêng nhóm chính sách về nhà ở xã hội, Chính phủ đã trình Quốc hội bổ sung chính sách nhà ở cho công nhân ở khu công nghiệp (bao gồm nhà ở xã hội và nhà lưu trú) và chính sách nhà ở cho lực lượng vũ trang.
Đối với vấn đề dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, trước đây chỉ dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại ở các đô thị loại 3 trở lên, lần này giao Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh chủ động dành đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội theo chương trình kế hoạch đã duyệt. Như vậy, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh có thể quyết định dành 20% trong các dự án nhà ở thương mại, cũng như dành các quỹ đất trong các dự án độc lập để phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.
Cùng với đó là nhóm chính sách ưu đãi đối với chủ đầu tư tham gia dự án nhà ở xã hội, như miễn tiền sử dụng đất, hưởng lợi nhuận 10%, dành 20% các diện tích đất thương mại dịch vụ đề đầu tư các tiện ích, cũng như dịch vụ thương mại phục vụ cư dân trong các dự án của mình. Chủ đầu tư cũng được vay vốn với lãi suất ưu đãi thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cũng như Ngân hàng Chính sách xã hội.
Về đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sửa theo hướng giảm bớt các thủ tục xác định đối tượng mua nhà ở xã hội, bỏ tiêu chí về cư trú. Như vậy, công dân Việt Nam chỉ cần có đủ điều kiện về thu nhập và nhà ở.
Ngoài ra, dự án Luật còn có các cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, giao đất, lựa chọn chủ đầu tư, xác định giá bán, giá thuê mua cho các đối tượng trong chính sách này. Với những sửa đổi này, thời gian tới khi dự án Luật dự kiến được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, chúng tôi tin tưởng sẽ tạo ra một số cơ chế thông thoáng để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội”.
“Ngay từ đầu năm 2023, trước những khó khăn, thách thức đặt ra với tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đã đưa ra các chính sách rất thận trọng và phù hợp nhằm duy trì sự ổn định của kinh tế vĩ mô và hệ thống tài chính, tiền tệ. Đây là điều mà Việt Nam đã làm rất tốt nhằm bảo đảm sự phục hồi kinh tế. Việt Nam còn nhiều dư địa để sử dụng các các biện pháp về tài khóa, thúc đẩy đầu tư công, tăng cường đầu tư cho xã hội, bảo đảm an sinh xã hội...
Việt Nam cũng cần tập trung ứng phó với những nhân tố không chắc chắn, gây bất ổn định của nền kinh tế, đặc biệt là giải quyết những điểm yếu của thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đây không chỉ là những vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến các thị trường này, mà còn gây tâm lý bất an cho người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Vì thế, cần thêm các nỗ lực, giải pháp nhằm giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp, bởi khu vực kinh tế tư nhân được xác định là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Các doanh nghiệp của Việt Nam tuy đã có xu hướng đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, nhưng sẽ vẫn chịu tác động của sự phân mảnh trong chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới thị trường lao động trong nước. Cùng với đó, những tác động của diễn biến trên kinh tế thế giới đòi hỏi các chính sách tiền tệ trong nước phải chặt chẽ hơn. Điều này sẽ làm tăng chi phí cho các doanh nghiệp trong nước.
Việt Nam cần tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hơn nữa. Thời gian qua, lĩnh vực này đã có nhiều tiến triển rất đáng hoan nghênh, song điều mà chúng tôi nghe từ rất nhiều doanh nghiệp là vấn đề hệ thống pháp luật còn thiếu tính ổn định, rõ ràng. Đây là vấn đề cần khắc phục ngay để môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn.
Công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam thời gian qua diễn ra rất quyết liệt và đã cho thấy những kết quả rõ nét, song vẫn cần thêm các nỗ lực tăng cường năng lực quản trị thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về thu nhập của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạch định chính sách, pháp luật và bảo đảm tính chắc chắn của hệ thống pháp luật”.
“Ngành bán lẻ và thương mại hiện đại của Việt Nam sau khi chịu những tác động, biến đổi tác động của đại dịch Covid- 19, từ sau năm 2019 đến năm 2023, đang dần được vực dậy, dần đạt lại mức quy mô trước đại dịch...
Các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam hiện đang thực hiện cơ cấu lại hoạt động, nguồn hàng để phù hợp với nhu cầu, thói quen mới của người tiêu dùng theo hướng thông minh, tiết kiệm hơn. Đồng thời, cơ cấu lại hoạt động theo hướng đón đầu phát triển kinh tế bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này cũng đang tái cơ cấu lại cấu trúc, vận động mạnh mẽ theo hướng số hóa, đáp ứng xu hướng thương mại hiện đại hiện nay.
Tuy nhiên, trong bán lẻ hiện đại, đóng góp của các doanh nghiệp trong nước còn khiêm tốn, chỉ chiếm 40% thị phần và đang có dấu hiệu sụt giảm, đây là tình trạng rất đáng lo ngại. Việc doanh nghiệp bán lẻ nội địa lép vế so với khối ngoại sẽ ảnh hưởng tới sự tham gia, đóng góp của Việt Nam vào toàn bộ chuỗi cung ứng sau này; đồng thời, có nguy cơ mất thị trường ngay trên sân nhà.
Tới đây, những biến động về kinh tế - xã hội trên thế giới vẫn rất khó lường và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường Việt Nam nói chung và lĩnh vực bán lẻ thương mại nói riêng.
Một điểm khích lệ cho cộng đồng các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đó là những chính sách của Đảng, Nhà nước được thông qua trong suốt thời gian vừa qua. Chưa bao giờ có nhiều chính sách được ban hành một cách khẩn cấp để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp như vậy. Điều này đã củng cố niềm tin cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn, cải thiện các chỉ số niềm tin tiêu dùng.
Song, những chính sách vừa qua đang chủ yếu tập trung cho người tiêu dùng trực tiếp, vì thế trong thời gian sắp tới, chúng tôi muốn có thêm nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất và doanh nghiệp bán lẻ, nhất là các hỗ trợ cho chuyển đổi mô hình sản xuất, đầu tư công nghệ.
Bên cạnh đó, tôi kiến nghị kéo dài chính sách giảm thuế VAT để củng cố niềm tin người tiêu dùng và tăng hiệu quả kích cầu nội địa.
Trong dài hạn, Chính phủ cần sớm có quy hoạch tổng thể nguồn nguyên liệu và có kế hoạch dự trữ chiến lược các mặt hàng thiết yếu để đảm bảo nhu cầu trong nước”.
“Trong hơn 20 năm qua, vốn tín dụng chính sách xã hội đã giải ngân cho hơn 44.407 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, hỗ trợ hơn 6,4 triệu hộ vượt ngưỡng nghèo; giải quyết việc làm cho gần 6,5 triệu lao động, trong đó, hỗ trợ hơn 147 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; hỗ trợ gần 3,9 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn đi học; xây dựng hơn 18 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng hơn 729 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác; giải ngân cho 3.807 lượt doanh nghiệp để trả lương cho 1.230 nghìn lượt lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn cả nước theo Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 126/NQ-CP...
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tín dụng chính sách xã hội còn một số khó khăn cần khắc phục.
Tôi rất mong Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, ưu tiên tập trung, bố trí nguồn vốn để phát huy vai trò của Ngân hàng Chính sách xã hội là ngân hàng chủ lực trong triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Các cấp ủy đảng, bộ, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội theo Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư; quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Các bộ, ban, ngành cơ quan trung ương liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng trong triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù”.
“Dệt may là ngành sản xuất lớn cho xuất khẩu, năm 2023, xuất khẩu sụt giảm là tình trạng ngắn hạn phải có giải pháp ngắn hạn, còn phát triển bền vững, đổi mới khoa học và công nghệ là việc của trung, dài hạn, nếu không tách bạch thì không đưa ra được giải pháp và ngắn hạn và dài hạn.
Xuất khẩu dệt may sau 8 tháng giảm 15% so với cùng kỳ. Bangladesh là quốc gia duy nhất xuất khẩu dệt may tăng trưởng 5,7% trong khi đó xuất khẩu dệt may Trung Quốc cũng giảm.
Tại thị trường nhập khẩu dệt may lớn là Mỹ, Hiệp hội nhà dệt may Hoa Kỳ đánh giá 12 tiêu chí gồm chất lượng, năng lực quản trị, khả năng sáng tạo tích hợp với trách nhiệm xã hội bảo vệ môi trường phát triển bền vững… Với 12 tiêu chí này thì Việt Nam là quốc gia đạt số điểm cao nhất 47,5 điểm/60 điểm, Trung Quốc đứng sau, Bangladesh cũng chỉ có 39/60 điểm.
Chúng ta đạt điểm cao về cả chất lượng, thời gian giao hàng, trách nhiệm xã hội của Việt Nam đạt thang điểm 4/5, Bangladesh là 2/5 nhưng họ đang có hai điểm hơn ta là giá tốt nhất thế giới và họ được miễn thuế vào châu Âu nên duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu bằng lợi thế giá rẻ nhất thị trường trong bối cảnh cầu thấp. Tức là họ tăng trưởng hơn mình là do giá và thuế quan chứ không phải vấn đề phát triển bền vững.
Như vậy, nếu muốn vượt qua giai đoạn ngắn hạn, doanh nghiệp cần nỗ lực tiết giảm chi phí, tăng năng suất, tìm phương thức sản xuất hợp lý nhất; về vĩ mô, cần cân đối lãi suất, tỷ giá tiếp cận vốn để duy trì được sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ta tốt 10 tiêu chí nhưng nếu không có đơn hàng thì sau hai năm ta giải tán, không còn cơ hội mà phát triển dài hạn nữa”.
“Năng suất đóng vai trò quan trọng để tăng thu nhập hay thúc đẩy đời sống và mang lại tăng trưởng lao động về lâu dài. Điều này cần thiết phải có các thể chế và chính sách về lao động.
Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong một thập kỷ, góp phần cải thiện đời sống người dân, điều này đạt được nhờ tăng trưởng năng suất, một trong những động lực chính là chuyển đổi về cơ cấu, chuyển từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Tuy tăng trưởng như vậy nhưng vẫn còn khoảng cách về năng suất, thực tế năng suất của Việt Nam vẫn thấp hơn một số quốc gia trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Thái Lan…
Một thách thức then chốt đối với Việt Nam là đảm bảo tăng năng suất và việc làm không chỉ hạn chế trong một số ngành nghề, mà cần được mở rộng ra tất cả các ngành nghề, doanh nghiệp ngoài khu vực kinh tế FDI sang cả nền kinh tế quốc dân.
Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển kinh tế mới và cần thiết phải có các bước để tăng năng suất, cũng như tiếp tục có bước chuyển từ khu vực kinh tế nông nghiệp sang các ngành phi nông nghiệp, nhưng điều này không thể tiếp diễn vĩnh viễn. Vì vậy, cần phải có công nghệ và sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, đây sẽ là động lực để tăng năng suất trong thời gian tới. Thị trường lao động có vai trò rất quan trọng để đảm bảo sự chuyển đổi về kinh tế mang tính chất then chốt này. Theo đó, các thể chế và chính sách về thị trường lao động sẽ đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng năng suất một cách bền vững, tạo ra việc làm một cách bao trùm và điều kiện lao động phù hợp. Hệ sinh thái thị trường lao động này sẽ đòi hỏi can thiệp ở cấp quốc gia, cấp ngành và cả ở cấp doanh nghiệp.
Đối với Việt Nam, trong những năm sắp tới, một số lĩnh vực cần phải thay đổi để hỗ trợ tăng năng suất.
Một, phát triển nguồn nhân lực và tăng cường khả năng phát triển thị trường lao động, đòi hỏi người lao động cần tiếp cận với các công nghệ mới. Với việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, yêu cầu về kỹ năng sẽ ngày càng tăng, cũng như nhu cầu học tập suốt đời.
Hai, các thể chế về thị trường lao động cần đáp ứng với bản chất ngày càng thay đổi của tình trạng thất nghiệp và làm thế nào để việc làm bao trùm hơn, đặc biệt với những việc làm bị ảnh hưởng bởi những thay đổi của cấu trúc nền kinh tế.
Ba, cần có hệ thống thông tin thị trường lao động hiệu quả, phù hợp, được thiết kế và thực hiện một cách đầy đủ, có chiến lược phát triển nguồn nhân lực, chiến lược lao động và chiến lược phát triển kinh tế.
Trong bối cảnh đó, khi nói về năng suất cần đặc biệt chú ý đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong vai trò về thúc đẩy tăng năng suất lao động, tăng trưởng việc làm, họ cũng là những người chơi chính nhưng cũng dễ bị tổn thương trước những cú sốc”.
VnEconomy 25/09/2023 14:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 39-2023 phát hành ngày 25-09-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam