Kiến tạo hành trình chuyển đổi xanh từ địa phương đến doanh nghiệp - Ảnh 1
Kiến tạo hành trình chuyển đổi xanh từ địa phương đến doanh nghiệp - Ảnh 2

“Những kết quả bước đầu về chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh của Việt Nam là rất quan trọng, để đạt được các mục tiêu đề ra còn rất nhiều việc cần phải làm để biến khát vọng về chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế nhanh, bền vững trở thành hiện thực. Cần nhất quán quan điểm coi chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, xây dựng và phát triển nền kinh tế xanh là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức liên quan, được thúc đẩy bằng tinh thần đổi mới sáng tạo và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, bền vững. Ban Kinh tế Trung ương xin nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm xoay quanh ba trục: thể chế - khoa học, công nghệ, chuyển đổi số  – tài chính xanh.

Một là, tiếp tục cụ thể hoá chủ trương, đường lối của Đảng, các chiến lược đã có trong lĩnh vực kinh tế - xã hội thành các chương trình hành động, kế hoạch cụ thể để từ đó có thể triển khai đúng, đầy đủ, kịp thời, theo lộ trình các nhiệm vụ đặt ra đối với việc chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và phát triển kinh tế nhanh, bền vững. (Thực tế là một số nghị quyết của Đảng hiện nay triển khai còn chậm; thậm chí chưa có chương trình hành động của Chính phủ; nêu các vấn đề về Nghị quyết 55 về năng lượng; Nghị quyết 29 về công nghiệp hóa; Nghị quyết 23 về chính sách công nghiệp quốc gia; Nghị quyết 06 về đô thị hóa; Nghị quyết 50 về FDI).

Hai là, rà soát, đánh giá thực chất kết quả triển khai 18 chủ đề, 57 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 134 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể nêu trong Kế hoạch Hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, trong đó cần đặc biệt lưu ý về kết quả triển khai các nhiệm vụ về xây dựng và hoàn thiện thể chế (bao gồm 2 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 9 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể); khoa học, công nghệ (2 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 6 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể); và các ngành tạo phát thải khí nhà kính lớn như: năng lượng (bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 11 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể); công nghiệp (bao gồm 4 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 4 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể); giao thông vận tải và dịch vụ logistics (bao gồm 6 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 18 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể); nông nghiệp và phát triển nông thôn (bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 11 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể). Lưu ý là ngành nông nghiệp có tới gần 80% dân số tham gia sản xuất, nông nghiệp không chỉ là ngành chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu mà còn là ngành gây ra phát thải khí nhà kính rất lớn. 

Ba là, xác định khoa học và công nghệ là yếu tố nền tảng, then chốt để đạt được các mục tiêu quan trọng của Việt Nam trong tăng trưởng xanh như: xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xanh hóa quá trình chuyển đổi.

Bốn là, định hình tư duy và chiến lược mới về thu hút FDI trên cơ sở sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị.

Năm là, cần đổi mới tư duy và cách tiếp cận trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc chuyển đổi xanh thông qua việc xây dựng những tiêu chí, quy định và các chương trình hỗ trợ cụ thể đối với doanh nghiệp. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến khả năng tiếp cận được tài chính xanh để chuyển đổi sản xuất, tiếp cận được thị trường và phát triển bền vững, vì đây là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến thành công của chuyển đổi xanh của doanh nghiệp.

Sáu là, có cơ chế, chính sách thúc đẩy tài chính xanh, tín dụng xanh khi Ngân hàng Thế giới ước tính Việt Nam cần tới 368 tỷ USD trong giai đoạn 2022 - 2040 (khoảng 6,8% GDP/năm) để xây dựng khả năng chống chịu và khử carbon, hướng giảm phát thải ròng bằng 0. Còn theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần huy động thêm 144 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2050, tương ứng 2,2% của GDP, nhằm hiện thực hóa cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050”.

Kiến tạo hành trình chuyển đổi xanh từ địa phương đến doanh nghiệp - Ảnh 3

“Là địa phương chủ động đi đầu và tiên phong dẫn dắt chuyển đổi xanh, chia sẻ tại Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam (Vietnam Connect Forum) năm 2024, Hải Phòng xác định chủ đề tiên phong và chuyển đổi xanh trong việc phát triển kinh tế và xã hội. Trong đó, Thành phố tập trung vào bốn vấn đề chính gồm: tiên phong triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; các trụ cột tập trung chuyển đổi xanh; tăng tốc chuyển đổi xanh; thách thức, đề xuất, khuyến nghị.

Về tiên phong triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Hải Phòng là một trong những địa phương tập trung rất sớm. Ngay từ khi thực hiện các dự án đầu tư khu công nghiệp, khu kinh tế thu hút các dự án nhà đầu tư nước ngoài, lãnh đạo thành phố đã quan tâm và tập trung để triển khai nghiệp vụ tăng trưởng xanh, gắn kết ngay từ đầu thực hiện sản xuất các lĩnh vực kinh tế mang tính chất bền vững, đảm bảo môi trường.

Từ năm 2010, với sự hợp tác giữa Hải Phòng với thành phố của Nhật Bản, hai bên đã có nghiên cứu triển khai phát triển các khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái. Sau khi Chính phủ ban hành phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Thành phố Hải Phòng cũng ngay lập tức ban hành các kế hoạch hành động với 13 trọng tâm nhiệm vụ thực hiện trong thời gian qua theo tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ. Đến năm 2023, Thành phố tiếp tục ban hành kế hoạch thành lập Ban chỉ đạo để chỉ đạo thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Các nhiệm vụ kế hoạch tăng trưởng xanh tập trung vào bốn trụ cột chính: khu kinh tế khu công nghiệp xanh; cảng biển và logistics; công nghiệp công nghệ; du lịch thương mại. Tinh thần thực hiện chiến lược chuyển đổi xanh của Thành phố Hải Phòng là tập trung vào trụ cột chính, từ đó lan tỏa, tạo sức hấp dẫn thu hút đối với sự phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác của Thành phố Hải Phòng.

Với khu kinh tế - khu công nghiệp xanh, Hải Phòng hiện có Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và 14 khu công nghiệp đang hoạt động thu hút dự án đầu tư. Bên cạnh đó thành phố đang xây dựng Khu kinh tế phía Nam với quy mô hơn 20.000m2 thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao gắn với trung tâm logistics cảng biển, cao tốc, sân bay quốc tế, định hướng là thu hút dự án sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ, dự án có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường để phát triển Khu kinh tế phía Nam là khu kinh tế xanh.

Ngoài ra, Hải Phòng còn 12 khu công nghiệp dự kiến thành lập; 1,3 triệu m2 nhà xưởng và khi xây sẵn; 5.400 căn hộ nhà ở xã hội và nhà ở công nhân cho hơn 50.000 lao động.

Kiến tạo hành trình chuyển đổi xanh từ địa phương đến doanh nghiệp - Ảnh 4

Hiện nay, trong các định hướng thu hút đầu tư của thành phố gắn với sự phát triển xanh nên tạo sức hút, nhà đầu tư thường xuyên quan tâm đầu tư. Trong vòng ba năm trở lại đây, Hải Phòng thu hút 10,5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); 2021 là năm Hải Phòng đứng đầu về thu hút FDI với 5,3 tỷ USD; năm 2023 mặc dù nền kinh tế đối diện nhiều khó khăn nhưng Hải Phòng vẫn trong top đầu về thu hút vốn FDI, chỉ sau TP.HCM. Trong khi các dự án FDI vào TP.HCM chủ yếu là dịch vụ thì vào Hải Phòng chủ yếu là sản xuất. Điều này cũng thể hiện sức hấp dẫn và lựa chọn đúng hướng của thành phố trong phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế.

Các khu công nghiệp hiện nay được định hướng mô hình phát triển tăng trưởng xanh: như: Nam Cầu Kiền hướng tới tăng trưởng xanh theo mô hình Nhật Bản như xây dựng trạm xử lý nước thải thân thiện môi trường, vườn cây Nhật, gắn du lịch trong khu công nghiệp. Mô hình thứ hai là Tổ hợp Khu công nghiệp Deep C có thời gian 25 năm vận hành khai thác, là một trong khu công nghiệp đầu tiên được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chọn thí điểm chuyển sang khu công nghiệp sinh thái.

Khu công nghiệp Deep C đang thực hiện mô hình như sử dụng năng lượng tái tạo với khoảng 20.000 m2 nhà xưởng được sử lắp pin năng lượng mặt trời tạo ra 30 MW điện cũng đã áp dụng mô hình điện gió hòa vào lưới điện, phấn đấu đến năm 2030 có 50% điện được áp dụng năng lượng tái tạo đáp ứng nhu cầu sản xuất trong khu công nghiệp.

Đối với cảng biển và logistics: Hải Phòng là một trong số ít địa phương hội tủ đủ năm loại hình giao thông gồm đường biển, bộ, đường sắt, hàng không, thủy nội địa, tạo thành cửa ngõ chính ra biển của các tỉnh phía Bắc. Hải Phòng có cảng biển lớn nhất miền Bắc, lượng hàng qua cảng năm 2023 là đạt 170 triệu tấn, có các cảng tiếp nhận tàu ra vào đáp ứng nhu cầu chung chuyển hàng hóa của phía Bắc Việt Nam và phía Tây Nam Trung Quốc. Cảng Nam Đình Vũ có 90% các thiết bị sử dụng điện năng lượng tái tạo giảm 50% lượng carbon phát thải ra môi trường.

Bên cạnh việc thực hiện, Hải Phòng cũng nhận thức tăng tốc chuyển đổi xanh để kiến tạo giá trị và lợi thế cạnh tranh bền vững. Trên cơ sở đó tập trung các lĩnh vực trọng điểm xanh trong khu công nghiệp khu kinh tế, trong cảng biển logistics, trong công nghiệp dịch vụ và tổng hợp.

Tuy nhiên, Hải Phòng cũng nhận thức còn nhiều khó khăn thách thức ngay trong việc thu hút và vận động doanh nghiệp có cộng sinh công nghiệp ngay từ đầu cũng là thách thức lớn do áp lực thu hồi vốn nhanh trong khi đầu tư xanh cần dài hạn. Mục tiêu thu hút đầu tư và phát triển bền vững cũng mâu thuẫn nhau.

Vốn đầu tư cho phát triển theo tiêu chí xanh, sinh thái luôn ở mức cao sẽ trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ trong ngắn hạn. Các mô hình tăng trưởng xanh thành công tại Việt Nam còn hạn chế để tham khảo, học tập. Bộ chính sách dẫn dắt kiến tạo cho tăng trưởng xanh ở cấp độ quốc gia, địa phương còn thiếu đồng bộ, mới chỉ dừng ở cam kết chính trị và chủ trương, mà chưa được thể chế toàn diện ở mức độ thực thi chính sách. Đầu tư xanh, tiêu dùng xanh, tăng trưởng xanh chưa trở thành giá trị phổ biến trong cộng đồng xã hội.

Do đó, Hải Phòng kiến nghị tiếp tục hoàn thiện khung chính sách tài chính tăng trưởng xanh; nghiên cứu ban hành các định mức tiêu chuẩn hướng dẫn kỹ thuật xanh để làm cơ sở áp dụng, đo lượng đánh giá mức độ thực hiện; hoàn thiện khung chính sách và kế hoạch đầu tư để thực hiện dự án cho tăng trưởng xanh. Hải Phòng xác định phát huy tiềm năng lợi thế, quyết tâm xây dựng thương hiệu Hải Phòng là “thành phố cảng biển xanh”.

Kiến tạo hành trình chuyển đổi xanh từ địa phương đến doanh nghiệp - Ảnh 5

“Để thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng xanh, Hà Nam quan tâm đến việc đảm bảo gắn phát triển kinh tế với đảm bảo môi trường bền vững. Chính vì vậy, ngay từ đầu, trong công tác lựa chọn các nhà đầu tư, Hà Nam lựa chọn nhà đầu tư có công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường, tập trung thu hút nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu.

Để thúc đẩy phát triển trong địa bàn, chúng tôi đang tập trung chuyển từ “nâu” sang “xanh”. Bởi vì, Hà Nam là địa phương còn gặp nhiều khó khăn; phát triển sản xuất tại địa bàn chủ yếu là ngành nghề sản xuất đá nên chúng tôi phải tập trung giảm thiểu ảnh hưởng môi trường. Quan trọng hơn là chúng tôi tạo ra chuỗi hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp để làm sao phải ứng dụng công nghệ về xử lý môi trường. Chúng tôi được Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp nhà máy xi măng, tận dụng những nguồn rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt để đưa về lò đốt, đảm bảo triệt tiêu toàn bộ rác thải ở môi trường”.

Kiến tạo hành trình chuyển đổi xanh từ địa phương đến doanh nghiệp - Ảnh 6

“Heineken đánh giá cao Diễn đàn trong bối cảnh doanh nghiệp nỗ lực hết mình trong nền kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp. Diễn đàn đã giúp doanh nghiệp định hình chiến lược phát triển về kinh tế xanh, chỉ ra đâu là vấn đề để chúng tôi cần phải làm để đảm bảo phát triển kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp.

Từ thực tế, Heineken Việt Nam luôn coi phát triển xanh là “kim chỉ nam” cho hoạt động của mình, trong đó lấy phát triển bền vững là then chốt. Chúng tôi nỗ lực phấn đấu trong 10 năm qua với nhiều chương trình cụ thể, thiết thực nhằm giảm thiểu phát thải carbon, hướng tới Net Zero. Heineken Việt Nam đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành Net Zero và đến năm 2040 là toàn bộ chuỗi cung ứng của Heineken tại Việt Nam.

Điều này được thể hiện trong sáu nhà máy tại Việt Nam sản xuất hoàn toàn không có rác thải chôn lấp. Chúng tôi nỗ lực đưa chuỗi cung ứng hoàn toàn xanh với việc sử dụng năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên thách thức với chúng tôi hiện nay là làm sao tiếp cận năng lượng tái tạo thông qua cơ chế mua bán. Đây là cơ sở nền tảng để hướng tới nền kinh tế xanh hoàn toàn. Nhưng đến nay, sau bốn năm, chúng tôi vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để tiếp cận năng lượng tái tạo.

Đối với chúng tôi, hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn A nhưng hiện nay chưa có quy định cụ thể cho việc tái sử dụng nguồn nước này như một nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Vấn đề nữa, trong quá trình tiếp cận năng lượng mặt trời áp mái hiện nay, chúng tôi đang khó khăn trông chờ vào sự hướng dẫn rõ ràng từ cơ quan quản lý nhà nước để có điều kiện triển khai kinh tế xanh.

Để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xanh, có ba vấn đề chúng tôi rất quan tâm.

Thứ nhất, làm sao để cơ chế mua bán điện trực tiếp sớm trở thành hiện thực.

Thứ hai, vấn đề tái sử dụng nước thải trong doanh nghiệp chúng tôi và chia sẻ với các doanh nghiệp khác.

Thứ ba, tiếp cận năng lượng áp mái, năng lượng tái tạo với quy định cụ thể rõ ràng.

Ba điều này sẽ giúp doanh nghiệp chúng tôi thực hiện tham vọng phát triển xanh trong chặng đường tiếp theo”.

Kiến tạo hành trình chuyển đổi xanh từ địa phương đến doanh nghiệp - Ảnh 7

“Để kinh tế xanh của Việt Nam có thể cất cánh cần rất nhiều yếu tố. Đầu tiên là định hướng của Chính phủ thông qua việc kiến tạo những chính sách hỗ trợ cho việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

Kinh nghiệm ở các nước cũng vậy, ban đầu Chính phủ xây dựng cơ chế, sau đó các doanh nghiệp, cá nhân biết được vai trò của mình trong bức tranh tổng thể để lên mục tiêu cũng như kế hoạch phù hợp với mục tiêu tổng thể đó.

Chính phủ Việt Nam đưa ra cam kết trong COP26 về việc đạt mức phát thải bằng 0 vào năm 2050. Rất nhiều doanh nghiệp trong đó doanh nghiệp nước ngoài cũng có những cam kết toàn cầu như vậy và rất phù hợp để doanh nghiệp đạt lộ trình có thể giúp Việt Nam đạt mục tiêu đó vào năm 2050 hoặc sớm hơn.

Song, trở ngại đối với doanh nghiệp nằm ở các chính sách khuyến khích. Đơn cử khi doanh nghiệp thực hiện rất nhiều trách nhiệm trong cùng một thời điểm như thu gom và tái chế bao bì, nếu được giới thiệu và thực hiện cùng thời điểm với các loại thuế khác thì sẽ tạo gánh nặng tương đối lên các doanh nghiệp, làm sụt giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

Ngoài ra, nhận thức của người tiêu dùng cũng cần được nâng lên vì doanh nghiệp chuyển đổi theo xu hướng xanh nhưng thị trường và người tiêu dùng chấp nhận ở cấp độ nào là phù hợp nhất, đôi khi nó thể hiện ở giá cả mà người tiêu dùng mong muốn có trên thị trường.

Một doanh nghiệp sản xuất như Coca Cola đã có những cam kết đó trước khi thực hiện truyền thông hoặc cơ chế chính sách chung được đưa ra tại Việt Nam. Là một tổ chức toàn cầu, Coca Cola có cam kết riêng như: tại thị trường Việt Nam đến năm 2025 Coca Cola đạt tới 100% bao bì các loại có thể tái chế được, đến năm 2030 sử dụng ít nhất 50% lượng bao bì có nguồn gốc tái chế; mục tiêu đến năm 2050 đưa phát thải về bằng 0”.

Kiến tạo hành trình chuyển đổi xanh từ địa phương đến doanh nghiệp - Ảnh 8

“Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển quan trọng. Để có được một tương lai xanh, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và lâu dài, tôi tin rằng sáng kiến thành lập các khu công nghiệp sinh thái là một khởi đầu rất tốt. Điều đó cho phép Việt Nam bắt đầu đánh giá các nhà đầu tư theo các tiêu chuẩn khác nhau, bởi các nhà đầu tư đến Việt Nam sẽ không chỉ mang lại lợi nhuận hay việc việc làm, mà họ còn phải mang lại những giá trị cao hơn cho người dân và môi trường ở Việt Nam.

Tôi tin rằng Việt Nam có thể nỗ lực xây dựng khuôn khổ pháp luật. Việt Nam có thể nắm giữ vai trò chủ chốt trên con đường phát triển mới - một trung tâm phát triển bền vững. Tôi cũng hoàn toàn tin tưởng vào mục tiêu đầy tham vọng được Thủ tướng đề ra để trở thành quốc gia đạt phát thải ròng bằng 0 trong tương lai gần.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều thách thức. Việt Nam vẫn đang nỗ lực để có được khuôn khổ pháp lý phù hợp cho phát triển bền vững, nhưng luật pháp vẫn chưa sẵn sàng nên cần phải thay đổi. Deep C cũng đang nổ lực để trở thành khu công nghiệp bền vững. Tuy nhiên, chúng tôi không có bất kỳ hỗ trợ về tài chính hoặc công nghệ nào để làm điều đó. Do vậy, tôi tin rằng việc xây dựng một khuôn khổ pháp lý mới là điều cần phải được thực hiện. Cần phải tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả những người chơi đang nỗ lực phát triển bền vững.

Có rất nhiều khuyến nghị cho Việt Nam trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, nhưng quan trọng nhất là phải thực hiện hiệu quả. Tôi cho rằng đánh giá năng lực của các tỉnh chỉ dựa vào thu hút FDI là chưa đủ, mà cần thay đổi cách xếp hạng mức độ thu hút nhà đầu tư giữa các tỉnh thành. Tỉnh nào muốn xếp hạng đầu thì phải thay đổi. Với một đất nước như Việt Nam, tôi tin rằng những sáng kiến mới được lan tỏa là rất quan trọng, đóng góp trong việc tạo ra sự khác biệt cho chính phủ về vấn đề trung hòa carbon.

Deep C hiện vẫn đang thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn bao giờ hết vào khu công nghiệp của mình. Để làm được điều đó, chúng tôi phải trả lời và đáp ứng được những câu hỏi và yêu cầu của nhà đầu tư như: Bạn đang làm gì để đảm bảo tính bền vững? Bạn có chứng minh được những gì bạn đang làm với chất thải không? Bạn có đảm bảo được rằng trong vòn 10 năm tới, chúng ta sẽ xanh xoá nguồn năng lượng không? Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm của mình trong việc phát triển thành công một khu công nghiệp xanh. Chúng tôi tin rằng bất kỳ sự tăng trưởng nào trong tương lai, đều cần bền vững”.

Kiến tạo hành trình chuyển đổi xanh từ địa phương đến doanh nghiệp - Ảnh 9

“So với các nền kinh tế phát triển, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để chuyển dịch sang nền kinh tế xanh. Ở các nước phát triển, quá trình chuyển đổi diễn ra tương đối khó khăn hơn khi họ đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ổn định qua nhiều năm. Với Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, sự chuyển dịch sang nền kinh tế xanh sẽ diễn ra dễ dàng hơn.

Số vốn cần thiết cho quá trình này dự kiến sẽ rất lớn, lên đến 140 tỷ USD trong vòng 9 năm tiếp theo, chủ yếu dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng. Lợi thế của Việt Nam nằm ở chỗ chúng ta đang trực tiếp đầu tư vào hạ tầng mới mà không phải chịu nhiều gánh nặng tạm ngừng sản xuất để tháo dỡ hạ tầng cũ. Đó là lợi thế độc đáo của Việt Nam so với các quốc gia khác.

Chúng tôi cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đồng hành cùng mục tiêu của Việt Nam. So với các nước khác trong khu vực ASEAN, mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam táo bạo hơn. Đó là nhiệm vụ lớn lao mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết.

Chúng tôi cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 trong toàn bộ hoạt động kinh doanh của mình vào năm 2050. Tính đến cuối năm 2023, danh mục tài chính xanh của chúng tôi đã đạt quy mô 44,5 tỷ đôla Singapore (350 tỷ USD).

Chúng tôi có thể cung cấp các điều khoản ưu đãi, ví dụ như lãi suất, nhưng điều quan trọng là các doanh nghiệp cần phải liên kết hoạt động của mình với tài chính xanh. Đó là lợi thế mà họ có thể đàm phán với nhà đầu tư, đối tác, khách hàng, cho thấy họ đang được đồng hành bởi một ngân hàng nghiêm túc với phát triển bền vững như UOB, từ đó nâng cao hình ảnh của mình”.

Kiến tạo hành trình chuyển đổi xanh từ địa phương đến doanh nghiệp - Ảnh 10

“Các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch và lưu trú ở Việt Nam đang tích cực tham gia vào phát triển kinh tế xanh và bền vững. Chuyển đổi sang một mô hình kinh doanh xanh hơn đã mang lại nhiều lợi ích quan trọng. Việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hấp dẫn cho khách hàng có ý thức về môi trường không chỉ mở ra cơ hội kinh doanh mới, mà còn giúp tiết kiệm chi phí vận hành và hoạt động.

Ascott cũng đã cam kết hướng tới việc phát triển các loại hình khách sạn xanh và khu du lịch sinh thái bền vững. Chúng tôi nhận thấy tiềm năng lớn của Việt Nam trong việc phát triển các dự án này, đặc biệt là khi nhu cầu của khách hàng đang dần chuyển hướng sang các trải nghiệm du lịch xanh và bền vững.

Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi xanh, áp dụng chiến lược phát triển bền vững tại Việt Nam, Ascott cũng phải đối mặt với một số thách thức. Khả năng đáp ứng các yêu cầu và tiêu chuẩn bền vững cũng đòi hỏi sự đầu tư và đào tạo nhân viên để nắm vững và áp dụng các tiêu chuẩn này trong hoạt động vận hành. Bên cạnh đó, việc nâng cao ý thức về bền vững trong cộng đồng và tạo ra các giải pháp kinh doanh có trách nhiệm xã hội cũng là một thách thức với doanh nghiệp.

Ascott cũng nhận thức rằng bền vững là một thách thức toàn cầu đòi hỏi sự nỗ lực chung của tất cả mọi người. Chúng tôi không chỉ tập trung vào việc áp dụng chiến lược phát triển bền vững tại Việt Nam, mà còn hướng đến việc tạo ra ảnh hưởng tích cực trên cấp độ toàn cầu. Đồng thời, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác, cộng đồng để thúc đẩy sự hợp tác toàn diện và đóng góp vào nỗ lực chung để giải quyết thách thức về bền vững.

Trong chiến lược phát triển bền vững, Ascott đưa ra các mục tiêu cụ thể cho tất cả các tòa nhà, khách sạn theo lộ trình đến năm 2030. Chúng tôi đánh giá cao việc đưa chủ đề phát triển xanh, bền vững được đặt vào tâm điểm của Diễn đàn Vietnam Connect 2024. Đây là một cơ hội để chia sẻ và học hỏi về những cơ hội và thách thức trong việc xây dựng một tương lai bền vững cho ngành du lịch nói riêng và các hoạt động kinh tế nói chung”.

Kiến tạo hành trình chuyển đổi xanh từ địa phương đến doanh nghiệp - Ảnh 11

“Với tư cách là một tổ chức tín dụng xanh, OCB hiện đã và đang đẩy mạnh mảng tín dụng xanh để hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi thành doanh nghiệp xanh.

OCB cũng xây dựng và triển khai các chương trình tín dụng cụ thể cho những dự án tài chính vi mô (như sản phẩm cho vay nông nghiệp nông thôn, sản phẩm cho vay phát triển điện mặt trời áp mái…) để đảm bảo sự đồng bộ trong thủ tục, nhanh chóng trong thời gian xét duyệt và giải ngân cấp tín dụng.

Vào đầu tháng 4/2024 vừa qua, OCB và IFC đã chính thức ký kết thỏa thuận tư vấn chuyển đổi ngân hàng xanh và dịch vụ ngân hàng số bán lẻ và doanh nghiệp SME. Trong giai đoạn đầu, IFC sẽ giải ngân khoảng 150 triệu USD cho OCB để cho vay tới khách hàng trong lĩnh vực xanh.

Ngoài IFC, trong năm nay, OCB cũng sẽ tiếp nhận đồng loạt các chương trình hỗ trợ về mặt tài chính của các tổ chức đến từ châu Âu, châu Mỹ, Ả Rập; các tổ chức toàn cầu,… để hỗ trợ và tạo động lực cho các doanh nghiệp chuyển đổi xanh.

Hiện quy mô tín dụng xanh tại OCB đang trong xu hướng tăng dần và đạt tỷ trọng trung bình 8-10% trên tổng quy mô dư nợ tín dụng toàn ngân hàng. Chúng tôi không đặt mục tiêu 100% cho các khoản vay xanh, nhưng OCB sẽ điều chỉnh tất cả sản phẩm của mình, ít nhất các sản phẩm này sẽ hỗ trợ cho việc hạn chế tác hại môi trường. Và đến một giai đoạn nào đấy, OCB sẽ từ chối cho vay các dự án hủy hoại môi trường hoặc không tốt cho xã hội.

Nói chung, đối với OCB chương trình xanh không chỉ là trách nhiệm đối với môi trường và xã hội mà còn chứng minh cho các doanh nghiệp và đối tác là các giải pháp xanh sẽ mang đến những cơ hội kinh doanh cho rất nhiều doanh nghiệp”.

Kiến tạo hành trình chuyển đổi xanh từ địa phương đến doanh nghiệp - Ảnh 12

“Chính quyền địa phương đã làm được rất nhiều việc để đưa vào các quy phạm pháp luật về vấn đề chuyển đổi xanh. Điều chúng ta cần làm tiếp là thực thi ở cấp độ địa phương và cấp độ tỉnh thành càng nhanh càng tốt.

Chúng ta đã tạo ra một khung khổ và quy phạm pháp luật rồi thì cần chuyển hóa nó, đưa vào thực tiễn cuộc sống. Cả khung khổ của địa phương cũng phải được xây dựng và thực hiện, để thu hút những hoạt động đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào.

Chúng tôi được biết còn những ý kiến về nội dung này nội dung kia trong quy phạm pháp luật vẫn còn thiếu, chưa đầy đủ, nhưng chúng ta không nên cứ thế chờ, mà có thể bắt đầu vào những dự án nhỏ trước, sau đó sẽ mở rộng và phát triển thêm.

Chúng ta nên bắt đầu từ cấp độ mà mình có thể quản lý, kiểm soát được chứ không phải đợi đến khi toàn bộ hệ thống đều đã hoàn hảo, đầy đủ mới bắt đầu đầu tư.

Ví dụ, có thể tìm hiểu từ các khu công nghiệp, các quy định ở các tỉnh thành phố. Chẳng hạn vấn đề điện mặt trời áp mái, không thể chờ đến lúc các mạng lưới điện đã được kết nối toàn bộ, mà có thể bắt đầu từ những quy mô nhỏ, hoạt động hợp tác với các tỉnh, thành phố, tận dụng những gì có được từ phạm pháp luật quốc gia, để thực hiện từ cấp độ địa phương”.

Kiến tạo hành trình chuyển đổi xanh từ địa phương đến doanh nghiệp - Ảnh 13

“Bên cạnh AmCham, công việc hàng ngày của tôi với tư cách là Tổng giám đốc của AES Việt Nam – một tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực năng lượng thế hệ mới. Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực sản xuất điện, tới quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo và điện năng tại Việt Nam. Trong lĩnh vực này, chiến lược của Chính phủ Việt Nam rất tương đồng với chiến lược của chúng tôi. Do đó, chúng tôi mong muốn hỗ trợ Việt Nam và rất phấn khích với Quy hoạch điện VIII của Việt Nam.

Về phía Amcham, chúng tôi mong muốn được làm việc trực tiếp với Chính phủ để giảm thiểu các gánh nặng về mặt hành chính, cũng như giảm rủi ro liên quan tới một số thành tố trong chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam. Hiện tại, chúng tôi thấy rằng một số hạng mục cần phải xử lý ngay lập tức. Ví dụ như việc phê duyệt các dự án năng lượng quy mô lớn, đặc biệt là dự án về khí và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), để thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc sử dụng năng lượng tái tạo cũng như đưa nguồn điện năng được sản xuất bằng năng lượng tái tạo lớn hơn hòa vào lưới điện quốc gia.

Các doanh nghiệp Mỹ rất mong có các nguồn năng lượng tái tạo, sạch và bền vững để đóng góp một vai trò trong tiến trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam”.

Kiến tạo hành trình chuyển đổi xanh từ địa phương đến doanh nghiệp - Ảnh 14

VnEconomy 18/04/2024 10:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 16-2024 phát hành ngày 15/04/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Kiến tạo hành trình chuyển đổi xanh từ địa phương đến doanh nghiệp - Ảnh 15