Các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước có chung nhận định rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ quay trở lại mức tăng trưởng 6,5% - 7% trong năm 2022, trong khi lạm phát duy trì ở mức không đáng lo ngại, dưới 4%.
Tuy nhiên, nền kinh tế đang trong giai đoạn yếu nhất và chờ đợi để hồi phục. Việc đạt mức tăng trưởng kinh tế như trên có thể không khó khi Quốc hội đã thông qua gói kích thích tăng trưởng kinh tế trị giá gần 350.000 tỷ đồng và các hoạt động kinh tế dần trở lại trạng thái bình thường mới.
Nhưng điều quan trọng không phải là tăng trưởng mà là chất lượng tăng trưởng. Câu hỏi đặt ra là: Liệu quá trình tăng trưởng đó có đảm bảo sự công bằng xã hội và có hạn chế được rủi ro bong bóng tài sản như đã từng xảy ra một thập kỷ trước hay không?
Phân tích kỹ hơn chương trình phục hồi, chúng ta thấy có hai công cụ chính là tiền tệ và tài khóa. Việc sử dụng chính sách tiền tệ trong thời gian qua khi nền kinh tế “tạm ngừng hoạt động” đã dẫn tới tiền chảy mạnh vào thị trường tài sản, đẩy giá bất động sản, chứng khoán và các hành vi đầu cơ tài sản nước ngoài gia tăng.
Trong khi đó, các quốc gia trên thế giới đã bắt đầu quá trình thu hẹp tiền tệ. Điều này cho thấy chính sách tiền tệ trong nước đã tới hạn, không thể lỏng thêm, chỉ có thể duy trì hoặc thắt chặt.
Vì vậy, gói hỗ trợ kinh tế nhất thiết phải dựa trên tài khóa. Cho dù nhiều lĩnh vực cho thấy cần được hỗ trợ, nhưng đến giờ vẫn chưa rõ về cách thức tiền sẽ được huy động và sử dụng phục vụ cứu trợ thế nào. Song, quan điểm của tôi là chính sách tài khóa hỗ trợ này không nên đồng nghĩa với việc bơm tiền. Bởi bơm tiền lúc này đồng nghĩa với việc bơm hai lần cho cùng một mục đích, sẽ đẩy thị trường tài sản lên mức cao, tạo ra sự thịnh vượng giả tạo và chắc chắn cũng sẽ tạo ra sự bất ổn xã hội, bởi lừa đảo sẽ trở thành phổ biến khi mà mong muốn “đánh bạc” lấn át mong muốn kinh doanh, thậm chí người giàu lừa người nghèo.
Điều này có nghĩa là các chính sách tài khóa hỗ trợ kinh tế nên là quá trình nắn lại nguồn tiền hiện hữu trong xã hội trở lại với những mục tiêu kinh tế cần hỗ trợ, đồng thời với việc bắt đầu quá trình nâng lãi suất trở lại khi kinh tế bắt đầu đi vào quỹ đạo tăng trưởng.
Nói các khác, bài toán hỗ trợ kinh tế thực chất là bài toán làm thế nào để sử dụng số tiền đã bơm ra nhờ tiền rẻ, thu hút trở lại tiết kiệm, huy động được nguồn lực dư thừa từ xã hội. Làm như vậy, tôi nghĩ chúng ta sẽ tạo ra nền móng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế ổn định lâu dài.
Chính sách tài khóa thắt chặt được áp dụng trong hầu hết thời gian của năm 2021 bất chấp đợt bùng phát dịch bắt đầu từ tháng 04/2021 và khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng đi kèm. Đến cuối tháng 11/2021, ngân sách nhà nước ước tính bội thu ở mức 120,3 nghìn tỷ đồng (khoảng 5,2 tỷ USD).
Tổng giá trị gói hỗ trợ tài khóa năm 2021 vào khoảng 2,5% GDP, tương đương 55% giá trị gói hỗ trợ tài khóa năm 2020. Các gói hỗ trợ tương đối nhỏ dành cho doanh nghiệp (vào tháng tư và tháng chín), cho hộ gia đình và người lao động trong khu vực phi chính thức (tháng bảy) chưa được sử dụng hết do những thách thức trong triển khai.
Đến cuối năm 2021, khoảng 72% gói hỗ trợ đến được với người thụ hưởng, trong đó biện pháp gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất chiếm tỷ trọng lớn. Quá trình triển khai đầu tư công cũng xuất phát chậm trong nửa đầu năm và bị trễ tiến độ đáng kể trong quý 3/2021 do giãn cách xã hội.
Về cơ bản, chính sách tài khóa chưa cung cấp được nhiều hỗ trợ có mục tiêu cho những đối tượng cần trợ giúp nhất, cũng như chưa hỗ trợ thúc đẩy tổng cầu. Một mặt, gánh chịu gánh nặng của khủng hoảng mà không tăng chi ở thời điểm hiện tại sẽ không tạo thêm gánh nặng nợ (vay để đối phó với khủng khoảng) cho các thế hệ tương lai. Mặt khác, không hỗ trợ cho nền kinh tế ở thời điểm hiện tại gây khó khăn kinh tế nghiêm trọng cho nhiều hộ gia đình và người lao động trong khu vực phi chính thức, có thể làm đảo ngược những thành quả về xóa đói, giảm nghèo mà Việt Nam đạt được trong hai thập niên qua. Bên cạnh đó, đầu tư thấp, nhất là cho cơ sở hạ tầng và vốn con người, có thể gây hại cho tăng trưởng kinh tế tiềm năng trong tương lai.
Sự dè dặt về chính sách đã góp phần dẫn đến thực tế là, khác với năm 2020, Việt Nam không còn đi tiên phong trong việc xử lý tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế so với các quốc gia láng giềng. Trong một năm mà kinh tế phục hồi ở hầu hết các quốc gia so sánh, thì Việt Nam phải vật lộn với giai đoạn đóng cửa kéo dài ở các trung tâm kinh tế lớn của đất nước (Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội), dẫn đến GDP giảm trên 6% trong quý 3/2021 và làm chệch quá trình phục hồi kinh tế diễn ra mạnh mẽ trong nửa đầu năm. Tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 2,58%, thấp hơn 4,2 điểm phần trăm so với dự báo Ngân hàng Thế giới đưa ra hồi tháng 12/2020.
Tuy nhiên, viễn cảnh tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn và trung hạn là tích cực, với điều kiện tiếp tục triển khai vaccine trên toàn quốc, các hoạt động kinh tế trong nước được phục hồi, cùng với diễn biến phục hồi kinh tế trên toàn cầu.
Để đảm bảo nền kinh tế phục hồi thành công trong thời gian tới, các cấp có thẩm quyền cần xử lý hai thách thức.
Một là, những hạn chế về cung liên quan đến gián đoạn chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động gây ảnh hưởng đến phục hồi sản xuất sau khi mở cửa. Tuy nhiên, những hạn chế đó dường như đã được xử lý ổn thỏa khi sản lượng công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tăng trong tháng 11/2021, cao hơn so với năm trước. Mặc dù vậy, những vấn đề còn tồn tại như tình trạng thiếu hụt lao động đang diễn ra ở một số địa phương cần được xử lý ổn thỏa để nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ trong ngắn hạn.
Hai là, từ góc độ cầu, nhu cầu của khu vực tư nhân trong nước chưa được khôi phục về các mức trước năm 2020 trong giai đoạn giãn cách vào quý 3/2021, càng làm giảm lòng tin và thu nhập của khu vực tư nhân. Để khôi phục lại lòng tin và thu nhập, cần có các chính sách tài khóa và tiền tệ phối hợp chặt chẽ.
Trong đó, việc chi tiêu công tăng lên có thể được đảm bảo bằng nguồn ngân quỹ được tích lũy của Chính phủ, mà không cần vay nợ thêm. Do đó, bội chi ngân sách dự báo sẽ ở mức khoảng 4,4% trong năm 2022. Nợ dự kiến không tăng nhiều theo giá so sánh, vì Chính phủ vẫn còn nguồn ngân quỹ, nguồn kết chuyển từ năm trước, nên nhu cầu huy động vốn bổ sung chỉ ở mức tương đối thấp. Tương tự những năm gần đây, hầu hết những nhu cầu đó có thể được đáp ứng qua vay nợ trên thị trường trong nước.
Ngoài ra, chính sách tài khóa mở rộng được triển khai trong các năm 2020-2021 để giúp doanh nghiệp trong giai đoạn khủng hoảng dự kiến sẽ bắt đầu được rút dần từ giữa năm 2022. Quay lại chính sách tiền tệ an toàn hơn là bước đi cần thiết, trên cơ sở tăng sử dụng các công cụ tài khóa và đẩy mạnh quản lý rủi ro gia tăng trong khu vực tài chính khi các ngân hàng thương mại đang có nguy cơ bị tăng nợ xấu trong các danh mục của họ.
Thêm nữa, các cấp có thẩm quyền cần có chiến lược để chấm dứt đóng cửa biên giới quốc tế, đã và đang gây tốn kém rất nhiều cho nền kinh tế. Chiến lược đó đòi hỏi phải kiểm soát dịch liên tục trong năm 2022.
Sự kết hợp giữa Covid-19, tự cách ly và Brexit đã tác động mạnh tới vận chuyển hàng hóa, mà nguyên nhân là do thiếu các lái xe tải hạng nặng đủ tiêu chuẩn. Với khoảng 30.000 bài kiểm tra lái xe chở hàng hạng nặng (HGV) không thể thực hiện năm 2020 vì đại dịch, Anh thiếu khoảng 30% lái xe tải giữa lúc đại dịch bùng phát mạnh mẽ. Sự thiếu hụt không chỉ giới hạn ở các xe hạng nặng HGV mà cả ở những phương tiện nhỏ hơn, bao gồm các tài xế taxi.
Một khía cạnh khác của thị trường lao động mà chúng tôi không lường trước được là số người nghỉ hưu sớm. Số lượng người lao động trong độ tuổi từ 50 đến 64 tuổi đã giảm. Điều này không chỉ tác động tới tiền lương mà còn đối với đào tạo, bởi thông thường nhóm người lao động trên 50 tuổi sẽ là nhóm đào tạo, dẫn dắt những người trẻ mới vào nghề. Trong khi đó, những người trẻ tuổi chưa tham gia vào thị trường lao động như mong đợi cho dù thu nhập của người lao động hiện khá tốt. Điều này đang đặt nước Anh vào tình thế thiếu hụt lao động.
Với mức tăng trưởng dự kiến 7%, cao hơn so với mức dự báo 5%, tỷ lệ thất nghiệp của Anh chỉ khoảng 4,3%, trái ngược với dự báo 7%. Trong khi đó, lạm phát trở thành vấn đề trầm trọng, đạt mức 5,1% vào tháng 12/2021, mức cao trong nhiều năm trở lại đây. Trong đó, chi phí vận chuyển container tăng mạnh cùng việc tăng giá năng lượng, tăng lương, nới lỏng tiền tệ… là những yếu tố đẩy lạm phát tăng cao.
Đặc biệt, Covid-19 đã tạo ra mô hình làm việc mới. Nhiều ngành nghề thay vì làm việc trực tiếp có thể chuyển sang hình thức làm việc gián tiếp, làm việc từ xa. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu thuê bất động sản văn phòng suy giảm.
Một vấn đề nữa là tình trạng ngành công nghiệp sau khi các gói hỗ trợ bị thu hồi. Cho dù một số lĩnh vực tiếp tục được hưởng lợi từ những gói hỗ trợ được triển khai trước đó, nhưng Chính phủ không có khả năng duy trì các gói này vĩnh viễn. Đến lúc này, thị trường sẽ chứng kiến sự gia tăng đột biến các vụ phá sản từ các khoản nợ quá hạn và những khó khăn về vốn của doanh nghiệp. Hiện tại, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) đang thắt chặt các gói nới lỏng định lượng, nhưng điều này không có nghĩa các ngân hàng trung ương cũng hành động tương tự, tiền rẻ vẫn đang dồi dào. Điều này sẽ kéo dài bao lâu và sẽ tác động thế nào tới lãi suất và lạm phát vẫn là mối quan tâm hàng đầu của giới đầu tư và kinh doanh.
Nhìn về tương lai, chúng ta nên rút ra bài học ở Anh là cần có các kịch bản về những gì sẽ xuất hiện sau đại dịch. Đó là các câu hỏi: Quy mô của lực lượng lao động sẽ như thế nào? Sự pha trộn của những người lao động sẽ ra sao? Những điều sắp tới sẽ là gì? Họ sẽ sẵn sàng làm việc tại nhà hay sẽ sẵn sàng làm việc trong các nhà máy hoặc văn phòng như trước đây?
Tình trạng của ngành công nghiệp sẽ như thế nào, có khả thi về mặt tài chính không? Sẽ có yêu cầu về các gói hỗ trợ chuyển tiếp bổ sung hoặc xóa nợ không? Liệu việc mua sắm có được duy trì như trước đây hay không? Xã hội sẽ thay đổi ra sao? Liệu có mối quan hệ khác biệt giữa Chính phủ và người dân?
Cuối năm 2021, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng quý 4/2021 đạt 5,2% so với cùng kỳ năm trước, bỏ xa các mức dự báo của thị trường. Đặc biệt, các hoạt động sản xuất nhanh chóng khởi sắc trong khi xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục, chủ yếu nhờ nhu cầu sản phẩm công nghệ và máy móc trên thế giới tăng mạnh.
Trong khi đó, xuất khẩu dệt may và da giày mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề nhưng cũng đã lấy lại phong độ như thời điểm trước khi xuất hiện biến chủng Delta.
Tính chung cả năm 2021, xuất khẩu Việt Nam tăng 19% nhờ xuất khẩu điện tử và máy móc, cho thấy nhu cầu trên thế giới vẫn gia tăng và chuỗi cung ứng ổn định ở phía Bắc, nơi hội tụ các tập đoàn công nghệ lớn.
Khép lại năm 2021, kinh tế Việt Nam phục hồi vững vàng sau giai đoạn “chạm đáy” tồi tệ nhất. Việt Nam sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng vững vàng trên mọi mặt. Một mặt, sản xuất và xuất khẩu kỳ vọng sẽ tiếp tục vị thế dẫn đầu, một phần là nhờ những cam kết FDI ổn định. Mặt khác, nhu cầu trong nước nhiều khả năng sẽ phục hồi thêm khi các biện pháp hạn chế hiện tại dần được gỡ bỏ và thị trường lao động phục hồi.
Mặc dù vậy, đại dịch vẫn là rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tại Việt Nam đã triển khai tốt chương trình tiêm chủng, giúp Chính phủ có thể linh hoạt hơn giữa hai mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân và hồi sinh nền kinh tế.
Ngoài ra, Việt Nam cần chú ý đến vấn đề lạm phát. Khi các hoạt động kinh tế trở lại bình thường trong năm 2022, áp lực về giá sẽ bắt đầu có tác động nhưng mức độ phải trong tầm kiểm soát. Lạm phát của Việt Nam sẽ tăng 2,7% vào năm 2022, thấp hơn mức trần 4% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Sự phục hồi ở mức khả quan trong quý 4/2021 cho thấy các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam đang dần trở lại bình thường, mặc dù đại dịch Covid-19 vẫn còn kéo dài với sự xuất hiện của biến thể Omicron trên toàn cầu.
Với khoảng 70% trên tổng dân số 98 triệu của đất nước đã được tiêm ít nhất hai mũi vaccine và việc triển khai các mũi tiêm nhắc lại cho người trưởng thành vào cuối quý 1/2022, sẽ đưa các hoạt động nội địa của Việt Nam vào vị thế tốt hơn, hỗ trợ cho tăng trưởng năm 2022, đặc biệt là khi các hạn chế hoạt động xuyên biên giới được nới lỏng hơn nữa.
Tuy nhiên, biến thể Omicron tiếp tục là một thách thức chính, làm gia tăng những rủi ro ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu và trong nước, đặc biệt là trong quý 1/2022. Do đó, chúng tôi hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống 6,8% (từ 7,4%) cho năm 2022 so với 2,58% vào năm 2021, so với dự báo chính thức là 6,0% - 6,5% từ Chính phủ Việt Nam. Cần lưu ý rằng Việt Nam vẫn đang ở một vị trí thuận lợi cho tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ hơn dựa trên mức tăng trưởng cơ sở thấp trong năm 2020 và 2021, sức mạnh của các khu vực ngoại thương và đầu tư, cũng như cơ hội của các lĩnh vực kinh tế nội địa tiếp thêm động lực cho cơ hội tăng trưởng này.
Ngoài ra, môi trường lạm phát thấp sẽ tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giữ ổn định chính sách lãi suất để hỗ trợ các nỗ lực phục hồi kinh tế. Với kỳ vọng áp lực lạm phát sẽ được kiểm soát như Việt Nam đã từng làm trước đây, chúng tôi kỳ vọng lãi suất tái cấp vốn ở mức 4,0% và lãi suất tái chiết khấu 2,5% được giữ không thay đổi.
Tỷ giá USD/VND đã biến động mạnh trong tháng 12/2021, từ mức 22.700 VND/USD lên 23.100 VND/USD chỉ trong vài ngày. Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và sự giảm giá nhẹ của USD trên thị trường toàn cầu, tỷ giá USD/VND hiện đã giảm về mức 22.845. Nhìn chung, chúng tôi kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ tăng nhẹ cùng với xu hướng của các cặp tỷ giá giữa USD và các đồng tiền khác tại châu Á khi Fed bắt đầu tăng lãi suất vào năm tới. Chúng tôi dự báo tỷ giá USD/VND ở mức 23.100 trong quý 1/2022, 23.200 trong quý 2/2022, 23.300 trong quý 3/2022 và 23.400 trong quý 4/2022.
VnEconomy 18/01/2022 13:00