06:00 18/01/2022

Những câu hỏi cần trả lời sau đại dịch

VnEconomy

TS. David Grey, giảng viên Chương trình Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam - Vương quốc Anh, Đại học Lincoln, Vương quốc Anh chia sẻ những nghiên cứu về bài học kinh nghiệm trong ứng phó chính sách với khủng hoảng Covid-19 tại Diễn dàn thường niên Kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2022 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 14/1...

Sự kết hợp giữa Covid-19, tự cách ly và Brexit đã tác động mạnh tới vận chuyển hàng hóa, mà nguyên nhân là do thiếu các lái xe tải hạng nặng đủ tiêu chuẩn. Với khoảng 30.000 bài kiểm tra lái xe chở hàng hạng nặng (HGV) không thể thực hiện năm 2020 vì đại dịch, Anh thiếu khoảng 30% lái xe tải giữa lúc đại dịch bùng phát mạnh mẽ. Sự thiếu hụt không chỉ giới hạn ở các xe hạng nặng HGV mà cả ở những phương tiện nhỏ hơn, bao gồm các tài xế taxi.

Một khía cạnh khác của thị trường lao động mà chúng tôi không lường trước được là số người nghỉ hưu sớm. Số lượng người lao động trong độ tuổi từ 50 đến 64 tuổi đã giảm. Điều này không chỉ tác động tới tiền lương mà còn đối với đào tạo, bởi thông thường nhóm người lao động trên 50 tuổi sẽ là nhóm đào tạo, dẫn dắt những người trẻ mới vào nghề. Trong khi đó, những người trẻ tuổi chưa tham gia vào thị trường lao động như mong đợi cho dù thu nhập của người lao động hiện khá tốt. Điều này đang đặt nước Anh vào tình thế thiếu hụt lao động.

Với mức tăng trưởng dự kiến 7%, cao hơn so với mức dự báo 5%, tỷ lệ thất nghiệp của Anh chỉ khoảng 4,3%, trái ngược với dự báo 7%. Trong khi đó, lạm phát trở thành vấn đề trầm trọng, đạt mức 5,1% vào tháng 12/2021, mức cao trong nhiều năm trở lại đây. Trong đó, chi phí vận chuyển container tăng mạnh cùng việc tăng giá năng lượng, tăng lương, nới lỏng tiền tệ… là những yếu tố đẩy lạm phát tăng cao.

Đặc biệt, Covid-19 đã tạo ra mô hình làm việc mới. Nhiều ngành nghề thay vì làm việc trực tiếp có thể chuyển sang hình thức làm việc gián tiếp, làm việc từ xa. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu thuê bất động sản văn phòng suy giảm.

Một vấn đề nữa là tình trạng ngành công nghiệp sau khi các gói hỗ trợ bị thu hồi. Cho dù một số lĩnh vực tiếp tục được hưởng lợi từ những gói hỗ trợ được triển khai trước đó, nhưng Chính phủ không có khả năng duy trì các gói này vĩnh viễn. Đến lúc này, thị trường sẽ chứng kiến sự gia tăng đột biến các vụ phá sản từ các khoản nợ quá hạn và những khó khăn về vốn của doanh nghiệp. Hiện tại, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) đang thắt chặt các gói nới lỏng định lượng, nhưng điều này không có nghĩa các ngân hàng trung ương cũng hành động tương tự, tiền rẻ vẫn đang dồi dào. Điều này sẽ kéo dài bao lâu và sẽ tác động thế nào tới lãi suất và lạm phát vẫn là mối quan tâm hàng đầu của giới đầu tư và kinh doanh.

Nhìn về tương lai, chúng ta nên rút ra bài học ở Anh là cần có các kịch bản về những gì sẽ xuất hiện sau đại dịch. Đó là các câu hỏi: Quy mô của lực lượng lao động sẽ như thế nào? Sự pha trộn của những người lao động sẽ ra sao? Những điều sắp tới sẽ là gì? Họ sẽ sẵn sàng làm việc tại nhà hay sẽ sẵn sàng làm việc trong các nhà máy hoặc văn phòng như trước đây?

Tình trạng của ngành công nghiệp sẽ như thế nào, có khả thi về mặt tài chính không? Sẽ có yêu cầu về các gói hỗ trợ chuyển tiếp bổ sung hoặc xóa nợ không? Liệu việc mua sắm có được duy trì như trước đây hay không? Xã hội sẽ thay đổi ra sao? Liệu có mối quan hệ khác biệt giữa Chính phủ và người dân?