18:18 17/01/2022

Áp lực từ những cải cách “bên trong”

Anh Nhi

Với việc mở rộng hơn các nhóm giải pháp đã được thực hiện trong các nghị quyết trước về cải cách điều kiện kinh doanh, Nghị quyết 02 vừa được ban hành sẽ tạo ra những áp lực để tạo ra những thay đổi cần thiết từ chính “nội bộ” nền kinh tế để tiệm cận với những chuẩn mực quốc tế bên ngoài. Điều này đòi hỏi sự chỉ đạo thường xuyên, thậm chí là áp đặt từ Chính phủ...

Qua 8 năm nỗ lực cải cách, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu được nâng lên. Tuy nhiên, cải cách môi trường kinh doanh ở nước ta từ năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19 có xu hướng chững lại. Trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững và còn không ít chỉ tiêu cụ thể mà chất lượng và thứ hạng của Việt Nam vẫn còn thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí giảm bậc. 

Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh,  nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2022 vừa được ban hành sẽ tạo ra những áp lực để tạo ra những thay đổi cần thiết từ chính “nội bộ” nền kinh tế để tiệm cận với những chuẩn mực quốc tế bên ngoài.

Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh,Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về vấn đề này.

 
Bà Nguyễn Minh Thảo.
Bà Nguyễn Minh Thảo.

"Việc cắt giảm hay dỡ bỏ các điều kiện đầu tư và kinh doanh bất hợp lý đồng nghĩa với việc giảm sự can thiệp, giảm quyền lực của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Song không dễ để cơ quan quản lý từ bỏ quyền quản lý, vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp cần liên minh, tạo ra tiếng nói đủ lớn, đủ mạnh để thảo luận với cơ quan quản lý về những bất cập của các điều kiện không phù hợp".

 

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Nghị quyết này khác gì so với những nghị quyết được ban hành trước đây, thưa bà?

Cũng giống như các nghị quyết trước, Nghị quyết 02 vừa được ban hành vẫn tiếp cận theo các thông lệ quốc tế tốt với việc xác định các mục tiêu và giải pháp cụ thể cho các bộ ngành địa phương liên quan.

Điểm khác biệt của Nghị quyết 02 năm nay so với Nghị quyết 19 hay 02 trước đây là ở các nhóm giải pháp trọng tâm và chi tiết hơn. Chẳng hạn, một số nhóm chỉ tiêu trước đây Việt Nam rất yếu như quyền tài sản hay các chỉ số liên quan đến phát triển bền vững cũng đã được đưa vào bản nghị quyết này.

Áp lực từ những cải cách “bên trong” - Ảnh 1

Ngoài ra, Nghị quyết cũng mở rộng hơn các nhóm giải pháp đã được thực hiện trong các nghị quyết trước về cải cách điều kiện kinh doanh. Đó là cùng với việc rà soát danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện để nhận diện những bất cập của điều kiện kinh doanh, Nghị quyết sẽ rà soát danh mục đầu tư có điều kiện để nhận diện “gốc rễ” của vấn đề.

Mặc dù hàng năm Luật Đầu tư có những điều chỉnh về danh mục ngành nghề nhưng về cơ bản chỉ cắt giảm về mặt số lượng ngành nghề trên giấy tờ, còn thực tế ngành nghề đó không được cắt giảm mà được “nhập chung” vào các ngành nghề khác theo những nhánh nhỏ khác nhau. Do đó, điều kiện kinh doanh mà doanh nghiệp phải tuân thủ không hề giảm chút nào.

Vì vậy, tới đây cần tập trung vào rà soát danh mục các ngành nghề đó để xem xét ngành nào thực sự cần điều kiện kinh doanh, ngành nào có thể loại bỏ để có các cải cách về điều kiện kinh doanh thực chất và phù hợp với thực tế. Đây là nhóm giải pháp trọng tâm mà Nghị quyết 02 lần này mở rộng hơn so với trước đây.

Trước đây, chúng ta đã nhận diện được một phần những bất cập mâu thuẫn chồng chéo, không hợp lý hay khác biệt của các quy định pháp luật nhưng chưa tìm ra được giải pháp nào để khắc phục tình trạng này triệt để. Hơn nữa, những bất cập mới được nhận diện mà chưa được phân loại, đánh giá điều kiện nào còn hay không còn phù hợp để có những ứng xử hợp lý. Do đó, Chính phủ thời gian tới sẽ tập trung vào việc đưa ra những phương án xử lý cho từng bất cập như vậy.

Ví dụ, đối với những quy định bất hợp lý có thể sẽ bỏ hay sửa đổi, bổ sung, thay đổi cụ thể cho phù hợp với thực tế. Điều này không chỉ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh mà còn tạo ra sự thuận lợi trong hoạt động đầu tư. Trước đây, chúng ta mới chú trọng vào môi trường kinh doanh, bây giờ cần tập trung cả về môi trường đầu tư, nhằm khơi thông cả đầu tư công lẫn đầu tư của khu vực tư nhân trong nước và ngoài nước.

Giải pháp trọng tâm nữa mà Chính phủ hướng đến là tăng cường chuyển đổi số. Trong thời gian qua, Chính phủ đã đẩy mạnh áp dụng chuyển đổi số trong khu vực công để tạo ra cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hành chính. Năm nay, giải pháp này tiếp tục được đẩy mạnh không chỉ ở cơ quan quản lý nhà nước mà cả ở khu vực doanh nghiệp nhằm tạo ra sự đồng bộ, thống nhất giữa các bên để tạo ra bước chuyển lớn trong việc kết nối dữ liệu, thực hiện các thủ tục liên quan tới kinh doanh và đầu tư.

Một số mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam đến năm 2025.
Một số mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam đến năm 2025.

Bên cạnh nhóm giải pháp nêu trên, Nghị quyết 02 cũng đề ra những giải pháp về cải cách thủ tục hành chính gắn với phân cấp và trao quyền nhiều hơn cho địa phương thông qua cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm. Hoạt động quản lý và kiểm tra chuyên ngành tiếp tục được đẩy cao hơn một bước nhằm đạt được cùng mức với các quốc gia trong khu vực cũng như tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Theo bà, những thay đổi này sẽ giúp môi trường kinh doanh Việt Nam thay đổi và thăng hạng như thế nào?

Những thay đổi này đi theo hướng tiệm cận với những thay đổi mà thế giới đang điều chỉnh để phù hợp với xu thế vận động và phát triển của thương mại và đầu tư quốc tế. Đó là cùng với việc dỡ bỏ những rào cản về kinh doanh và đầu tư, Việt Nam cần thúc đẩy doanh nghiệp tự phát triển theo hướng xanh và bền vững.

Nghị quyết 02 đưa ra nhiều giải pháp nhằm cải thiện những chỉ số Việt Nam đang có điểm số thấp, những yếu tố phù hợp cho giai đoạn đổi mới sáng tạo, công nghiệp 4.0 nhằm tạo ra sự phát triển và sáng tạo cho nền kinh tế. Ngoài ra, Nghị quyết cũng chú trọng vào các chỉ số liên quan đến chất lượng người lao động, những ý tưởng sáng tạo, chỉ số về giáo dục…

Đặc biệt, với việc dỡ bỏ những rào cản về đầu tư, kinh doanh và chú trọng vào những nhóm vấn đề, lĩnh vực giúp nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng… môi trường kinh doanh của Việt Nam chắc chắn sẽ thăng hạng. Tuy vậy, vấn đề mấu chốt ở đây không phải là cuộc đua về thứ hạng mà là cuộc đua nội bộ để quốc gia tốt hơn.

Những cải thiện nhằm dỡ bỏ các rào cản đầu tư sẽ giúp ích như thế nào cho các hoạt động đầu tư công lẫn tư, trong nước lẫn ngoài nước?

Việc đánh giá dựa trên thực tế khách quan và số liệu thu thập độc lập của các tổ chức xếp hạng quốc tế có uy tín sẽ giúp Việt Nam nhìn nhận những điểm yếu kém, có thể cải thiện và học hỏi từ kinh nghiệm các quốc gia khác.

Vì vậy, khi cải cách theo các chuẩn mực quốc tế, Việt Nam sẽ trở thành thị trường “dễ” đánh giá trong con mắt của nhà đầu tư nước ngoài nhờ những tiêu chuẩn, thang điểm rõ ràng và cụ thể. Nghị quyết 02 cũng dựa vào những bảng xếp hạng uy tín mà nhà đầu tư thường tham khảo để đưa ra những giải pháp phù hợp để nâng cao vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh.

Ngoài ra, việc áp dụng theo những chuẩn mực quốc tế cũng tạo áp lực lên các cơ quan, tổ chức trong nước thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh và đầu tư, từ đó làm cho quá trình xây dựng chính sách tốt hơn, tham gia các hoạt động hội nhập thuận lợi hơn.

Áp lực lên các các cơ quan, tổ chức trong nước trong việc cắt giảm những danh mục ngành nghề đầu tư và kinh doanh có điều kiện cũng như cải thiện những chỉ số, thành phần khác là gì, thưa bà?

Việc cắt giảm hay dỡ bỏ các điều kiện đầu tư và kinh doanh bất hợp lý đồng nghĩa với việc giảm sự can thiệp, giảm quyền lực của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Song không dễ để cơ quan quản lý từ bỏ quyền quản lý, vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp cần liên minh, tạo ra tiếng nói đủ lớn, đủ mạnh để thảo luận với cơ quan quản lý về những bất cập của các điều kiện không phù hợp.

Áp lực từ những cải cách “bên trong” - Ảnh 2

Ở chiều ngược lại, để nâng hạng môi trường kinh doanh, khơi thông nguồn vốn đầu tư, các cơ quan quản lý cũng cần phải thay đổi nhận thức, từ bỏ công cụ quản lý cũ, chấp nhận cách quản lý mới phù hợp với thực tế nhằm giảm rào cản cho doanh nghiệp trong khi vẫn đảm bảo việc quản lý nhà nước hiệu quả hơn, chẳng hạn như chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm.

Để làm được điều này, cơ quan quản lý nhà nước cần thay đổi từ cấp quản lý cao nhất đến từng cán bộ liên quan và nâng cao năng lực để thích ứng với việc quản lý mới. Áp lực thay đổi này là rất lớn, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm cao của cơ quan quản lý. Ngoài ra còn có áp lực từ nhiều bên, như cơ quan truyền thông, các cơ quan đánh giá độc lập, các bên giám sát để tạo ra sức ép đủ lớn buộc phải thay đổi.

Với những áp lực như vậy, chúng ta cần có những hành động nào nhằm đạt được mục tiêu đề ra?

Để tạo ra sự thay đổi cần có sự chỉ đạo thường xuyên, liên tục và áp đặt từ Chính phủ nhằm tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ, nếu không sẽ dẫn tới tình trạng “tôi cứ làm còn đạt được hay không thì không quan trọng”.

Và để có được áp lực mạnh mẽ như vậy, cần nhiều cơ quan, tổ chức tham gia giám sát quá trình này. Sự giám sát rất đa dạng có thể đến từ các cơ quan nghiên cứu độc lập, các hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông và các tổ chức quốc tế. Áp lực cần được tạo ra thường xuyên, cần nói đến nhiều lần, nhiều nơi một cách chi tiết và cụ thể.

Bản thân các bộ ngành cũng cần thường xuyên đối thoại với các doanh nghiệp nhằm tạo cho các lãnh đạo bộ ngành nhận biết được những vấn đề tồn tại, những rào cản để họ thay đổi từ bên trong. Nếu tổng hòa các giải pháp này thì sẽ loại bỏ được những rào cản.