Kinh tế ASEAN năm 2023 và những tác động từ việc Mỹ tăng lãi suất và suy giảm kinh tế ở Trung Quốc
Các nhà kinh tế đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng năm 2023 của 5 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu trong bối cảnh lãi suất tăng cao ở Mỹ...
Theo khảo sát hàng quý được thực hiện vào tháng 9 của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) và tờ báo Nikkei Asia, tổng GDP của Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan được dự báo tăng khoảng 4,3% trong năm 2023. Mức dự báo theo khảo sát hồi tháng 6 là 4,8%.
Mỗi quốc gia đều bị hạ dự báo tăng trưởng năm sau. Cụ thể, dự báo của Indonesia giảm từ 5,1% xuống còn 4,9%. Malaysia giảm từ 4,6% còn 4%, Philippines từ 5,6% còn 5,4%. Còn Singapore giảm xuống còn 2,2% từ mức 3,5; Thái Lan giảm còn 3,7% từ mức 4,4%.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, sau 5 lần tăng liên tiếp kể từ khi bắt đầu chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ hồi tháng 3. Khi Fed nâng lãi suất 75 điểm phần trăm hôi tháng 9, ngân hàng trung ương tại Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines nhanh chóng có động thái tương tự. Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS) hồi tháng 7 cũng đã thắt chặt chính sách tiền tệ.
Theo các nhà kinh tế tham gia khảo sát, suy giảm kinh tế ở Mỹ, kéo theo đó là sức tiêu thụ sụt giảm, có thể ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của châu Á. Đây là nguyên nhân chính ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế khu vực này trong năm 2023.
“Mối lo suy thoái kinh tế toàn cầu gây ra bởi động thái thắt chặt tiền tệ của Mỹ có thể ảnh hưởng lớn tới xuất khẩu của Thái Lan”, ông Amonthep Chawla, giám đốc nghiên cứu tại CIMB Thai Bank nhận định.
Đồng quan điểm, ông Tirthankar Patnaik, nhà kinh tế trưởng tại Sàn giao dịch chứng khoán quốc gia Ấn Độ (NSE) cũng lưu ý mối lo ngại bắt nguồn từ Mỹ.
"Nền kinh tế Mỹ đang trượt vào một cuộc suy thoái. Điều này sẽ gây tác động lan tỏa đến nhu cầu toàn cầu, do đó gây ra rủi ro suy giảm tăng trưởng của Ấn Độ”, ông Patnaik nhận định.
Ngoài ra, những bất ổn của nền kinh tế Trung Quốc cũng ảnh hưởng không nhỏ tới khu vực Đông Nam Á khi nước này chưa có dấu hiệu gì về việc sẽ nới lỏng chính sách chống dịch Zero Covid nghiêm ngặt của mình. Đó là chưa kể cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản nước này. Trong khi đó, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại quan trọng của nhiều quốc gia châu Á và là nguồn khách du lịch hàng đầu của một số nước.
Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của JCER nhận định suy giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc là rủi ro lớn nhất trong 12 tháng tới đối với Thái Lan và là rủi ro lớn thứ hai của Singapore và Malaysia. Trong khảo sát quý trước, các nhà kinh tế xác định suy giảm kinh tế ở Trung Quốc là một trong 3 rủi ro hàng đầu của nền kinh tế Thái Lan.
"Các rủi ro ở Trung Quốc là biến số lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu do những trở ngại trong việc xác định tác động tiêu cực của các biện pháp phong tỏa phòng dịch, giảm phát trên thị trường địa ốc, áp lực tài chính gia tăng và chiến dịch siết quản lý đối với lĩnh vực công nghệ của Bắc Kinh”, ông Manu Bhaskaran, CEO của công ty tư vấn nghiên cứu độc lập Centennial Asia Advisors tại Singapore, cảnh báo.
Với Malaysia, quốc gia có đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc, tăng trưởng giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đồng nghĩa với “hậu quả nghiêm trọng tại một số lĩnh vực và doanh nghiệp” ở nước này - theo ông Mohd Sedek Jantan, giám đốc bộ phân nghiên cứu tài sản và tư vấn tại UOB Kay Hian Wealth Advisors. Trung Quốc chiếm tới 40% kim ngạch xuất khẩu của Malaysia.
Còn với Thái Lan, suy giảm tăng trưởng ở Trung Quốc “có thể làm giảm triển vọng đối với ngành du lịch trong năm 2023” – theo ông Amonthep của CIMB Thai Bank. Trung Quốc được dự báo sẽ mở cửa du lịch vào năm sau. Du khách Trung Quốc thường đi theo các đoàn lớn tới Thái Lan và là nguồn khách nước ngoài quan trọng đối với nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch của quốc gia Đông Nam Á.
Ngoài vấn đề kinh tế, rủi ro địa chính trị liên quan tới Đài Loan cũng là mối quan ngại đối với các quốc gia láng giềng của Trung Quốc.
“Cuộc khủng hoảng ở eo biển Đài Loan là một sự kiện rủi ro về địa chính trị mà hầu hết chúng ta đều quan tâm”, nhà kinh tế trưởng Ruben Carlo O. Asuncion của ngân hàng Union Bank of the Philippines, phát biểu và cho biết thêm rằng Đài Loan là nhà cung cấp vật liệu thô và hàng tiêu dùng lớn. “Một cuộc khủng hoảng có khả năng xảy ra ở láng giềng sẽ gây lạm phát cho kinh tế Philippines”.
Đối với năm 2022, các nhà kinh tế tham gia khảo sát dự báo 5 nền kinh tế Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan tăng trưởng 5%. Trong đó, Indonesia tăng trưởng 5,1%, Malaysia 6,9%, Philippines 6,5%, Singapore 3,8% còn Thái Lan 2,3%.
Cuộc khảo sát của JCER và Nikkei Asia được thực hiện từ ngày 2-22/9 với sự tham gia của 35 nhà kinh tế học và nhà phân tích.