20:43 01/10/2022

Dự báo Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất Đông Nam Á

Nhật Dương

Các tổ chức quốc tế đều đánh giá tích cực về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam và dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta trong năm 2022 và 2023 thuộc nhóm cao nhất Đông Nam Á…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin tại họp báo. Ảnh - VGP.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin tại họp báo. Ảnh - VGP.

Chiều 1/10, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9. Phiên họp báo được diễn ra ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng cùng ngày.

Phát biểu tại họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, tại phiên họp Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các địa phương thống nhất nhận định, trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục đà phục hồi, phát triển nhanh và mạnh, ấn tượng.

Đặc biệt là GDP quý III tăng cao, đạt 13,67%, góp phần đưa tăng trưởng 9 tháng năm đạt 8,83% (cao nhất từ năm 2011 đến nay). Có 10 địa phương có GRDP 9 tháng năm 2022 tăng trên 11%.

Kinh tế tăng trưởng trên cả 3 khu vực như: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%; công nghiệp và xây dựng tăng 9,63%; khu vực dịch vụ phục hồi mạnh mẽ với mức tăng 10,57%.

Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát tốt trong bối cảnh chịu nhiều sức ép, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 2,73%, tương đương cùng kỳ các năm từ 2018-2021. Các cân đối lớn được bảo đảm (thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 94% dự toán, tăng 22%; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 559 tỷ USD, tăng 15,1%, xuất siêu 6,52 tỷ USD; an ninh lương thực được bảo đảm; cung cấp đủ điện, xăng dầu; cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu).

Tình hình đăng ký doanh nghiệp khởi sắc, số doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động trong 9 tháng đạt trên 163.000, tăng 38,6% so cùng kỳ, gấp 1,44 lần số doanh nghiệp rút lui.

Vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng đạt trên 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 12,5% so cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện 9 tháng đạt trên 15,4 tỷ USD (cao nhất trong 5 năm qua), tăng 16,2% so với cùng kỳ cho thấy xu hướng mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh khá tích cực, phản ánh niềm tin của doanh nghiệp vào việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta.

An sinh xã hội được bảo đảm (từ tháng 7/2021 đến nay, đã hỗ trợ trên 85,3 nghìn tỷ đồng cho trên 55,2 triệu lượt người lao động và gần 856.000 người sử dụng lao động theo các nghị quyết của Chính phủ). Tình hình lao động chuyển biến tích cực, thị trường lao động phục hồi, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm mạnh.

Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, các tổ chức quốc tế đều đánh giá tích cực về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam và dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta trong năm 2022 và 2023 thuộc nhóm cao nhất Đông Nam Á (Moody, WB, IMF, ADB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 lần lượt là 8,5%, 7,2%, 7%, 6,5%).

Moody nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng ổn định. Nikkei Asia xếp Việt Nam ở vị trí thứ 2 về chỉ số phục hồi sau dịch Covid-19.

Toàn cảnh họp báo. Ảnh - VGP. 
Toàn cảnh họp báo. Ảnh - VGP. 

Bộ trưởng Trần Văn Sơn cũng thông tin, tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Trong đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19. Đẩy mạnh việc tiêm vaccine; khắc phục nhanh, bằng được tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về y tế, xử lý tốt các vấn đề tồn tại, phát sinh.

Kiên trì và nhất quán thực hiện mục tiêu ưu tiên, xuyên suốt là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Theo dõi sát tình hình, diễn biến thế giới, khu vực, chủ động phân tích, dự báo, đề xuất giải pháp kịp thời, phù hợp ứng phó những diễn biến mới phát sinh.

Thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kết hợp hài hòa, hiệu quả với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Bảo đảm an ninh, an toàn về tiền tệ, tín dụng, tài chính, nợ công, năng lượng, lương thực; tăng cường quản lý, kiểm soát giá cả hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tập trung rà soát tiến độ thực hiện của các dự án để điều chỉnh kế hoạch vốn phù hợp, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún.

Về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cần đẩy mạnh hơn nữa trong triển khai hiệu quả các chính sách thuộc chương trình.

Thủ tướng cũng chỉ đạo thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, nhất là các mặt hàng xuất khẩu, các mặt hàng đáp ứng nhu cầu cuối năm. Theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý; tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Tiếp tục tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài, các ngân hàng yếu kém, 7/12 doanh nghiệp, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả.

Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân. Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo dõi, nắm sát tình hình, diễn biến thiên tai, bão lũ, không để bị động, bất ngờ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra…