Thưa bà, tăng trưởng GDP quý 1/2024 đạt mức 5,66%. Bà đánh giá như thế nào về mức tăng trưởng này? Kết quả này có khớp với kịch bản điều hành tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024?
Tăng trưởng GDP quý 1/2024 đạt 5,66%, đây là mức tăng trưởng cao nhất các quý 1 từ năm 2020 đến nay. Tuy chưa bằng thời điểm cùng kỳ năm 2018 và 2019, nhưng mức tăng trưởng này là kết quả cho những nỗ lực, sát sao, kịp thời trong điều hành chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành và sự cố gắng, quyết tâm của các địa phương, doanh nghiệp, người dân trên con đường khôi phục và phát triển kinh tế.
Đối chiếu với kịch bản tăng trưởng trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 có thể thấy, mục tiêu tăng trưởng năm 2024 đạt từ 6,0 - 6,5%, trong đó, quý 1/2024 có mức tăng từ 5,2 - 5,6%. Như vậy, nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, kết quả tăng trưởng quý 1/2024 đạt 5,66% đang cao hơn mức tăng của kịch bản cao (5,6%). Tuy nhiên, giữa các khu vực có sự khác biệt về cơ cấu so với kịch bản ban đầu. Cụ thể:
Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng tốt hơn cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong ba khu vực 6,28% (riêng công nghiệp tăng 6,18%), cao hơn nhiều so với kịch bản cao 5,5% đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng lần lượt là 2,98% và 6,12%, thấp hơn mức tăng của cả hai kịch bản tăng trưởng (3,0% đối với nông, lâm nghiệp và thủy sản; từ 6,3 - 6,5% đối với dịch vụ).
Như vậy, với diễn biến kinh tế của ba tháng đầu năm, có thể nói khu vực công nghiệp đã đạt được kết quả tốt hơn so với dự kiến. Trái lại, khu vực dịch vụ chưa bứt phá và chưa đạt được kết quả như kịch bản đề ra. Tuy nhiên, trước diễn biến của tình hình kinh tế, chính trị và xã hội của thế giới, khu vực và thực trạng của Việt Nam, con số tăng trưởng 5,66% là một bước khởi đầu tích cực cho kinh tế năm 2024 của Việt Nam.
Theo bà, đâu là những yếu tố giúp kinh tế quý 1/2024 tăng tốc? Trong những động lực đó, bà ấn tượng với động lực tăng trưởng nào? Vì sao?
Trong bối cảnh rủi ro và bất ổn kéo dài, kinh tế toàn cầu dự báo tăng chậm khoảng 2,4%, trên nền tăng trưởng thấp của cùng kỳ năm 2023, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ba tháng đầu năm 2024 khá tích cực, ước đạt 5,66%, cao nhất kể từ năm 2020 trở lại và thuộc top đầu so với các nước trong khu vực và thế giới. Đạt được kết quả này, nền kinh tế chủ yếu được hỗ trợ bởi năm yếu tố chính.
Một là, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tạo được sự ổn định nhiều mặt cho đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và tạo dư địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hai là, tái cơ cấu và phát triển theo chiều sâu của ngành nông nghiệp đang tạo ra lợi thế và là trụ đỡ vững chắc cho nền kinh tế.
Ba là, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được chú trọng; thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong quý 1/2024 đạt khá, giúp hỗ trợ tăng trưởng cho toàn nền kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Bốn là, cầu tiêu dùng vẫn duy trì khá, thể hiện qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 1/2024 tăng trên 8%. Hoạt động du lịch tăng trưởng mạnh mẽ với hơn 4,6 triệu lượt người trong 3 tháng đầu năm, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2023 tạo động lực lan tỏa tới tăng trưởng của nhiều ngành dịch vụ thị trường khác, như: lưu trú, ăn uống, vận tải, vui chơi giải trí, lữ hành.
Năm là, Chính phủ tiếp tục duy trì chính sách giảm thuế VAT 2% từ ngày 1/7/2023; cùng các chính sách như giảm lãi suất, giảm thuế thu nhập cá nhân, tăng cho vay tiêu dùng; đồng thời giãn, khoanh nợ và tăng hỗ trợ an sinh xã hội,… đều có tác động thúc đẩy tiêu dùng mạnh hơn.
Trong số các động lực kể trên, tôi đánh giá tích cực hơn đối với sự tác động từ phía cầu. Đó là: xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng, du lịch là điểm sáng của kinh tế Việt Nam; đầu tư, đặc biệt đầu tư nước ngoài và đầu tư của nhà nước đã thúc đẩy đầu tư tư nhân có khởi sắc hơn so với năm 2023; cầu tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình trong xu thế tăng trưởng lại sau hàng loạt các chính sách kích cầu tiêu dùng như giảm thuế VAT 2%, lãi suất cho vay tiêu dùng giảm. Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến đang có dấu hiệu tăng trở lại cũng là một chỉ báo cho xu hướng phục hồi kinh tế tốt hơn cho Việt Nam trong thời gian tới.
Tăng trưởng tín dụng cập nhật đến ngày 25/3/2024 đạt 0,26% so với cuối năm 2023, bà nghĩ như thế nào về sức khỏe của khu vực doanh nghiệp? Con số đăng ký thành lập mới và giải thể quý 1/2024 phản ánh điều gì?
Để nhìn nhận rõ nét hơn tình hình đăng ký doanh nghiệp quý 1/2024, cần xem xét qua nhiều khía cạnh.
Về tình hình thế giới, thời gian qua có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường tạo nhiều khó khăn, thách thức về phát triển kinh tế nói chung và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ở trong nước, nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, sức cạnh tranh và chống chịu còn hạn chế, độ mở lớn, doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ (khoảng 95%), nên những biến động của tình hình thế giới tác động lớn và trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nền kinh tế còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc cần khắc phục.
Nối tiếp đà tăng trưởng quý 4/2023, GDP quý 1/2024 tăng 5,66% (trong đó riêng khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 66%); chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) 2 tháng đầu năm đều trên ngưỡng 50 điểm. Như vậy, có thể thấy nền kinh tế nói chung, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng dù gặp nhiều khó khăn, nhưng về tổng thể vẫn có nhiều tín hiệu tích cực theo hướng mở rộng.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp trong quý 1/2024 cho thấy, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 59.848 doanh nghiệp, thấp hơn số doanh nghiệp tạm thời hoặc rút lui khỏi thị trường là 73.978 doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây không phải là hiện tượng bất thường mà có tính chất quy luật của thị trường, thông thường trong ba tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thường chưa nhiều, một phần do các doanh nghiệp còn lên kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện và tình hình tài chính của doanh nghiệp; trong quý 1/2024 có Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp thường có tâm lý qua Tết Nguyên đán mới triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hơn nữa, tình hình doanh nghiệp có một số điểm đáng lưu ý.
Thứ nhất, trong quý 1/2024 có 36.244 doanh nghiệp thành lập mới, là số doanh nghiệp thành lập mới trong quý 1/2024 cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Điều này cho thấy các doanh nghiệp vẫn có niềm tin vào kết quả hoạt động kinh tế của đất nước, vẫn tiếp tục tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, tình hình đăng ký kinh doanh từ đầu năm đến nay có sự cải thiện tích cực, trong đó tháng 3/2024, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động là 17.136 doanh nghiệp, lớn hơn số doanh nghiệp tạm thời hoặc rút lui khỏi thị trường là 10.531 doanh nghiệp.
Thứ ba, trong gần 74 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường quý 1/2024, có đến 53.365 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 72,1%). Điểm đáng chú ý là doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đa phần là doanh nghiệp quy mô nhỏ (vốn dưới 10 tỷ đồng), chiếm gần 90% số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, thời gian hoạt động ngắn (dưới 5 năm), chủ yếu là doanh nghiệp hoạt động trong khu vực dịch vụ (chiếm trên 74%).
Thứ tư, số lượng doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường thấp hơn số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đã xuất hiện từ quý 1/2023, tuy nhiên, mức độ chênh lệch quý 1/2023 không lớn như quý 1 năm nay (quý 1/2023 chênh khoảng trên 3 nghìn doanh nghiệp, quý 1/2024 chênh khoảng 14 nghìn doanh nghiệp).
Thứ năm, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp có xu hướng giảm từ năm 2023 trở lại đây. Giai đoạn 2017-2022, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp cao hơn 10 tỷ đồng, năm 2023 và 2024 giảm còn 9,2 tỷ đồng/doanh nghiệp.
Đầu tư công được kỳ vọng là trợ lực cho tăng trưởng năm 2024. Qua 3 tháng đầu năm, bà đánh giá như thế nào trợ lực này? Kỳ vọng của bà trong những tháng tới là như thế nào?
Quý 1/2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công ngay từ tháng đầu năm. Nhờ đó, tỷ lệ thực hiện vốn đầu tư công so với kế hoạch của quý 1/2024 đạt 13,9%, cao nhất trong các quý 1 từ năm 2019 đến nay. Trong đó: năm 2019 đạt 13,3%; 2020 đạt 11,8%; 2021 đạt 13,7%; 2022 đạt 12,9%; 2023 đạt 12,9%. Số liệu này đã khẳng định sự quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương trong việc đẩy mạnh thực hiện nguồn vốn này ngay từ các tháng đầu năm 2024.
Về kỳ vọng thời gian tới, thực hiện nguồn vốn đầu tư công có tính mùa vụ, quý 1/2024 thường thực hiện thấp nhất so với các quý trong năm, vì trong quý 1, các bộ, ngành và địa phương cần tập trung phân giao kế hoạch vốn đến từng dự án, công trình đủ điều kiện; các dự án khởi công mới cần thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư; quý 1 luôn có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Các yếu tố này đã ảnh hưởng nhất định đến tiến độ thực hiện chung, nên tỷ lệ thực hiện quý 1 luôn có xu hướng thấp nhất so với các quý còn lại. Vốn đầu tư công thực hiện sẽ được đẩy nhanh từ quý 2, nhiều công trình, dự án triển khai tốt sẽ có khả năng thực hiện hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 được giao.
Như vậy, với các nội dung đã phân tích trên, tôi tin tưởng vốn đầu tư công thực hiện các quý tiếp theo sẽ tăng tốc mạnh, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Cả năm 2024 sẽ đạt trên 95% kế hoạch vốn đầu tư công Thủ tướng Chính phủ giao, về đích theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, là yếu tố nòng cốt đóng góp cho tăng trưởng kinh tế năm 2024.
Với diễn biến kinh tế thế giới gần đây cùng nội tại kinh tế trong nước, bà dự báo như thế nào về kinh tế những tháng tới? Theo đó, bà có những lưu ý gì?
Quý 1/2024, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành địa phương đã tập trung xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng, tốc độ tăng GDP quý 1/2024 đạt mức tăng trưởng tích cực với 5,66% cho thấy tăng trưởng của quý 1 đang tạo tiền đề rất tốt cho hoạt động sản xuất năm 2024.
Ngoài ra, nhiều gói hỗ trợ và kích thích kinh tế sau đại dịch Covid-19 của chúng ta thông qua chính sách tiền tệ và tài khóa đang ngấm dần vào nền kinh tế, tác động trực tiếp đến tổng cầu. Đầu tư công tăng những năm gần đây không chỉ tạo nền tảng cho kinh tế phát triển, còn góp phần kích thích đầu tư tư nhân, đặc biệt là có sự gia tăng của đầu tư nước ngoài đang ngày càng tăng cũng sẽ tạo năng lực cho sự phát triển kinh tế cho thời gian tới.
Hoạt động xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng tốt với mức xuất siêu ba tháng đầu năm ước 8,08 tỷ USD, là tín hiệu tích cực cho sự hồi phục sản xuất trong nước. Tiêu dùng trong nước tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng, giảm giá, giảm thuế VAT là điểm sáng để thúc đẩy tăng trưởng của năm 2024.
Thời gian tới, kinh tế thế giới tiếp tục gặp khó khăn, thách thức do cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt hơn, gia tăng căng thẳng địa chính trị; xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine diễn biến phức tạp và kéo dài, xung đột tại Dải Gaza leo thang, các cuộc tấn công hoạt động vận tải tại Biển Đỏ đã ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng hàng hóa, dầu thô, lương thực toàn cầu, gia tăng rủi ro đối với an toàn hàng hải, ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng của các quốc gia trên thế giới. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao nên cũng sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ từ tình hình chung của kinh tế thế giới, do vậy Việt Nam cần chú ý các vấn đề sau:
Một là, hai nền kinh tế lớn và Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa phục hồi lại mức cũ và được dự báo tăng trưởng thấp hơn năm 2023, xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine diễn biến phức tạp và kéo dài, xung đột tại Dải Gaza leo thang, các cuộc tấn công hoạt động vận tải tại Biển Đỏ đều ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất, nhập khẩu cũng như sản xuất của Việt Nam do thời gian vận chuyển giữa các quốc gia kéo dài và chi phí vận chuyển tăng lên.
Hai là, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về thị trường, về nhân lực, công nghệ và vốn.
Ba là, cắt giảm lãi suất của Mỹ cũng sẽ làm dịu lại áp lực trái phiếu quốc tế nhưng cũng có thể sẽ làm giảm xuất khẩu và đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam.
Bốn là, biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn ngày càng gia tăng cũng sẽ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất nông nghiệp của nước ta; sản xuất công nghiệp đã bắt đầu tăng trưởng trở lại nhưng còn nhiều khó khăn do nhu cầu thế giới chưa phục hồi.
VnEconomy 02/04/2024 02:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 14-2024 phát hành ngày 01/04/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam