Kỳ tích từ những đêm công trường “không ngủ” - Ảnh 1
Kỳ tích từ những đêm công trường “không ngủ” - Ảnh 2

Vượt qua những áp lực từ sự tăng giá vật liệu, sự thiếu hụt nguyên vật liệu làm đường và chạy đua với thời gian để kịp tiến độ dự án, năm 2023 hẳn là một năm có nhiều cảm xúc với Ban Quản lý dự án 2 cũng như bản thân ông?

Giống như nhiều đơn vị khác, năm 2023, Ban Quản lý dự án 2 cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn. Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn có những lúc đứng trước nguy cơ “vỡ trận”, thế nhưng, vượt qua nhiều gian khó, dự án đã vượt tiến độ 3 tháng, kịp thông xe kỹ thuật và đưa vào khai thác từ ngày 1/9/2023, đúng dịp Lễ Quốc khánh.

Nhìn lại năm 2023, đối với những người làm trong ngành giao thông vận tải như chúng tôi, thì đây là năm có nhiều biến động nhất trong nhiều năm trở lại đây. Chưa bao giờ các dự án giao thông lại phải đối mặt với nhiều thử thách như vậy.

Trước hết, đó là cơn “bão giá” càn quét khiến giá nhiều loại vật liệu chính tăng cao đột biến, dự án nhiều lúc không thể xoay sở để hoàn thành đúng tiến độ.

Tại các địa phương, các mỏ vật liệu được cấp phép chủ yếu phục vụ nhu cầu của các dự án trên địa bàn nên khi dự án cao tốc được triển khai, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng tăng vọt. Lợi dụng tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu, nhiều chủ mỏ vật liệu xây dựng  nâng giá làm ảnh hưởng đến việc thi công. Để đảm bảo tiến độ, lãnh đạo Ban phối hợp với nhà thầu “bám sát” tỉnh Thanh Hóa để nhanh chóng hoàn thiện thủ tục cấp phép khai thác mỏ mới.

Thứ hai, hệ lụy từ cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến giá nhiên liệu, xăng dầu tăng cao làm đội chi phí thi công trên các công trường xây dựng lên rất cao.

Khó khăn dồn dập khiến nhà thầu gánh chịu nhiều thiệt hại, buộc phải thi công cầm chừng đợi giá xuống. Những khó khăn về tài chính của nhà thầu đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án. Dù nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 vất vả đủ bề, thậm chí lỗ nặng nhưng vẫn quyết tâm nỗ lực bám công trường để kịp tiến độ và đặc biệt là cố gắng trả lương đầy đủ cho công nhân.

Kỳ tích từ những đêm công trường “không ngủ” - Ảnh 3

Thứ ba, thời tiết những tháng đầu năm 2023 rất bất ổn, mưa nhiều, nên ảnh hưởng đến tiến độ. Vì vậy, nhà thầu phải tranh thủ từng ngày, từng giờ khi thời tiết thuận lợi để thi công. Giai đoạn nước rút vào tháng 8/2023, ban ngày nắng nóng thiêu đốt nhưng công nhân, kỹ sư, đội trưởng các nhóm và chỉ huy trưởng vẫn quyết tâm “bám” công trường.

Để chạy đua về tiến độ, thời gian này, cán bộ Ban cùng nhà thầu gần như thức cả đêm để tăng ca, không quản ngại khó khăn, thi công 3 ca, 4 kíp, làm việc không nghỉ cả trong ngày nghỉ, lễ và Tết để sớm hoàn thành và phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án.

Hiểu được những khó khăn và vất vả của nhà thầu, nhiều đêm, anh em trong Ban chúng tôi cũng “trắng đêm” tăng ca, tăng kíp với anh em công nhân và kỹ sư thi công dự án. Mọi người động viên, hỗ trợ lẫn nhau, giữa chủ đầu tư với nhà thầu tư vấn không còn sự cách biệt.

Trong bối cảnh khó khăn, Ban cũng nhận được những chỉ đạo, động viên của Thủ tướng, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải và sự hỗ trợ của địa phương. Nhiều phong trào thi đua được Bộ phát động với mục đích vừa động viên, cổ vũ, vừa là “mệnh lệnh” để anh em nỗ lực thi công, các nhà thầu tập trung huy động nhân lực, thiết bị, tài chính, thi công ngày đêm để thực hiện đúng cam kết thi đua về tiến độ hoàn thành từng gói thầu. Còn các đơn vị tư vấn bám sát hiện trường, giám sát chặt chẽ về quy trình, chất lượng thi công, đẩy nhanh nghiệm thu thanh toán, kịp thời xử lý những điều chỉnh, bổ sung về thiết kế kỹ thuật. Tất cả cùng nỗ lực và quyết tâm đưa công trình sớm về đích.

Đúng như lời Bộ trưởng, trong đấu thầu thì cạnh tranh nhưng sau đó, các nhà thầu đã tương trợ nhau. Chúng tôi đã gọi điện cho các nhà thầu đã hoàn thành ở những những gói thầu khác sang hỗ trợ các gói thầu còn dang dở. Gần hai tháng, chúng tôi ở công trường, cùng sinh hoạt và làm việc với công nhân, tăng ca, tăng kíp, quyết tâm đưa dự án về đích. Sau bao nỗ lực, dự án kịp thông xe ngày 1/9/2023. Năm 2024, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để hoàn thiện các hạng mục phụ còn lại như đường gom, đường ngang qua hầm chui dân sinh, xây dựng trạm dừng nghỉ và một số hàng mục khác để đảm bảo khai thác đồng bộ dự án.

Kỳ tích từ những đêm công trường “không ngủ” - Ảnh 4

Dồn dập thách thức khi triển khai dự án, lãnh đạo Ban chủ động đề xuất những phương án nào để giải quyết những khó khăn kể trên?

Quan trọng nhất là đảm bảo nguồn tiền cho nhà thầu, bởi nhà thầu đã lỗ lại không có dòng tiền, chắc chắn tiến độ sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, Ban Quản lý dự án 2 cố gắng giải quyết nhanh nhạy, linh hoạt trong áp dụng cơ chế giải ngân nhằm hỗ trợ, duy trì năng lực tài chính cho các nhà thầu.

Đặc biệt, chúng tôi lường trước những khó khăn về thủ tục, địa chất để kịp thời xử lý ngay những vướng mắc phát sinh trong quá trình nhà thầu thi công, bởi xây dựng cao tốc trải dài, đi qua các khu vực địa chất khác nhau, nhiều khi khó khăn nằm ngoài dự tính. Chẳng hạn, quá trình thi công qua đoạn nền đất yếu, dễ sụt lún cần phải xử lý ngay về mặt kỹ thuật, điều chỉnh lại thiết kế và phải triệu tập tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, mời các chuyên gia vào xử lý nhanh, đồng thời đưa ra các biện pháp mới kịp tiến độ.

Những bài học kinh nghiệm đúc rút từ các dự án khác cũng được Ban khắc cốt ghi tâm. Chẳng hạn, khâu khảo sát thiết kế cần được chú trọng hơn sau khi xảy ra sự cố ngập lụt tại cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây do khí hậu thay đổi bất thường, không những ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân mà còn tác động đến chất lượng con đường. Vì vậy, vừa làm vừa quan sát để sớm nhận thấy những bất thường và kịp thời xử lý.

Trên tất cả, Ban Quản lý dự án 2 phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được Bộ Giao thông vận tải giao, không để một dự án nào, gói thầu nào hay một hạng mục công trình nào không đảm bảo về chất lượng theo hồ sơ thiết kế được duyệt; giảm thiểu tác động xấu đến môi trường trên các dự án đang thi công, cố gắng không để xảy ra tại nạn giao thông và tai nạn lao động do lỗi chủ quan trên công trường.

Kỳ tích từ những đêm công trường “không ngủ” - Ảnh 5

Chịu chung áp lực đầu tư công nhưng cùng một cơ chế, cùng một chính sách, có những bộ, ngành, cơ quan giải ngân rất tốt, nhưng có những đơn vị giải ngân ì ạch. Theo ông, “nút thắt” nằm ở đâu?

Nút thắt chủ yếu do các cơ chế, chính sách. Các quy định pháp lý liên quan đến Luật Đầu tư công và các luật có liên quan khác dù được bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện song vẫn chưa thật sự đồng bộ. Do đó, các chủ đầu tư, các đơn vị vẫn lúng túng, vướng mắc khi triển khai thực hiện các quy định trong thực tế. Hơn nữa, dự án đầu tư công phải trải qua nhiều khâu, nhiều cấp với quy trình và thủ tục rườm rà, phức tạp.

Công tác tại Ban quản lý dự án từ năm 1996, tôi nhận thấy những năm về trước, công tác giải ngân rất nhanh do các quy định chưa bó buộc cơ quan thực thi. Còn hiện nay các địa phương, các cơ quan gặp nhiều vướng mắc về mặt pháp lý, nhiều đơn vị cũng sợ trách nhiệm, muốn làm tốt nhưng vướng “rừng” luật, từ Luật Lâm nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường… nên cứ gặp vướng mắc khi triển khai là dừng lại để lấy ý kiến.

Rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc chuyển mục đích sử dụng rừng khi triển khai các dự án được ghi nhận. Chẳng hạn, đối với việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên, bất kỳ diện tích nào cũng phải xin ý kiến của địa phương và phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Do đó, quy trình mất thời gian và rất vất vả. Nhiều dự án vướng vào đất rừng thường bị chậm tiến độ thực hiện và tỷ lệ giải ngân vốn thấp. Thậm chí, dự án có nguy cơ bị thu hồi trả lại vốn. Do đó, để tháo gỡ vướng mắc cho vấn đề này, Chính phủ có thể phân cấp cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên như đối với rừng trồng tùy theo diện tích.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp phục vụ dự án giao thông cũng phải đưa vào quy hoạch của địa phương qua nhiều thủ tục rất mất thời gian. Việc giải trình kế hoạch giải ngân trong năm cũng rất mệt mỏi, đơn vị nào không quen xử lý thủ tục sẽ rất vất vả. Công tác giải ngân liên quan đến các quy định về pháp lý, thanh toán, nghiệm thu không cẩn thận cũng dễ sai phạm vì nhiều quy định ràng buộc.

Với các dự án ODA, công tác giải ngân còn rắc rối, trói buộc hơn, nhiều vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách khiến giải ngân vốn ODA chậm trễ, một thay đổi nhỏ cũng phải thực hiện các quy trình dài và phức tạp.

Ngoài ra, thực tế có một số bộ, ngành và địa phương có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công rất tốt, thậm chí vượt cả kế hoạch trong khi nhiều bộ, ngành, địa phương khác lại triển khai ì ạch là do ý thức trách nhiệm và quyết tâm không cao của một bộ phận cán bộ công chức có liên quan đến triển khai và giải ngân dự án đầu tư công. Hay một số trường hợp chậm giải ngân không bị quy trách nhiệm rõ ràng nên xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Kỳ tích từ những đêm công trường “không ngủ” - Ảnh 6

Cả “rừng” luật trói buộc nhưng những năm gần đây, Ban Quản lý dự án 2 luôn đạt tỷ lệ giải ngân cao vì sao, thưa ông?

Ban Quản lý dự án 2 giải ngân tỷ lệ cao một phần do chúng tôi lường trước những vướng mắc như đã phân tích ở trên. Chẳng hạn, với Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Chính phủ Úc tài trợ, chúng tôi nhận thấy dự án đi qua diện tích rừng tự nhiên nên chắc chắn phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

Do đó, Ban đăng ký kế hoạch vốn vừa phải và chủ động giải quyết những vướng mắc pháp lý trước đó. Thông thường, dự án liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phải xử lý nhiều thủ tục, thời gian chuẩn bị mất nhiều thời gian, lên tới khoảng 3-4 năm, trong thời gian thi công lại ngắn, chỉ 2-3 năm. Điểm này Việt Nam cần phải có những thay đổi nhanh chóng để thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông Việt Nam như các quốc gia khác trong khu vực.

Kỳ tích từ những đêm công trường “không ngủ” - Ảnh 7

Bên cạnh những dự án chuẩn bị rất tốn công, mất thời gian, lại có những dự án được tạo điều kiện hơn về cơ chế. Điều này tạo thuận lợi cho dự án khi triển khai ra sao, thưa ông?

Cùng với rút kinh nghiệm từ những khó khăn và bài học triển khai thi công các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, nghị quyết của Quốc hội được các cơ quan tham mưu, đề xuất ban hành nhiều chính sách, cơ chế chính sách đặc thù để tăng tốc xây dựng cao tốc theo mục tiêu đề ra. Theo đó, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn được tạo điều kiện chỉ định thầu theo nghị quyết của Quốc hội, đảm bảo nhanh chóng lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm, giải pháp kỹ thuật khả thi đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tiến độ, hiệu quả nên quá trình thực hiện làm rất nhanh.

Bên cạnh đó, mỏ vật liệu là khâu then chốt, ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông. Các nghị quyết của Chính phủ cũng giúp quy trình thủ tục cấp mỏ vật liệu đặc thù phục vụ các dự án đường bộ cao tốc được rút gọn đáng kể. Ngay từ đầu, Bộ Giao thông vận tải đã tham mưu cho Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù, giao trực tiếp mỏ vật liệu cho nhà thầu khai thác, chủ động về nguồn vật liệu. Chính phủ ban hành nghị quyết cho phép áp dụng cơ chế đặc thù, Bộ Tài nguyên và Môi trường có hướng dẫn rất cụ thể. Vì vậy, dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 sẽ bớt vất vả hơn vì nhà thầu chủ động mỏ vật liệu tốt hơn giai đoạn trước.

Từ bước chuẩn bị dự án cho đến bước tổ chức thi công thông thường là cả một chu trình tốn nhiều thời gian, từ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để được xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, chuẩn bị hồ sơ mời thầu đến việc đấu thầu, lựa chọn nhà thầu. Thấy rõ những vướng mắc từng khâu, lãnh đạo Ban báo cáo với Bộ Giao thông vận tải để chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ đầu. Khâu giải phóng mặt bằng luôn là một “điểm nghẽn” khi triển khai dự án, do đó, với các dự án đi qua hai tỉnh, lãnh đạo Ban vừa phải bám các địa phương, vừa làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường để lấy ý kiến. Chúng tôi cho rằng càng lược bỏ bớt thủ tục bao nhiêu, dự án càng nhanh bấy nhiêu.

Kỳ tích từ những đêm công trường “không ngủ” - Ảnh 8

Dồn lực để đến năm 2025, cả nước có 3.000km đường cao tốc, Ban Quản lý dự án 2 chung sức thực hiện nhiệm vụ này ra sao? Bên cạnh đó, những dự án nào được đơn vị chú trọng triển khai năm tới?

Năm 2024 là giai đoạn nước rút để đạt được mục tiêu 3.000km cao tốc đến năm 2025, vì vậy, Ban cố gắng rút ngắn tiến độ cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đến ngày 31/12/2025 sẽ hoàn thiện thay vì đến năm 2026. Tuyến cao tốc này có 3 hầm, trong đó, hầm số 2 và hầm số 3 đã được đào thông và vượt tiến độ nhiều tháng. Riêng hầm thứ 3 dài 3,2 km do địa chất khá phức tạp gây nhiều lo lắng về kỹ thuật nhưng Ban sẽ cố gắng rút ngắn tiến độ để theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Năm nay, Ban Quản lý dự án 2 xây dựng kế hoạch kế hoạch thực hiện và phấn đấu giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước đạt tối thiểu 95% kế hoạch vốn đã được Bộ Giao thông vận tải giao, với giá trị 6.879,758 tỷ đồng. Trong đó, các dự án vốn ngân sách trong nước: 4.159,815 tỷ đồng, tập trung cho 03 dự án gồm Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Dự án Quốc lộ 45-Nghi Sơn và Dự án Quốc lộ 19, đoạn Km 90-Km 108 trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Còn vốn ODA là 2.719,943 tỷ đồng, tập trung chủ yếu cho 04 dự án ODA là Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, Dự án Quốc lộ 19, Dự án tạo cầu yếu và cầu kết nối cần được xây dựng từ vốn vay Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) giai đoạn 1 và Dự án tạo cầu yếu và cầu kết nối EDCF giai đoạn 2.

Năm 2024, Ban tập trung chỉ đạo các phòng tham mưu và các phòng điều hành dự án, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Giao thông vận tải, nhà thầu tư vấn, nhà thầu xây lắp, các địa phương liên quan, giải quyết dứt điểm những khó khăn vướng mắc, rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức, điều hành các dự án để hoàn thành thực hiện các nhiệm vụ trong năm 2024.

Đặc biệt, Ban tập trung triển khai công trường các gói thầu trong Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025, đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn và thi công hoàn hiện phần vỏ hầm số 1 và 2. Một số đoạn tuyến sẽ thi công đến lớp bê tông nhựa rỗng, thi công đến lớp cấp phối đất dăm gia cố xi măng những đoạn đã được địa phương bàn giao mặt bằng trước ngày 31/12/2024  (khoảng 90%). Về cầu, phấn đấu thi công hoàn thiện một số cầu như cầu lớn Sông Vệ, cầu vượt 624C, cầu vượt Nguyễn Chí Thanh... Dự kiến đến hết năm 2024 đạt khoảng 60% giá trị của dự án.

Như vậy, trong hai năm 2024, 2025, cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn qua hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định sẽ tập trung  triển khai dồn dập. Tết Giáp Thìn đến gần, các kỹ sư, công nhân vẫn miệt mài, hăng say làm việc, thi công xuyên Tết.

Ngoài ra, Ban cũng tập trung cho Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc sử dụng vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á, dự án tiếp tục triển khai thi công 11 gói thầu xây lắp đảm bảo tiến độ, chất lượng để hoàn thành trong các năm tiếp theo.

Kỳ tích từ những đêm công trường “không ngủ” - Ảnh 9

VnEconomy 29/01/2024 08:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 05-2024 phát hành ngày 29-1-2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Kỳ tích từ những đêm công trường “không ngủ” - Ảnh 10