13:01 10/04/2023

Lãi suất giảm, dòng tiền đang trở lại với thị trường chứng khoán

An Phong

Trong chu kỳ lãi suất tăng cao, dòng tiền có dấu hiệu chảy sang kênh tiết kiệm thanh khoản trên thị trường chứng khoán do đó sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy dòng tiền đang quay về với chứng khoán...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong chu kỳ lãi suất ngân hàng tăng cao cùng với tâm lý thận trọng chờ đợi những thông tin chính sách trong nước, thanh khoản trên thị trường chứng khoán suy giảm mạnh.

THANH KHOẢN BẬT TĂNG TRỞ LẠI

Thống kê trong tháng 3 vừa qua, giá trị giao dịch bình quân ba sàn giảm 12,4% so với tháng trước giảm 67,9% so với cùng kỳ xuống 10.147 tỷ đồng. Trong đó, HoSE đạt 8.983 tỷ đồng/ngày giao dịch, giảm 11,3% so với tháng trước; HNX đạt 900 tỷ đồng/ngày giao dịch giảm 17,0% so với tháng trước và UpCOM: 332 tỷ đồng/ngày giao dịch giảm 24,6% so với tháng trước.

Tính chung quý 1 vừa qua, thanh khoản tiếp tục xu hướng giảm so với Quý 4/2022, giá trị giao dịch bình quân trên 3 sàn gồm HoSE, HNX và UpCOM đạt 476 triệu USD/phiên tương đương với 11.162 tỷ đồng/phiên, giảm 19% so với quý liền kề trước đó. Giao dịch thấp đều qua từng tháng cá biệt có những phiên cả ba sàn thấp kỷ lục chỉ đạt 8.000 - 9.000 tỷ đồng dù khối ngoại vẫn duy trì đà mua ròng.

Lãi suất giảm, dòng tiền đang trở lại với thị trường chứng khoán  - Ảnh 1

Tuy nhiên, dòng tiền vào thị trường đã có dấu hiệu cải thiện đáng kể từ tháng 4.  Riêng trong tuần vừa qua, giá trị giao dịch bình quân trên ba sàn đạt 13.400 tỷ đồng tăng mạnh 42% so với tuần liền kề trước đó. Trong đó có phiên thanh khoản lập kỷ lục trong nhiều tháng trở lại với giá tị giao dịch đạt hơn 18.000 tỷ đồng.

Thanh khoản tăng mạnh chủ yếu nhờ tâm lý được cải thiện sau hàng loạt vụ sụp đổ Ngân hàng ở Mỹ và châu Âu đã buộc Fed phải mềm mỏng hơn về chính sách tiền tệ.

Trong cuộc họp tháng 3, FED đã quyết định nâng phạm vi mục tiêu cho lãi suất quỹ liên bang lên 4,75% - 5%. Quan điểm của FED đã bớt “diều hâu” hơn. Những thay đổi đáng chú ý bao gồm việc FED không còn tuyên bố việc "tăng lãi suất liên tục" là phù hợp do tác động của khủng hoảng ngành ngân hàng gần đây. Fed cho biết họ để ngỏ khả năng tăng lãi suất thêm một lần nữa và không cắt giảm lãi suất vào năm 2023.

Tuy nhiên, dự báo thị trường có phần tích cực hơn trong việc nới lỏng so với quan điểm của FED. Cụ thể, thị trường hiện kỳ vọng sẽ không có thêm đợt tăng lãi suất chính sách nào trong năm nay và FED sẽ cắt giảm lãi suất sớm nhất là vào nửa cuối năm 2023 do khả năng xảy ra suy thoái.

Ở trong nước, Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhanh chóng đảo chiều chính sách tiền tệ.

Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, Ngân hàng Nhà nước đã có 2 đợt giảm lãi suất điều hành, theo đó lãi suất tái chiết khấu giảm 1 điểm % xuống 3,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm 0,5 điểm % xuống 5,5%, lãi suất cho vay qua đêm của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng cũng được hạ xuống 6%/năm từ 7%, trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của tổ chức tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên giảm 1 điểm % xuống 4,5%/năm, lãi suất tối đa tiền gửi bằng VND không kỳ hạn dưới 1 tháng và kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm 0,5 điểm %.

Lãi suất giảm, dòng tiền đang trở lại với thị trường chứng khoán  - Ảnh 2

Sau quyết định giảm trần lãi suất huy động của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 3/4 các ngân hàng đã điều chỉnh biểu lãi suất tiền gửi mới với mức giảm mạnh tại nhiều kỳ hạn. Khảo sát tại ngày 6/4, hầu hết các ngân hàng niêm yết lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dưới 6 tháng là 5 - 5,5%/năm. Hầu như không có sự chênh lệch lãi suất giữa 2 kỳ hạn này. Với kỳ hạn 6 tháng, không còn ngân hàng nào niêm yết lãi suất 9%/năm.

THANH KHOẢN SẼ BÙNG NỔ VÀO CUỐI NĂM?

Lãi suất huy động giảm giúp thị trường chứng khoán dần trở nên hấp dẫn hơn. Theo đánh giá của VnDirect, tỷ suất thu nhập trên giá (E/P) của VN-INDEX trung bình trong tháng 3 ở khoảng 8,6% (chưa bao gồm tỷ suất cổ tức là 1,7%). Khoảng cách giữa E/P và lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 12 tháng mở rộng trong tháng 3 khi lãi suất huy động giảm nhưng thị trường chứng khoán vẫn nằm trong xu hướng đi ngang. Việc này đồng nghĩa kênh đầu tư chứng khoán dần trở nên hấp dẫn hơn so với kênh tiền gửi.

"Chính sách tiền tệ nới lỏng và lãi suất thị trường giảm là tín hiệu đầu tiên cho sự dịch chuyển của thị trường chứng khoán từ suy thoái sang phục hồi. Nhìn lại quá khứ, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến khá tích cực sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành", VnDirect nhấn mạnh. 

Lãi suất giảm, dòng tiền đang trở lại với thị trường chứng khoán  - Ảnh 3

Chứng khoán BSC cho rằng Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đầu tư công bên cạnh động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN sẽ tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa trên thị trường. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô từng bước khởi sắc sau Quý 1 không được như kỳ vọng. Khối ngoại tiếp tục duy trì trạng thái mua ròng trên thị trường bên cạnh hoạt động sôi nổi trở lại của các ETF.

Nhờ đó thanh khoản dự báo dao động ở mức 0,6-0,7 tỷ USD/phiên tương đương 16.000 tỷ đồng/phiên trong kịch bản hướng đến vùng 1.095 – 1.110 điểm trong tháng 4/2023.

Nhìn xa hơn, Chứng khoán PHS kỳ vọng thanh khoản của hệ thống có thể sẽ được cải thiện hơn trong năm 2023 sau khi FED giảm tốc độ tăng lãi suất cùng với việc hệ thống tài chính Việt Nam được kỳ vọng sẽ ổn định trở lại. Do đó,  dự báo giá trị giao dịch tại Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) & Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) trong năm 2023 có thể đạt 21.191 tỷ đồng mỗi phiên (bao gồm cả giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh). 

Thanh khoản thị trường tháng 4 sẽ được cải thiện hơn so với tháng 3 từ 10-20% nhờ động lực dòng tiền đến từ các quỹ ETF ngoại (rõ ràng nhất là quỹ Fubon ETF) dẫn dắt nhà đầu tư trong nước. Dẫn chứng là trong những phiên cuối của tháng 3, thanh khoản đã cải thiện gần 30% so với vùng đáy của tháng. Thêm vào đó, các mã cổ phiếu mà quỹ ETF tập trung giải ngân thường có vốn hoá lớn nên được kỳ vọng có ảnh hưởng tích cực và dẫn dắt thị trường, Chứng khoán ABS cũng đồng quan điểm.