Dòng tiền chán nản, thanh khoản sụt giảm mạnh
Quyết định vẫn tăng lãi suất đêm qua và sẽ không hạ lãi suất trước năm 2024 của FED khiến các thị trường trở nên thận trọng. Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm kéo theo chứng khoán trong nước cũng suy yếu. Mặc dù điểm số giảm không bao nhiêu, VN-Index mất 0,44%, nhưng độ rộng rất hẹp. Đặc biệt dòng tiền gần như “đóng băng”, kéo thanh khoản xuống thấp nhất 20 phiên...
Quyết định vẫn tăng lãi suất đêm qua và sẽ không hạ lãi suất trước năm 2024 của FED khiến các thị trường trở nên thận trọng. Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm kéo theo chứng khoán trong nước cũng suy yếu. Mặc dù điểm số giảm không bao nhiêu, VN-Index mất 0,44%, nhưng độ rộng rất hẹp. Đặc biệt dòng tiền gần như “đóng băng”, kéo thanh khoản xuống thấp nhất 20 phiên.
Thanh khoản nhỏ có thể xem là một tín hiệu tích cực lúc này khi áp lực bán không nhiều. Tổng giá trị khớp hai sàn niêm yết đạt 2.487 tỷ đồng, giảm 33% so với sáng hôm qua. HoSE giảm 32%, đạt 2.221 tỷ đồng.
Tuy nhiên thị trường vẫn đang cầm cự được nhờ bên bán, thay vì có lực cầu đỡ. Độ rộng của VN-Index cuối phiên chỉ có 92 mã tăng/232 mã giảm. Thời điểm VN-Index hồi tích cực nhất (còn giảm 0,26% so với tham chiếu), độ rộng vẫn là 116 mã tăng /200 mã giảm.
VN-Index may mắn vẫn còn một số trụ nâng đỡ, tiêu biểu là VCB với mức tăng 0,34%, PLX tăng 0,86%, TPB tăng 0,69%. VNM, SSI, VJC cũng nằm trong số tăng, nhưng biên độ không đáng kể. VN30-Index đang giảm 0,47% chỉ với 6 mã tăng/21 mã giảm. Lao dốc nặng nhất là MSN giảm 2,24%, VRE giảm 1,68%, VIB giảm 1,21%, BCM giảm 1,1%, GVR giảm 1,03%.
Toàn sàn HoSE hiện đang có 80 cổ phiếu giảm với biên độ trên 1%, đại đa số thanh khoản rất thấp. Chỉ có 8 mã trong số này đạt thanh khoản trên 10 tỷ đồng. Điều này hàm ý áp lực bán tương đối yếu, chỉ là bên mua “mất hút”.
Với độ rộng quá kém, cổ phiếu đi ngược dòng sáng nay chỉ là những mã đơn lẻ, khó đại điện cho nhóm ngành. VPB giao dịch lớn nhất thị trường với 140,7 tỷ đồng, giá chỉ tham chiếu. VCI tăng 1,7%, SSI tăng 0,25% nhưng đa số cổ phiếu nhóm chứng khoán vẫn giảm. Ngân hàng chỉ có 3/27 mã là tăng giá. CTD tăng 3,63%, NLG tăng 1,3%, KDC tăng 1,26%, PAN tăng 1,25%, DGW tăng 1,07% là các mã khá mạnh và có giao dịch sôi động, nhưng cũng không mag tính đại diện.
Khối ngoại sáng nay vẫn duy trì vị thế bán ròng trên HoSE, dù giá trị chỉ -43,3 tỷ đồng. Thông thường dòng vốn này sẽ giao dịch mạnh hơn buổi chiều, nên vị thế hiện tại không đáng chú ý, nhất là khi giá trị mua bán tuyệt đối cũng nhỏ. VCB đang bị bán ròng lớn nhất -79,6 tỷ đồng, CTG -36,5 tỷ, PLX -17,9 tỷ, MSN -17,6 tỷ. Phía mua chỉ có VHM +24,7 tỷ, SSI +13,3 tỷ là đáng kể.
So với sáng hôm qua, cường độ giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài không thay đổi nhiều, nhưng thanh khoản chung lại giảm rất mạnh. Như vậy dòng vốn của nhà đầu tư trong nước đã co hẹp lại. Mặc dù FED tăng lãi suất 0,25% là đúng với mong đợi của thị trường, nhưng thông điệp sau đó lại hơi khác. Trong khi thị trường kỳ vọng nếu có tăng thì đây sẽ là đợt tăng cuối cùng và FED sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào cuối năm 2023. Phát biểu trong họp báo, FED lại phát tín hiệu khác, sẽ còn ít nhất một đợt tăng lãi suất nữa và sẽ không hạ lãi suất trong năm nay.
Các thông tin liên quan đến FED ít có ảnh hưởng thực tế tới Việt Nam, chủ yếu là tác động tâm lý. Tuy nhiên lúc này thị trường không có bất kỳ thông tin nào “tươi sáng” để trông đợi, nếu không muốn nói là lo ngại về kết quả kinh doanh quý 1/2023. Vì vậy dòng tiền càng không có lý do nào để hoạt động mạnh hơn.