Lạm phát tăng là mối lo nhất với thị trường chứng khoán 2022?
Sau khi tăng điểm kéo dài cùng với sự gia tăng quá mạnh của dòng tiền đầu tư cá nhân, thị trường chứng khoán Việt Nam đang đối mặt với rủi ro lạm phát tăng cao và ảnh hưởng của cuộc xung đột chính trị Nga - Ukraine...
Với những thành quả đã đạt được trong năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng lớn hơn trong năm 2022. Tuy nhiên cũng cần nhấn mạnh rằng, trong quá khứ, khi thị trường tăng điểm kéo dài cùng với sự gia tăng quá mạnh của dòng tiền đầu tư cá nhân luôn tiềm ẩn những rủi ro khó lường.
Theo báo cáo của Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), có 2 nhóm rủi ro hàng đầu có thể kéo tăng trưởng xuống thấp hơn kỳ vọng, bao gồm: (i) lạm phát tăng cao và xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ; (ii) xung đột chính trị Nga-Ukraine.
Cụ thể, áp lực lạm phát đến từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng, đà leo thang của giá nhiên, nguyên, vật liệu và sự gia tăng đột biến trong tổng cầu. Tỷ lệ lạm phát đã tăng lên mức cao kỷ lục trong vòng 40 năm qua tại nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Anh, EU… khi xung đột tại Ukraine làm giá năng lượng, thực phẩm tăng mạnh và đè nặng lên tăng trưởng nền kinh tế. Theo đó buộc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương phải nâng mức lãi suất.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã thực hiện tốt việc kiềm chế lạm phát (qua việc quản lý giá đối với nhiều loại hàng hóa và dịch vụ thiết yếu) hơn là theo đuổi chính sách lạm phát mục tiêu.
Thời gian qua, Chính phủ đã chủ động chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, bình quân 5 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2021 và thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,25%). Như vậy so với mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% thì hiện tại dư địa không còn nhiều.
Đối mặt với nhiều diễn biến phức tạp trong và ngoài nước, VN-Index đã điều chỉnh giảm khá sâu trong 5 tháng đầu năm. Từ mức đỉnh hơn 1.500 điểm xác lập trong tháng 1, VN-Index có thời điểm giảm mạnh về mức dưới 1.200 điểm và có nhịp hồi phục khá tích cực vào 2 tuần cuối của tháng 5.
Đồng thời, thị trường bắt đầu xuất hiện những quan điểm thận trọng về triển vọng tăng trưởng. Chỉ có khoảng 31% số chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng tham gia khảo sát do Vietnam Report thực hiện trong tháng 5/2022 cho rằng thị trường sẽ tiếp tục sôi động và diễn biến tích cực.
"Phần lớn ý kiến được khảo sát cho rằng thị trường sẽ có nhiều biến động và những cú sốc mới hoặc diễn biến trầm lắng, thanh khoản cầm chừng, theo đó, tăng trưởng VN-Index cuối năm 2022 sẽ ở mức dưới 10%", báo cáo của Vietnam Report nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Vietnam Report cũng cho rằng, một trong những mục tiêu của chứng khoán Việt Nam là sớm nâng hạng trong thời gian tới. Việc nâng hạng thị trường đồng nghĩa với việc nâng chất để đáp ứng các tiêu chí đặt ra, từ đó, thu hút thêm lượng lớn vốn ngoại, giúp chứng khoán Việt Nam phát triển nhanh, minh bạch và bền vững.
Các tiêu chí nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi tập trung vào hai yếu tố chính: quy mô và thanh khoản của thị trường (định lượng) và khả năng tiếp cận thị trường (định tính).
Vấn đề chính của Việt Nam là những tiêu chuẩn định tính. Những biện pháp thanh lọc thị trường thời gian vừa qua của Chính phủ cũng nằm trong nỗ lực tiếp cận các tiêu chuẩn định tính. Thêm vào đó là việc đẩy nhanh quá trình thử nghiệm, sớm hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin KRX để đưa vào vận hành, tạo điều kiện để triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới.
Được biết, theo dữ liệu từ Bloomberg, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang là thị trường hiếm hoi trong khu vực châu Á được khối ngoại mua ròng liên tục tính từ đầu năm đến nay.
"Điều này phần nào củng cố thêm cho nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sớm bước qua giai đoạn biến động hiện nay và sẽ ổn định, phục hồi và phát triển bền vững hơn trong thời gian tới", báo cáo của Vietnam Report nhấn mạnh.