12:05 02/06/2022

Blue-chips tụt lùi, cổ phiếu bán lẻ, chứng khoán mạnh vượt trội

Kim Phong

Số lượng cổ phiếu giảm giá áp đảo trong rổ VN30 sáng nay các nhận nguy cơ điều chỉnh ở chỉ số. Top 5 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất của VN-Index đều đỏ, khiến chỉ số này đang giảm 1,98 điểm tương đương 0,15%. Tuy vậy thị trường vẫn có nhiều cổ phiếu giao dịch tích cực...

Thị trường đang phân hóa mạnh, ngay cả ở những nhóm cổ phiếu mạnh nhất.
Thị trường đang phân hóa mạnh, ngay cả ở những nhóm cổ phiếu mạnh nhất.

Số lượng cổ phiếu giảm giá áp đảo trong rổ VN30 sáng nay các nhận nguy cơ điều chỉnh ở chỉ số. Top 5 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất của VN-Index đều đỏ, khiến chỉ số này đang giảm 1,98 điểm tương đương 0,15%. Tuy vậy thị trường vẫn có nhiều cổ phiếu giao dịch tích cực.

Nhóm cổ phiếu bán lẻ sáng nay tăng tốt dù ảnh hưởng tới chỉ số rất hạn chế. Thị trường lúc này khó tìm được tiếng nói chung về mặt chỉ số, do dòng tiền quan tâm nhiều tới cơ hội cụ thể.

PET tăng kịch trần, PNJ tăng 4,94%, MWG tăng 2,34%, FRT tăng 3,42%, DGW tăng 2,41% là những đại diện xuất sắc nhất trong nhóm cổ phiếu bán lẻ. 3 trong số này lọt vào Top 10 thanh khoản cao nhất thị trường phiên sáng và dều khớp tối thiểu từ 150 tỷ đồng trở lên mỗi mã. Điều này cho thấy dòng tiền tổng thể tuy không có gì ấn tượng, nhưng từng cổ phiếu vẫn có sức hấp dẫn riêng.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng có hai đại diện lọt Top 10 thanh khoản và giá tăng, là SSI tăng 0,51%, VND tăng 0,2%. Mức tăng nhẹ này cho thấy sự bất lợi nhất định đối với các mã thanh khoản lớn. Nhóm cổ phiếu chứng khoán nhỏ mạnh hơn nhiều: AAS tăng 4,55%, SHS tăng 3,8%, FTS tăng 2,48%, VCI tăng 2,55%, SBS tăng 2,25%.

VN-Index trồi sụt biên độ hẹp do cổ phiếu phân hóa rất mạnh.
VN-Index trồi sụt biên độ hẹp do cổ phiếu phân hóa rất mạnh.

Với 157 mã tăng/295 mã giảm trên HoSE, hiện tượng phân hóa vẫn đang lặp lại và không có tính chất nhóm ngành rõ rệt. Hầu hết các nhóm từ bất động sản tới ngân hàng hay thậm chí là dầu khí cũng vẫn có cổ phiếu tăng giá. Một danh mục đầu tư được đa dạng hóa và chọn cổ phiếu tốt sẽ giúp cân bằng trong tình thế thị trường luân chuyển giữa các nhóm ngành liên tục.

Đối với chỉ số, câu chuyện không phải nhóm ngành mà là vốn hóa. VCB lao dốc 1,12%, HPG giảm 2,04%, VIC giảm 1,01% là top 3 mã ảnh hưởng nhiều nhất, khoảng 3 điểm. Độ rộng của VN30 chỉ là 8 mã tăng/20 mã giảm thì mức độ phân hóa cũng tập trung ở nhóm vốn hóa trung bình: 7 cổ phiếu tăng giá trên 1% và 7 mã khác cũng giảm trên 1%. Phía tăng thì GVR, MWG, ACV, NVL, PNJ không đủ vốn hóa để cân bằng. VN30-Index chốt phiên sáng giảm 0,02%.

Việc chỉ số ngập ngừng đã 4 phiên liên tục với biên độ rất hẹp thể hiện sự co kéo chính ở các mã trụ. Tuy nhiên trong 4 phiên này cổ phiếu nào mạnh vẫn tăng tốt. Sự luân chuyển dòng tiền giữa các nhóm cổ phiếu và giữa các nhóm ngành đem đến cơ hội riêng lẻ, một sức hấp dẫn giữ dòng tiền lại trong thị trường giữa bối cảnh tổng thanh khoản đang rất thấp.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đang tập trung khá nhiều mã tăng giá mạnh, nhưng thanh khoản là vấn đề. Trong 50 cổ phiếu tăng vượt 2% sáng nay thì chỉ có 3 mã giao dịch trên 100 tỷ đồng thanh khoản là PNJ, VCI và MWG; 11 mã khác thanh khoản trên 50 tỷ đồng. Chỉ số đại diện nhóm Midcap đang giảm 0,06%, thanh khoản 3.082,8 tỷ đồng, Smallcap tăng 0,56%, giao dịch 1.318 tỷ đồng.

Khối ngoại xả khá lớn ở nhóm blue-chips là một sức ép đáng chú ý. Tổng giá trị bán trong rổ VN30 đạt 409,4 tỷ đồng, chiếm gần 15% thanh khoản cả rổ. Giá trị bán ròng đạt 165,6 tỷ đồng, với HPG -70,8 tỷ, VIC -53,1 tỷ, GAS -39,9 tỷ, STB -17,2 tỷ. Ngoài ra, DPM bị bán ròng 43,5 tỷ, DCM -29,5 tỷ, GMD -24,8 tỷ, LPB -15,5 tỷ, PVD -15 tỷ là những cổ phiếu khác khiến vị thế bán ròng chung cả sàn HoSE của khối ngoại đạt 346,3 tỷ đồng.