Lao động hồi hương: Khi địa phương cùng vào cuộc hỗ trợ đào tạo việc làm  - Ảnh 1

Làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp cộng với thời gian giãn cách xã hội kéo dài tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam đã khiến nhiều lao động phải nghỉ việc về quê. Dự kiến số lao động quay trở lại làm việc chỉ còn khoảng 60-70%...

Lao động hồi hương: Khi địa phương cùng vào cuộc hỗ trợ đào tạo việc làm  - Ảnh 2
Lao động hồi hương: Khi địa phương cùng vào cuộc hỗ trợ đào tạo việc làm  - Ảnh 3

Theo báo cáo của Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong quý 2/2021, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị tác động tiêu cực, bao gồm bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…

Đáng chú ý, từ cuối tháng 6 với sự bùng phát mạnh của đợt dịch thứ 4 tại TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam, khiến cho 21 tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, trong đó có các tỉnh tập trung phần lớn khu công nghiệp, khu chế xuất.

Thống kê của của 54 tỉnh, thành phố cho thấy, 9,94% doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh; số lao động tạm ngừng việc gần 4 triệu người (20% tổng số lao động).

Do dịch diễn biến ngày càng phức tạp, số ca F0 tăng lên không ngừng tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, thời gian thực hiện giãn cách xã hội kéo dài từ cuối tháng 6 đến nay, tạo ra sức ép về chi phí sinh hoạt cũng như tâm lý tránh những khu vực đông dân cư, nguy cơ lây nhiễm bệnh cao đã khiến cho nhiều người lao động phải nghỉ việc về quê.

Luồng di chuyển lao động chủ yếu từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An về ngược lại các tỉnh khu vực Tây Nguyên, miền Trung. Theo thống kê nhanh của các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nhu cầu lao động được trở về quê ngày càng cao, với hơn 50.000 người đăng ký với chính quyền địa phương.

Lao động hồi hương: Khi địa phương cùng vào cuộc hỗ trợ đào tạo việc làm  - Ảnh 4

Cục Việc làm dự báo, số lao động về quê quay trở lại làm việc chỉ còn khoảng 60-70%, nên nguy cơ thiếu hụt lao động để phục hồi trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát sẽ xảy ra ở các thành phố, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất. Ngược lại, sẽ dư thừa lao động ở những nơi cung lao động lớn, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, có thể tạo nên một nghịch lý lớn về cung – cầu lao động.

Với các địa phương có đông người lao động trở về trong dịp này, đặc biệt tại các tỉnh miền Trung có thể gặp sức ép tạo việc làm trong thời gian tới. Tuy nhiên, sự trở về của nhiều lao động từ phía Nam lần này cũng được nhìn nhận có thể sẽ tạo ra nguồn nhân lực đáng kể, nhất là những lao động có tay nghề cao cho các địa phương. Vì vậy, nhiều địa phương sau khi đón người dân về quê đang có kế hoạch để tạo việc làm cho người lao động.

Lao động hồi hương: Khi địa phương cùng vào cuộc hỗ trợ đào tạo việc làm  - Ảnh 5

Tại Thanh Hóa, theo báo cáo của Sở Lao động -Thương binh và Xã hội, trong đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát, thống kê từ ngày 27/4 – 20/8, Thanh Hóa có hơn 17.000 người trở về từ vùng dịch, trong đó hơn 15.000 người về từ các tỉnh, thành phố phía Nam.

Trong số lao động trở về từ vùng dịch, dự kiến có khoảng 10.000 lao động có nhu cầu học nghề và tìm việc làm ở quê, trong khi khảo sát cho thấy nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn hiện là hơn 20.000 lao động.

Ông Lê Đình Tùng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết, người lao động của tỉnh sau khi trở về từ vùng dịch hoàn thành cách ly sẽ được đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn của tỉnh. 

Ngoài ra, nếu người lao động có nhu cầu vay vốn tự tạo việc làm, sẽ được ưu tiên vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội, lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo.

Lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa cũng thông tin thêm, với yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông nên khả năng giải quyết việc làm cho lao động trở về từ vùng dịch của tỉnh dự kiến đáp ứng được khoảng 90%. 

Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa cũng đang thực hiện đa dạng hóa các hình thức cung cấp thông tin thị trường lao động trong việc hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu của người lao động và doanh nghiệp, nhất là lao động khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, góp phần giải quyết việc làm tại địa phương.

Cũng là một trong những địa phương có số lao động trở về từ phía Nam lớn trong đợt dịch này, mới đây Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An cũng đề xuất tạo việc làm lâu dài cho người lao động hồi hương, đặc biệt là người dân miền núi.

Được biết theo đề án 5 năm tới, tỉnh Nghệ An sẽ tăng lao động nội tỉnh từ 37% lên 66%, giảm lao động ngoại tỉnh; xuất khẩu lao động giảm một phần, tăng cường giải quyết việc làm tại chỗ. Với đề án này, tỉnh Nghệ An cũng đang chú trọng việc giữ chân người lao động ở lại quê hương. Cùng với tạo việc làm, việc hỗ trợ cho người lao động cũng được các địa phương trong tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Lao động hồi hương: Khi địa phương cùng vào cuộc hỗ trợ đào tạo việc làm  - Ảnh 6

Tại Hà Tĩnh, để tạo việc làm cho lao động hồi hương từ vùng có dịch, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh thông báo sẽ tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho người lao động trở về từ các tỉnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm online, phiên cố định ngày 15 tại thành phố Hà Tĩnh, ngày 20 tại Sàn giao dịch việc làm Kỳ Anh và các phiên giao dịch việc làm dành riêng cho doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn.

Qua khảo sát, hiện nay trên địa bàn tỉnh có rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn như: Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Công ty may Haivina Hồng Lĩnh, Công ty CP may xuất khẩu MTV, Công ty cổ phần TTH Hà Tĩnh, Công ty cổ phần Gang thép Vũng Áng…với chỉ tiêu tuyển dụng hơn 3.000 lao động ở đa dạng các ngành nghề.

Theo ông Nguyễn Trí Lạc, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh, thời gian tới, tỉnh đang có kế hoạch đẩy mạnh thu hút đầu tư, thực hiện các công trình, dự án trọng điểm để người lao động trở về quê hương làm việc. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng lao động, giải quyết việc làm cho công dân Hà Tĩnh để giữ chân người lao động.

Lao động hồi hương: Khi địa phương cùng vào cuộc hỗ trợ đào tạo việc làm  - Ảnh 7

Dưới góc độ quản lý nhà nước, Cục Việc làm dự báo, thị trường lao động Việt Nam đang tồn tại tiềm ẩn nguy cơ mang tính dài hạn cả về phía cung lẫn cầu lao động. Trong bối cảnh đó, cần triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68 và Quyết định số 23. Đặc biệt, ưu tiên thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng và hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.

Lao động hồi hương: Khi địa phương cùng vào cuộc hỗ trợ đào tạo việc làm  - Ảnh 8