09:09 04/04/2025

Lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed bị ảnh hưởng sau khi Mỹ ra đòn thuế đối ứng với 60 quốc gia?

Thu Minh

Việc thương chiến kéo dài sẽ làm chậm lộ trình hạ lãi suất của Fed, nâng cao rủi ro về đình lạm (Stagflation) tại Mỹ trong khi gia tăng áp lực tỷ giá đối với Việt Nam...

Hoa Kỳ hôm qua (3/4) đã gia tăng căng thẳng thương mại toàn cầu bằng cách áp đặt mức thuế đồng loạt 10% lên hơn 180 quốc gia, trong đó có 60 quốc gia phải chịu mức thuế đối ứng từ 10% đến 50%. Đặc biệt, Việt Nam bị áp mức thuế nhập khẩu lên tới 46%, cao hơn đáng kể so với nhiều nền kinh tế lân cận khác.

Mức thuế cao này được lý giải là nhằm đối phó với các rào cản phi thuế quan và những lo ngại liên quan đến thao túng tiền tệ. Chính sách thuế này được triển khai theo lộ trình từng bước, bao gồm thuế 25% đối với ngành ô tô (3/4), thuế đồng loạt (5/4), và các biện pháp đối ứng (9/4). Cách tiếp cận theo từng giai đoạn này cho thấy chiến lược nhằm tối đa hóa lợi thế đàm phán, đồng thời giảm thiểu tác động tức thời đến giá cả nội địa tại thị trường Hoa Kỳ.

THUẾ ĐỐI ỨNG MỚI KHIẾN RỦI RO LẠM PHÁT GIA TĂNG TẠI MỸ

Theo phân tích của Mirae Asset, dù nhiều tổ chức nghiên cứu vẫn duy trì quan điểm lạc quan rằng các thông báo gần đây về thuế quan đối ứng chủ yếu nhằm tăng đòn bẩy đàm phán cho Mỹ, song tác động của các mức thuế này lên hàng hóa nhập khẩu sẽ nhanh chóng ảnh hưởng đến mặt bằng giá trong nước, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt hàng ngày của hộ gia đình tại Mỹ. 

Áp lực lạm phát càng trở nên hiện hữu khi Mỹ đã dần đánh mất lợi thế cạnh tranh trong sản xuất các mặt hàng thiết yếu như may mặc và thực phẩm vào tay các nền kinh tế mới nổi tại châu Á - vốn có lợi thế về chi phí gia công thấp, trong khi nền kinh tế Mỹ đã chuyển dịch cơ cấu theo hướng dịch vụ và công nghệ cao.

Theo nghiên cứu được Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) công bố năm 2021, Thương Chiến đợt 1 chủ yếu nhắm vào Trung Quốc cho thấy mức độ chuyển dịch thuế quan tại biên giới gần như ghi nhận 100% chi phí thuế được chuyển sang người tiêu dùng trong nước. Trong khi đó, điểm khác biệt then chốt trong Thương mại 2.0 là cách tiếp cận chưa từng có của Mỹ khi áp thuế với hầu hết các quốc gia, bao gồm cả đồng minh lâu năm và đối thủ, ngoại trừ Nga loại trừ do lệnh cấm vận.

Theo đánh giá của Mirae Asset, chiến lược áp thuế toàn diện này nhiều khả năng sẽ tạo ra những rạn nứt đáng kể trong thương mại quốc tế đồng thời đe dọa xu hướng toàn cầu hóa.

Trong biên bản dự phóng kinh tế tháng 3 được FOMC công bố, các quan chức Fed đã điều chỉnh tăng dự báo lạm phát cơ bản PCE năm 2025 lên 2,8% so với cùng kỳ, cao hơn đáng kể so với mức 2,5% được dự báo vào tháng 12/2024. Triển vọng tăng trưởng GDP năm 2025 đã được điều chỉnh giảm từ 2,1% xuống 1,7%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ tăng nhẹ lên 4,4%.

Đáng chú ý, FOMC đã bày tỏ quan ngại về tác động của chiến tranh thương mại thông qua kết quả dự phóng, mặc dù các dự báo cơ sở ban đầu chưa tính đến các mức thuế ở quy mô hiện tại ngoại trừ mức thuế toàn diện mang tính "chiết khấu" 10% áp dụng cho tất cả các quốc gia còn lại. Bối cảnh chiến tranh thương mại hiện tại, cùng với các biện pháp thuế quan trả đũa dự kiến, nổi lên như một biến số quan trọng có thể ảnh hưởng đáng kể đến lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed trong suốt năm 2025.

LỘ TRÌNH HẠ LÃI SUẤT CỦA FED SẼ CHẬM LẠI?

Mirae Asset duy trì sự lạc quan nhất định rằng việc áp thuế đối ứng ở thời điểm hiện tại tiếp tục đóng vai trò là đòn bẩy dùng trong đàm phán thương mại với thời gian được giới hạn đến trước ngày 9/4. 

Trong trường hợp tích cực, kỳ vọng Việt Nam sẽ thành công trong việc hạ mức thuế đối ứng về mức tối thiểu (10%) với các động thái chủ động nhượng bộ như việc giảm thuế suất nhập khẩu tối huệ quốc (MFN) kể từ ngày 31/03 (Nghị định 73/2025/NĐ-CP) với nhiều mặt hàng có lợi cho phía Mỹ như ô tô, LNG, Ethanol, sản phẩm gỗ cùng nhiều mặt hàng nông sản khác như đùi gà đông lạnh, hạnh nhân và hạt dẻ trong khi đẩy mạnh các thương vụ nhập khẩu đối với LNG và máy bay nhằm thu hẹp mức thâm hụt thương mại.

Một yếu tố khác là phần lớn tỉ trọng hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ đến từ các doanh nghiệp FDI với các mặt hàng như Máy vi tính & sản phẩm điện tử (Intel, HP, Dell), Máy móc & thiết bị (Rockwell Automation), Điện thoại (Samsung, Foxconn).

Do đó việc áp thuế đối ứng hiện tại sẽ là thách thức lớn đối với mặt bằng giá tiêu dùng của các thiết bị điện tử tại Mỹ cũng như khả năng sinh lời của các doanh nghiệp trong nước trong khi việc chuyển dịch nhà máy không thể xảy ra nhanh chóng và cần phải bù đắp bằng chi phí nhân công, mặt bằng cao hơn đáng kể so với các quốc gia tại Châu Á.

Dù vậy, việc áp thuế đối với các mặt hàng trọng yếu của các doanh nghiệp nội địa của Việt Nam như dệt may và giày dép sẽ là rủi ro cần phải theo dõi dù mức độ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP và ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán là không đáng kể khi so sánh về tỉ trọng vốn hóa so với các ngành trọng điểm như Ngân hàng và Bất động sản.

Điểm sáng đến từ việc lộ trình hạ lãi suất của Fed vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể về dài hạn so với giai đoạn trước ngày công bố về thuế đối ứng. Tuy nhiên, Mirae Asset tỏ ra thận trọng trước việc Thương chiến kéo dài sẽ làm chậm lộ trình hạ lãi suất của Fed, nâng cao rủi ro về đình lạm (Stagflation) tại Mỹ trong khi gia tăng áp lực tỷ giá đối với Việt Nam.

Hiện tại, mức chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ vẫn cần mức giảm ít nhất 50 điểm cơ bản đến từ Fed (FFR) để duy trì mức trung tính nhằm gia tăng dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ tại Việt Nam và ổn định thanh khoản hệ thống liên ngân hàng trong nước. Do đó, tỉ giá tiếp tục là rủi ro đáng theo dõi ở giai đoạn tiếp theo dù chỉ số DXY vẫn đang tiếp tục giảm sâu nhằm thu hút dòng vốn trở về Mỹ với môi trường lãi suất cao.

Sau khi đón nhận thông tin về thuế đối ứng, tỷ giá tại Việt Nam đã nhanh chóng phản ứng với việc tỷ giá niêm yết bán tại Vietcombank đã nhanh chóng tăng lên 26000 VND/USD – cao hơn mức giá trên thị trường tự do; kéo theo mức tăng của tỷ giá trung tâm và vùng can thiệp của Ngân hàng nhà nước. Mức mất giá kể từ đầu năm hiện ghi nhận 1,33% trong khi DXY giảm về dưới mốc 103.

Trong kịch bản tích cực, phản ứng của tỷ giá ở hiện tại chưa phản ánh sự thay đổi toàn diện về động thái điều hành của SBV, đặc biệt khi mức mất giá tính từ đầu năm vẫn nằm trong phạm vi cho phép (3% ~ 5%) và lộ trình hạ lãi suất của Fed dự kiến sẽ được tiếp diễn dù có thể chậm hơn dự kiến và đẩy lùi về giai đoạn cuối năm.